Sách Khai Tâm – Câu Chuyện Về Quản Trị Doanh Nghiệp – Trần Hữu Chinh

Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Xuân dài, trong cái se lạnh và bầu không khí còn rất “tết” của Hà Nội, tôi mở đọc và lập tức bị cuốn hút bởi bản thảo cuốn sách nhỏ, có tựa đề giản dị Câu chuyện về quản trị doanh nghiệp của anh Trần Hữu Chinh. Các câu chuyện mang nhiều tính chuyên môn, xen lẫn với “những tản mạn suy tư được ghép lại theo từng mảng của cuộc đời” không thuần túy chỉ là các câu chuyện. Kết nối những gì đằng sau các câu chuyện? Dường như tác giả đã phác họa cho người đọc những phẩm chất cơ bản, những nét cơ bản về chân dung của một thế hệ các nhà quản trị doanh nghiệp vượt qua những năm tháng chuyển đổi nhọc nhằn của đất nước. Đồng thời, cũng thấp thoáng câu trả lời cho suy tư của tôi và các đồng nghiệp trong Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam: “Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam – anh là ai?” Câu hỏi mà chúng tôi luôn trăn trở muốn tìm đáp án cho các thế hệ các nhà quản trị tương lai, khi đất nước chúng ta hội nhập và hòa vào dòng chảy của thời đại.

Khởi đầu bằng 12 câu chuyện quản trị, thực chất là 12 vấn đề căn bản của quản trị doanh nghiệp, được tác giả rút ra từ thực tiễn, được mô tả một cách súc tích và luận cứ bằng các lý thuyết quản trị hiện đại. Đọc các câu chuyện của anh, các vấn đề anh nêu ra và các gợi ý giải quyết vấn đề, thật khó hình dung, đây là người đã từng tham gia lãnh đạo một doanh nghiệp rất sớm (từ năm 1989), trong một môi trường kế hoạch hóa, bao cấp nặng nề. Vượt lên chính mình, vượt lên cách tư duy và hành động chỉ bằng kinh nghiệm. Luôn tiếp cận với kiến thức quản trị hiện đại, bằng trí tuệ và trải nghiệm, suy ngẫm trong môi trường văn hóa của Việt Nam để tìm ra đường đi phù hợp nhất cho mình, cho doanh nghiệp của mình. Phải chăng đây là phẩm chất hàng đầu cần có của một nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam?