Sinh viên HUTECH đạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp bộ

Đề tài “Phân lập và sản xuất chế phẩm nấm Paecilomyces lilacinus phòng trừ tuyến trùng hại cây hồ tiêu” của sinh viên HUTECH đã đạt giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ.

Họ là nhóm sinh viên năm 4 gồm Đinh Thành Hiếu, Huỳnh Phương Thảo, Nguyễn Thị Bích Tuyền, thuộc Viện Khoa học ứng dụng, ĐH Công nghệ TP.HCM – HUTECH.

Bằng niềm đam mê khoa học công nghệ đặc biệt, nhóm sinh viên HUTECH đã trải qua một hành trình nhiều khó khăn và thách thức, để ý tưởng nghiên cứu không đơn thuần chỉ là những thao tác trong phòng thí nghiệm mà còn được đưa ra “đồng” thực địa, nâng cao tính ứng dụng của khoa học trong cuộc sống.

HUTECH anh 1

Nhóm sinh viên đạt giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2017 cùng giảng viên hướng dẫn đề tài – TS. Nguyễn Thị Hai.

Chinh phục thành công từ thất bại

Từ thực trạng bệnh “tuyến trùng” xuất hiện phổ biến ở các vùng hồ tiêu trong cả nước với mức độ gây hại cao, Thành Hiếu – Phương Thảo – Bích Tuyền đã nghiên cứu thành công việc phân lập và sản xuất chế phẩm Paecilomyces lilacinus nhằm giải quyết vấn nạn cho người nông dân trồng tiêu. Nghiên cứu này còn hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học gây ra tác động xấu đối với môi trường, sức khỏe con người và đem lại nhiều lợi ích kinh tế.

Để làm được điều đó, các bạn đã phải làm việc cật lực suốt 2 năm với không ít thử thách. Trước đó, một nhóm sinh viên khóa trước cũng đã tiến hành phân lập nấm Paecilomyces lilacinus nhưng các thí nghiệm đều không thành công. Dấn thân vào những nghiên cứu mang tính thực nghiệm với khả năng thất bại khá cao, những bạn trẻ này đã không ít lần rơi vào cảm giác chán nản.

Là người trực tiếp hướng dẫn, động viên các bạn trong suốt hành trình đi qua những khó khăn, TS. Nguyễn Thị Hai chia sẻ: “Trong nghiên cứu thực nghiệm không phải lúc nào kết quả cũng trùng khớp với mục tiêu đặt ra ban đầu. Những lúc thí nghiệm tưởng như đi vào ngõ cụt, các em có phần chán nản nhưng chính niềm tin, lửa đam mê khoa học đã khiến các em không bỏ cuộc. Nghiên cứu khoa học luôn cần những tinh thần như vậy”.

HUTECH anh 2

Hành trình nghiên cứu của nhóm bạn gặp không ít chông gai và thử thách.

Với Phương Thảo, “Mỗi thứ diễn ra trong quá trình nghiên cứu đều có ý nghĩa riêng của nó, kể cả những thất bại. Nhờ thất bại, bọn mình rút ra được nhiều kinh nghiệm làm khoa học và hiểu rõ hơn về giá trị của những công trình nghiên cứu”. Và họ đã biến những thất bại thành đòn bẩy để bước nhanh hơn tới thành công.

Đem thí nghiệm lên Đak Lak thực hiện

Tại vòng chung khảo, nhóm sinh viên đã thuyết phục hoàn toàn hội đồng khoa học qua sự trình bày sắc sảo cùng vốn kiến thức vững vàng. Trong đó, tính ứng dụng thực tiễn của đề tài được đánh giá cao.

Để có được khối dữ liệu nghiên cứu thực nghiệm khổng lồ, nhóm sinh viên đã vượt hành trình hơn 360 km đem chế phẩm thực hiện được trong phòng thí nghiệm ra môi trường canh tác thực địa tại Đak Lak – địa phương trồng hồ tiêu nhiều nhất Việt Nam, cụ thể là vườn hồ tiêu tại Ea Nam, huyện Ea H’leo.

HUTECH anh 3

Thành Hiếu, Phương Thảo, Bích Tuyền cùng TS. Nguyễn Thị Hai.

Thành Hiếu kể lại: “Đến Đắk Lắk làm thực nghiệm với sinh viên là điều không dễ. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ là khoảng cách khá xa, thời gian, phương tiện, chi phí đi lại… mà gian nan nhất là việc xin các gia đình trồng tiêu cho phép tiến hành. Do sản phẩm sinh học của bọn mình còn khá mới, lại đang trong giai đoạn thử nghiệm nên họ rất ngại cho sử dụng. Hơn nữa, nếu thực nghiệm thất bại thì sự phát triển và sản lượng thu hoạch chịu ảnh hưởng rất lớn”.

Sau khi rất nhiều lần “ra đồng” như thế, đáp lại công sức và tâm huyết đã bỏ ra, kết quả thu được trên các vườn hồ tiêu đã khiến cho nhóm nghiên cứu trẻ càng thêm phấn khởi, khi hiệu quả trừ bệnh tuyến trùng của nấm Paecilomyces lilacinus chiếm tỉ lệ khá cao. Giá trị thực tiễn của đề tài còn được khẳng định khi không ít công ty bảo vệ thực vật, doanh nghiệp đã đặt mua và có dự định nhân rộng sản phẩm sinh học này trên diện rộng.

Nói thêm về thành quả đã đạt được, Thành Hiếu chia sẻ, bên cạnh sự nỗ lực của nhóm, không thể không nhắc đến công lao rất lớn của giảng viên hướng dẫn cũng như nhà trường trong việc định hướng, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên. Chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn, hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại mở cửa thường trực, cho phép sinh viên tự do sử dụng để nghiên cứu ngoài giờ chính là môi trường để họ có thêm động lực theo đuổi đam mê.

Trong đợt trao giải năm nay, ngoài đề tài này sinh viên HUTECH còn được vinh danh 9 giải thưởng cấp bộ khác, gồm: 2 giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích, đứng top 4 trong tổng số 23 đơn vị đào tạo trên cả nước.