‘Sài Gòn, anh yêu em’: ngọt ngào giữa mùa phim nhợt nhạt

Không quảng cáo hay PR rầm rộ nhưng “Sài Gòn, anh yêu em”, tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lý Minh Thắng, thực sự là bộ phim Việt xuất sắc kể từ đầu năm 2016.

 

Trailer bộ phim ‘Sài Gòn, anh yêu em’ Bộ phim đa tuyến kể về bốn cặp nhân vật khác nhau, với bối cảnh chung là mảnh đất Sài Gòn.

Sài Gòn, anh yêu em xuất hiện vào thời điểm khán giả đã khá ngán ngẩm với điện ảnh Việt từ đầu năm đến nay. Nhiều phim đã ra mắt, nhưng không ít tác phẩm dù đầu tư hơn chục tỷ mà kịch bản đầy sạn, nhợt nhạt, thiếu hấp dẫn.

Fan cuồng tưởng chừng là bom tấn phim Việt với số tiền đầu tư 26 tỷ cùng ê kíp Thái Hòa – Charlie Nguyễn, những “ông vua phòng vé”, bất ngờ trở thành “bom xịt”. Găng tay đỏ cũng có kinh phí lớn nhưng không hút khán giả bởi kịch bản thô vụng, tham tình tiết và kết cục là dẫn tới cuộc tranh cãi lùm xùm.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể được đánh giá là thành công nhất về hiệu ứng và doanh thu trong năm 2016 nhưng cũng không có được một kịch bản hấp dẫn, còn nhiều sạn và không chạm được trái tim khán giả, dù không thể phủ nhận những nỗ lực và thành quả của đạo diễn – diễn viên Ngô Thanh Vân.

Nhẹ nhàng, duyên dáng, cảm xúc

Ngược lại, Sài Gòn, anh yêu em được đầu tư không lớn, xuất hiện tương đối lặng lẽ, là phim “đa tuyến” (kể nhiều câu chuyện đan xen nhau) rất khó thực hiện. Không ít tác phẩm “đa tuyến” của Hollywood thất bại thảm hại vì kể quá nhiều câu chuyện rối, các tuyến nhân vật nhợt nhạt… Điển hình như New Year’s Eve (Đêm giao thừa).

Review Sai Gon,  Anh Yeu Em anh 1

Hai nghệ sĩ Ngọc Giàu và Thanh Nam đem lại nhiều cảm xúc cho Sài Gòn, Anh Yêu Em

 

Thành công lớn nhất của Sài Gòn, anh yêu em chính là cách kể chuyện đa tuyến nhẹ nhàng, duyên dáng nhưng chặt chẽ, hợp lý. Bất cứ khán giả nào từng xúc động với những câu chuyện tình trong Love, Actually (Yêu thực sự) cách đây 13 năm sẽ có cơ hội tìm thấy một trải nghiệm tinh tế, giàu cảm xúc tương tự với Sài Gòn, anh yêu em.  

Đó là câu chuyện của Yên Khuê – phát thanh viên người Sài Gòn và chồng là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (vợ chồng ca sĩ Đoan Trang), “soái ca” Việt Phương và người đẹp Thiên Kim – cặp tình nhân trẻ, thành công (Huy Khánh – Maya), hai chàng trai đồng tính Đức và Khánh (Brian Trần – Cường Đinh), cặp đôi tình già nghệ sĩ cải lương ông Sáu và bà Ba (Thanh Nam – Ngọc Giàu) và hai mẹ con nhiều màu sắc Mỹ Tuyền và Mỹ Mỹ (Phi Phụng – Huỳnh Lập).

Ở Sài Gòn, vùng đất của nghĩa tình, sự cởi mở và hồn hậu, những mối quan hệ đó gắn kết, đan xen với nhau một cách thú vị. Ê-kíp làm phim đã chọn con đường rất khó đi, rất dễ thất bại, rất dễ trở thành thảm họa điện ảnh. Nhưng họ đã thành công.

Ngoài cách kể chuyện, Sài Gòn, anh yêu em còn là bộ phim rất đẹp. Sài Gòn trong phim là thành phố trẻ trung, sôi động với không gian tràn đầy ánh nắng, những kiến trúc hiện đại.

Nhưng đó cũng là một Sài Gòn rất lắng đọng với những trận mưa “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh”, hình ảnh con hẻm nhỏ bình dị và ngôi đình cổ kính nơi hai nghệ sĩ cải lương là ông Sáu và bà Ba cư ngụ, làm nhang để kiếm sống và tưởng nhớ thời kỳ thanh xuân huy hoàng trên sân khấu.  

Sài Gòn, anh yêu em có không ít khoảnh khắc tinh tế, giàu ngôn ngữ điện ảnh, như sự đối nghịch trước và sau tấm màn sân khấu, khi vở diễn cải lương kết thúc, khán giả đứng dậy vỗ tay rào rào, đằng sau tấm màn là ông Sáu ngã xuống bất động và những giọt nước mắt rơi.

Khi Yên Khuê và chồng không tìm được sự đồng điệu, họ đứng ở hai giá sách đối diện nhưng không nhìn thấy nhau, họ đi chậm trên cùng một con đường, nhưng người lang thang phía dưới, kẻ thẫn thờ bên trên.

Review Sai Gon,  Anh Yeu Em anh 2

Tình bạn, tình yêu của Đức và Khánh để lại ấn tượng đẹp

 

Hay như cảnh ông Sáu nửa đêm mở lại chiếc rương cũ, vẽ chân mày, cất giọng sang sảng tưởng nhớ quá khứ huy hoàng trên sân khấu, bà Ba tiếp lời hát… Chính những khoảnh khắc sâu lắng đó đã giúp bộ phim chạm vào được trái tim khán giả.  

Thấm đẫm tình yêu

Cặp đôi tình già ông Sáu – bà Ba là điểm sáng lớn nhất của Sài Gòn, anh yêu em. Tình yêu và tấm lòng với nghề cải lương của họ được nghệ sĩ Thanh Nam và Ngọc Giàu thể hiện đầy thuyết phục, tạo ra những khoảnh khắc gây xúc động đến nghẹn ngào.

Đúng, cải lương là một phần không thể thiếu khi nói về Sài Gòn, và chắc hẳn những người trẻ xa lạ với bộ môn nghệ thuật này sẽ hiểu hơn về điều đó khi xem Sài Gòn, anh yêu em.

Review Sai Gon,  Anh Yeu Em anh 3

Huỳnh Lập và Phi Phụng đem lại cả tiếng cười và nước mắt 

 

Tình bạn – tình yêu đồng tính của Đức – Khánh cũng là một thành công. Brian Trần, một người mẫu, vào vai Đức – chàng trai Việt kiều về Sài Gòn tìm cha – khá ngọt, có biểu cảm tốt. Câu chuyện Đức – Khánh có đầy đủ những yếu tố câu khách nhưng được kể lại một cách trẻ trung và tiết chế, vừa đủ để tạo được ấn tượng đẹp.

Khoảnh khắc Đức gặp lại cha là một trong những cảnh xuất sắc nhất của bộ phim. Đức chọn ngồi cách xa cha, không chỉ về không gian mà cả về tâm lý và tình cảm. Khoảng cách không quá lớn nhưng tưởng như vô tận. Cuộc đối thoại diễn ra vô cùng ngắn ngủi và kết thúc thật buồn trong nỗi đau mất con quá lớn của người cha.

Nhưng cuộc sống là như vậy, Sài Gòn, anh yêu em xử lý không cường điệu, không lên gân, không kịch hóa, do đó thật thấm, thật xúc cảm, đi vào lòng người, để lại nhiều dư vị. Và đó chính là điểm thể hiện tay nghề vững vàng của đạo diễn và tác giả kịch bản.  

Tất nhiên Sài Gòn, anh yêu em không phải là một tác phẩm hoàn hảo, một số tuyến câu chuyện không đủ sức nặng. Chuyện tình Việt Phương – Thiên Kim của Huy Khánh và Maya hơi “ngôn tình” quá, lý tưởng hóa quá, dễ gây cảm giác không thật.

Ca sĩ Đoan Trang và chồng có sao diễn vậy, và đôi khi hơi bị kịch hóa và lên gân quá mức. Phi Phụng với vai người mẹ Mỹ Tuyền duyên dáng, hài hước và cảm động, nhưng Huỳnh Lập trong vai Mỹ Mỹ dù có lúc đem lại những cảm xúc vui buồn lẫn xót xa, tuy nhiên có những tình tiết hơi kịch và khiên cưỡng. Có lẽ anh đã để chất kịch trong con người sân khấu của mình lấn át chăng?

Sài Gòn, anh yêu là bộ phim có đầy đủ những vui buồn, nụ cười và nước mắt. Và trên hết, tác phẩm của Lý Minh Thắng thấm đẫm tình yêu với thành phố mà bất cứ ai, dù ở nơi đâu, nếu đã đến và gắn bó cũng đều sẽ phải lưu luyến, khó có thể rời xa.

Dù vẫn còn những điểm chưa trọn vẹn, Sài Gòn, anh yêu em rất xứng đáng để những người đã và đang sống ở Sài Gòn, những người trót duyên nợ, trót yêu thành phố này, ra rạp để tìm kiếm chút đồng điệu, chút cảm xúc, chút yêu thương.