‘Sinh tử’ hấp dẫn nhờ chống tham nhũng trực diện
TP – Sinh tử đi đến những tập cuối, là phim chống tham nhũng gai góc hiếm hoi hiện nay trên sóng VTV. NSƯT, đạo diễn Nguyễn Mai Hiền-một trong hai đạo diễn phim- trò chuyện về những trăn trở xung quanh đề tài “khó, khô, khổ” khi làm phim chính luận.
Lâu lắm rồi khán giả truyền hình Việt mới có cơ hội xem phim đi sâu vào chống tham nhũng. So với các phim chính luận chống tham nhũng mà Hãng sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) từng làm, theo anh Sinh tử có gì khác biệt?
Đúng là VFC làm nhiều dòng, mỗi phim chính luận có đề tài khác nhau. Tôi từng tham gia làm Chạy án 16 năm trước, nhưng thời ấy chống tham nhũng chưa nóng bỏng như bây giờ. Sinh tử cập nhật tính thời sự. Người dân bình thường mở báo, bật ti vi đều cảm nhận chủ trương chống tham nhũng hừng hực khí thế, phim hòa nhập được xu thế ấy.
Điểm mới ở đề tài chống tham nhũng mang tính cập nhật, thể hiện rõ nhất ở quy mô của các vụ án trong phim, hình hài từng nhân vật khác rất xa với các phim chính luận xưa. Trước, nhân vật tham nhũng thường là cán bộ nhỏ, cấp dưới, nay Sinh tử dám động chạm nhiều nhân vật ở phía trên cao. Quy mô dự án, mức độ sai phạm nghiêm trọng của các vụ tham nhũng khá cập nhật thực tế. Đương nhiên phim ảnh mới chỉ phản ánh một phần thực tế, tuy nhiên chúng tôi cố gắng đưa ra bản chất của chống tham nhũng và thực tế xã hội tham gia chống tham nhũng.
Sự khác biệt của phim còn ở chỗ đây là phim truyền hình đầu tiên có sự cố vấn của Viện Kiểm sát, đề cập mảng kiểm sát khá đậm?
Hai bên tương tác, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu cho tới kết thúc phim để làm kỹ các mảng nghiệp vụ. Sinh tử có nhiều mục tiêu, ngoài đề cập câu chuyện chống tham nhũng, chúng tôi còn mưu cầu phổ biến kiến thức pháp luật cho mọi người. Số người hiểu biết pháp luật ở Việt Nam còn hạn chế, kéo theo hệ lụy.
Người dân thường khi nghe nói chống tham nhũng sẽ nghĩ ở đâu đó xa xôi không liên quan đến mình. Tôi muốn họ xem phim có thể nhận biết rõ ràng, chính vì thế phim trình bày vấn đề gần gũi, đề cập sự ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống từng người. Đơn giản nhất, khái niệm tiền nhà nước hình như nhiều người đều cho rằng đó không phải tiền của mình, kỳ thực tiền nhà nước như miếng bánh nếu bị nham nhũng sẽ rơi vào túi cá nhân, miếng bánh bị xà xẻo rõ ràng ảnh hưởng tới đầu tư, phúc lợi cho người dân.
Tham nhũng không chỉ có tiền, với doanh nghiệp là tiền, với cán bộ ngoài tiền còn có tham nhũng chức vụ. Ông bé muốn lên cao hơn để kiếm tiền nhiều hơn, họ cứ bị cuốn vào vòng luẩn quẩn ấy.
Tác giả kịch bản mất khoảng chục năm mới đưa kịch bản Sinh tử vào thực hiện. Còn ê kíp sản xuất cũng mất thời gian dài ấp ủ, vậy thời gian dùng dằng nhất ở khâu nào?
Tính tới nay chúng tôi mất hai năm, kể từ khi đặt những viên gạch đầu tiên làm kịch bản. Chắc chắn làm kịch bản là khâu chiếm nhiều thời gian nhất. Về cơ bản kịch bản khi quay phim khác rất xa với bản hoàn thiện đầu tiên. Kịch bản lên phim được chỉnh từng câu chữ, sửa cả về quy mô tầm vóc.
Đạo diễn Mai Hiền (đứng) thực hiện 40 trong tổng số 80 tập phim Sinh tử
Một điều may mắn là NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC chịu trách nhiệm biên tập chính cùng nhóm biên tập chỉnh sửa, cập nhật kịch bản. Anh Hải vừa là quản lý, là đạo diễn và là nghệ sỹ nên anh ấy đóng góp ý kiến ở nhiều góc độ, biết khán giả cần điều gì, biết phát huy thế mạnh của từng đạo diễn (phim do NSND Khải Hưng, NSƯT Mai Hiền thực hiện-PV).
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng thừa nhận làm phim chính luận “khó, khô, khổ”, anh có thấy thế không? Anh làm thế nào để cân bằng, bởi suy cho cùng phim cũng là sản phẩm nghệ thuật?
Thực ra những năm gần đây, phim nào của VFC cũng khó, khổ. Làm phim khá vất vả, quy trình làm phim hiện đại sinh ra nhiều công đoạn khác nhau. Tôi nghĩ, tính chất phức tạp ở chỗ khi người làm nghệ thuật nói chung phải tìm hiểu và ngấm các vấn đề xã hội, chính sách, pháp luật, quy trình nghiệp vụ, bằng không khó mà làm cặn kẽ được. Sinh tử khô thì rõ rồi, bởi mọi người nghe đến phim chính luận nghĩ ngay hiếm cảnh lãng mạn, cảnh sinh hoạt mà chủ yếu là hội họp, phát biểu. Suy cho cùng phim là sản phẩm giải trí, ngoài yếu tố đó người làm phim lồng ghép thông điệp, cho nên nhiệm vụ của đạo diễn phải đặt khán giả ngồi xem mà không chuyển kênh.
Phim chống tham nhũng, những tập cuối rất kịch tính nhưng vì phát khung phim 25 phút cũng khiến khán giả khá hụt hẫng?
Mỗi một khung phim đều có chìa khóa riêng, ngay cả thị trường châu Á cũng có những khung giờ phim khác nhau. Nhà đài đưa ra khung phim 25 phút đặt cho đạo diễn giải bài toán về cách kể chuyện, tạo thói quen mới cho khán giả. Nếu khán giả thấy ngắn quá, thì hình như do phim cũng tạo sự hấp dẫn nhất định nên họ mới chờ đón. Nếu không hấp dẫn, tôi nghĩ 10 phút cũng quá dài.
Sinh tử hiện nay động chạm tới khá nhiều quan chức cỡ cấp lãnh đạo tỉnh, nhiều nhân vật từng hùng hồn phát ngôn “không có vùng cấm” rất hợp xu thế, vậy kết phim liệu có đi đến cùng?
Phim có kết hợp lý, khán giả được giải đáp phần lớn hy vọng cũng như những suy nghĩ đúng chiều. Tất cả vấn đề đặt ra trong phim người dân đều có thể gặp trên báo chí chính thống. Chúng tôi làm phim chống tham nhũng không chịu bất cứ áp lực nào ngoài việc làm sao hấp dẫn. Tôi tin rằng, nếu mình làm sai bản chất mới đáng ngại, còn nói đúng, nói đủ không có gì phải lo.
Cảm ơn anh!
NỖI KHỔ LỜI THOẠI
Diễn viên tham gia Sinh tử than phiền về nỗi khổ học thuộc lời thoại khô cứng, hành chính. Nhiều diễn viên phải quay đi quay lại hơn 70 đúp cho một câu thoại. NSND Hoàng Dũng nói rằng thoại rất vất vả, nhiều khi mạch cảm xúc cứ phải ngắt liên tục vì sai từ, quy định của hệ thống hành chính vốn không phải thế mạnh của nghệ sĩ. Diễn viên Thanh Hương tự tin, diễn viên kinh qua Sinh tử không ngán bất cứ lời thoại của phim truyền hình nào.
“Phần lớn diễn viên chưa phải từng nói những câu như thế trong đời, có nhiều câu thoại mà diễn viên từ bé không biết đến khái niệm về cơ cấu chính quyền, thoại nghiệp vụ như khởi tố vụ án, khởi tố bị can… Tôi nghĩ điều khó hơn cả là diễn viên phải thấm được vấn đề trong phim. Có ngấm họ mới có thể thoại ra thuyết phục người khác, nếu không chỉ là máy đọc thoại”, đạo diễn Mai Hiền nói.
ĐIỀU TỐT PHẢI LÊN NGÔI
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến mất 10 năm chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của ông sang kịch bản phim Sinh tử. Khi ra mắt phim, ông tiết lộ sau khi viết xong 34 tập, ông phải chỉnh sửa, viết lại và cho thêm toàn bộ tuyến nhân vật cán bộ Viện Kiểm sát vào phim. Từng là tác giả các kịch bản phim truyền hình Chuyện làng Nhô, Đàn trời, Ngõ lỗ thủng… Phạm Ngọc Tiến mong muốn Sinh tử truyền thông điệp về điều tốt đẹp, làm sao để cuộc sống tốt đẹp hơn. “Ở ngoài có gì tôi đưa vào phim chuyện đó theo lăng kính nghệ thuật. Nhân vật trong phim không giống người này sẽ giống người khác. Tất cả chỉ với mong muốn phê phán cái xấu, vạch ra thủ đoạn của nhóm lợi ích, con đường làm giàu của đại gia, một vài sơ hở của pháp luật,vấn đề quyền lực, sự tha hóa quyền lực”, Phạm Ngọc Tiến nêu.