Sài Gòn, anh yêu em: Sài Gòn – nơi níu giữ mọi cung bậc tình cảm – BlogAnChoi

“Sài Gòn, anh yêu em” – một bộ phim nhẹ nhàng và ngọt ngào về Sài Gòn – nơi chứa đựng mọi cảm xúc khác nhau của con người nơi đây, nơi ai đã đến một lần đều muốn trở lại lần hai.

“Sài Gòn, anh yêu em” là bộ phim đầu tay của đạo diễn Lê Minh Thắng nói về Sài Gòn với dàn diễn viên đồng đều nhau về phân cảnh, không ai hơn ai về diễn xuất, không ai lép vế ai về đất diễn. Bộ phim được xây dựng theo motip đa tuyến, là câu chuyện về 5 câu chuyện khác nhau của những con người có liên quan với nhau giữa Sài Gòn hoa lệ.

sài gòn anh yêu emsài gòn anh yêu em

Một Thiên Kim (Maya) vì công danh sự nghiệp nên đi du học, do không tin tưởng vào tình yêu xa nên chia tay bạn trai của mình là Phương Việt – một chàng trai yêu người yêu mình hết lòng, chăm lo cho người yêu mình từng chút một và thực hiện tất cả những gì mà Thiên Kim mơ ước. Để rồi 5 năm sau, khi hai người đã thành công trong sự nghiệp cũng là lúc mà “tình cũ không rủ cũng tới”.

sài gòn anh yêu emsài gòn anh yêu em

Hai mẹ con Mỹ Mỹ (Huỳnh Lập) và Mỹ Tuyền (Phi Phụng) thân thiết coi nhau như chị em, bạn bè. Người mẹ chấp nhận cho con mình sống thật với giới tính, một người mẹ không muốn con mình bị đàn ông phụ bạc như “vết xe đổ” của mình ngày trước. Một người con lạc quan trong cuộc sống, luôn mơ ước hạnh phúc và gánh vác mọi việc trong nhà.

sài gòn anh yêu emsài gòn anh yêu em

Đó là chuyện tình chớp nhoáng của Khánh (Cường Đinh) – một anh chàng bartender và Đức (Brian Trần) – một chàng trai Việt kiều về nước tìm lại cha ruột của mình là một nghệ sĩ cải lương. Chuyện tình của họ bắt đầu từ mùi nước hoa nhưng không đi được xa, tuy nhiên họ cũng đã lưu giữ được những khoảnh khắc đẹp nhất về nhau. Đó là những lần họ nắm tay nhau đi hết Sài Gòn này, là những lần lang thang cùng nhau xuyên đêm, đơn giản là cùng nhau ngồi uống bia và thủ thỉ tâm tình hay đó là nụ hôn vội chưa kịp trao nhau.

sài gòn anh yêu emsài gòn anh yêu em

Một cặp vợ Việt – Yên Khuê (Đoan Trang) và chồng Tây – James (Johan Wicklund) yêu nhau qua những gì thân thương nhất của Sài Gòn, qua sự gắn bó thân thiết với Sài Gòn. Vợ là một nhà văn, chồng là đại sứ, chuyện tình của họ được thông qua từng trang sách của người vợ để rồi một ngày phải xót xa, đau đớn và giận hờn nhau khi người chồng quyết định rời xa mảnh đất thân thương này.

sài gòn anh yêu emsài gòn anh yêu em

Một cặp bạn già tri kỉ tâm giao là bà Ba (NSND Ngọc Giàu) và ông Sáu (NSƯT Thanh Nam) sống cùng nhau trong đình chăm lo nhang khói cho đình. Họ đều từng là những nghệ sĩ cải lương. Cải lương đã ăn sâu vào máu vào thịt của đội bạn già này, họ xem cải lương là sự sống còn của mình và sẵn sàng hy sinh vì môn nghệ thuật truyền thống này. Ông Sáu là ba ruột của Đức vì vợ mất nên phải đem con cho người khác để mong con sống. Vai diễn của hai nghệ sĩ gạo cội như là điểm sáng của phim, làm người xem rơi nhiều nước mắt nhất.

sài gòn anh yêu emsài gòn anh yêu em

Bên cạnh đó, “Sài Gòn, anh yêu em” cũng là những khoảnh khắc chân thực nhất về Sài Gòn. Là khung cảnh toàn thành phố, cảnh sinh hoạt của người dân, chợ búa và cả những cảnh ở những nơi sang trọng khác khi Sài Gòn về đêm. Là tiếng rao “Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon” kinh điển bao năm nay, tiếng rao “bánh chưng, bánh giò” quen thuộc, là thùng trà đá miễn phí. Đó là ông xe ôm thật thà, dễ mến, là tiệm cắt tóc bên lề đường. Là những lần Sài Gòn đỏng đảnh chợt nắng, chợt mưa hay là cảnh kẹt xe không quá xa lạ vào mỗi buổi sáng. Người Sài Gòn tốt bụng lắm ai ơi!

Hơn nữa, đó còn là tình cảm về bộ môn nghệ thuật của dân tộc – cải lương. Sài Gòn là cái nôi của cải lương, là nơi lưu danh những nghệ sĩ tên tuổi và phát triển cải lương lên tầm cao mới. Cải lương không cổ, cải lương không “sến súa” mà cải lương rất chân thực và mộc mạc nhưng cũng rất sang trọng. Cải lương được lồng vào phim một cách gọn gàng nhưng là đại diện cho suốt mạch phim. Bao đời nay, cải lương đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân phương Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Người nghệ sĩ cải lương là người cực khổ nhất trong những nghệ sĩ các ngành nghệ thuật. Đâu ai biết rằng sau tấm màn nhung kia họ phải chịu nhiều đau thương, mất mát hơn gấp trăm lần người thường. Khung cảnh đối lập khi bên dưới khán đài là tiếng vỗ tay trong khi đó sau màn nhung là cảnh đau buồn khi người nghệ sĩ gắng sức hy sinh bản thân để cống hiến cho nghệ thuật.

“Sài Gòn, anh yêu em” là một bộ phim đáng xem cho những ai có tình cảm sâu đậm với thành phố 10 triệu dân này, thành phố của hai mùa mưa nắng. Sài Gòn chưa mưa đã nắng, Sài Gòn chưa xa đã nhớ.