Sinh viên rụt rè với nghiên cứu khoa học

Dù được đào tạo, cấp kinh phí, cộng điểm, sinh viên vẫn rụt rè khi tham gia nghiên cứu khoa học do thiếu nền tảng từ bậc phổ thông và nghĩ đây là việc “cao siêu”.

Một năm trước, Trần Chí Cường, 21 tuổi, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, quyết định tham gia nghiên cứu khoa học, dù không hiểu rõ mình sẽ làm gì. Cụm từ “nghiên cứu khoa học” khiến Cường liên tưởng đến những vấn đề vĩ mô, nên cậu “sợ quá khả năng bản thân”.

Đề tài Cường được giao cùng ba sinh viên khác là nghiên cứu thay thế những môi chất tác động xấu đến tầng Ozone, hiệu ứng nhà kính trong điều hòa dân dụng, nhằm đảm bảo hiệu suất hoạt động của điều hòa, đồng thời bảo vệ môi trường. “Đề tài thiết thực, lại dễ tiếp cận và khảo sát, lúc đấy mình mới thấy nghiên cứu khoa học cũng là kiến thức từ sách ra thực tế, rất gần gũi với đời sống”, Cường nói.

Tại diễn đàn Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022 do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức sáng 25/12, TS Phạm Văn Minh, Trưởng khoa Điện, nhận định đa số sinh viên mang tâm lý rụt rè như Cường khi nhắc tới nghiên cứu khoa học. “Các bạn nghĩ khoa học là cái gì rất cao siêu, không dành cho mình, sinh viên không làm được”, ông Minh nói.

TS Nguyễn Văn Minh, Trưởng khoa Điện, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chia sẻ tại diễn đàn Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022, sáng 25/12. Ảnh: Thanh Hằng

TS Phạm Văn Minh, Trưởng khoa Điện, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, tại diễn đàn Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022, sáng 25/12. Ảnh: Thanh Hằng

Ông Minh cho biết trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có một số chính sách như đào tạo kỹ năng, cộng điểm rèn luyện và cấp một khoản kinh phí để khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Ở khoa Điện, khoảng 150 trong hơn 600 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. 3-4 sinh viên sẽ tạo thành một nhóm, nghiên cứu một đề tài trong một năm. “Khoa có 50-60 đề tài thì chỉ 1/10 được sinh viên chủ động đăng ký, còn lại do thầy cô giao và vận động”, ông Minh nói.

Ngoài tâm lý dè dặt, một lý do khác khiến sinh viên chưa mặn mà nghiên cứu khoa học là thiếu nền tảng từ bậc phổ thông, theo PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Phó hiệu trưởng trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ông Phương cho rằng thời gian 4-5 năm đại học, “nghe thì dài nhưng khó để thay đổi tư duy, quan niệm” mà sinh viên được hình thành từ thời phổ thông. Lãnh đạo trường Điện – Điện tử đánh giá chương trình phổ thông tại Việt Nam còn hạn chế ở tính thực hành, chủ yếu vẫn ghi chép lý thuyết. Do đó, học sinh chưa được tiếp cận và cũng thiếu kỹ năng để tham gia hoạt động nghiên cứu.

Theo ông Phương, nghiên cứu khoa học tạo môi trường để sinh viên tự tin, trưởng thành, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường đại học. “Nhiều thầy cô cũng đã có tuổi, cần thế hệ để chuyển giao. Làm nghiên cứu tốt, chuyên sâu, các bạn có thể quay trở lại làm giảng viên”, ông Phương nói.

Còn theo TS Minh, bên cạnh kiến thức chuyên môn, hoạt động nghiên cứu giúp sinh viên rèn khả năng đọc và nghiên cứu tài liệu, biết cách làm việc nhóm – đều là những kỹ năng cần thiết khi đi làm.

Trần Chí Cường thay mặt nhóm báo cáo Nghiên cứu lý thuyết về thay đổi môi chất lạnh R410A bằng R32 trong máy điều hòa không khí dân dụng tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, sáng 25/12. Ảnh: HAUI

Trần Chí Cường thay mặt nhóm trình bày báo cáo “Nghiên cứu lý thuyết về thay đổi môi chất lạnh R410A bằng R32 trong máy điều hòa không khí dân dụng” tại diễn đàn Sinh viên nghiên cứu khoa học 2022, sáng 25/2. Ảnh: HaUI

Hơn một năm tham gia nghiên cứu khoa học, Trần Chí Cường được tiếp cận tài liệu trong và ngoài nước về các lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Môi trường. Nam sinh được dạy cách liên kết và trình bày thông tin liên ngành một cách mạch lạc. Đây là kỹ năng Cường luôn muốn cải thiện khi còn là học sinh nhưng chưa thành công. “Đến giờ, dù không đến mức rất giỏi, nhưng mình không còn sợ công việc nghiên cứu, các kỹ năng mềm trong giao tiếp, sắp xếp thời gian cũng tiến bộ thấy rõ”, Cường nói.

Trần Khánh Duy, sinh viên năm ba, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), được tìm hiểu về vật liệu cấu trúc nano khi tham gia nghiên cứu ở trường, giúp em có nền tảng để theo đuổi chuyên sâu ngành Vật lý kỹ thuật. “Muốn học lên cao hay phát triển lâu dài về một lĩnh vực cụ thể, mình nghĩ nghiên cứu khoa học là tiêu chí không thể thiếu”, Duy nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Phó hiệu trưởng trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, tại diễn đàn Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022, sáng 25/12. Ảnh: Thanh Hằng

PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Phó hiệu trưởng trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, tại diễn đàn Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022, sáng 25/12. Ảnh: Thanh Hằng

TS Nguyễn Văn Minh cho rằng cần có thêm nhiều chương trình để sinh viên được tiếp xúc, học những kỹ năng cơ bản của hoạt động nghiên cứu. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tăng mức hỗ trợ từ 2 lên 3 triệu đồng với một đề tài để hỗ trợ sinh viên.

Để các em cải thiện sự tự tin, ông Minh khuyên nên chịu khó đối thoại, trao đổi với giảng viên. “Bất kỳ vấn đề nào chưa hiểu hoặc còn lấn cấn, các em hãy liên lạc với chúng tôi để hỏi hoặc phản biện. Khi đó công việc mới trôi chảy, các em cũng bớt rụt rè”, ông nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Phương cho biết đã nhìn thấy những dấu hiệu tích cực trong chương trình giáo dục phổ thông, bởi ngày càng nhiều chương trình về STEM (hoạt động nhằm trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng về kỹ thuật, công nghệ, toán học, khoa học) được tổ chức. Học sinh được tiếp cận với khoa học ngay từ cấp một, điều này là nền tảng để các em phát triển sâu, rộng các nghiên cứu của mình khi vào đại học.

“Nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu vì được vận động, nhưng vẫn làm cực kỳ tốt, cho thấy các em không kém. Cởi bỏ được rào cản tâm lý cũng như nhận thức được giá trị của nghiên cứu khoa học, sinh viên có thể tạo ra những đột phá”, ông Minh nói.

Thanh Hằng