Sinh viên kế toán ra trường còn có thể làm những công việc gì?
Ngay từ khi còn học trên giảng đường, sinh viên kế toán có thể bắt đầu đi làm cho tổ chức, doanh nghiệp với vị trí thực tập sinh. Nhờ đó khi tốt nghiệp, các cử nhân Kế Toán có thể lập tức làm công việc đúng nghiệp vụ. Thực tế, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có bộ phận kế toán. Bên cạnh đó, theo phân tích, thống kê của các thầy cô giảng viên trường Đại học Lương Thế Vinh cũng như những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp, sinh viên học kế toán ra trường ngoài làm kế toán viên, họ còn có thể phát triển sự nghiệp theo nhiều con đường khác nhau:
Sinh viên kế toán ra trường còn có thể làm được những công việc gì?
Mở công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán
Giới trẻ ngày nay rất năng động, một bộ phận sinh viên ra trường không thích đi làm thuê. Họ thích khởi nghiệp, thích thử thách bản thân, thích tự mình làm chủ. Nghề Kế Toán cũng giống như hầu hết các nghề khác, với những sinh viên nhanh nhẹn, tài năng, họ hoàn toàn có thể khởi nghiệp từ trong chính lĩnh vực mà họ theo học. Những cử nhân Kế Toán hoàn toàn có thể điều hành doanh nghiệp của mình theo 2 xu hướng điển hình:
Xu hướng thứ nhất là mở công ty kế toán để làm dịch vụ cho những doanh nghiệp mới thành lập. Với sự gia tăng mạnh mẽ của các startup, nhu cầu thuê bộ phận vận hành công việc kế toán ngày càng cao. Hiện nay, mô hình này khá phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam có khoảng 100-200 công ty kế toán chuyên cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.
Xu hướng thứ hai, người trẻ có thể tự làm việc trực tiếp với công ty nước ngoài. Các đơn vị này sẽ đưa phần lớn công việc kế toán về Việt Nam. Người lao động có thể làm việc cho các công ty đó ở Việt Nam hoặc Australia, Mỹ, Canada… Lúc này, các bạn có thể tự tuyển nhân viên, tìm kiếm khách hàng nước ngoài…
Như vậy đối với nhóm đối tượng này, việc mở công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán yêu cầu người làm nghề không chỉ cần vững kỹ thuật chuyên môn mà còn cần những kỹ năng khác và mối quan hệ với khách hàng để tạo cho mình tư duy kinh doanh.
Kế toán, kiểm toán viên
Kiến thức kế toán cũng là nền tảng để nhân sự có thể làm kiểm toán viên, bởi khi học ngành Kế toán – Kiểm toán, khối lượng kiến thức kế toán luôn nặng hơn kiểm toán. Trong nhiều công ty, kế toán viên sẽ đảm nhận các nhiệm vụ như hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập hệ thống kế toán; đánh giá tình hình tài chính trong công tác mua bán, sáp nhập công ty; kiểm tra hệ thống thiết lập, chứng từ…
Sinh viên Kế Toán tốt nghiệp ra trường cũng có thể làm kiểm toán nội bộ, tức tiến hành kiểm tra và đánh giá tình hình công tác kế toán thường xuyên cho doanh nghiệp. Như vậy, các công ty có bộ phận này không cần chờ kiểm toán viên thuê ngoài tới làm việc mỗi năm một lần.
Sinh viên kế toán ra trường còn có thể làm được những công việc gì?
Phát triển trong lĩnh vực tài chính
Kế toán là phần liên quan đến hạch toán về mặt quá khứ. Nhân sự phải nắm bắt vấn đề doanh nghiệp đã gặp phải và hạch toán vào sổ sách. Trong khi đó, tài chính là định hướng về tương lai. Dựa trên thông tin kế toán đã đưa ra để đưa ra quyết định cho doanh nghiệp.
Như vậy, hai mảng có sự liên đới xuyên suốt từ quá khứ tới tương lai. Như vậy việc có kiến thức kế toán là một lợi thế lớn với những người muốn phát triển về tài chính và trở thành giám đốc tài chính (CFO). Nếu có kiến thức kế toán vững vàng và nâng cao chuyên sâu, khi đọc báo cáo, số liệu, CFO có thể dễ dàng đánh giá đầu vào số liệu hợp lý chưa, có hỗ trợ để đưa ra các quyết định định hướng doanh nghiệp phát triển và đầu tư trong những năm tới không.
Tuy nhiên, sinh viên kế toán ra trường cũng sẽ có một số nhược điểm khi muốn theo lĩnh vực tài chính như kế toán sẽ gắn với công việc xử lý các tác vụ hàng ngày, dẫn tới khó có thời gian nghĩ về tương lai. Để di chuyển tư duy, kiến thức sang một góc nhìn bao quát hơn, người làm kế toán phải bóc tách mình ra khỏi thói quen thường ngày.