Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững
Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững
06/03/2017
Sinh thái nhân văn là khoa học nghiên cứu quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên ở mức độ hệ thống, bao gồm hệ xã hội và hệ tự nhiên (hệ sinh thái). Sinh thái nhân văn không chỉ mở rộng khái niệm sinh thái học mà trở thành giao điểm hội tụ tư tưởng của nhiều ngành khoa học khác nhau. Sự hội tụ đó thể hiện tính hệ thống toàn vẹn bằng nghiên cứu các mối tương tác giữa các thành phần của hệ thống xã hội và hệ tự nhiên, trang bị cho nó vũ khí để có thể đương đầu được với các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng và các hệ thống tự nhiên – xã hội luôn luôn thay đổi.
Giá trị của sinh thái nhân văn là giúp cho con người thấy được những mối quan hệ không được thừa nhận trước kia giữa con người và môi trường; đồng thời cũng giúp cho con người nhận thức sâu sắc về vị trí của con người trong thế giới và suy nghĩ của con người về môi trường. Sinh thái nhân văn đã được áp dụng vào những nghiên cứu ở Việt Nam từ những năm 1989 trong nhiều lĩnh vực.
Hệ sinh thái nhân văn nông nghiệp
Hệ sinh thái nông nghiệp (HSTNN) là hệ sinh thái nhân văn điển hình. Các HSTNN không tự ổn định mà đòi hỏi sự hỗ trợ đầu vào của con người làm cho chúng khác với các hệ sinh thái tự nhiên là do con người tự thiết kế, trong đó có HSTNN truyền thống và HSTNN hiện đại. HSTNN truyền thống tương đồng với hệ sinh thái tự nhiên, xen canh rất nhiều loài cây trên cùng một cánh đồng, giống như hệ sinh thái tự nhiên. HSTNN hiện đại cần nhiều đầu vào như máy móc nông nghiệp, phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thủy lợi, giống cây trồng, vật nuôi cao sản, sản phẩm đầu ra lớn, bao gồm các chất thải. Hiện nay, nông nghiệp hiện đại đang có xu hướng tập trung vào nông nghiệp hữu cơ hay còn gọi là nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp bền vững là không làm đất suy thoái nhanh hơn quá trình hình thành của nó, người nông dân không làm giảm số lượng đất tốt, nước sạch và đa dạng các gen quý trong việc sản xuất lâu dài cây trồng và vật nuôi trong tương lai. Nông nghiệp bền vững là nền nông nghiệp đầu vào thấp, sử dụng ít hơn các thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, hoóc môn sinh trưởng, nước, năng lượng hóa thạch so với nông nghiệp, công nghiệp hiện nay. Nông nghiệp hữu cơ đang lựa chọn các phương pháp canh tác truyền thống, sử dụng phân hữu cơ và các phương pháp kiểm tra sâu bệnh thân thiện với môi trường. HSTNN hữu cơ không phụ thuộc vào hóa chất đầu vào và hạn chế gây ô nhiễm các hệ sinh thái xung quanh.
Tri thức bản địa
Tri thức bản địa hay còn gọi là tri thức địa phương là hệ thống tri thức của các cộng đồng cư dân bản địa ở quy mô, lãnh thổ khác nhau. Tri thức bản địa được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường và xã hội, đã được định hình dưới nhiều dạng thức, được truyền từ đời này sang đời khác qua trí nhớ, thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Nó hướng đến việc hướng dẫn và điều hòa các quan hệ xã hội, quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Tri thức bản địa chứa đựng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm; thu hái và sử dụng cây thuốc; bảo vệ rừng và các nguồn sông suối trong quản lý tài nguyên thiên nhiên… Tri thức bản địa là công cụ hữu hiệu điều chỉnh hành vi của con người đối với thiên nhiên, cụ thể như người Cơ Tu đã biểu hiện sự thích ứng cao trong việc sử dụng đất thể hiện qua việc tích lũy kinh nghiệm phân chia nhóm đất, bố trí hệ thống cơ cấu cây trồng cũng như việc quản lý theo luật tục. Văn hóa và tri thức bản địa đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vấn đề, hạn chế các ảnh hưởng đến hệ sinh thái, là nguồn thông tin có giá trị lâu dài, góp phần vào thành công của các dự án phát triển, trên cơ sở dựa vào cộng đồng và đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Một số vấn đề sinh thái nhân văn khác
Quá trình tiến hóa của xã hội loài người song hành với dân số ngày càng tăng là sự tổ chức, phân công lao động và tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Khoa học kỹ thuật là phương thức nòng cốt thể hiện về mặt chất lượng, quy mô sản xuất của con người và cũng là quy mô tác động của các hoạt động xã hội lên tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Một số vấn đề sinh thái nhân văn nổi bật ở Việt Nam đã được tiến hành nghiên cứu về các phương diện như dân số, ô nhiễm, đô thị hóa, quản lý tài nguyên, quản lý chất thải, khai thác quá mức và không hợp lý tài nguyên thiên nhiên cũng đã được một số nhà khoa học quan tâm xem xét.
HSTNN là hệ sinh thái nhân văn điển hình
Hệ sinh thái nhân văn đô thị là hệ sinh thái nhân văn điển hình, hầu như do con người thiết kế toàn bộ, là trung tâm giáo dục, tôn giáo, thương mại, thông tin và chính trị với đại đa số dân số phi nông nghiệp. Các TP lớn cả ở các nước phát triển và đang phát triển đều có những thách thức như nhau đó là những nhu cầu đáp ứng lương thực, nước uống, nhà cửa, việc làm và các dịch vụ cơ bản khác; giao thông đô thị, ô nhiễm môi trường đô thị. Các vùng đô thị rõ ràng là vũ đài cơ bản về mối tác động qua lại giữa con người và thiên nhiên, TP là nơi tập trung dân cư và lực lượng sản xuất chủ yếu, là nguyên nhân ô nhiễm và phá hoại môi trường. Vì thế, vấn đề môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng, cần phải có những ứng xử hợp lý với môi trường, thiên nhiên.
Bảo tồn và phát triển: Đa dạng sinh học hỗ trợ kinh tế, xã hội và sự thịnh vượng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, giá trị của vô số lợi ích này thường bị bỏ qua hay chưa hiểu một cách đúng mức. Chúng hiếm khi được cân nhắc qua kinh tế thị trường. Đa dạng sinh học là sản phẩm của một quá trình tiến hóa lâu dài, trong đó, mỗi loài đã tích lũy cho mình những gen chống chịu được bệnh tật, thích nghi được với các điều kiện sinh thái đặc thù. Mỗi loài có một vai trò nhất định trong hệ sinh thái, là một mắt xích khép kín trong chu trình vật chất của hệ. Mất đi một loài là làm giảm đi độ bền vững của hệ. Vì vậy, đa dạng sinh học cần được bảo tồn bằng một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo sự an toàn cho các loài, gen và hệ sinh thái. Bảo tồn đa dạng sinh học đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia, nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau như các nhà hoạch định chính sách, kinh tế, quản lý tài nguyên, giáo dục, các cộng đồng dân tộc… để đề xuất và phát triển các mô hình thực tế bảo tồn đa dạng sinh học.
Đa dạng sinh học nông nghiệp là một bộ phận của đa dạng sinh học và là sản phẩm tương tác của cả hệ thống tự nhiên và hệ thống xã hội trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã và đang cung cấp trực tiếp và gián tiếp nguồn tài nguyên di truyền sinh vật, tri thức cho thế hệ hôm nay và mai sau của xã hội loài người. Mức độ đa dạng sinh học trong nông nghiệp đã có dấu hiệu bị suy giảm nghiêm trọng do các nguyên nhân kinh tế – xã hội, nguyên nhân sinh học và nguyên nhân về chính sách thể chế. Hàng loạt các vật nuôi cây trồng bản địa đã biến mất khỏi hệ thống canh tác truyền thống.
Các dân tộc thiểu số của Việt Nam sở hữu kinh nghiệm về cây thuốc và sử dụng gia truyền đối với nhiều cây thuốc. Trong phạm vi gia đình, các hộ dân miền núi hầu hết đều có thể sử dụng từ vài chục đến vài trăm loại cây thuốc sẵn có trong khu vực để chữa các bệnh thông thường như đau đầu, tiêu chảy, đứt chân tay, sốt… Trong phạm vi cộng đồng miền núi, có 3 – 5 người có kinh nghiệm sử dụng cây thuốc phong phú, chữa được các bệnh khó hơn cho cộng đồng. Các cây thuốc thường được khai thác một cách bền vững, nguồn lợi thu được thuộc về cộng đồng. Cây thuốc còn có thể được trồng hoặc khai thác từ tự nhiên để bán như một hàng hóa. Do vậy, cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng để bảo tồn, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang là những thách thức đối với sự tồn tại và phát triển ở Việt Nam. Hiện tượng BĐKH được biểu hiện ở chiều hướng tăng của nhiệt độ, thay đổi chế độ mưa và lượng mưa, chế độ gió, lũ quét và trượt lở đất xảy ra cực mạnh ở nhiều nơi thuộc miền núi phía Bắc và miền Trung; hạn hán xảy ra hàng năm ở hầu khắp các khu vực miền núi (đặc biệt ở Tây Nguyên)… Thiên tai và cực đoan theo chiều hướng mạnh lên cùng với nguy cơ làm tăng các thảm họa thiên nhiên và tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực liên quan đến đời sống và sinh kế của đồng bào các dân tộc (sức khỏe, an ninh lương thực, công nghiệp, dịch vụ, du lịch…) cũng được nghiên cứu trong lĩnh vực sinh thái nhân văn. Thực tiễn cho thấy, sự gắn kết vấn đề BVMT với phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) nhất là xóa đói giảm nghèo ở vùng miền núi Việt Nam là cực kỳ quan trọng và cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ góp phần làm giảm nhẹ, phòng chống và thích ứng với BĐKH.
Phát triển bền vững là sự phát triển mà trong đó các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường luôn luôn tương tác với nhau trong suốt quá trình quy hoạch, phân bố lợi nhuận công bằng giữa các tầng lớp trong xã hội và khẳng định các cơ hội cho sự phát triển, duy trì một cách liên tục cho các thế hệ mai sau với những đặc điểm: Kinh tế trong phát triển bền vững là một nền kinh tế tăng trưởng liên tục không gây ra suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo do biết vận dụng kỹ thuật và sự khôn khéo của con người, đồng thời không gây ra ô nhiễm môi trường; Sự công bằng trong phát triển bền vững được đặc trưng bởi sự phân phối quyền lợi và các cơ hội một cách công bằng giữa các tầng lớp xã hội, bình đẳng về giới, công bằng giữa các thế hệ; Môi trường trong phát triển bền vững đòi hỏi không chỉ cho xã hội loài người mà còn cho tất cả các hệ thống sinh vật trên Trái đất.
Quản lý tổng hợp các hệ thống sinh thái thừa nhận con người và nơi sống của con người như là thành phần trong mối tương tác của hệ thống sinh thái nhân văn. Quản lý hệ sinh thái nhân văn kết hợp các giá trị xã hội – con người vào các chính sách quản lý và chiến lược với truyền thống ưu thế bởi giá trị kinh tế và giá trị môi trường. Để đạt được sự bền vững cần có các chính sách quản lý tài nguyên và thực hiện các chiến lược tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và BVMT qua các thế hệ. Quản lý hệ sinh thái nhân văn tổng hợp đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chí này. Về các nguyên tắc cơ bản, quản lý hệ sinh thái nhân văn bền vững bao gồm quy hoạch và quản lý không gian và thời gian của môi trường, con người, các vùng rừng đầu nguồn và các lưu vực sông, kết hợp giữa đất đai công cộng và tư nhân. Tính bền vững đòi hỏi quy hoạch mở rộng thông qua biểu thời gian giữa các thế hệ. Các khái niệm và phương pháp quy hoạch giữa các thế hệ bằng các biểu thời gian không phải là lựa chọn của các nhà sinh thái học mà thường các nhà kinh tế chú ý nhiều hơn. Mặt khác, đánh giá sinh thái về sự thay đổi cảnh quan thường kéo dài hàng thế kỷ.
Sinh thái nhân văn là khoa học kết hợp giữa con người và thiên nhiên. Nhiệm vụ của nghiên cứu sinh thái nhân văn là làm cho mọi người hiểu được rằng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên mà nhiều nền văn hóa, tôn giáo trên thế giới đã nhận thức được. Đó là giá trị đạo đức và nghĩa vụ tôn trọng thiên nhiên, quan tâm đến người khác, biết chia sẻ công bằng phúc lợi và chi phí trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, BVMT giữa các cộng đồng, giữa người nghèo với người giàu, giữa thế hệ chúng ta với thế hệ mai sau.
Một trong những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững là môi trường công nghiệp và BĐKH. Các khu công nghiệp đã cho thấy một hệ thống sinh thái nhân văn với những đặc điểm đặc trưng của sự chuyển dịch cường độ cao các dòng năng lượng vật chất, trong đó có chất ô nhiễm. Nhiều vụ việc xảy ra như ô nhiễm các khu công nghiệp, dòng sông, lưu vực, vùng bờ biển càng nêu lên nhu cầu cấp bách của việc nghiên cứu mang tính hệ thống của các hệ sinh thái nhân văn công nghiệp này, để có thể đưa ra những đề xuất, giải pháp cho phát triển bền vững. Bên cạnh đó, BĐKH, nước biển dâng đã và sẽ dẫn tới sự thay đổi thành phần, cấu trúc của hệ thống tự nhiên, từ đó dẫn đến sự thay đổi của dòng năng lượng vật chất thông tin giữa hệ tự nhiên và hệ thống xã hội. BĐKH, nước biển dâng và các tác động của chúng gây áp lực lên các mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, hệ sinh thái nhân văn cần có những thay đổi, thích nghi, ứng phó hợp lý với BĐKH và nước biển dâng.
Như vậy, sinh thái nhân văn ở Việt Nam đã được ứng dụng rộng rãi, trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về hệ thống tự nhiên, môi trường và xã hội, đặc biệt đối với hệ sinh thái nhân văn nông nghiệp, hệ sinh thái nhân văn ở vùng đồng bằng, trung du, miền núi Việt Nam. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thêm hướng nghiên cứu liên quan tới hệ sinh thái nhân văn đô thị, hệ sinh thái nhân văn công nghiệp và các vấn đề liên quan đến BĐKH và nước biển dâng để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.
Phan Thị Anh Đào
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH
Lê Trọng Cúc, Hoàng Văn Thắng
Viện TN&MT, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2017