Siêu thị *Q-Mart bày bán hàng hóa không tem nhãn phụ Tiếng Việt, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng
Người tiêu dùng phản ánh đến Thương hiệu & Công luận về việc nhiều sản phẩm bày bán trong siêu thị *Q-Mart có địa chỉ số 06 Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt, thực phẩm chỉ có giá bán không có ngày đóng gói và hạn sử dụng…
Nhằm xác minh thông tin phản ánh, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã đến siêu thị *Q-Mart để “mục sở thị” và thấy đúng như những gì người tiêu dùng phản ánh.
Trong vai người tiêu dùng, ngày 28/07, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã đi mua hàng và ghi nhận thực tế cơ sở siêu thị *Q-Mart tại số 06 Đền Lừ, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội. Theo quan sát của phóng viên, song song với các gian hàng thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, nước uống, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình… tại đây còn bày bán nhiều sản phẩm đồ chơi bằng nhựa có tiếng nước ngoài, nguy cơ gây hại cho trẻ em khi sử dụng…
Siêu thị *Q-Mart tại số 06 Đền Lừ, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội.
Quan sát tại gian hàng thực phẩm đông lạnh, phóng viên nhận thấy trên một số sản phẩm như: Thịt bò, thịt gà… chỉ có tên sản phẩm và giá bán nhưng trên bao bì của sản phẩm không thể hiện thông tin của sản phẩm như: Ngày đóng gói, hạn sử dụng, đơn vị phân phối sản phẩm… vẫn được siêu thị *Q-Mart bày bán cho người tiêu dùng.
Một số sản phẩm như: thịt bò, thịt gà… chỉ có tên sản phẩm và giá bán.Tiếp tục ghi nhận, tại khu vực bày bán đồ dùng gia đình, bánh kẹo, xen lẫn những sản phẩm được dán nhãn đầy đủ thì phóng viên Thương hiệu & Công luận còn thấy có những sản phẩm 100% chữ nước ngoài (bao gồm tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản) nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện như: Thông tin của sản phẩm, đơn vị cung cấp, phân phối. Cụ thể như sản phẩm Thạch trái cây Hàn Quốc Dolphin, Ngũ cốc Calbee, sữa tắm…Sản phẩm Thạch trái cây Hàn Quốc Dolphin, Ngũ cốc Calbee, sữa tắm…100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Tại khu vực bày bán đồ chơi, nhiều sản phẩm có chữ viết nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc,… không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nhiều sản phẩm không có thông tin về nhà phân phối, cách sử dụng cũng như những cảnh báo về độ tuổi phù hợp sử dụng sản phẩm… Siêu thị *Q-Mart bán nhiều sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ nhỏ, liệu rằng, những món đồ trên có thực sự an toàn với trẻ?
Khu vực bày bán đồ chơi của siêu thị *Q-Mart.Một số sản phẩm đồ chơi không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Như vậy, việc những sản phẩm nói trên không có thông tin về nhà phân phối, cách sử dụng, trên sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt… khiến người tiêu dùng hoang mang. Vậy thì những người tiêu dùng bình dân, không biết tiếng nước ngoài làm sao xác định, phân biệt được sản phẩm và mua?
Để thông tin được khách quan, ngày 01/8, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Sơn – Quản lý siêu thị *Q-Mart. Tại buổi làm việc, khi PV đề cập đến hàng hoá thực phẩm, cụ thể là sản phẩm thịt bò, thịt gà… chỉ có tên và giá của sản phẩm nhưng trên bao bì không thấy ngày đóng gói, hạn sử dụng, đơn vị phân phối thì ông Sơn nói: “Chắc do “bị rụng” ra”. PV thắc mắc: “Không chỉ một sản phẩm mà nhiều sản phẩm trong tình trạng như vậy”, thì ông Sơn tiếp tục nói: “Để kiểm tra lại”.
Tiếp tục, về vấn đề nhiều hàng hoá không tem nhãn phụ tiếng Việt, ông Sơn khẳng định: “Phải để kiểm tra lại” và nói thêm: “Bên siêu thị *Q-Mart không chuyên về hàng ngoại, chỉ bán nhỏ lẻ. Tất cả hàng hoá nhập vào đều có giấy tờ”? Tuy nhiên, khi PV mong muốn tiếp cận hồ sơ, giấy tờ liên quan, ông Sơn chỉ cung cấp được 01 hợp đồng giữa bên cung ứng sản phẩm thịt bò với siêu thị *Q-Mart.?
Có thể thấy, việc bày bán các sản phẩm không có tem nhãn bằng tiếng Việt làm người tiêu dùng không thể tìm hiểu thông tin cơ bản về sản phẩm: Nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm, các thành phần có trong sản phẩm, cũng như cách sử dụng sản phẩm, độ tuổi thích hợp để có thể sử dụng sản phẩm… Từ đó, các mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái sẽ có cơ hội “tuồn vào” các cửa hàng gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Bởi trên thực tế, đã có nhiều vụ việc trẻ em sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồ kém chất lượng dẫn đến tình trạng nguy hiểm về tính mạng. Câu hỏi đặt ra: Người sử dụng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng rởm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường? Khi có sự cố xảy ra, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?…
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2019/BKHCN, nêu rõ các loại đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo đúng quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.
Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước phải thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và các phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
Đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.
Đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc không qua kiểm định thường có nguy cơ được sản xuất từ nhựa tái chế, bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (Phthalic Acid Esters) – một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Nếu trẻ ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần.
PV