Sinh trắc vân tay – khoa học hay ngụy khoa học?

Sinh trắc vân tay - khoa học hay ngụy khoa học? - Ảnh 1.

Người ta cho rằng con người đã sử dụng vân tay trong khế ước từ thời Cổ đại ở Babylon – thành quốc của Lưỡng Hà cổ đại và Trung Hoa cổ đại, nhưng không có bằng chứng cụ thể.

Lịch sử phát hiện vân tay

Bằng chứng tin cậy là William James Herschel (1833 – 1917), một công chức của hệ thống điều khiển công nghiệp (Industrial Control System – ICS) Anh ở Ấn Độ, thấy người Trung Hoa buôn bán ở Bengan (vùng đông bắc tiểu lục địa Ấn Độ, nằm ở “đỉnh” vịnh Bengan, sau chia thành Cộng hòa nhân dân Bangladesh và bang Tây Bengan, thuộc Ấn Độ) in dấu đầu ngón tay trên giao kèo để đảm bảo nội dung thỏa thuận. 

Ông được nghe người Trung Hoa làm ăn ở Bengan nói rằng bên nước họ người chồng phải điểm chỉ vào giấy ly hôn thì mới có giá trị. Để chống gian lận và ràng buộc trách nhiệm, ông yêu cầu người lĩnh tiền trợ cấp, đến xin giấy tờ hoặc chủ thầu phải lăn tay. Suốt 19 năm ông nghiên cứu dấu vân tay thu thập từ rất nhiều người mà không thấy có hai người có hình dạng vân tay giống nhau và hình dạng vân tay của một người không hề thay đổi sau rất nhiều năm. 

Ngày 5 tháng 8 năm 1877, Herschel gửi thư cho ông Tổng thanh tra các trại giam xứ Bengan, trình bày những phát hiện về dấu vân tay, nhưng thư trả lời của cấp trên tỏ ra dửng dưng… 

Ngẫu nhiên, cùng thời kỳ này Henry Faulds (1843 – 1930), bác sĩ, nhà truyền giáo người Scotland, giảng dạy môn Sinh lý ở Tokyo, Nhật Bản tham gia các cuộc khai quật khảo cổ ở Nhật, phát hiện dấu vân tay của người thợ vô ý để lại trên mảnh bình đất nung. Ông nghiên cứu dấu vân tay… Ngày 28 tháng 10 năm 1880, tạp chí Natural (chi nhánh của Tập đoàn xuất bản Georg von Holtzbrinck, Anh, ra đời năm 1869) đăng bức thư của Faulds, có đoạn “Những dấu tay thu được ở hiện trường sẽ giúp cuộc điều tra và cả việc bắt giữ tội phạm dễ dàng… Các đường nét của dấu tay không thay đổi suốt cả đời người…”. Ý kiến này đã ghi công đầu cho Faulds về việc ứng dụng vân tay trong điều tra hình sự. 

Khi đó Herschel đang dưỡng bệnh ở Anh nên biết sự kiện này. Ông viết thư gửi tạp chí Natural nói rằng mình đã thu thập, nghiên cứu dấu vân tay 20 năm nay và đề nghị đăng những thu thập, phát hiện của mình… Một “cuộc chiến” bản quyền phát minh đã nổ ra giữa Faulds và Herschel, bởi Faulds, một người cố chấp và hiếu thắng luôn cho rằng mình là người đầu tiên phát hiện dấu vân tay… Faulds lao vào “cuộc chiến” bằng việc trở về Anh và trước đó đã gửi thư cho Bộ trưởng nội vụ Anh, Giám đốc Sở cảnh sát London và cả Charles Darwin (1809 – 1882, nhà tự nhiên, địa chất và sinh học người Anh, nổi tiếng với học thuyết tiến hóa)… Sau đó, Darwin truyền đạt lại những điều này với Francis Galton, em họ mình… Tất cả thư của ông đều không được hồi âm, chỉ có một người bạn của Faulds cho biết rằng Scotland Yard (tên hoán dụ của Sở cảnh sát London) nói ông là tên bịp. Thất vọng, ông viết thư cho Cảnh sát trưởng Paris, Pháp, nhưng phát kiến của ông cũng bị phủ bụi thời gian…

Năm 1892, Juan Vucetich  (Ivan Vučetić, 1858 – 1925), người Argentina gốc Croatia (đến Argentina 1882) ở Sở cảnh sát La Plata (thủ phủ tỉnh Buenos Aires, khi phần lớn Buenos Aires trở thành Thủ đô năm 1880, 1955 đổi thành Eva Peron) được cho là người phân loại hình dạng vân tay đầu tiên, cho dù ngày 2 tháng 5 năm 1891, một Tạp chí khoa học Pháp đã đăng xếp loại hồ sơ vân tay của Francis Galton (1822 – 1911), nhưng không đưa ra phân loại cụ thể. 

“Danh sách các nhà phát minh” ghi Ivan Vučetić là người phát kiến phân loại vân tay (“Ivan Vučetić (1858 – 1925), Croatia-Method ffingerprint classification” dù một số tài liệu đã ghi công phân loại vân tay cho Galton. Sau này quen gọi phân loại vân tay theo hệ thống Galton – Henry (Edward Henry (1850 – 1931), người Anh, Chánh thanh tra cảnh sát Bengan; Cảnh sát trưởng London kiêm Trưởng phòng điều tra tư pháp; viết sách “Cách xắp xếp và sử dụng vân tay” năm 1898, chi tiết hơn trước đó).

Kể từ Herschel và Faulds, rất nhiều tên tuổi lớn của lịch sử, gồm cả các bác sĩ; nhiều nước; nhiều thời kỳ đã nghiên cứu vân tay… Phân loại hình dạng vân tay theo các bậc tiền bối nổi danh này khá phức tạp và khó hiểu. 

Ngày nay Khoa học hình sự thế giới phân loại đơn giản, dễ hiểu: vân tay có 3 dạng cơ bản là hình cung, quai và xoáy. Loại cung: có cung thường (cong ít), cung thật cong (cung cây thông) là đoạn giữa rất cong; không có tam phân điểm (là vùng nhỏ gồm đường (dòng) vân trên hình quai, dòng vân giữa hình xoáy, dòng vân dưới nằm ngang hơi lượn sóng – mô phỏng hình tam giác). Loại quai: gồm dòng vân trông như quai xách và một tam phân điểm. Loại xoáy: đa dạng như xoáy tròn, bầu dục, xoáy ốc, chữ S…; có ít nhất hai tam phân điểm. 

Đã khẳng định chắc chắn hình dạng vân tay không giống nhau kể cả hai người sinh đôi cùng trứng; không thay đổi hình dạng từ khi hình thành trong thời kỳ bào thai cho đến khi trở về cát bụi; có tính tái tạo rất mạnh. Hai người sinh đôi một trứng có bản đồ gene, giới tính, ngoại hình, bệnh cơ thể (có yếu tố di truyền như ung thư một loại, bệnh hệ thống tạo keo, suy giảm miễn dịch vô căn…) hoàn toàn giống nhau, nhưng hình dạng vân tay lại không giống nhau – điều đến nay y học cắt nghĩa vẫn không rõ ràng. 

Các nghiên cứu bào thai ngày nay cho thấy hình dạng vân tay bắt đầu hình thành từ tuần thứ 10 và định hình vào tuần thứ 19, chậm nhất là 24 tuần… Ba điểm đặc biệt này làm cho dấu vân tay có giá trị truy nguyên hình sự (một lĩnh vực của truy nguyên đồng nhất) cá biệt rất cao, mãi mãi, cho dù là một dấu vết hình sự thuộc hàng cổ điển nhất. 

Nhận dạng vân tay là một trong các phương pháp nhận dạng người, được nhiều quốc gia (điển hình nhất là các nước châu Âu và Mỹ) xếp vào giám định pháp y, nhưng cũng nhiều nước trong đó có Việt Nam tách thành một bộ môn riêng của khoa học hình sự. Hầu hết các nước đều lập tàng thư căn cước can phạm (lưu trữ dấu vân tay của người có tiền sự, tiền án), để có thể tra cứu nhanh nhất khi có yêu cầu của điều tra hình sự. Vân tay giúp quản lý công dân và ngày nay được ứng dụng vào nhiều công nghệ thông minh như nhận dạng khi vào cơ quan, công xưởng; chấm công; khóa điện tử… 

Qua vân tay có thể biết một phần các bệnh sai lệch nhiễm sắc thể như hội chứng Down (3 nhiễm sắc thể 21), Edward (3 nhiễm sắc thể 18), Patau (3 nhiễm sắc thể 13), Klinefelter (3, 4 hoặc 5 nhiễm sắc thể 23: XXY, XXYY, XXXY, XXXXY), Jacobs (XYY); Tuner (chỉ có một nhiễm sắc thể X – XO; mono X), hội chứng siêu nữ (XXX). 

Tuy nhiên, ngoại trừ xảy thai tự nhiên, những người sinh ra đều biểu hiện bất thường bộ phận hoặc hình dạng cơ thể rất đặc trưng, nếu cần chỉ một xét nghiệm di truyền là đủ, không mượn đến vân tay cho thêm phần đoán mò rắc rối. Người ta quảng bá rằng, năm 2000 ở Đức, Tiến sĩ Alexander Rodewald tuyên bố xác định khuyết tật bẩm sinh (khuyết tật gì? – tác giả) bằng vân tay chính xác 90%; Tiến sĩ Stowens, Giám đốc bệnh viện St Luke, New York, Mỹ tuyên bố chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt và bệnh bạch cầu qua vân tay chính xác hơn 90%, nhưng bề ngoài những người mắc hai bệnh này hoàn toàn bình thường vì thế “tuyên bố” này không thể tin được!? Ở các nước phát triển trong đó có Mỹ, hệ thống dữ liệu dấu vân tay được bảo quản nghiêm ngặt ở những cơ quan có thẩm quyền…

Sinh trắc vân tay có từ bao giờ?

Những năm gần đây, nhan nhản những bài báo mạng tâng bốc sinh trắc vân tay để nhận định tố chất, năng khiếu, tiềm năng và cả chỉ số thông minh (IQ); khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ (Emotional Quotient – EQ); chỉ số sáng tạo, khả năng ứng xử linh hoạt, thông minh (Creative Quotient – CQ); chỉ số vượt khó, đối phó với nghịch cảnh (Adversity Quotient – AQ) của trẻ, để hướng nghiệp, đào tạo đặc biệt thành thiên tài, cho đến cả tư vấn cải thiện bất đồng quan điểm cha mẹ – con trẻ… Kiểu như: “Sinh trắc vân tay và tiềm năng con người”; “Sinh trắc vân tay – giải mã bản thân để thành công”; “Sinh trắc học vân tay là gì? Bố mẹ nên tìm hiểu để định hướng cho con”; “Sinh trắc vân tay 4.0 của Mỹ. Uy tín – Bảo mật – Chuyên nghiệp”… Họ nói dự báo chính xác đến 95%, nhưng các bài viết giống nhau như “loa phóng thanh”, phân tích bản chất vấn đề nông cạn, nặng về áp đặt “giá trị”. Dịch vụ sinh trắc vân tay nhan nhản với báo giá (năm 2022) trung bình 2 – 5 triệu đồng/người, nhưng nhiều cơ sở “bóc tách” thành nhiều dịch vụ lẻ nên giá thực rất khác nhau, như tư vấn “nhu cầu học tập”; “xu hướng năng lực”; “nghề nghiệp”; “tính cách, hành vi”… 

Vậy họ nói và làm thế nào?

Nguồn cơn là năm 1926, “Tiến sĩ Harold Cummins được xem là cha đẻ của ngành nghiên cứu khoa học dấu vân tay đưa ra lý luận chỉ số cường độ vân tay (Pattern Intensity – PI). Giá trị RC (Ridge Count – chỉ số mô phỏng số đường vân tay của một người); số lượng tam giác điểm; hình dạng vân tay; vị trí hình dạng vân tay ở những ngón khác nhau có liên quan đến tiềm năng và trí tuệ con người. Ông nghiên cứu ra rằng dấu vân tay được hình thành đồng thời với sự hoàn thiện các cấu trúc của não bộ. Dấu vân tay được khởi tạo ở thai nhi vào giai đoạn từ 13 đến 19 tuần tuổi. Vào giai đoạn trước đó, thai nhi không có dấu vân tay đồng thời não bộ cũng chỉ trong giai đoạn hình thành. Khi thai nhi được 19 tuần tuổi cũng là lúc các vùng chính của não hình thành bao gồm cả vỏ đại não”. 

Sai, bởi “cha đẻ” của khoa học vân tay phải là Herschel và Faulds, Harold Cummins (1894 – 1976), nhà Giải phẫu học người Mỹ chỉ là người đưa ra thuật ngữ “Dermatoglyphics” (tiếng Hy Lạp nghĩa là “da chạm khắc”), tuy ông có nghiên cứu mối liên quan của vân tay trong nhân chủng, phôi thai và di truyền học. 

Đoạn viết trên “gán ghép” vân tay bào thai phát triển song hành với não là rất khiên cưỡng. Bởi không chỉ não, vân tay mà mọi bộ phận, cơ quan, mọi loại mô của bào thai đều không ngừng phát triển từ chưa có đến hoàn thiện, tuy độ dài thời gian có khác nhau. Đến hết tuần thứ 13, các cơ quan của thai về cơ bản đã hoàn thiện, nhưng khuôn mặt hoàn thiện vào tuần thứ 19? 

Mặt khác, đoạn viết dựa trên hiểu biết cũ, ngày nay xác định khoảng tuần 6 – 7, hệ thần kinh thai đã có ba phần đại não (não trước), não giữa và não sau, trong khi vân tay bắt đầu hình thành từ tuần thứ 10 và định hình vào tuần thứ 19, chậm nhất là 24 tuần như đã nói trên. 

Họ nói văng mạng rằng “Francis Galton (cháu của Charles Darwin) là người đầu tiên phát hiện vai trò của vân tay trong lĩnh vực di truyền” – hiểu theo đúng nghĩa đen thì vân tay quyết định di truyền của một người! Văng mạng là vì mãi đến năm 1953, James Dewey Watson, sinh 1928, nay đã 94 tuổi, nhà sinh học phân tử Mỹ và Francis Harry Compton Crick (1916 – 2004), nhà sinh học, vật lý học phân tử Anh, mới công bố mô hình cấu trúc DNA (quen gọi chuỗi Watson – Crick), còn những hiểu biết về di truyền từ năm 1865, khi Gregor Johann Mendel (1822 – 1884), người Áo, công bố tính kế thừa sinh học, cho đến trước Watson – Crick chỉ là những nhận xét, đánh giá đặc điểm di truyền; tính trội, lặn; vài quy luật… qua hình thái bên ngoài, chưa hề biết bản chất của di truyền là gene và trình tự xắp xếp các gene. 

Họ nói chung chung, từ dùng khập khiễng để nói tổng số lượng đường vân tay (Total Ridge Count – TRC) “phản ánh gần đúng sự đóng góp của từng gen riêng biệt trong hệ thống gen vào việc hình thành một con người cụ thể” để khẳng định: “Thật vậy, dấu vân tay được hình thành dưới tác động của hai yếu tố hệ thống gen và môi trường…” (hãy khoan nói đến yếu tố thứ 2, vì các giải thích hiện nay nói môi trường trong buồng ối góp phần hình thành dạng vân tay chưa đủ thuyết phục). Khập khiễng ở chỗ họ nói số lượng đường vân “là một biểu hiện phụ trợ của hệ thống gen mà con người được thừa kế” . Theo đúng thuật ngữ di truyền phải nói “là một biểu hiện kiểu hình của hệ thống gene mà con người được thừa kế”, vì kiểu gene theo nghĩa hẹp là tập hợp tất cả các alen (dạng cụ thể của một gene về các cặp BazơNitơ, trình tự xắp xếp, quyết định tính trạng nhất định). Kiểu hình là biểu hiện bên ngoài của kiểu gene (ví dụ hoa 2 màu tím, vàng phải do hai kiểu gene quy định).

Sự thực là hình dạng vân tay không hề được gene quyết định, bằng chứng là hai người sinh đôi một trứng có hệ thống gene hoàn toàn giống nhau nhưng hình dạng vân tay cũng không giống nhau! Lại còn “Bằng công nghệ sinh trắc học dấu vân tay, chúng ta sẽ biết được các tế bào thần kinh trong bộ não được phân bố như thế nào”. Đến nay, có vô số những nghiên cứu về não sử dụng nhiều phương tiện tiên tiến cũng chỉ phỏng đoán số lượng tế bào thần kinh (Neurone) của não người, càng không thể “đếm” được chính xác số Neurone của một người! Không rõ “phân bố” ở đây là mật độ hay vùng mô não có Neurone? Nếu là mật độ thì không thể biết, còn vùng mô não nào có Neurone thì đã biết từ cuối Thế kỷ XIX! Vì thế, đây mới đích thực là bịp khi qua vân tay biết được “phân bố” Neurone! Họ “chụp mũ” cho cường độ vân tay và số lượng đường vân là chỉ số mô phỏng mật độ tế bào thần kinh của một người, là hệ quả của tỷ lệ giữa số lượng đường vân với chỉ số yếu tố tăng trưởng thần kinh (Nerve growth factor – NGF). Chỉ số cường độ vân tay càng cao chứng tỏ lượng phân bổ tế bào thần kinh tại thùy não (thùy nào – tác giả) càng nhiều, để khẳng định “qua đây có thể đánh giá được năng lực của não bộ”. Chỉ với vân tay mà biết được tình trạng yếu tố tăng trưởng thần kinh – là các axit amin – trong não thì thật là “trời xanh khó dối, con đỏ dễ lừa”!

Sinh trắc vân tay - khoa học hay ngụy khoa học? - Ảnh 2.

Anh Apu Sarker và bố ở Bangladesh – gia đình 4 đời không có vân tay do đột biến gene.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải, giảng viên Viện Nghiên cứu giáo dục khoa học công nghệ, kỹ thuật, toán học (Science technology, engineering, mathematics – STEM) thuộc đại học Missouri, dẫn đoạn trả lời của bác sĩ Mỹ, Tracey Magrann với trang web Quora: Bạn đưa dấu vân tay cho phòng thí nghiệm để họ tiên đoán trí thông minh, tính cách, năng khiếu của bạn… Điều đó hoàn toàn là giả dối. Dấu vân tay không di truyền nên chúng chẳng có gì liên hệ với chức năng và khả năng của bộ não cả.

Người ta nói vân tay thiên tài là dạng núi (Tented Arch – hình cung), thế nhưng 10 dấu vân tay Albert Einstein chẳng có dạng này!

Tin theo “tiên đoán” của sinh trắc vân tay là đánh mất giá trị của giáo dục, nhân văn, đẩy mình vào nhiều rủi ro và sẽ có những hậu quả do “dạy cá leo cây”! Hiện không ai phủ nhận học thuyết phát triển nhận thức văn hóa xã hội (Socio-cultural cognitive theory) của nhà tâm lý học Liên Xô, Lev Semyonovich Vygotsky (1896 – 1934). Theo đó, phát triển nhận thức từ các yếu tố môi trường, xã hội, văn hóa và đặc điểm cá nhân. Bộ não thông minh chỉ là mảnh đất tốt, còn trồng được gì lại là chuyện khác…

Một trường đại học kỹ thuật lớn ở Việt Nam triển khai sinh trắc vân tay!? Trước đây các cơ sở dịch vụ đều chuyển dấu vân ra nước ngoài để phân tích, nay họ mua bản quyền của nước ngoài (Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc) và tự đào tạo nhân viên qua ít buổi huấn luyện. Những nhân viên này không được đào tạo cơ bản về nhận dạng đường vân, sinh trắc học và tâm lý học tư vấn. Nhận dạng dấu vân là những người này, máy tính chỉ tính toán dựa trên dữ liệu họ cung cấp, vậy có tin được không?

Hết kích hoạt não để thành thiên tài lại đến tìm thiên tài qua sinh trắc vân tay! Mà sinh trắc (Biometrics – thống kê, phân tích dữ liệu dựa trên đặc điểm sinh học cá nhân) thì nhiều thứ lắm: Vân tai, vân môi, vân mống mắt, vân chân, khuôn mặt đến giọng nói; dáng đi, đứng; cách gõ bàn phím; khí sắc (nét mặt)… Biết đâu mấy bữa nữa lại có sinh trắc vân tai, hay vân mống mắt để “phát hiện” thiên tài!?