Seoul: Kinh đô thời trang mới của châu Á

Năm 2022, Hàn Quốc lọt top 10 thị trường tiêu thụ thời trang xa xỉ lớn nhất toàn cầu, giúp thúc đẩy tầm quan trọng của Seoul như một kinh đô thời trang mới của châu Á

BZ-thanh-pho-thoi-trang-seoul-street-style-fashion-week-2022

Đa phần các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng thế giới có tổng cục tọa lạc tại New York, London, Milan và Paris. Do đó, bốn thành phố này cũng được gọi quen miệng là tứ đại kinh đô thời trang thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, “con rồng châu Á” đang trỗi dậy. Với sức mạnh kinh tế, các quốc gia châu Á từng bước một vươn lên để sánh ngang hàng với bốn kinh đô thời trang Tây phương. Điển hình phải kể đến Seoul, thủ đô kiêm đô thị sầm uất bậc nhất của Hàn Quốc.

Các ngôi sao Hàn Quốc thúc đẩy sự tiêu thụ thời trang

BZ-seoul-fashion-week-fall-2022-thoi-trang-han-quoc

Như Harper’s Bazaar đã ghi nhận, một kinh đô thời trang chỉ có thể ra đời khi nó sở hữu ngành công nghiệp may mặc phát triển và có khả năng tạo ra những xu hướng lớn.

Hàn Quốc thực chất là một quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu. Từ thập niên 1960 đến nay, Hàn Quốc được xem như một nhà cung cấp các loại nguyên vật liệu, vải vóc, máy móc chất lượng cao cần thiết trong sản xuất thời trang. Trong hai thập niên 60 và 70, nơi đây cũng gia công hàng thời trang phân khúc thị trường, nhưng khi giá cả tăng vọt thì những xưởng gia công tại đây di chuyển về các quốc gia khác (như Bangladesh, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ…).

BZ-G-dragon-fashion-style-thanh-pho-thoi-trang-seoul

Sức ảnh hưởng của Hàn Quốc nói chung và Seoul nói riêng trong làng thời trang thế giới chỉ thay đổi nhờ làn sóng Hallyu. Từ thập niên 1990, sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các ngôi sao Kpop và Kdrama vừa giúp thu hút sự quan tâm của thế giới đến Hàn Quốc, vừa giúp thúc đẩy sự tiêu thụ thời trang tại chính quốc gia này. Không ngoa khi nói rằng vị thế kinh đô thời trang của Seoul được tạo lập nhờ các ngôi sao.

Các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh Hàn Quốc có một lượng fan hùng hậu. Các fan luôn học tập, săn lùng và cố gắng ăn mặc giống với thần tượng của mình. Những cái tên như G-Dragon, BLACKPINK, Ooh Sehun, Seo Ye Jin,… luôn được nhắc đến như những người tạo ra xu hướng. Sức ảnh hưởng của họ đến ngành công nghiệp thời trang là không thể bàn cãi.

“Thật khó để thành công ở đây mà không có tiền hoặc sự quan tâm của người nổi tiếng.”

– Monica Kim, một biên tập viên thời trang người Hàn cho biết –

Còn nhớ khi bộ phim truyền hình Vì sao đưa anh đến năm 2014. Đôi giày Jimmy Choo mà nữ chính Jun Ji Hyun mang lúc đó đã bán hết sạch. Thỏi son Yves Saint Laurent cô ấy sử dụng cũng trong tình trạng cháy hàng.

Hay Rapper nhà YG, G-Dragon. Những thiết kế anh ấy từng mặc bị săn lùng ráo riết, rồi mang ra bán đấu giá ở thị trường second hand với giá tăng gấp đôi, ba lần. Bất kỳ trang phục nào của họ cũng sẽ được mang ra thảo luận trên khắp các nền tảng mạng xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp may mặc tại Seoul.

Văn hóa chạy theo xu hướng tại Seoul góp phần tạo nên một kinh đô thời trang Á Đông nhộn nhịp

Khao khát dẫn đầu xu hướng thời trang tại Seoul là rất lớn. Khi những thần tượng mặc một bộ cánh gây sốt mạng xã hội, ngay lập tức hàng loạt fan cũng như fashionista sẽ chủ động chạy theo xu hướng vừa được tạo ra ấy.

Đây cũng chính là lý do các nhãn hàng lớn bị thị trường này thu hút. Bản chất chạy theo xu hướng và phóng tay chi tiêu để ăn mặc hợp mốt biến Seoul thành môi trường hoàn hảo cho ngành thời trang phát triển, do đó trở thành một kinh đô thời trang Á Đông. Tuy nhiên, bài toán khó cho các thương hiệu cũng là làm sao để duy trì “tiếng vang” lâu nhất có thể, tránh bị đào thải nhanh chóng bởi xu hướng hot kế tiếp.

BZ-thanh-pho-thoi-trang-seoul-street-style-01

Thước đo rõ ràng nhất về tốc độ phát triển của xu hướng chính là thời trang đường phố tại Seoul. Người trẻ Hàn Quốc, đặc biệt là Gen Z, yêu thích sự sáng tạo và có sự táo bạo nhất định. Họ thể hiện tính cách và định hình bản thân thông qua trang phục. Bên cạnh đó là liên tục cập nhật trào lưu mới, không để bản thân bị lỗi thời.

Street style tại kinh đô thời trang Seoul vì vậy cũng mang đặc trưng trẻ trung, có tính ứng dụng cao, và đậm tính thương mại. Điều này lý giải cho sự xuất hiện nhan nhản của những chiếc hoodie với logo lớn, áo phông có biểu ngữ đặc trưng thương hiệu và họa tiết monogram dày đặc.

“Seoul không thực sự tập trung quá nhiều vào thời trang cao cấp. Thay vào đó là thời trang đường phố, giá cả phải chăng, chịu sự ảnh hưởng của các ngôi sao K-pop và ngành giải trí.”

–  Jung Kuho, nhà sáng lập Tuần lễ thời trang Seoul –

BZ-Seoul-fashion-week-2022-thanh-pho-thoi-trang

Vì độ “chịu chơi” của các fashionista địa phương, cuối cùng, vào năm 2022, Nam Hàn chính thức trở thành một trong 10 thị trường tiêu thụ thời trang xa xỉ lớn nhất toàn cầu.

Theo công ty cố vấn tài chính và nghiên cứu thị trường Samjong KPMG, Hàn Quốc sở hữu sức mua tăng 29.6% đạt 5,8 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2021. Dù vẫn còn khá nhỏ so với Mỹ (64.1 tỉ), Trung Quốc (42.7 tỉ) và Nhật Bản (26 tỉ), nhưng con số cho thấy một Hàn Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt, từ một quốc gia may gia công cách đây 50 năm trở thành một nhà tiêu thụ thời trang hàng đầu ở hiện tại.

Tuần lễ thời trang Seoul và sự trưởng thành của các thương hiệu nội địa

Sự chú ý đến từ phương Tây là động lực lớn thúc đẩy Tuần lễ thời trang Seoul phát triển. Giữa nhiều tuần lễ thời trang quốc tế non trẻ, Seoul Fashion Week những năm gần đây nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ giới mộ điệu thế giới, khi mà báo giới, những NTK lớn cũng như những người có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp thời trang quốc tế đến tham dự.

Do Hàn Quốc sở hữu quá nhiều các đại sứ mang tầm ảnh hưởng của các thương hiệu quốc tế, các thương hiệu cũng bắt đầu đưa Seoul vào danh sách địa điểm phù hợp để giới thiệu sản phẩm mới. Chẳng hạn như Chanel chọn Tuần lễ thời trang Seoul là nơi trình làng BST Cruise 2015. Gần đây hơn, Dior giới thiệu BST mùa Thu 2022 cũng ở Seoul.

BZ-dior-fall-2022-thoi-trang-seoul

Tuy nhiên, các nhà thiết kế nội địa không để bản thân bị lép vế trước các “ông lớn”. Khác với “tứ đại” kinh đô thời trang của thế giới, Seoul không có những thương hiệu hàng trăm năm tuổi, không có những di sản thời trang lâu đời. Nhưng thành phố này có một sức sống trẻ đầy năng lượng không thể thay thế.

Cho đến nhiều năm về trước, các thương hiệu trẻ của xứ kim chi chủ yếu tập trung vào thời trang ứng dụng cao. Họ không quá bận tâm đến thị trường bên ngoài biên giới Nam Hàn. Nhưng ngày càng nhiều các nhà thiết kế muốn mở rộng thị trường. Để làm được điều này, họ khéo léo lồng ghép văn hóa Hàn Quốc vào thời trang ứng dụng, tạo nên màu sắc riêng để định vị bản thân trên thị trường quốc tế. Mina Chung, một nhà thiết kế trẻ Hàn Quốc chia sẻ:

“Tôi nghĩ rằng nếu các NTK Hàn Quốc không cố gắng hơn nữa thì danh tiếng ít ỏi mà chúng tôi có sẽ tan biến rất nhanh. Ngành công nghiệp hiện tại cũng sẽ vì vậy mà tụt lùi. Chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa để tạo ra những thiết kế mang tính thử nghiệm, đại diện cho Hàn Quốc. Và cố gắng tạo ra nhiều thương hiệu để có thể phù hợp với tiêu chuẩn nhà thiết kế mang tầm quốc tế.”

BZ-C-zanne-han-quoc-thoi-trang-seoul-02

CÂU CHUYỆN VỀ CÁC KINH ĐÔ THỜI TRANG TRẺ:

Trích dẫn Korean Herald, Research Gate
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam