SixDo của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường tham vọng trở thành Zara tại Việt Nam
SixDo của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường tham vọng trở thành Zara tại Việt Nam
SixDo, thương hiệu thứ hai của NTK Đỗ Mạnh Cường đặt tham vọng trở thành Zara ở Việt Nam, với những điểm mạnh mà Zara không có.
SixDo dự kiến ra mắt thị trường trong tháng 9/2020.
Miếng bánh lớn
Đặng Quỳnh Anh, 29 tuổi, đích thị là con nhà đại gia. Thay vì nổi danh trên mạng xã hội bởi mác tiểu thư con nhà giàu, thì cô lại biết đến nhiều hơn về thói quen tiết kiệm.
Nếu nhìn bề ngoài, không ai nhận ra cô là con gái của ông chủ một tập đoàn nổi tiếng, bởi cô sống như một người bình thường. Cô không mặc đồ hiệu, đi những đôi giày cũ, đi máy bay hạng phổ thông, ăn uống cùng bạn bè tại những nhà hàng bình thường…
Cô rất cẩn trọng với tiền bạc. “Tôi không tiêu xài phung phí vào bất kỳ thứ gì”, Quỳnh Anh nói. Về thời trang, cô thích mua hàng bình dân hoặc trung cấp.
“Tôi nghĩ, chẳng việc gì phải bỏ ra 10 – 15 triệu đồng để mua chiếc váy, chiếc quần hàng hiệu, trong khi tôi có thể tìm mua những đồ tương tự với giá chỉ bằng 30%”, Quỳnh Anh nói. Thói quen luôn so sánh giá cả các sản phẩm cùng loại để chọn được món rẻ nhất đã ăn sâu vào máu của cô.
Những đối tượng khá giả, biết ăn mặc, nhưng rất nhạy cảm với giá cả như Quỳnh Anh đang chiếm phân khúc rất lớn trên thị trường thời trang Việt Nam.
Đó sẽ là phân khúc khách hàng mà SixDo, thương hiệu thứ hai của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường (Do Manh Cuong), được đặt tên dựa vào việc anh nhận 6 người con nuôi sắp lộ diện trên thị trường vào tháng 9 này.
“Sau 10 năm làm thời trang, chúng tôi thấy, nhiều đại gia không có thói quen mua quần áo đắt tiền. Giờ họ sẽ thành khách hàng của chúng tôi”, ông Huy Cận, CEO của SixDo và Do Manh Cuong chia sẻ.
Mặc dù SixDo vẫn định giá sản phẩm là của một thương hiệu cao cấp, song với chiến lược định giá tầm trung mà mua được sản phẩm cao cấp này sẽ giúp SixDo tạo ra một hình ảnh thương hiệu độc đáo và phát triển thị phần nhanh hơn.
Ngoài ra, với việc chọn tỷ lệ vàng đối với thời trang gia đình: 60% trang phục dành cho nữ giới, 30% trang phục dành cho nam giới và 10% trang phục dành cho trẻ em, thì đối tượng khách hàng của thương hiệu này rất rộng.
“Mục tiêu đưa SixDo trở thành Zara ở Việt Nam, là một thương hiệu quốc gia với 100 cửa hàng trên cả nước. Với những điểm mạnh mà Zara không có, chúng tôi trở thành thương hiệu định hướng thời trang cho người Việt”, ông Huy Cận nói. Cũng theo ông Huy Cận, nếu không có gì thay đổi thì tháng 9/2020, SixDo sẽ chính thức ra mắt thị trường, khai trương 20 – 30 cửa hàng trên cả nước. Trong đó có 5 cửa hàng ở Hà Nội, mở màn là phố Bà Triệu.
Đi ngược… tạo ra xu hướng
Viễn cảnh phá sản từng là cơn ác mộng nay đã thành hiện thực ở một số doanh nghiệp. Covid-19 khiến nhiều “ông lớn” của ngành công nghiệp thời trang thế giới phải đối mặt với khủng hoảng. Nhiều thương hiệu buộc phải tuyên bố phá sản, con số thực sự chưa có hồi kết. Từ nhà bán lẻ nhỏ lặng lẽ biến mất, đến nhãn hàng lớn cũng liêu xiêu, nối bước nhau phá sản, cầm chừng, co cụm.
Inditex – công ty mẹ của nhà bán lẻ Zara tuyên bố sẽ đóng cửa 1.000 – 2.000 cửa hàng trong vòng 2 năm tới do doanh số sụt giảm. Trong khi đó, hãng thời trang khổng lồ H&M của Thụy Điển cũng công bố lỗ khoảng 534 triệu USD từ tháng 3 đến tháng 5/2020, khi dịch bệnh bùng phát…
Trong cơn lốc đó lại có cơ hội cho người lạc quan. Những thất bại không có nghĩa là tất cả giới kinh doanh trong ngành đều lâm vào ngõ cụt. Chính niềm đam mê thời trang và sự thanh lịch, gu thẩm mỹ sẵn có của khách hàng đã khiến Việt Nam trở thành một thị trường rất hấp dẫn và tiềm năng để các thương hiệu thời trang ở các phân khúc muốn có thêm nhiều cửa hàng khác trong tầm trung và dài hạn.
SixDo ra đời trong bối cảnh này mang ý nghĩa như thế. “Khi chúng tôi quyết định tung thương hiệu này ra trong bối cảnh toàn ngành thời trang đang co cụm lại, ai cũng nói là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Khó khăn chung của xã hội là cơ hội thuận lợi cho chúng tôi. Một sản phẩm thời trang với mức giá ai cũng mua được mà không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế gia đình”, Phạm Huy Cận cho biết.
SixDo sẽ hiện diện ở tất cả các con phố thời trang ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam, các trung tâm thương mại lớn. “Ở bất cứ chỗ nào có đối thủ, chúng tôi đều hiện diện”, ông Huy Cận cho biết.
Nếu như chiến lược của Zara là không quảng cáo, chọn những vị trí đắc địa để mở cửa hàng, chọn những người mẫu “hot”, thì SixDo cũng không ngoại lệ. Chọn vị trí, nhiều ngôi sao mặc đồ, làm show để tung nhiều bộ sưu tập. Đặc biệt, tuyển gương mặt đại diện với giải thưởng 1 tỷ đồng tiền mặt. Trong đó, ông Huy Cận khá tự tin vào việc nhiều ngôi sao hạng A mặc đồ SixDo. Đó sẽ là điểm nổi bật vì ít thương hiệu giá tầm trung nào ở Việt Nam có nhiều ngôi sao chịu mặc.
Điều khiến ông tự tin nhất khi đặt tham vọng đưa SixDo trở thành Zara tại Việt Nam là đưa ra xu hướng cho người tiêu dùng, trong khi Zara chạy theo xu hướng. Đó là cách mà thương hiệu thời trang Do Manh Cuong làm thành công trong suốt 10 năm qua.
Mặc dù với mỗi thị trường, Zara không áp đặt bất kỳ một khuôn mẫu nào, mà lắng nghe kỹ khách hàng địa phương, song ông Huy Cận cho rằng, SixDo chỉ sản xuất bán ở Việt Nam, nên sẽ hiểu người tiêu dùng của mình nhất, như số đo 3 vòng, chiều cao, nghề nghiệp, môi trường sống… của từng khách hàng. Hơn nữa, SixDo phân biệt rõ các dòng sản phẩm riêng dùng cho công sở, dự tiệc, đi chơi…
“Chúng tôi sẽ thành công”, ông Huy Cận nói. Lý do là ông và nhà thiết kế cùng các cộng sự đã chuẩn bị từ lâu, cộng với mối quan hệ chặt chẽ với các nhà máy sản xuất lớn trên thế giới.
Tạo lựa chọn có biên độ hơn
Có thể lúc này, nhiều người sẽ không tin SixDo sẽ làm nên chuyện khi đưa kế hoạch phủ sóng cả nước. Tuy nhiên, là một người đứng đằng sau sự thành công của thương hiệu Do Manh Cuong nhiều năm qua, ông Huy Cận hoàn toàn tự tin. Mỗi một thương hiệu ra đời cần phải gắn liền với tên tuổi nhà thiết kê, Đỗ Mạnh Cường được biết đến là nhà thiết kế đã khẳng định vị trí trong làng thời trang Việt bằng sự ảnh hưởng nhất định khi anh liên tục đưa ra xu hướng. trong khi ông Huy Cận là người đồng hành đẩy chúng lên cao trào, hướng tất cả những phụ nữ xung quanh ông đi theo xu hướng đó.
“Nếu không xác định được chính xác đối tượng ban đầu, có thể chúng tôi không có thương hiệu Do Manh Cuong như hôm nay. Với SixDo cũng vậy”, ông Huy Cận nói.
Thị trường thời trang Việt Nam có nhiều thương hiệu, nhưng tính ứng dụng, tạo ra xu hướng lại không có. Điều đó càng thôi thúc cặp đôi này tạo ra thêm thương hiệu như SixDo. SixDo sẽ làm thỏa mãn mong muốn mua sắm của những ai yêu mến thiết kế của Do Manh Cuong, nhưng không có điều kiện để sở hữu những sản phẩm đắt tiền như trước đây.
Đặc biệt, chất liệu của sản phẩm được dệt riêng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và chất liệu dệt kim ở Việt Nam sẽ tạo ra những sản phẩm riêng biệt, tạo hứng khởi cho khách hàng.
Ngoài 2 yếu tố tạo nên sự thành công của bất kỳ thương hiệu nào là chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt, SixDo cũng có phương thức bán đồ trước show, đi ngược xu hướng chung, sau đó đến khâu nhìn thấy, mua ngay – chiêu thức đã rất thành công với thương hiệu Do Manh Cuong.
“Việc giải bài toán trang phục cao cấp, nhưng giá cả phù hợp với số đông người tiêu dùng không phải là việc dễ dàng, nhưng chúng tôi đã làm được. Song hơn cả giá trị về cái đẹp, thương mại, chúng tôi muốn mang thông điệp về giá trị nhân đạo, tình yêu thương thông qua thời trang. Đó là điểm mạnh của chúng tôi mà các thương hiệu khác không có”, ông Huy Cận khẳng định.
Thực tế, thị trường thời trang Việt Nam vài năm trở lại đây đã ngày càng lớn mạnh về thiết kế, thương hiệu và phân phối sản phẩm. Hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới, như Uniqlo, Zara, H&M,… đều đã lần lượt có mặt tại các con phố lớn, các trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng số lượng mới chỉ một vài cửa hàng, trong khi các nhãn thời trang trong nước vẫn chiếm ưu thế về chuỗi. Đó là lý do để SixDo tự tin trên hành trình phủ sóng của mình thời gian tới.