Sách tưởng nhớ: Lưu ký ức, giữ gìn bí quyết nấu ăn

TTO – Khi tìm được những cuốn sách tưởng nhớ của gia đình trong lúc dọn dẹp, cải tạo nhà cửa, người Thái Lan thường vui mừng vì có dịp tìm hiểu thêm về cây gia phả của mình. Đâu phải lúc nào ta cũng có cơ hội được biết đến những người tổ tiên quá cố.

Một trong những cách để người Thái tưởng nhớ người đã khuất là viết sách về họ. Mỗi quyển “sách tưởng nhớ” (funeral book) là một ấn bản cuộc đời độc nhất vô nhị không chỉ mang giá trị lịch sử gia đình mà đôi khi còn lưu giữ cả những tinh hoa văn hóa của một dân tộc, như ẩm thực chẳng hạn.

“Loại sách tưởng nhớ về người đã khuất thường được viết bởi bà con họ hàng trong gia đình. Đây là một quyển sách ý nghĩa vì nội dung xoay quanh những tâm tư, tình cảm của người đã mất. Thỉnh thoảng, khi muốn biết về tiểu sử của một người nào đó trong quá khứ, chúng tôi tham khảo sách tưởng nhớ về họ” – Tieng Nantoe, 83 tuổi, chia sẻ với CNN.

Câu chữ và hình ảnh trong sách không nhất thiết phải quá bi thương và sầu lụy. Các ấn phẩm có thể bao gồm điếu văn, kinh cầu nguyện trong đạo Phật, chuyện tếu do người thân và bạn bè kể lại, miêu tả các món ăn mà người quá cố nấu ngon nhất hoặc một số thông tin đặc biệt thú vị nào đó về họ.

Sách thường được minh họa bằng các bức ảnh màu hoặc đen trắng, chủ yếu là chân dung gia đình, lễ tốt nghiệp, đám cưới và trong một số trường hợp có cả các cuộc họp với người nổi tiếng, nhà sư, quan chức chính phủ hoặc hoàng thân. Những quyển sách này được phát hành duy nhất một lần với số lượng hạn chế và được phát miễn phí cho bất cứ ai đến viếng tại tang lễ để họ có thể đọc trong khi đợi nghi thức hỏa táng tại chùa.

Một giảng viên đại học người Thái xác nhận với TTCT nét văn hóa “đã có trên trăm năm” này của Thái Lan, song lưu ý thường chỉ có gia đình từ trung lưu trở lên thực hiện, vì chuyện chi phí không phải là vấn đề lớn với họ.

Theo CNN, tầng lớp bình dân nếu có làm sách tưởng nhớ sẽ chọn phong cách in ấn đơn giản như bấm ghim giống các tờ rơi thông thường thay vì in ấn sang trọng. Những người không đủ khả năng trang trải cho khoản này có thể chọn làm những sản phẩm giá rẻ, chỉ liệt kê một vài chi tiết tiểu sử, các câu cách ngôn Phật giáo tuyển chọn.

Ngoài người thân, bạn bè của những người đã mất, các học giả, đầu bếp, nghệ sĩ Thái Lan và nước ngoài cũng âm thầm nghiền ngẫm những thông tin vô giá chứa đựng trong các sách tưởng nhớ được gìn giữ qua nhiều đời.

Những ghi chép trong sách tưởng nhớ có thể là một nguồn tham khảo lịch sử, hướng dẫn chuẩn bị thực phẩm theo cách truyền thống, công thức các món ăn gia đình bí truyền, hay đơn giản là những địa điểm ăn uống yêu thích của họ với đầy đủ lịch sử của nơi bán hàng.

Một số nhà hàng Thái cao cấp cho biết chính từ những cuốn sách tưởng nhớ cổ mà họ nắm được công thức của những món ngon cầu kỳ, chuẩn vị xưa. Không ít đầu bếp ưu tú ở Thái Lan thu thập sách tưởng nhớ để phát triển công thức nấu ăn độc đáo cho riêng mình. Để tìm đọc những cuốn sách này, các đầu bếp chỉ cần ghé thư viện, bảo tàng, đền chùa, cửa hàng hoặc nhà của những người còn lưu trữ tài liệu.

Chẳng hạn, ký ức về món ăn Thái yêu thích của Thanaruek Laoraowirodge, một chủ nhà hàng nổi tiếng thành công tại Thái và Mỹ, được đan xen với những kỷ niệm về bà ngoại Somsri Chantra, người có món gà hầm mà anh sẽ mãi không bao giờ quên. Những món ngon của bà Somsri Chantra đã làm nên tên tuổi cho những hiệu ăn nổi tiếng của gia đình Thanaruek tại Thái. Quyển sách để tưởng nhớ bà sẽ có hẳn một chương để miêu tả chi tiết những công thức nấu ăn trứ danh đó.

Laoraowirodge xem cuốn sách sắp tới là cuốn sách tưởng nhớ đầu tiên của gia đình chuyên về ẩm thực. “Nó sẽ bao gồm tất cả những câu chuyện, những kỷ niệm của các thành viên trong gia đình tôi với bà ngoại, tất cả mọi thứ liên quan đến cuộc sống và các món ăn của bà” – Laoraowirodge chia sẻ với trang Atlas Obscura ngày 24-4.

Nhiều sách tưởng nhớ dạy nấu ăn của dòng họ Bunnag, một trong những gia tộc lớn của Vương quốc Xiêm trước đây, kể chi tiết rất nhiều món ăn từ quê hương của hoàng thân Sheikh Ahmad. Ông là một thương nhân Ba Tư đến Thái vào năm 1600. Sau khi vào phục vụ vua Songtham, Sheikh Ahmad đã vươn lên hàng ngũ samuha nayok (tiền thân của chức vụ thủ tướng trong xã hội hiện đại).

Các học giả ẩm thực Thái nổi tiếng như David Thompson ghi nhận gia tộc Bunnag là những người đã mang món cà ri massaman trứ danh đến Thái Lan. Mặc dù ngày nay món ăn này được ca ngợi là một trong những món ăn Thái phổ biến nhất trên thế giới, cà ri massaman vẫn được một số người Thái xem là món ăn ngoại lai vì công thức bao gồm hỗn hợp các loại gia vị khô, trong khi các món cà ri truyền thống của Thái Lan dựa trên các loại thảo mộc tươi.

Trong một bài tiểu luận về bản sắc ẩm thực của Thái Lan, nhà báo Panu Wongcha-um lập luận rằng sách tưởng nhớ dạy nấu ăn vẫn đang góp phần định hình ẩm thực Thái Lan. Điều này có thể được minh chứng qua thực đơn của các nhà hàng Thái được gắn sao Michelin như Nahm, Paste và Bo.lan. Tất cả các món đều bắt nguồn từ sách dạy nấu ăn của các gia đình quý tộc và các đầu bếp riêng nổi tiếng đương thời.

Phil Cornwel-Smith, tác giả của hai cuốn sách Very Thai Very Bangkok, cho biết vai trò xã hội của phụ nữ trong các gia đình quý tộc thường ít nổi bật, nên những thành tựu trong gia đình của họ sẽ được ca ngợi, và “công thức nấu ăn là một ví dụ tiêu biểu”.

Đầu bếp Bo Songvisava cũng khẳng định sách tưởng nhớ có kèm các công thức nấu ăn thời kỳ đầu chủ yếu là từ những phu nhân trong các gia đình quyền quý. “Việc in ấn sách dạy nấu ăn vào thời bấy giờ có vẻ khá kỳ cục, nên họ tận dụng đám tang như một dịp để tri ân người đã khuất và truyền lại những kỹ năng, kiến thức, di sản của người đó cho hậu thế” – Bo cho biết. Chính cô và người thầy David Thompson của mình đều đang sở hữu hàng trăm cuốn sách tưởng nhớ dạy nấu ăn cho riêng mình.

Sách tưởng nhớ dạy nấu ăn của Thái được thai nghén trong một hoàn cảnh đặc biệt, được nuôi dưỡng bởi sự khuyến khích của hoàng gia và phát triển từ mối đe dọa thực dân, đã kiến tạo một không gian riêng cho tiếng nói của nữ giới và được sự công nhận rộng rãi của công chúng.

Loại hình sách này đang dần phổ biến đến mức đã truyền cảm hứng cho cây bút ẩm thực người Anh Alan Davidson biên soạn một cuốn 47 trang toàn những công thức nấu ăn mình ưa chuộng, và những cuốn sách tưởng nhớ này đã được phát tại tang lễ của ông vào năm 2003.

Ngày nay phần lớn người Thái coi sách tưởng nhớ là một cách để gìn giữ kỷ niệm về người thân trong lòng gia đình và bạn bè. Khi có người đến viếng để nói lời từ biệt với người đã khuất, các thành viên trong nhà, thường là vợ hoặc con, sẽ trao gửi quyển sách nhỏ thay một lời tri ân và lời chào sau cuối.

Khi tìm được những cuốn sách tưởng nhớ của gia đình trong lúc dọn dẹp, cải tạo nhà cửa, người Thái thường vui mừng vì có dịp tìm hiểu thêm về cây gia phả của mình. Đâu phải lúc nào ta cũng có cơ hội được biết đến những người tổ tiên quá cố.

Theo truyền thống từ giữa thế kỷ 19, người Thái đã tặng những món quà nhỏ cho người đến dự đám tang, nhưng sau đó họ quyết định tặng một cái gì đó cá nhân hơn và giữ được lâu hơn. Vậy nên khi máy in xuất hiện vào năm 1835, việc sản xuất sách trong nước dần trở nên phổ biến, người dân bắt đầu nghĩ đến chuyện in sách dùng trong tang lễ.

Những quyển sách tưởng nhớ (hay sách hỏa táng) đầu tiên xuất hiện vào năm 1881 liên quan đến một sự kiện tang thương của hoàng gia. Khoảng 10.000 bản sách bao gồm các bài tụng và những câu thơ kinh Phật đã được phát hành vào đám tang kép của vợ và con vua Chulalongkorn.

Mãi đến giữa thế kỷ 20, các vấn đề liên quan đến ẩm thực mới xuất hiện trong sách tưởng nhớ tại Thái. Gần đây, một thư viện đã được thành lập tại chùa Bovornives để giữ bất kỳ cuốn sách tưởng nhớ nào được gửi để lưu trữ.

Trong khi đó giới sưu tập cũng mua bán sách tưởng nhớ về những người thú vị, hoặc các tập được xuất bản ở định dạng phức tạp, thông tin khó tìm. Tuy nhiên, người ta ngờ rằng có một số nhà buôn còn chủ tâm trà trộn vào các đám tang chỉ để lấy một cuốn sách tưởng nhớ của người nổi tiếng và để dành bán kiếm lời về sau.

Có vẻ kỳ lạ khi người Thái nuôi dưỡng truyền thống ẩm thực độc đáo qua thể loại sách tưởng nhớ trong khi chính bản thân sách dạy nấu ăn đã là một hiện tượng tương đối nổi. Vào năm 1908, cuốn sách nấu ăn đầu tiên của Thái Lan với nhan đề Những nữ đầu bếp tài năng đã được xuất bản bởi Lady Plian Phasakorawong.

Trước khi kiệt tác này ra đời, các công thức nấu ăn được truyền miệng một cách có chọn lọc, vô cùng nghiêm khắc, chỉ người trong nhà mới được chỉ dạy cách nấu cho đúng chuẩn của gia đình. Việc tiết lộ bí mật ẩm thực của nhà mình cho người ngoài cũng nghiêm trọng tương đương việc nhượng bộ vai vế trong xã hội cho đối thủ.

Sự xuất hiện của cuốn sách dạy nấu ăn đầu tiên của Thái Lan cuối cùng cũng phá bỏ những rào cản tư tưởng truyền thống trong việc bảo toàn bí mật ẩm thực giữa các gia tộc. Người Thái bắt đầu cởi mở hơn trong việc chia sẻ bí quyết ẩm thực gia đình ra cộng đồng, đặc biệt là thông qua các quyển sách tưởng nhớ trong tang lễ.

Nội dung:

HIẾU THẢO

Hình ảnh:

PASTE, PRESTIGEONLINE.COM, ALAMY, BO.LAN, RICHARD S. EHRLICH, CHANAT KATANYU

Thiết kế:

Kiều Nhi

Concept:

Bảo SuZu