Siêu thị Go Hải Phòng xuất hiện hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có đơn vị nhập khẩu
Theo phán ánh của bạn đọc, tại siêu thị GO Hải Phòng, xuất hiện những gian hàng quần áo mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, gian hàng bán mũ bảo hiểm trá hình,…một số sản phẩm 100% tiếng nước ngoài chỉ có đơn vị phân phối mà không có đơn vị nhập khẩu, hoa quả có dấu hiệu bị hỏng, thối,….PV Thương hiệu & Công luận đã “mục sở thị”.
LTS: Thương hiệu & Công luận đăng tải loạt bài về hàng hóa nhiều không, có dấu hiệu trốn thuế tại thị trường Hải Phòng, nhiều bạn đọc bày tỏ sự thất vọng đối với các mặt hàng tiêu dùng được kinh doanh bởi các tiểu thương nhỏ, lẻ; chợ dân sinh; shop. Người tiêu dùng mất niềm tin cũng bởi, ông Nguyễn Bá Lộc-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hải Phòng-Cơ quan có “quyền lực” nhất đối với hàng hóa bày bán trên thị trường lại nói rằng, người tiêu dùng Hải Phòng “sính ngoại” nên phải có “tý ngoại” thì mới bán được hàng. Rồi thì, đó chỉ là hàng nhỏ, lẻ, ít hàng do tiểu thương “ủ” từ trước…Chứ, lực lượng quản lý thị trường Hải Phòng cũng tuyên truyền và phạt nhiều.
Tuyên truyền, nhắc nhở, phạt nhiều mà la liệt hàng không nguồn gốc, xuất xứ, nhái, lậu, trốn thuế bày bán từ chợ dân sinh, đến cửa hàng lớn ở trên phố, đến các siêu thị hả ông Lộc?
Chúng tôi còn được biết, sau khi tạp chí Thương hiệu & Công luận nêu tên một siêu thị ở Thủy Nguyên bán hàng không nguồn gốc, không xuất hóa đơn đỏ… thì ngay ngày hôm sau, Quản lý thị trường Hải Phòng đến siêu thị này kiểm tra trong 02 ngày. Vậy thì cái gọi là “ủ hàng” là “sính ngoại” là có nhắc nhở, kiểm tra, phạt của ông Lộc, đại diện cho lực lượng Quản lý thị trường Hải Phòng ở đâu? Được hiểu như thế nào? Đề nghị ông Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng có ý kiến trả lời tạp chí Thương hiệu & Công luận về những vấn đề tạp chí đăng đúng tôn chỉ, mục đích; vì lợi ích của người tiêu dùng; đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, còn có chuyện, sau khi tạp chí đăng tải bài viết về số 15 Thiên Lôi bán hàng tự chế, hàng cấm nổi tiếng đến mức “Phó Chủ tịch thành phố cũng dùng”, PV Thương hiệu & Công luận nhận được “truy vết” của chủ cửa hàng. Vậy, quản lý thị trường để chủ cửa hàng lớn, trên phố lớn, bán hàng tự chế, hàng cấm, bị phản ánh, “dọa” cả PV thì cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này là Quản lý thị trường Hải Phòng nghĩ gì?
Niềm tin của người tiêu dùng Hải Phòng, còn sót lại có lẽ chỉ còn đặt vào các siêu thị, trung tâm thương mại bởi nó quy mô, có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch. Nhưng, đáng tiếc rằng, niềm tin ấy lại một lần nữa bị lợi dụng.
PV “mục sở thị”, tại địa chỉ lô 1/20 Khu đô thị mới Ngã năm sân bay Cát Bi là siêu thị GO Hải Phòng. Đây là một trong địa điểm mua sắm lớn và uy tín của người dân Hải Phòng nhiều năm qua.
Hàng hóa sắp xếp lộn xộn, hàng nhập khẩu có dấu hiệu hỏng vẫn bày bán
Ghi chân gà nhưng lại để khay mề gà.
Tại gian hàng hoa quả, mặt hàng nho Mỹ nhập khẩu “nho Mỹ đỏ không hạt” không có thông tin đơn vị nhập khẩu hay phân phối, các cuống nho đã khô queo lại và có nấm mốc. Một số mặt hàng hoa quả, củ có dấu hiệu thối, hỏng, héo vẫn được bày bán như: Cóc, thanh long, khoai tây….
Giải thích về việc hoa quả dập nát, nhân viên thu ngân tại siêu thị nói: “Hôm qua bày hàng nhưng hôm nay không có hàng, do khách sờ qua lại nên nó vậy”. Nhóm PV còn phát hiện tem sản phẩm ghi nho Mỹ nhưng bên trong là Kiwi.
Hộp Kiwi lại được dán tem nho Mỹ.
Gian hàng về hải sản tươi sống và đã qua sơ chế với vô số loại hải sản được bày biện đẹp mắt. Thú vị hơn là khoang tủ “cá nhập khẩu” lại có cả thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp, rồi lại “nhập khẩu” cá toàn cá nục nướng, cá ngừ nướng, cá phèn hồng nướng, cá thu 1 nắng,… của Công ty cổ phần Biển Quỳnh Việt Nam. Chắc siêu thị đã “nhập khẩu” cá từ các tỉnh miền Trung, miền Nam (phân phối bởi CTCP Lam Sơn Hải, Nghệ An) ra miền Bắc bán nên mới ghi là “cá nhập khẩu”.
Tủ cá nhập khẩu thực ra lại là cá nội địa.
Gian hàng bán thịt lợn, thịt gà, mề gà, chân gà bày bán các sản phẩm “để biển hàng một đằng bán hàng một nẻo”, khay hàng chân gà lại thấy toàn mề gà, khay mề gà lại toàn thịt và sụn.
Quan sát kỹ tại gian hàng, sản phẩm, PV không thấy thông tin ngày giết mổ hay ngày hết hạn sử dụng sản phẩm tươi sống đang bày bán. Khi PV hỏi người đứng quầy trực tiếp ở đó về thời gian giết mổ thì được trả lời: “Mặc định những mặt hàng này là giết mổ trong ngày”. Không biết trong ngày là giết trong cùng 01 ngày rồi bán nhiều ngày, hay chỉ bán trong 01 ngày rồi bỏ.
Sản phẩm cá đông lạnh nội địa trong khoang cá nhập khẩu.
Ghi hạn sử dụng nhưng lại tư vấn là “hạn sử dụng thỏa mái”
Rồi sản phẩm của CP là do người của CP quản lý hay nhân viên trong siêu thị GO Hải Phòng quản lý bày bán, phục vụ khách hàng mà lại có cung cách phục vụ, tư vấn thông tin sản phẩm cho khách hàng lại như “hỏi xoáy đáp xoay” khiến người mua hàng khó nắm bắt được thông tin sản phẩm. Sản phẩm thịt lợn đông lạnh được đóng gói sẵn có ghi ngày cân và ngày hết hạn cùng một ngày.
Lưỡi heo đông lạnh nhập khẩu không ghi ngày đóng gói.
Hỏi về ngày hết hạn của sản phẩm này thì nhân viên của siêu thị cho biết: “Hàng đông lạnh này dùng thoải mái luôn”. Như vậy có phải cứ đông lạnh là sẽ “thoải mái” dùng không có ngày hết hạn sản phẩm? Sản phẩm lưỡi heo đông lạnh nhập khẩu không có ngày đóng gói. Việc in ngày, cân và ngày hết hạn cùng một ngày vô hình dung khiến người tiêu dùng hiểu rằng đây là sản phẩm dùng trong ngày rồi khi “ế” thì bỏ vào tủ đông. Lưỡi heo nhập khẩu có ngày cân và ngày hết hạn cùng một ngày.
Tại điểm 1, Điều 44, Luật An toàn thực phẩm quy định về ghi nhãn thực phẩm quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
Bắp giò heo đông lạnh có ngày cần và ngày hết hạn cùng một ngày.
“Mập mờ” về nguồn gốc, xuất xứ
Tại gian hàng hóa mỹ phẩm có mã vạch sản phẩm là của Trung Quốc nhưng lại được ghi nơi sản xuất là Thái Lan hay sản phẩm của Pháp nhưng lại mang mã vạch của Indonesia. Một số sản phẩm được ghi sản xuất tại Indonesia lại có mã vạch của Thái Lan và Malaysia.
Tại khu bày bán hóa mỹ phẩm, Thương hiệu & Công luận còn tìm thấy sản phẩm 100% chữ nước ngoài (bao gồm tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc) nhưng không có nhãn phụ, không thông tin sản phẩm, không đơn vị nhập khẩu và phân phối có giá bán 135.000 đồng.
Sản phẩm 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tại siêu thị Go Hải Phòng. Sản phẩm 100% chữ nước ngoài dán nhãn phụ không có đơn vị nhập khẩu.
Tại điểm 3, Điều 14 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định ngày sản xuất hạn sử dụng quy định đối với hàng hóa được san, chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phải thể hiện hay san, chia, sang chiết, nạp đóng gói lại và hạn sử dụng được tính từ ngày sản xuất được thể hiện trên nhãn gốc.
Đồ chơi trẻ em 100% chữ nước ngoài không có đơn vị nhập khẩu.
Một số sản phẩm như đồ chơi, gia dụng,…có xuất xứ Trung Quốc được dán nhãn xuất xứ Việt Nam, có tên nhà phân phối mà không có đơn vị nhập.
Một số mặt hàng văn phòng phẩm, gia dụng,…cũng không có đơn vị nhập khẩu.
Tại điểm 1, Điều 15, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định xuất xứ hàng hóa quy định tổ chức cá nhân sản xuất nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải đảm bảo trung thực khách chính xác tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc hiệp định mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tại điểm 3, Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về tên và địa chỉ tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về khoản của hàng hóa quy định: Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của thức tổ chức cá nhân sản xuất và ghi tên địa chỉ tổ chức cá nhân nhập khẩu
Mũ bảo hiểm “dởm” đội lốt mũ thể thao
Mũ bảo hiểm “dởm” bày bán công khai.
Tại tầng 2 siêu thị GO, ai cũng dễ dàng nhìn thấy gian hàng mũ bảo hiểm mang tên Xmotor.vn bán các loại mũ bảo hiểm, bao gồm cả mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không được kiểm định được đội lốt mũ thể thao được bày bán công khai. Các mũ mang các màu sắc sặc sỡ, hình dạng ngộ nghĩnh khác nhau rất bắt mắt. Lạ là bên trong một số sản phẩm mũ ghi không dùng cho người đi mô tô, xe máy nhưng nhân viên bán hàng lại khẳng định: “Đi xe máy đội cũng được, công an không bắt đâu”.
Từ tin tưởng đến … thất vọng
Sản phẩm quần áo trẻ em tại tầng 1 siêu thị Go Hải Phòng. Sản phẩm 100% tiếng nước ngoài không có nhãn phụ tại tầng 1 siêu thị Go Hải Phòng.
Tại tầng 1 siêu thị GO Hải Phòng các gian hàng chủ yếu là quần áo, túi xách, giày dép, ghế mát xa,…. Khác xa với sự kỳ vọng của người tiêu dùng, không phải sản phẩm 100% chữ nước ngoài nào cũng có nhãn phụ và có nguồn gốc rõ ràng.
Một góc tầng 1 siêu thị Go Hải Phòng.
Ngay gian hàng mua sắm có diện tích khá rộng giữa tầng 1 không có tên biển hiệu, bày bán la liệt các loại giày dép, quần áo tất cả đều có nhãn chữ Trung Quốc. Không thấy thông tin nhãn phụ, không giá niêm yết sản phẩm, không nguồn gốc xuất xứ, không đơn vị nhập khẩu. Nhóm PV Thương hiệu & Công luận nhận thấy có dấu hiệu hàng hóa nhập lậu, hàng trốn thuế tại gian hàng này.
Ngay cửa chính siêu thị là 03 xe hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng. Tại cửa sau tầng 1 của siêu thị Go Hải Phòng là gian hàng phụ kiện điện thoại, ô tô “chính hãng” Trung Quốc.
Biết rằng, GO vừa trải qua một cuộc cải tổ, chuyển mình nhưng sự thật trên cũng là lý do để GO tiếp tục cải tổ chăng? Chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin và chuyển đến bạn đọc.
Nhóm PV