Siêu thị về làng – Trang chủ – Báo Bắc Ninh

Hiện nay, toàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại, 26 siêu thị, khoảng 132 cửa hàng tiện lợi… trong đó, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh có mặt tại các khu dân cư, vùng nông thôn. Với những ưu điểm nổi bật: Không gian mua sắm lịch sự, nhân viên phục vụ tận tình, giá niêm yết công khai; sản phẩm đa dạng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, những điểm kinh doanh này đang thu hút sự quan tâm, mua sắm của người dân nông thôn. Chị Nguyễn Thị Thu Hoài  (thôn Đức Hiệp, xã Xuân Lâm, Thuận Thành) đang mua hàng tại Siêu thị Trí Đức (xã Xuân Lâm) cho biết:“Trước đây, nếu muốn đi siêu thị mua thực phẩm và đồ gia dụng tôi phải lên thành phố Bắc Ninh hoặc thuê xe ra Hà Nội, đường xa, quá trình di chuyển mất nhiều thời gian. Nhưng vài năm gần đây, có siêu thị gần nhà, hàng hóa đa dạng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cũng phù hợp… nên mỗi tuần tôi đi 2-3 lần”. Chị Nguyễn Thị Hương (Hà Mãn, Thuận Thành) kể: “Đi làm ăn xa, vài ba tháng mới về nhà một lần. Mọi khi, mỗi lần về là “tay xách, nách mang, nhưng từ khi có Siêu thị MP Mart cách nhà chỉ vài trăm mét mua được đầy đủ những thứ mình cần, vừa tiện dụng, an toàn… ”.

 

Người dân chọn mua hàng tại siêu thị Trí Đức, xã Xuân Lâm (Thuận Thành).

Với sự hưởng ứng của khách hàng, hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở khu vực nông thôn tiêu thụ ổn định và tăng cao, nhất là dịp lễ, tết. Theo ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đời sống, thu nhập được cải thiện, người dân nông thôn không chỉ quan tâm tới giá cả hàng hóa như trước mà còn chú ý đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Nên việc hình thành các siêu thị, trung tâm mua sắm tại vùng nông thôn với nhiều tiện ích được nhiều người ủng hộ và dần trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống. Thị trường nông thôn cũng dần trở thành “miếng bánh hấp dẫn” cho các nhà đầu tư bán lẻ… Chủ trương của tỉnh là ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở khu vực nông thôn và địa bàn tập trung nhiều công nhân; liên kết với các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đưa sản phẩm của địa phương vào chuỗi hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị để quảng bá và mở rộng đầu ra cho sản phẩm…
Dù mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao và có cơ hội phát triển tốt, nhưng việc đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích ở khu vực nông thôn còn bộc lộ những hạn chế như: Chưa bảo đảm về số lượng, chưa đồng đều giữa các địa phương và mật độ trong cùng một địa bàn; đa phần các siêu thị, cửa hàng tự chọn ở nông thôn mới đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn phát triển thương hiệu nên chưa khai thác hết lượng khách hàng; tính kết nối và tương tác chưa cao, nhất là đối với những người dân sinh sống ở xa trung tâm… Để thúc đẩy thương mại nông thôn theo hướng hiện đại, chính quyền địa phương nên tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, nhất là khu vực xa trung tâm huyện, thị trấn. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích cần tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm chất lượng. Chú trọng đưa các nhóm hàng hóa nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của địa phương vào kinh doanh nhằm quảng bá, giới thiệu, góp phần thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Quang Minh

Quang Minh