Sở GDĐT nói về đề tài dự thi khoa học kỹ thuật ngang tầm thạc sĩ, tiến sĩ
–
Thứ bảy, 04/02/2023 17:14 (GMT+7)
TPHCM – Chung kết Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh do Sở GDĐT TPHCM tổ chức ngày 4.2 tiếp tục ghi nhận nhiều đề tài bề thế, nằm ngoài chương trình học bậc phổ thông, được đánh giá ngang tầm với đề tài thạc sĩ, tiến sĩ. Theo lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM, ban giám khảo sẽ có những giải pháp để chống đạo văn, tăng cường tính trung thực trong hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, đánh giá sự tham gia của các em trong đề tài dự thi.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu tham quan dự án thi của các thí sinh. Ảnh: Huyên Nguyễn
Nhiều đề tài bề thế
Ngày 4.2, Sở GDĐT TPHCM khai mạc Vòng chung khảo Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố, năm học 2022-2023. Từ hơn 1.200 dự án dự thi, ban giám khảo đã chọn ra 52 dự án vào vòng chung kết.
Nhiều nhóm đề tài có hàm lượng kiến thức chuyên môn cao được dự thi về chuyển đổi số như Hệ thống nhúng, Robot và máy thông minh, Hệ thống phần mềm… Nhóm đề tài là thế mạnh của TPHCM như Hóa sinh, Kỹ thuật Y sinh, Hóa học, Khoa học vật liệu,… cũng được đánh giá cao, thể hiện sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo của thầy và trò khi tham gia các dự án.
Một số đề tài dự thi chung kết.
Theo đánh giá sơ bộ, gần 50% số lượng đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, thể hiện sự quan tâm rất lớn của thế hệ trẻ với các vấn đề tâm lý lứa tuổi, hành vi trong cuộc sống đô thị hiện nay. Các dự án khoa học xã hội và hành vi đã giúp tạo một nguồn dữ liệu đáng kể cho các ngành giáo dục, văn hóa xã hội, thông tin truyền thông… để có thể biết thêm các thông tin về thực tế giới trẻ nhằm có những định hướng kịp thời trong tương lai.
Thí sinh điều khiển một sự án quy mô về Robot A.I chẩn đoán học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Huyên Nguyễn
Đề cao tính trung thực và sự đóng góp của học sinh
Trao đổi với Lao Động về vấn đề xác minh sự tham gia, đóng góp thực sự của học sinh trong những đề tài dự thi, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM đánh giá, cuộc thi khoa học kỹ thuật giúp học sinh bước đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, trong cuộc thi năm nay, giám khảo đã sử dụng những giải pháp để chống đạo văn, tăng cường tính trung thực trong hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh.
“Năm nay, TPHCM rất quan tâm đến việc lựa chọn những đề tài thực sự xuất phát từ ý tưởng cũng như việc nghiên cứu của học sinh. Từ vòng sơ loại, chúng tôi đã ứng dụng các phần mềm để chống hành vi sao chép hoặc đạo văn. Ban giám khảo là những thành viên có kinh nghiệm đến từ các trường đại học và có chuyên môn phù hợp với đề tài….
Ngoài ra, điều quan trọng nhất là từng giám khảo sẽ trao đổi cụ thể với lại các đề tài, qua đó cũng sẽ tiếp tục rà soát để phát hiện thêm sự tham gia của các em trong đề tài đến mức độ nào và các đề tài đó được các em nắm, hiểu và triển khai đến mức độ nào trong quá trình nghiên cứu”, ông Bảo cho hay.
Cùng với đó, ban giám khảo sẽ chỉ rõ, giúp cho các em bổ sung, điều chỉnh các vấn đề mà chưa đạt được trong quá trình nghiên cứu cũng như là hướng phát triển đề tài.
Một số đề tài dự thi chung kết.
Trước câu hỏi làm thế nào để các đề tài đi vào thực tế được, chứ không chỉ là dự thi sau đó sẽ “cất vào ngăn kéo”, ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh ban tổ chức cũng luôn luôn đặt vấn đề này rất quan trọng. Sắp tới, Sở dự kiến tổ chức hội thi khởi nghiệp sáng tạo và những đề tài được tham dự vòng chung kết sẽ được dự thi và tạo cơ hội để phát triển đưa vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cũng nhắn nhủ học sinh tham dự cuộc thi: “Việc nghiên cứu khoa học của các em học sinh là một công việc khó khăn, gian khổ, đòi hỏi tư duy khoa học, tính kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là trung thực trong khoa học. Thầy tin rằng quá trình học tập, nghiên cứu của các em học sinh ngày một trưởng thành hơn, trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng hơn, rèn luyện phẩm chất tốt đẹp.…”, ông Hiếu bày tỏ.
Ban Giám khảo đánh giá tác phẩm dự thi của thí sinh. Ảnh: Huyên NguyễnSản phẩm dự thi mô hình robot 4 chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở. Ảnh: Ngọc Lê
Giám đốc Sở thẳng thắn chia sẻ, gần đây có nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề nghiên cứu khoa học của học sinh thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Về cuộc thi khoa học kỹ thuật này, có một số ý kiến cho rằng sân chơi này vượt quá tầm của học sinh phổ thông và phía sau những sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh có bóng dáng của người lớn, có sự nghiên cứu thay của thầy cô, các em chỉ học thuộc để trình diễn lại…
Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu động viên học sinh dự thi. Ảnh: Ngọc Lê
Ông Hiếu tin rằng học sinh TPHCM sẽ trung thực, nghiên cứu thật. Mặc dù những sản phẩm có thể sơ sài, có thể chỉ là ý tưởng ban đầu nhưng đó là điều rất đáng quý, là công sức lao động của thầy và trò tại các trường trên địa bàn thành phố.
Đến dự chung kết, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã tham quan các dự án và căn dặn các em phải nghiêm túc, cẩn thận đặc biệt là những đề tài có liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người, phải tìm hiểu thật kỹ và học hỏi thêm từ các chuyên gia.