Si Ma Cai: Phát triển du lịch bằng tiềm năng và nội lực

Si Ma Cai là huyện có nhiều lợi thế về tài nguyên tự nhiên và văn hoá, phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá bản sắc… Những năm gần đây, huyện Si Ma Cai đã và đang tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, “đánh thức” những tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành du lịch & dịch vụ gắn với bảo tồn phát huy các di sản văn hóa các dân tộc.

Để thực hiện thành công chủ trương này, huyện Si Ma Cai đang tập trung mọi nguồn lực để tăng cường việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch hiện có, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh; tận dụng mọi nguồn lực, mọi sự quan tâm ủng hộ từ các ban, ngành của tỉnh để kích cầu, phát triển về du lịch.

Ruộng bậc thang tại Sín Chéng, Si Ma Cai – không chỉ là thành quả lao động mà còn là giá trị văn hóa của đồng bào. (Ảnh: laocaitourism)

Từ đầu năm 2021, huyện đã tiến hành khảo sát, xây dựng các sản phẩm OCOP, duy trì và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tạo điểm nhấn thu hút du khách đến trải nghiệm. Lượng khách du lịch đến với Si Ma Cai đã tăng lên đáng kể, cụ thể: năm 2021 toàn huyện đón 15 nghìn lượt khách, ước tính doanh thu từ du lịch đạt trên 2 tỷ đồng; tính đến 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã thu hút được hơn 8 nghìn lượt khách, ước tính doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công “Lễ hội hoa lê trắng lần thứ I năm 2022”, thông qua lễ hội thu hút được hơn 4 nghìn lượt du khách. 


Vẻ đẹp tinh khôi của hoa lê trắng Si Ma Cai

Cùng với các hoạt động quảng bá hình ảnh, huyện Si Ma Cai cũng đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, các sản phẩm đặc thù của địa phương như: mận Tả Van Si Ma Cai, lê Tai Nung, trứng vịt Sín Chéng, cây dược liệu… Năm 2018, huyện đã tiến hành tôn tạo di tích văn hóa Đền Si Ma Cai tại thị trấn Si Ma Cai – đây là di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2019, huyện Si Ma Cai có 2 di tích được đưa vào danh sách kiểm kê di sản văn hóa vật thể của tỉnh Lào Cai, đó là: Di tích đền Si Ma Cai và Di tích Thành cổ xã Lùng Thẩn.

 Để thu hút du khách, triển khai hiệu quả các biện pháp quảng bá, xúc tiến du lịch, huyện cũng đã yêu cầu các cấp, ngành, các xã, thị trấn trong huyện tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa, triển khai hiệu quả chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch của huyện trong năm 2022. Đồng thời, huyện còn đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại các xã, thị trấn như: “Lễ hội mận Tả Van xã Lùng Thẩn”, các hoạt động trải nghiệm tại thị trấn Si Ma Cai, xã Quan Hồ Thẩn, xã Bản Mế, “lễ hội Mùa vàng tại xã Sín Chéng” và “Chương trình Si Ma Cai – Hương sắc vùng cao” được tổ chức xuyên suốt trong năm 2022. 

Chương tình “Si Ma Cai – Hương sắc vùng cao” được tổ chức từ ngày 17/6 đến 28/6/2022, đây là sự kiện văn hóa- du lịch lớn nhất lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Si Ma Cai với với nhiều hoạt động khám phá, trải nghiệm danh lam, thắng cảnh đẹp; di tích văn hóa- lịch sử; trải nghiệm du lịch miệt vườn Si Ma Cai mùa hoa trái; mùa mận Tả Van; mùa lê chín; vùng cao mùa nước đổ; tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc nguyên sơ, các lễ hội, nghi thức văn hóa, các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể thao dân tộc đặc sắc, hấp dẫn…

Du khách hòa mình cùng sắc màu vàng óng của lúa khi vào mùa chín rộ.

Cũng nằm trong chương trình “Si Ma Cai – Hương sắc vùng cao”, vào tháng 9/2022, huyện Si Ma Cai sẽ tổ chức Lễ hội “Mùa vàng Sín Chéng” để du khách được chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn núi tại xã Sín Chéng và hòa mình cùng sắc màu vàng óng của lúa khi vào mùa chín rộ; đồng thời trải nghiệm những bản sắc văn hóa dân gian, đời sống, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc tại Sín Chéng và các xã Bản Mế, Thào Chư Phìn khi vào vụ lúa mùa.

Việc tổ chức thành công các lễ hội sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất và người của Si Ma Cai rộng rãi hơn đến với người dân trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, gắn với du lịch, dịch vụ và du lịch sinh thái, phát huy lợi thế của địa phương, phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.

Diệu Ly