Sau vụ GNN Express bùng tiền COD, các shop online hoang mang lựa chọn hãng chuyển phát

Tối 1/9/2018, công ty chuyển phát nhanh GNN (GNN Express) phát đi thông báo trên Fanpage chính thức về việc doanh nghiệp này chính thức dừng hoạt động do “không còn đủ khả năng tài chính”.

Theo nội dung thông báo, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty đã không cân đối được thu chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động khác. Mức nợ hiện lên đến 5,5 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh GNN (GNN Express) tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ Gió Nam do ông Hoàng Ngọc cùng 11 cổ đông khác thành lập cuối năm 2006, với vốn điều lệ 100 triệu đồng. GNN có trụ sở tại phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) và chi nhánh tại 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cùng mạng lưới chuyển phát hàng đến nhiều tỉnh, thành phố khác.

GNN Express phá sản đã khiến hơn 600 shop bán hàng online (là khách hàng của GNN Express) bị thiệt hại, theo danh sách mà GNN Express công bố thì số tiền nợ COD 5,5 tỷ đồng là của 600 shop online, shop nào ít thì vài trăm ngàn, người nhiều nhất là 250 triệu đồng. Rất nhiều shop online lâm vào cảnh khốn đốn, cụt hết vốn buôn bán khi công ty chuyển phát nhanh GNN Express tuyên bố phá sản.

COD – Cash on Delivery là hình thức thanh toán tiền mặt sau khi nhận hàng. COD vẫn chiếm tới gần 90% trong số các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam vì khách hàng vẫn có thói quen xem hàng trước rồi mới trả tiền. Tuy nhiên, bên bán chịu khá nhiều rủi ro. Bởi vì, sau một tuần nếu hãng vận chuyển không liên hệ được với bên mua, sản phẩm đó bắt buộc phải trả lại cho bên gửi. Khi đó, bên bán phải chịu phí chuyển hàng 2 chiều, phí COD. Hoặc bên bán có thể bị hãng vận chuyển chậm trả tiền, nợ tiền…

Do thói quen của người Việt thích trả tiền khi nhận được hàng nên số lượng đơn hàng nhận tiền chuyển khoản qua ngân hàng chỉ chiếm hơn 10% giao dịch online. Sau vụ GNN Express bùng tiền của shop online, rất nhiều chủ shop hoang mang, vội lên các chợ bán hàng trên mạng chia sẻ, tìm thông tin về những hãng chuyển phát COD uy tín, để khỏi bị  mất cả chì lẫn chài nếu như giao hàng qua các dịch vụ không uy tín như GNN Express.

Sau vụ GNN Express bùng tiền COD, các shop online hoang mang lựa chọn hãng chuyển phát  - Ảnh 1.

Netco Post được đánh giá cung cấp dịch vụ chuyển phát chất lượng cao.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, Bộ đã cấp giấy phép hoạt động bưu chính, chuyển phát cho 313 doanh nghiệp, cấp xác nhận thông báo làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho 42 doanh nghiệp. Có thể nói lực lượng tham gia dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hóa ở nước ta hoạt động khá sôi động và có nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Nhưng muốn lựa chọn được 1 – 2 nhà cung cấp dịch vụ phát hàng thu tiền có uy tín để an tâm là không bị “bùng” tiền thu hộ giữa gần 400 nhà cung cấp dịch vụ là một sự chọn lựa khó khăn với nhiều shop online. ICTnews xin giới thiệu một số tên tuổi lớn, có uy tín trong ngành bưu chính chuyển phát để cho người dùng dịch vụ có thể chọn lựa. Với hai tiêu chí quan trọng là tốc độ chuyển phát hàng hoa nhanh siêu tốc và đảm bảo tính an toàn cho các đơn hàng.

Doanh nghiệp bưu chính lâu đời nhất là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) có mạng lưới nhận, phát hàng rộng nhất cả nước, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với các điểm bưu cục giao dịch tới tận cấp xã, do đó những người có nhu cầu phát hàng về tuyến xã nên xem xét lựa chọn VietnamPost. Song điểm yếu của VietnamPost là thời gian phát hàng đôi khi chậm hơn cam kết, hoặc có phát sinh về hỏng hay mất hàng hóa thì thời gian giải quyết khiếu nại theo quy trình mất nhiều thời gian hơn so với một số nhà cung cấp dịch vụ khác.

Dịch vụ chuyển phát nhanh EMS, hay Viettel Post (Bưu chính Viettel) cũng là một chọn lựa mà nhiều người nên dùng. Bên cạnh đó còn có một số đơn vị bưu chính chuyển phát như: Netco Post (netco.com.vn), Kerry Express, Giao hàng nhanh (ghn.vn), Giao hàng tiết kiệm (giaohangtietkiem.vn), cũng là những đơn vị mà shop online có thể tin cậy sử dụng.


Theo Đình Anh

Theo