Siêu thị là gì? Đặc điểm và vai trò của siêu thị bạn cần biết

Siêu thị là gì? Hệ thống siêu thị là gì? Đặc điểm và vai trò của mô hình này như thế nào trong cuộc sống?

Siêu thị xuất hiện trong hệ thống bán lẻ tại Việt Nam khá muộn. Trong vài thập kỷ hình thành và phát triển, siêu thị đã trải qua nhiều thăng trầm của nó.

Tuy nhiên hiện nay, xã hội đã coi siêu thị như một phần không thể thiếu. Từ đó, siêu thị cũng đang cố gắng phát triển cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng nhu cầu trong thời đại mới.

Vậy, bạn đã hiểu siêu thị là gì? Vai trò và đặc điểm của siêu thị ra sao chưa? Nếu chưa, hãy tham khảo bài viết sau đây của Môi Giới Cá Nhân.

1. Siêu thị là gì?

Theo Từ điển kinh tế thị trường, “Siêu thị là cửa hàng tự phục vụ, bày bán nhiều mặt hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống, dụng cụ gia đình và các loại vật dụng cần thiết khác”

Trên thế giới, siêu thị được định nghĩa theo nhiều tiêu chí khác nhau như: Quy mô phục vụ, số lượng hàng hóa hay cơ sở vật chất,…

Tại Việt Nam, thuật ngữ “siêu thị” được dịch trực tiếp từ tiếng Anh là “supermarket”. Hiểu một cách cơ bản, siêu thị là một cái chợ lớn, về cả diện tích, số lượng hàng hóa hay sự chuyên nghiệp.

Tuy đa dạng các mặt hàng và cùng là hình thức bán lẻ, nhưng siêu thị khác cửa hàng tạp hóa về mặt quy mô.

2. Đại siêu thị là gì?

Ngoài thuật ngữ siêu thị, có khá nhiều người cũng đang thắc mắc đại siêu thị là gì.

Đại siêu thị là một dạng siêu cửa hàng kết hợp giữa một siêu thị và một cửa hàng bách hóa. Đây là nơi tạo ra ra một địa điểm bán lẻ khổng lồ, có khả năng chứa rất nhiều loại sản phẩm và hàng hóa bên trong.

Các đại siêu thị đều đi theo mô hình kinh doanh doanh số cao, biên lợi nhuận thấp. Thông thường, đại siêu thị có diện tích từ 05 – 15 nghìn m2, với sức chứa vào khoảng hơn 200.000 loại thương hiệu và nhãn hàng khác nhau.

3. 4 đặc điểm của siêu thị

Nhìn chung, siêu thị là một mô hình bán hàng hiện đại, mang nhiều đặc trưng của văn hóa mua hàng thời đại mới. Đặc điểm của siêu thị bao gồm:

a) Siêu thị là cửa hàng bán lẻ

Bán lẻ là khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Điều này có nghĩa, đối tượng khách hàng của siêu thị là người tiêu dùng – những người trực tiếp sử dụng hàng hóa.

Tuy nhiên hiện nay, một số chủ cửa hàng tạp hóa cũng có thể tìm đến siêu thị để yêu cầu mua hàng theo giá buôn, với điều kiện số lượng hàng hóa phải đủ lớn.

Về cơ bản, phương thức kinh doanh chủ yếu của siêu thị vẫn là bán lẻ. Trong hệ thống các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam, siêu thị được đánh giá là có quy mô lớn hơn siêu thị mini hay cửa hàng tạp hóa.

b) Siêu thị áp dụng phương thức tự phục vụ

Tự phục vụ (self-service hay libre- service) là phương thức kinh doanh cơ bản của siêu thị. Theo đó, người mua tự lựa chọn hàng hóa theo nhu cầu và đem đến quầy thu ngân để tiến hành thanh toán.

Siêu thị là phương thức kinh doanh mà người bán vắng bóng trong toàn bộ quá trình mua hàng. So với cách bán hàng truyền thống, tự phục vụ đem lại lợi ích khá lớn khi doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí thuê nhân viên bán hàng. Với những ưu điểm đó, tự phục vụ được cho là đồng nghĩa với văn minh, hiện đại và ngày càng phát triển.

Do không có người bán tại quầy, giá cả được niêm yết rõ ràng và người mua không thể mặc cả hay ép giá. Cho nên, ở Việt Nam, nhiều người vẫn có thói quen lựa chọn chợ thay vì siêu thị.

c) Phương thức thanh toán linh hoạt

Hàng hóa gắn mã vạch, mã số được đem ra quầy tính tiền ở cửa ra vào, dùng máy quét để đọc giá, tính tiền bằng máy và tự động in hóa đơn. Đây chính là tính chất ưu việt của siêu thị, đem lại sự thỏa mãn cho người mua sắm,…

Đặc điểm này được đánh giá là cuộc đại “cách mạng” trong lĩnh vực thương mại bán lẻ.

d) Nghệ thuật trưng bày hàng hóa

Nghệ thuật trưng bày hàng hóa là cần thiết, nhưng càng quan trọng với những cửa hàng bán hàng theo phương thức tự phục vụ. Do ở đây không có sự quảng cáo và mời chào từ phía người bán, nên hàng hóa cần được sắp xếp theo cách thu hút.

Một số nguyên tắc được định ra khi trưng bày hàng hóa trong siêu thị như:

  • Những hàng hóa bán chạy được đưa lên vị trí dễ thấy.
  • Những hàng hóa có liên quan đến nhau được sắp xếp cạnh nhau.
  • Những hàng hóa khuyến mãi được trưng bày tại nhiều địa điểm,…

4. 4 vai trò chính của siêu thị

  • Siêu thị mua hàng hóa của người sản xuất về một địa điểm để bán lại cho người tiêu dùng với giá thấp nhất trong hệ thống phân phối.
  • Siêu thị giúp giải quyết sự khác biệt về không gian giữa sản xuất và thời gian tiêu dùng không trùng khớp.
  • Siêu thị nắm bắt được nhu cầu thực tế của thị trường cả về sản phẩm, thời gian và không gian. Chính vì vậy, siêu thị có thể truyền tải những thông tin cần thiết về nhu cầu thị trường cho những người sản xuất và cung ứng hàng hoá.
  • Tạo lập cầu nối để dẫn dắt người sản xuất định hướng vào nhu cầu thị trường, giảm thiểu các tầng, nấc trung gian trong hệ thống phân phối

Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc siêu thị là gì cùng những vấn đề xoay quanh. Hy vọng những thông tin Môi Giới Cá Nhân đem lại sẽ giúp ích cho bạn trong việc hiểu sâu hơn về siêu thị.