Sau khi uống thuốc bị cào ruột phải làm sao?

Có một số loại thuốc gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, khiến người bệnh có cảm giác cồn cào, khó chịu ở dạ dày – ruột. Vậy bệnh nhân uống thuốc bị cào ruột phải làm sao?

1. Uống thuốc bị cào ruột – hiện tượng thường gặp

Bị cào ruột khi uống thuốc tây là tình trạng thường gặp. Có nhiều loại thuốc có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa gây cồn cào ruột như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh,…

Hiện tượng khó chịu ở dạ dày là do thuốc gây kích ứng niêm mạc dạ dày, khiến bệnh nhân có cảm giác cồn cào, khó chịu. Bên cạnh đó, thuốc cũng gây kích thích dạ dày, khiến dạ dày co bóp mạnh, đẩy thức ăn trào ngược lên, gây hiện tượng buồn nôn, ói mửa,…

2. Uống thuốc bị cào ruột phải làm sao?

2.1 Lưu ý khi dùng thuốc

Để tránh tác dụng phụ cồn cào ruột gan khi sử dụng một số loại thuốc, người bệnh cần lưu ý:

  • Chỉ khi thực sự cần thiết mới được dùng thuốc. Không nên lạm dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả là vitamin;
  • Khi được bác sĩ kê đơn thuốc, người bệnh cần dùng đúng cách, đủ liều, đúng thời gian;
  • Trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nên đọc kỹ hướng dẫn và hỏi bác sĩ về tác dụng phụ, thận trọng khi dùng thuốc, chống chỉ định,…;
  • Khi dùng thuốc, nếu gặp dấu hiệu bất thường, người bệnh nên ngưng ngay và báo cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về biện pháp can thiệp thích hợp;
  • Một số loại thuốc gây cồn cào ruột nên uống vào lúc đói, uống với nhiều nước để giúp thuốc nhanh trôi xuống ruột;
  • Trong trường hợp nặng, có thể cần phải thay đổi đường dùng thuốc. Ví dụ như chuyên từ thuốc uống sang thuốc tiêm hoặc thuốc đặt.

2.2 Thay đổi trong chế độ ăn uống và sinh hoạt

Để giảm nhẹ triệu chứng uống thuốc bị cào ruột, người bệnh nên:

  • Ăn khi bị cồn cào ruột: Hormone đói ghrelin được tiết ra để báo hiệu rằng bạn đã đến lúc dùng bữa. Do đó, người bệnh nên cố gắng ăn uống đúng giờ để tránh tình trạng xót ruột. Khi ra ngoài, bệnh nhân có thể mang theo một vài món ăn vặt lành mạnh như trái cây và các loại hạt để xua tan cơn cồn cào khi bị đói;
  • Ăn những thực phẩm ít calo: Những thực phẩm có hàm lượng calo thấp giúp dạ dày không bị cồn cào và không làm tăng cân. Đó là: Sinh tố, salad, rau xanh hấp, canh rau, súp,…
  • Ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng: Để tránh bị cồn cào ruột, bệnh nhân hãy ưu tiên sử dụng những món ăn lành mạnh thay vì thực phẩm chế biến sẵn. Một số lựa chọn tốt là: Sữa ít béo, trái cây tươi, protein nạc (đậu, đậu lăng, thịt gia cầm bỏ da), chất béo có lợi cho sức khỏe (bơ, oliu, các loại hạt), ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, yến mạch, hạt diêm mạch, lúa mì). Đồn thời, người bệnh nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa;
  • Uống nhiều nước: Để giảm nguy cơ uống thuốc bị cào ruột, người bệnh nên xây dựng thói quen uống nước đều đặn suốt cả ngày. Tốt nhất mỗi ngày bệnh nhân nên uống khoảng 8 ly nước lọc. Đồng thời, người bệnh cần hạn chế sử dụng những loại đồ uống lợi tiểu như trà hay cà phê vì chúng có thể gây mất nước;
  • Ngủ đủ giấc: Bệnh nhân có thể xua tan cảm giác cồn cào ruột bằng cách thiết lập thói quen đi ngủ đúng giờ và thức dậy đúng thời điểm mỗi ngày. Đồng thời, người bệnh nên ngủ khoảng 7 – 9 tiếng mỗi ngày, tránh thức khuya;
  • Ăn chậm, nhai kỹ: Để tránh bị cồn cào ruột, khi dùng bữa, người bệnh nên ăn chậm, nhai kỹ. Bệnh nhân không nên vừa ăn vừa xem phim hoặc đọc sách. Thói quen này sẽ khiến dạ dày làm việc kém hiệu quả, thức ăn khó tiêu hóa và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác (không chỉ triệu chứng cồn cào dạ dày);
  • Làm một việc khác: Người bệnh có thể cố gắng phớt lờ tình trạng cồn cào ruột gan nếu không thực sự thấy đói. Một số biện pháp là: Đọc sách, làm việc, tập thể dục, trò chuyện cùng với mọi người,…

Tuy nhiên, nếu áp dụng những biện pháp trên mà không thấy hiệu quả hoặc triệu chứng uống thuốc bị cào ruột vẫn còn sau bữa ăn hay vẫn kéo dài thì người bệnh nên đi khám bác sĩ. Đặc biệt, nếu xuất hiện các triệu chứng sau thì bệnh nhân nên ngừng thuốc và nhập viện ngay: Đau đầu, đuối sức, khó thở, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn mửa, chóng mặt, sụt cân đột ngột, ngủ không ngon giấc,…

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.