“Sài Gòn, anh yêu em” – Đẹp nhưng an toàn kiểu “văn mẫu”
Vừa ra mắt cách đây vài ngày, Sài Gòn, anh yêu em nhanh chóng nhận được lời khen từ các khán giả đại chúng bởi nội dung nhẹ nhàng, đáng yêu và thú vị. Phim xoay quanh câu chuyện của nhiều nhân vật với các mối quan hệ khác nhau được chia thành từng cặp: hai mẹ con, hai người yêu cũ, hai ông bà lão tri kỷ, hai chàng trai trẻ đồng tính, hai vợ chồng hạnh phúc…
Chuyện tình lãng mạn do Maya và Huy Khánh thủ diễn trong phim
Sài Gòn, anh yêu em đã thành công khi khắc họa nên một Sài Gòn đầy màu sắc, mượt mà và sống động. Trên thế giới, những tác phẩm điện ảnh đa tuyến nói về cuộc sống của một thành phố từng có không ít, và thể loại phim này rất dễ chinh phục được khán giả nếu được làm cẩn trọng, bởi nó có nhiều nhân vật chính nên có thể chinh phục được nhiều loại người, nhiều tầng lớp… Bất cứ ai cũng có thể dễ cảm thấy đồng cảm với một hình ảnh nào đó trong phim, và từ đó họ sẽ dễ sẻ chia với nó và bỏ qua những khuyết điểm trong các phần khác.
Sài Gòn, anh yêu em may mắn có được một ê-kíp biên kịch, đạo diễn khá khéo léo và cần mẫn, họ chăm chỉ và cẩn thận trong việc xây dựng từng cảnh quay, từng khung hình và ráp nối nó lại với nhau một cách khá nhẹ nhàng. Tuy vậy, có lẽ vì quá nhẹ nhàng, hoặc quá cẩn trọng trong quá trình dàn dựng bộ phim, nên Sài Gòn, anh yêu em chỉ có “chiều rộng” mà lại thiếu chiều sâu cần thiết.
Ngoại trừ một tuyến nhân vật duy nhất là tuyến nhân vật hai ông bà lão hát cải lương, có mối quan hệ kết nối khá xúc động với một trong hai chàng trai đồng tính, thì phần còn lại của bộ phim đều khá nhạt nhòa. Tuyến nhân vật của Huy Khánh – Maya khá cũ kỹ với những chiêu trò lãng mạn như hồi thập niên… 80, tâm lý nhân vật lại bất ổn và khó hiểu.
Vợ chồng Đoan Trang lần đầu hợp tác trên màn ảnh rộng
Tuyến nhân vật của Đoan Trang và anh chàng người nước ngoài lại thiếu sức gợi mở và chuyển biến tâm lý không phù hợp, người xem dễ có cảm giác tuyến này bị bỏ qua loa bởi ê-kíp… thiếu ý tưởng hoặc không biết giải quyết thế nào.
Tuyến nhân vật hai chàng trai đồng tính thì lại khá mông lung, tuy nhiên vẫn có thể chấp nhận được vì nó vẫn mang một chút gì đó rất “mở” và rất gợi. Tuyến nhân vật của Huỳnh Lập – Phi Phụng có được phần cao trào bi kịch rất ổn và thú vị, tuy nhiên lại giải quyết quá nhẹ nhàng nn6 tạo cảm giác chưa… đã.
Nhìn chung, Sài Gòn, anh yêu em chỉ làm tốt được phần “đóng mở đầy đủ” và chỉn chu theo kiểu “văn mẫu” chứ chưa đạt được đến mức đột phá. Biên giới của sự an toàn được ê-kíp vạch ra cho chính họ là quá lớn và họ chưa đủ sức để đạp vỡ nó. Nếu thời lượng phim dài hơn một chút và câu chuyện của từng người được dày hơn một chút, tác phẩm có lẽ sẽ hiệu quả và ấn tượng hơn nhiều.
Một điểm trừ khác của Sài Gòn, anh yêu em là phần nhạc phim dù được đầu tư khá kỹ lưỡng với nhiều ca khúc mới, hay, lãng mạn nhưng lại không đồng đều. Chúng là những chi tiết thú vị nhưng khi ráp lại với nhau thì bị chỏi, kể cả khi đã tách riêng phần cải lương sang một bên.
Đành rằng Sài Gòn là một đô thị rộng với nhiều loại người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng kể cả như vậy thì chúng vẫn nên có một màu sắc chung để khán giả ấn tượng hơn, chứ không nên tỏa sáng một cách rải rác như thế.
Hai diễn viên trẻ (Brian Trần – vai Đức và Cường Đinh – vai Khánh) với mối tình đồng tính nhẹ nhàng
Và cuối cùng, nếu triệt để xử lý thêm câu chuyện và tuyến chính về cải lương cũng như tình cha con trong Sài Gòn, anh yêu em, tác phẩm sẽ đọng lại một dư vị thú vị và ấn tượng hơn nhiều. Cách dàn dựng “cải lương” trong một khán phòng dù đẹp sang trọng nhưng hơi… thiếu hoành tráng đã khiến màn khép lại cuối cùng của bộ phim không được ấn tượng lắm.
Nhìn chung, phần bối cảnh của phim cũng mang tính “lượm lặt” là chính nên không làm bật được ra sự công phu của quá trình sản xuất, dù trong từng bối cảnh cũng có thể thấy được sự dụng công và cố gắng “trang trí” chúng của tổ thiết kế.
Dẫu sao đi nữa, dù khó tính cách mấy cũng không thể phủ nhận Sài Gòn, anh yêu em là một bộ phim đẹp và đáng khích lệ của điện ảnh Việt trong năm nay. Chỉ hơi tiếc vì nó là một tác phẩm quá an toàn và chưa thực sự đi đến tận cùng của sự khai phá trong điện ảnh mà chỉ mới loanh quanh ở những cái cũ giản đơn.