Sinh viên công nghệ giao thông vận tải ra trường có việc làm ngay

“Trường áp dụng mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng bằng các chương trình có tính ứng dụng cao và yêu cầu thêm kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng mềm đối với sinh viên, từ đó làm cầu nối gắn kết các em với doanh nghiệp”, Tiến sĩ Vương Văn Sơn, phụ trách cơ sở Vĩnh Phúc, trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết.

https://lh6.googleusercontent.com/x6g4zUlft6yWnEpued93CWdy02yUcqhRu0qrO2PoX6jMld_W1dj1SsVTYm3bdcrfLm-dlv79tsI8I3VaOcbVN6lU6nI5jbNLBCoNx_QC89YrcsItvKiLdoLWJoS2tO4W3wvPDigj

Tư vấn tuyển sinh ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải trong chương trình On EduTalk do đài VTVCab và Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp thực hiện.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo cùng nhà trường

Bên cạnh trang bị kiến thức lý thuyết trên giảng đường, thời gian còn lại sinh viên thực hành tại các phòng thí nghiệm và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng sẽ trực tiếp tham gia vào khâu đào tạo với nhà trường qua việc cử cán bộ đến giảng dạy, hướng dẫn sinh viên thực tập, hay tham gia vào quá trình đánh giá, chấm thi, chấm tốt nghiệp.  

Ngoài ra, những kiến thức về kỹ năng mềm, chuẩn đầu ra ngoại ngữ cũng như khả năng công nghệ thông tin từ cơ bản trở lên cũng là lợi thế giúp tăng khả năng cạnh tranh của sinh viên sau khi ra trường.

Đặc biệt, với mô hình liên kết này, sinh viên đủ điều kiện, sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc tại chính doanh nghiệp đặt hàng và sẽ được hoàn trả toàn bộ học phí khóa học. Bằng cách này, doanh nghiệp cũng có nguồn lao động chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Theo thống kê của trường, trung bình một khóa nhà trường có 7 lớp học liên kết, mỗi lớp 30-40 sinh viên. Hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có chuyên môn tốt và khả năng thích ứng với công việc cao. 

Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Công trình, trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải khẳng định: “Môi trường tốt nhất để sinh viên thực hành là doanh nghiệp”. Ngoài ra, trường có mạng lưới cơ sở đặt ở ba thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, đều là những điểm tập trung các khu công nghiệp, cơ quan liên quan đến các ngành nghề mà nhà trường đào tạo – lợi thế lớn cho sinh viên.

Cơ hội du học và làm việc nước ngoài

Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải hiện liên kết với trên 30 trường đại học khắp thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản…

Hàng năm, trường dành nhiều chỉ tiêu cho sinh viên tham gia các lớp dự tuyển du học. Năm nay, trường có 30 suất học lớp dự tuyển du học Pháp. Tham gia các lớp này, sinh viên sẽ được học tiếng tại trường sau đó có cơ hội sang học tại các trường đại học tại Pháp và được tài trợ 100% học phí và 50% lệ phí nhà ở, đi lại. 

“Ngoài ra, trường cũng cung cấp 50 chỉ tiêu dự tuyển du học Đức với những quyền lợi tương đương. Các em sau khi sang Đức cũng được thực tập với mức lương 25 đến 30 triệu một tháng”, Tiến sĩ Vương Văn Sơn cho biết.

Để tham gia các chương trình dự tuyển du học này, sinh viên cần đạt ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định của trường sau đó học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ. 

Về tuyển sinh chung năm 2020, trường tuyển sinh theo các phương thức: Xét tuyển thẳng và dành học bổng toàn phần cho học sinh đạt huy chương trong các cuộc thi quốc tế, cuộc thi Olympic hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba của cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh; Xét tuyển thẳng học sinh giỏi một năm học THPT trở lên hoặc tổng điểm tổ hợp môn lớp 12 từ 24 điểm.

Thông tin chi tiết về chương trình đào tạo cũng như tuyển sinh của trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải được Tiến sĩ Vương Văn Sơn và Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Hương giải đáp trong chương trình On EduTalk do đài truyền hình VTVcab phối hợp với Hệ thống Giáo dục HOCMAI thực hiện. Xem đầy đủ chương trình On EduTalk – Tư vấn tuyển sinh đại học trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải tại đây.