Sơ cứu và xử trí khi bị trầy xước giác mạc
Giác mạc mỏng là phần dễ bị tổn thương nhất ở vùng mắt. Chỉ cần tiếp xúc với bụi, đất, cát thậm chí mép một tờ giấy có thể gây trầy xước hoặc rách giác mạc. Vậy khi bị trầy xước giác mạc ta cần làm gì?
Nội Dung Chính
1. Trầy xước giác mạc là gì?
Giác mạc là một cấu trúc trong suốt nằm ngay trước phần tròng đen của mắt. Nó có vai trò bảo vệ mắt và giúp hội tụ ánh sáng. Trầy xước giác mạc là khi giác mạc bị một vết xước hoặc vết cắt trúng lên nó.
2. Nguyên nhân gây trầy xước giác mạc
Việc tiếp xúc với bụi bẩn, cát, mùn cưa, các mảnh kim loại nhỏ, thậm chí là các cạnh giấy cũng có thể gây xước hoặc rách giác mạc. Thông thường, khi vết xước nông (trên bề mặt) được gọi là xước giác mạc. Một số trường hợp vết xước bị nhiễm trùng dẫn đến loét giác mạc rất nghiêm trọng. Trầy xước giác mạc gây ra bởi các loại thực vật (như lá thông) có thể gây nên tình trạng viêm dai dẳng trong mắt gọi là viêm mống mắt.
3. Làm sao để nhận ra bị trầy xước giác mạc?
Giác mạc rất nhạy cảm, do đó trầy xước giác mạc thường sẽ gây cho bạn cảm giác khá đau đớn. Nó tạo cảm giác như có hạt cát hoặc hạt sạn ở trong mắt. Khi đó mắt bạn có thể sẽ đỏ, mờ hoặc chảy nước mắt. Bạn sẽ cảm giác rằng đến ánh sáng cũng làm đau mắt bạn. Một số người còn có triệu chứng nhức đầu khi bị trầy xước giác mạc.
4. Cần làm gì nếu có vật lạ rơi vào mắt?
Trong trường hợp bị trầy xước giác mạc, bạn cần phải đi khám bác sĩ kịp thời. Các bước xử lý trầy xước giác mạc bạn nên làm ngay sau khi bị trầy xước giác mạc là:
- Rửa mắt bằng nước sạch: Xối rửa mắt với nước sạch hoặc dung dịch nước muối. (tốt nhất là bằng dung dịch muối sinh lý nếu có). Dùng cốc rửa mắt hoặc cốc thuỷ tinh nhỏ, sạch, đặt rìa mép cốc tì vào xương hốc mắt. Nếu nơi làm việc của bạn có nơi rửa mắt, hãy tận dụng nó. Rửa mắt có thể lấy đi các dị vật ra khỏi mắt.
- Nháy mắt nhiều lần: Động tác này giúp loại bỏ những vật nhỏ như bụi hoặc cát.
- Kéo mi mắt trên qua mi mắt dưới: Lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi dị vật nằm ở bề mặt dưới của mi mắt trên.
- Nếu bạn hoặc người xung quanh nhìn thấy có vật lạ nằm trên phần tròng trắng của mắt thì hãy dùng khăn giấy mềm hoặc que tăm bông khều nó ra một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đối với vật lạ nằm ngay trên giác mạc (trước phần tròng đen của mắt) bạn đừng đụng đến nó vì động tác lấy ra của mình có thể sẽ làm tổn thương giác mạc trầm trọng hơn. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn không thể tự lấy được vật lạ ra khỏi mắt hoặc trong trường hợp bạn biết có vật lạ trong mắt mà không xác định chính xác được.
Những động tác có thể làm vết thương thêm trầm trọng
Hãy chú ý tránh những động tác sau có thể làm vết thương thêm trầm trọng:
- Không nên cố lấy dị vật đã cắm vào nhãn cầu. Cũng nên tránh cố lấy dị vật lớn gây khó nhắm mắt.
- Không nên dụi mắt sau khi bị thương. Đụng hoặc ấn vào mắt có thể làm vết trầy xước giác mạc trầm trọng thêm.
- Không đụng vào nhãn cầu bằng gạc bông, nhíp hay bất cứ dụng cụ nào. Điều này có thể làm vết trầy xước giác mạc trầm trọng thêm.
Xước giác mạc nhẹ thường tự khỏi trong vòng từ 24 giờ đến 48 giờ.
5. Điều trị trầy xước giác mạc như thế nào?
Bác sĩ sẽ khám mắt để đánh giá tổn thương và tìm xem còn có vật lạ nào nằm dưới mi mắt của bạn không. Một loại thuốc nhuộm màu vàng cam sẽ được phết lên mắt bạn để giúp bác sĩ nhìn thấy được vết trầy. Sau đó, bạn có thể được kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt. Phần lớn những vết trầy nhỏ sẽ lành trong vòng 1 – 3 ngày. Bạn có thể sẽ cần phải quay lại tái khám vào ngay ngày hôm sau.
Nếu bạn đang sử dụng kính áp tròng, bạn cần đặc biệt thận trọng vì bạn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn những người khác. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên ngưng đeo kính áp tròng vài ngày, đặc biệt là khi vết trầy xước đang được điều trị với thuốc nhỏ mắt.
6. Làm cách nào để tránh bị trầy xước giác mạc?
- Đeo kính bảo hộ khi bạn ở gần các loại máy móc có chức năng tạo ra các mảnh vụn gỗ, kim loại hoặc chất liệu khác bay trong không khí (như máy cưa gỗ hoặc bình xịt cát nén).
- Cắt ngắn móng tay đối với người lớn, trẻ nhỏ và ngay cả trẻ nhũ nhi cũng vậy.
- Cắt những nhánh cây ở tầm thấp.
- Cẩn thận khi đeo kính áp tròng vào mắt và cần đảm bảo rằng chúng được rửa sạch đúng cách mỗi ngày.
- Không đeo kính áp tròng khi ngủ.
Giác mạc có thể bị xước ngay trong các hoạt động thường nhật hàng ngày. Ví dụ như chơi thể thao, sửa chữa trong nhà, đi đường hay vô tình quờ tay vào giác mạc. Đôi khi giác mạc cũng bị tổn thương do hóa chất, chất tẩy rửa dùng trong gia đình bắn vào mắt…
Với đội ngũ các chuyên gia giỏi cùng thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn là nơi tin tưởng của khách hàng trong việc thăm khám các bệnh lý giác mạc cũng như thực hiện ghép giác mạc trong những ca bệnh giác mạc phức tạp. Ghép giác mạc có thể thực hiện ở bệnh nhân mắc bệnh mọi lứa tuổi nhằm nâng cao chức năng thị giác cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.