Sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện theo quy định của pháp luật Việt Nam | Web Bảo Hiểm

Webbaohiem: Ngày 20/08/2013, Bộ Tài chính đã có Thông tư số115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện. Sự ra đời của bảo hiểm hưu trí tự nguyện(BHHTTN) đánh dấu sự hoàn thiện và phát triển của hệ thống bảo hiểm hưu trí/bảo hiểm xã hội(BHXH) nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chungcủa Việt Nam.

alt

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Webbaohiem xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của tác giả Lương Xuân Trường nhằm phân tích và trao đổi các quy định về sản phẩm BHHTTNtheo Thông tư 115xét từ phương diện củabên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.Đặc biệt, các so sánh giữa BHHTTN với BHXH cũng được tác giả đề cập cụ thể.

1. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là gì?

BHHTTN được xác định là “sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động” (theoKhoản 1 Điều 2).

Về hình thức, BHHTTN có thể được triển khai cho từng cá nhân và cho nhóm người lao động (được gọi là bảo hiểm hưu trí nhóm). Trường hợp bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động thì bên mua bảo hiểm là chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ được nhận toàn bộ quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sau một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa các bên và được ghi nhận tại hợp đồng bảo hiểm(theo Khoản 2, Điều 2). Như vậy, có thể thấy theo quy định, BHHTTN được thiết kế như một công cụ để người sử dụng lao động gia tăng quyền lợi cho người lao động.Pháp luật cũng bảo vệ quyền lợi cho người lao động thông qua việc quy định “người lao động sẽ được nhận toàn bộ quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sau một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa các bên và được ghi nhận tại hợp đồng bảo hiểm”. Tuy vậy, có thể thấy, pháp luật cũng ghi nhận quyền, quyền lợinhấtđịnhcủa người sử dụnglao động trong việcmua BHHTTN cho người lao động qua cơ chế thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, BHHTTN cũng có thểđược sử dụng như là công cụ tự hoạchđịnh kế hoạch tài chính hưu trí cho những người chưa cóBHXH và cả những ngườiđã cóBHXH nhưng muốn cóthêm nguồnthu nhậpđảm bảo cho thời gian hưu trí.

2. Quyền lợi bảo hiểm theobảo hiểm hưu trí tự nguyện

Theo quy định, sản phẩm BHHTTN phải cung cấp quyền lợi cơ bản, đó là quyền lợi hưu trí định kỳ và quyền lợi bảo hiểm rủi ro. Ngoài ra, sản phẩm BHHTTN có thể cung cấp quyền lợi bảo hiểm bổ trợ.Cụ thể:

a) Quyền lợi bảo hiểm cơ bản 

Theo quy định tạiĐiều 5, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động trong thiết kế sản phẩm BHHTTN nhưng phải bao gồm quyền lợi hưu trí định kỳ và quyền lợi bảo hiểm rủi ro. Trong đó:

– Với quyền lợi hưu trí định kỳ, phải bảo đảm:

+ Quyền lợi hưu trí được chi trả định kỳ đến khi người được bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu 15 năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

+ Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về mức hưởng quyền lợi hưu trí mỗi kỳ, số kỳ nhận quyền lợi hưu trí;

+ Tính lãi tích lũy từ phần quyền lợi hưu trí chưa chi trả cho bên mua bảo hiểm, nhưng không thấp hơn lãi suất đầu tư cam kết tối thiểu thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

– Đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp trong thời hạn đóng phí bảo hiểm và có thể tiếp tục cung cấp quyền lợi này trong thời gian nhận quyền lợi hưu trí, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Quyền lợi bảo hiểm rủi ro bao gồm tối thiểu các quyền lợi sau:

+ Quyền lợi trợ cấp mai táng:

Khi nhận được yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm tử vong, bất kể thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả ngay khoản trợ cấp mai táng cho người thụ hưởng số tiền theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

+ Quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn:

* Khi người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn thuộc phạm vi bảo hiểm và trong thời hạn quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

* Bên mua bảo hiểm được lựa chọn số tiền bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và được điều chỉnh số tiền bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Bình luận:

– Thông tư 115 quy định rõ và khá chi tiết về quyền lợi bảo hiểm cơ bản của sản phẩm BHHTTN, qua đó đảm bảo rằng khách hàng tham gia BHHTTN sẽ được hưởng các quyền lợi thiết yếu, phù hợp với mục tiêu của bảo hiểm hưu trí là đảm bảo tài chính cho người được bảo hiểm khi nghỉ hưu và khi gặp những rủi ro lớn trong cuộc sống, qua đó cũng giúp giảm gánh nặng đối với xã hội, ngân sách Nhà nước và gia đình. Đặc biệt, với những người chưa được hưởng BHXH (hiện chiếm gần 80% dân số nước ta, theo số liệu của Bộ LĐTBXH) thì BHHTTN có thể được sử dụng nhưgiải pháp thay thế hoàn toàn cho BHXH. Tuy vậy, việc quy định các quyền lợicơ bảncó thể hạn chếphần nàosự đa dạng vàkhác biệt về sản phẩm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

– Khác với BHXH, BHHTTN cho phép khách hàng có nhiều lựa chọn về quyền lợi hưu trí (chẳng hạn, nhận trong vòng 15 năm, 20 năm,… hoặc trọn đời) theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, qua đó giúp hoạch định kế hoạch tài chính hưu trí phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Thêm vào đó, khi được thiết kế dưới dạng dòng sản phẩm liên kết chung và thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nếu chẳng may tử vong sớm (gia đình) người được bảo hiểm có thể được nhận về số tiền tương đương với phần lớn hoặc toàn bộ giá trị phần quyền lợi hưu trí chưa được nhận, qua đó khách hàng cảm thấy hợp đồng đem lại giá trị tương xứng so với phí bảo hiểm đã đóng. Đây là điểm khác biệt đáng kể so với BHXH. Tuy vậy, việc đưa ra nhiều lựa chọn về nhận quyền lợi hưu trí thay vì mặc định trả đến khi chết lại có thể dẫn đến tình trạng người được bảo hiểm không đủ nguồn tài chính khi họ sống vượt qua thời gian nhận quyền lợi hưu trí đã lựa chọn. Còn đối với doanh nghiệp bảo hiểm, việc thiết kế sản phẩm với quyền lợi hưu trí định kỳ trả trong một thời hạn xác định có thể giúp giảm thiểu hoặc loại trừ hoàn toàn rủi ro sống thọ (longevity risk)-một rủi ro cơ bản trong các sản phẩm niên kim nhân thọ, bảo hiểm hưu trí.

– Với BHHTTN, khách hàng cũng có nhiều lựa chọn về cách nhận quyền lợi hưu trí (chẳng hạn, trong lần nhận quyền lợi hưu trí đầu tiên có thể nhận nhiều tiền hơn so với các lần sau để có thểđi du lịch), tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Thêm vào đó, khách hàng có thể lựa chọn định kỳ nhận quyền lợi hưu trí (chẳng hạn, nhận hàng năm), thay vì nhận theo định kỳ mặc định hàng tháng như trong BHXH.Đây là điểm khác biệt đáng kể so với BHXH. Ưu điểm và nhược điểm của quy định này với khách hàng tương tự như với lựa chọn thời hạn nhận quyền lợi hưu trí định kỳ. Với doanh nghiệp bảo hiểm, quy định này cũng giúp đưa ra cách trả và định kỳ quyền lợi hưu trí phù hợp với nhu cầu của khách hàng đồng thời đảm bảo hiệu quả hoạt động (chẳng hạn, thông qua việc quy định mức quyền lợi hưu trí định kỳ tối thiểu cho mỗi lần nhận). 

– Tài khoản bảo hiểm hưu trí của mỗi người được bảo hiểmđược tích luỹ giá trịtrên nguyên tắc công bằng và minh bạch.

– BHHTTN kết hợp giữa quyền lợi bảo vệ (rủi ro tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn) và quyền lợi hưu trí. Với cách kết hợp này cùng với cơ chế cho phépbên mua bảo hiểm được lựa chọn số tiền bảo hiểm khi giao kết hợp đồng và điều chỉnh số tiền bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm,sản phẩm hưu trí tự nguyện có thể trở thành công cụ bảo vệ và hoạch định kế hoạch tài chínhhưu trí tiện lợi và thiết thực. Vai trò bảo vệ tài chính của BHHTTN đặc biệt cóý nghĩa trong giai đoạn trước khi nghỉ hưu. Chẳng hạn, trong giai đoạn có nhiều người phụ thuộc, nhiều khoản nợ, khách hàng có thể lựa chọn quyền lợi bảo vệ cao, và ngược lại.

– Quyền lợi trợ cấp mai táng được quy định trả ngay trong mọi trường hợp (bất kể thuộc phạm vi bảo hiểm hay không) thể hiện tính xã hội và tính nhân văn của BHHTTN. Do quyền lợi trợ cấp mai táng thường được thiết kế là số tiền không lớn so với toàn bộ giá trị của hợp đồng nên rủi ro với doanh nghiệp bảo hiểm là không lớn.

– Thông tư quy định không quy địnhcứng về quyền lợi bảo hiểm rủi ro, mức hưởng quyền lợi hưu trí mỗi kỳ, số kỳ nhận quyền lợi hưu trí và thời hạn trả quyền lợi hưu trí nên các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nhiều “đất” để tạo sự khác biệt và tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

b) Quyền lợi bảo hiểm bổ trợ

Ngoài quyền lợi bảo hiểm cơ bản, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, sản phẩm BHHTTN có thể cung cấp thêm các quyền lợi bảo hiểm bổ trợ sau:

– Quyền lợi điều chỉnh mức hưởng quyền lợi hưu trí định kỳ;

– Quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp;

– Quyền lợi chăm sóc y tế;

– Quyền lợi hỗ trợ nằm viện;

– Quyền lợi bảo hiểm cho người phụ thuộc;

– Quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo;

– Quyền lợi bổ trợ khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.(theoĐiều 6)

Bình luận:

Việc cho phép cung cấp cácquyền lợibảo hiểm bổ trợ làm cho sản phẩm BHHTTN gia tăng tính linh hoạt và hấp dẫn, đặc biệt làm cho sản phẩm BHHTTN có tính bảo vệ toàn diệngầnbằng, tương đương hoặc thậm chícóđiểmcao hơn so vớiBHXH, qua đó giúp cho BHHTTN có thể bổ trợ hoặc thay thế cho BHXH (với những người chưa được hưởngBHXH).Đáng chúý, khi các quyền lợi bảo hiểm bổ trợđược thiết kếdưới dạng quyền lợiđược lựa chọn sẽ cho phép khách hànglựa chọn phương án bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.Quy định này cũng sẽ giúp tạo sự khác biệt về sản phẩm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Thời điểm nhận quyền lợi hưu trí định kỳ

Về thời điểm nhận quyền lợi hưu trí, xét trên một phương diện nào đó BHHTTN đưa ra quy định linh hoạt hơn về thời điểm bắt đầu hưởng quyền lợi bảo hiểm hưu trí so với BHXH. Cụ thể, người được bảo hiểm của BHHTTN bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55  tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam(theo Khoản 3, Điều 2). Tuy vậy, so với BHXH thì người được bảo hiểm của BHHTTN không thể “nghỉ hưu sớm”. Xét ở góc độ nào đó, quy định này có thể hợp lý vì BHHTTN được xác định là nhằm “cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động” bên cạnh BHXH và các khoản tiền, tài sản mà người lao động tích lũy được dành cho tuổi nghỉ hưu. Đồng thời quy định này cũng phù hợp với xu hướng gia tăng độ tuổi nghỉ hưu trên phạmvi toàn cầu. 

4. Phí bảo hiểm

Phí bảo hiểm BHHTTN đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện có thể thực hiệnđịnh kỳ hoặc một lần theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm hưu trí. Thêm vàođó, giống như hợp đồng liên kếtchung, hợp đồng BHHTTN có thểđóng phí bảo hiểm đóng thêm (phần đóng góp ngoài phần phí bảo hiểm định kỳ hoặc một lần đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm) để đầu tư vào quỹ hưu trí tự nguyện(theo Điều 7). 

Với trường hợp tham gia thêm các quyền lợi bảo hiểm bổ trợ, phương thức đóng phí bảo hiểm của quyền lợi bảo hiểm bổ trợ sẽ do các bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép khấu trừ phí bảo hiểm của quyền lợi bảo hiểm bổ trợ từ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí(theoĐiều 6).Quy định này nhằm đảm bảo rằng mục tiêu thiết lập nguồn tài chính hưu trí sẽ thực hiện được đầy đủ như đã định.

Xuất phát từ tính chất tự nguyện của BHHTTN, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận về việc tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí trong trường hợp không có khả năng đóng phí bảo hiểm. Trong thời gian tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm không được phép tính bất kỳ khoản phí nào cho bên mua bảo hiểm. Giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí được tích lũy theo tỷ suất đầu tư do doanh nghiệp bảo hiểm công bố hàng năm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm trong thời gian này, trừ trường hợp chi trả quyền lợi hưu trí định kỳ khi người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi nhất định hoặc chi trả toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí tích lũy đến thời điểm người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Ngược lại khi cóđiều kiện tài chính, bên mua bảo hiểm có thể yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khôi phục lại tài khoản bảo hiểm hưu trí và tiếp tục đóng phí bảo hiểm.(theoĐiều 16)

Hết Phần 1

Mời các bạn đón đọc tiếp Phần 2.

Ths. Lương Xuân Trường.

{fcomment}