Sinh viên ở trọ: Người không khéo thì mất bạn, kẻ chật vật tìm chỗ mới
Để đủ chi phí sinh hoạt ở thành phố lớn như TP.HCM, nhiều sinh viên phải ở ghép với một người bạn xa lạ, khác nhau về tính cách, môi trường sống. Do đó, việc xảy ra những bất đồng, mâu thuẫn là việc không thể tránh khỏi. Vậy làm thế nào để có thể chung sống hòa thuận với người bạn cùng phòng trọ là điều mà nhiều sinh viên vẫn còn đang “đau đầu”.
Nguyễn Điền
Nội Dung Chính
Nên giải quyết mâu thuẫn dựa trên sự tôn trọng
Vừa chia tay với người bạn cùng phòng vì mâu thuẫn trong quá trình sinh hoạt chung và đang chật vật tìm chỗ ở mới, Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Bạn chung phòng rất kỹ tính và rất ngăn nắp. Còn mình thì rất bận ngày đi học tối đến lại chạy đi làm nên không có nhiều thời gian quan tâm những cái tiểu tiết. Có hôm mình làm nước rơi ra bồn rửa tay hay quên để đồ lại vị trí cũ thì bạn ấy cứ cằn nhằn”.
Sau nhiều lần trao đổi mà không tìm được tiếng nói chung và cộng với sự dồn nén cảm xúc từ lâu, Tuấn Anh đã có cuộc cãi vã với bạn cùng phòng. Sau cuộc tranh cãi, người bạn đó đã dọn đi và Tuấn Anh đang phải chật vật tìm bạn trọ mới với mong muốn giảm bớt chi phí. “Nếu mình khéo léo và nhẫn nhịn hơn trong cách cư xử thì có lẽ đã không xảy ra điều đáng tiếc. Việc tìm được một người bạn ở cùng phòng trọ phù hợp thật sự rất khó, hy vọng với kinh nghiệm vừa rồi, tôi có thể sống hòa thuận với người bạn ở cùng phòng trọ sắp tới”, Tuấn Anh chia sẻ.
Còn Nguyễn Tấn Phát (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã trải qua 7 lần chuyển trọ trong suốt 4 năm đại học trước khi tìm được người bạn trọ hiện tại ở Q.Bình Tân (TP.HCM).
Phát cho biết anh phải trải qua nhiều câu chuyện như: mất đồ, cãi nhau, chủ nhà đuổi đi… khiến anh phải khổ sở trong suốt thời gian dài. Trong đó, việc bất đồng quan điểm dẫn đến tranh cãi là lý do khiến anh phải chuyển trọ nhiều nhất.
“Khi còn là sinh viên năm 1, 2 chưa có nhiều trải nghiệm, không biết cư xử và đặt cái tôi của mình lên quá cao khiến cuộc sống ở phòng trọ không mấy yên ổn. Sau này lớn hơn, biết cách cư xử hơn thì mình sẽ điều chỉnh để cuộc sống với bạn cùng phòng dù có bất đồng nhưng vẫn được giải quyết trong sự tôn trọng và ôn hòa. Sau những lần như vậy, đôi bên còn hiểu nhau và thông cảm cho đối phương hơn”, Phát chia sẻ.
Mâu thuẫn xuất phát từ đâu
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân, giảng viên Trung tâm đào tạo Ý Tưởng Việt, cho biết mâu thuẫn phát sinh từ nhiều lý do, trong đó các nguyên nhân chính là: không hòa hợp về tính cách, ứng xử, không hòa hợp về nếp sống, thói quen sinh hoạt, các vấn đề liên quan đến việc phân chia chi phí khi sống cùng nhau.
“Dù là mối quan hệ thân thiết lâu năm hay mới quen, nếu sự không hòa hợp này không được giải quyết một cách dung hòa thì chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn và rất khó để sống chung với nhau được”, anh Nhân lưu ý.
Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn?
Theo thạc sĩ Nhân, mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi các thành viên nhận ra được mấu chốt vấn đề đang xảy ra và giải quyết một cách hợp lý, hợp tình, thỏa đáng.
Một số bước giải quyết mâu thuẫn hiệu quả:
Bước 1: Nhận diện vấn đề gây mâu thuẫn
Bước 2: Các thành viên cùng ngồi lại nhìn nhận vấn đề để cùng hiểu rõ vấn đề
Bước 3: Tìm ra giải pháp phù hợp và thỏa đáng nhất.
Bước 4: Thống nhất giải pháp và hòa giải.
”Sinh viên sống cùng nhau ít nhiều cũng sẽ có sự khác biệt. Điều quan trọng muốn sống được lâu dài cùng nhau thì các bạn nên quan sát, và thay đổi bản thân cho phù hợp trong môi trường “nhà chung”. Đã là nhà chung thì “có ý thức” trong sinh hoạt, nghỉ ngơi là việc rất quan trọng. Môi trường sinh hoạt chung cần văn minh, lịch sự và đảm bảo tính riêng tư cho tất cả thành viên cùng chung sống”, thạc sĩ Nhân cho biết.
Chuẩn bị gì khi bước vào cuộc sống chung phòng trọ
Theo thạc sĩ Nhân, điều quan trọng nhất mà các SV cần chuẩn bị là: Ý thức độc lập, tự giác và có trách nhiệm. Việc học xa nhà nghĩa là bạn phải tự lo lắng hầu hết mọi thứ từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt cho đến học tập.
Do đó, khi ở trọ cùng với bạn bè hoặc ký túc xá, tính tự giác và có trách nhiệm rất cần thiết đối với SV vì nó chi phối trực tiếp đến các hành động cũng như cách ứng xử trong “ngôi nhà chung” nơi mà tinh thần tự giác và có trách nhiệm được ưu tiên hàng đầu.
Thạc sĩ Nhân đưa ra ví dụ: “Ăn xong, bạn phải tự giác dọn bàn ăn vì không thể cứ để mãi ở đó, sẽ ảnh hưởng đến những người bạn khác. Đã là không gian sinh hoạt chung thì tất cả thành viên đều cần có trách nhiệm giữ gìn sạch sẽ hoặc lau dọn mỗi tuần (theo phân công)…”.
Điều thứ hai thạc sĩ Nhân lưu ý là SV cần chú ý rõ ràng, minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến việc chia sẻ chi phí (ăn uống chung, dùng chung điện, nước, phí sinh hoạt khác …). Việc rõ ràng minh bạch về chi phí sẽ giúp mỗi người biết ý thức hơn trong việc “dùng chung” cũng như các thành viên sẽ nhận được sự công bằng như nhau.
Những kỹ năng cần trang bị để có một cuộc sống tập thể vui vẻ, hiệu quả hơn
“Kỹ năng giao tiếp: Môi trường “nhà chung” là nơi hoạt động giao tiếp được thể hiện rõ rệt. Bất kỳ một hành động, ứng xử giao tiếp nào cũng sẽ tác động đến bầu không khí tâm lý chung, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý và mối quan hệ giữa các thành viên. Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn: Nhận ra sớm mâu thuẫn và giải quyết sớm các mâu thuẫn đó sẽ giúp các thành viên tìm được “tiếng nói chung” góp phần giữ hòa khí và duy trì được mối quan hệ”, thạc sĩ Nhân lưu ý.