SỰ TÍCH CÂY HOA ĐÀO, CÂY HOA MAI NGÀY TẾT!

Sự tích hoa mai, hoa đào ngày tết

Ngày tết trong gia đình của mỗi người dân Việt Nam đều có chưng một cây mai (người miến Nam) hoặc cây đào (người miền Bắc). Có lẽ ngoài các cụ ra thì chắc không ai nhớ được lý do vì sao mà cây mai và cây đào lại được chưng trong nhà vào mỗi dịp Tết đến. Có người nói rằng cây mai là biểu tượng cho sự may mắn của một năm, còn cây đào thì được xem là một loại cây dùng để trừ tà, đuổi quỷ mang lại sự an lành, hạnh phúc và thịnh vượng cho gia chủ.
Như vậy cả cây mai và cây đào đều là những loại cây dân gian được yêu chuộng và xem như biểu tượng của ngày tết vì những quan niệm tốt đẹp mà người xưa đã định đặt cho hai loại cây này. Nhưng thật ra thì theo tự nhiên thì hai loài cây này là hai loài thường nở hoa vào mùa xuân và chiếm tỉ lệ đa số, nhất là vào ngày xưa, khi các loài hoa chưa được phong phú và phổ biến như bây giờ nên hoa đào và hoa mai được xem là hai loại hoa đặc trưng nở vào mùa xuân.
Hoa đào thì thích hợp với không khí lạnh của miền Bắc còn hoa mai thì lại thích hợp với nhiệt độ nóng ở miền Nam nên hai loại hoa này sống trên hai vùng miền khác nhau của nước ta và đặc biệt cùng trổ hoa vào dịp cuối đông đầu xuân vô cùng rực rỡ và thơm ngát. Ngày tết, gia đình nào cũng mua về một cây mai, cây đào hoặc một cành mai cành đào để cắm hoặc chưng trong nhà cho có không khí ngày tết, nhưng thật ra cả cây mai và cây đào hay hoa mai và hoa đào đều có một sự tích rất hay do người xưa đặt ra để giải thích về nguồn gốc của hai loại hoa biểu tượng cho mùa xuân này cũng như nói lên nỗi khát khao về một cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc của người xưa.

Sự tích hoa đào miền Bắc:
Ngày xưa, trên ngọn núi Sóc Sơn có một cây đào rất to, trên cây đào có hai vị thần cai quản, một vị tên là Trà, vị kia tên là Uất Lũy. Hai vị thần này có năng lực xua đuổi tà ma nên xung quanh vùng không có ma quỷ nào dám xâm phạm nên cuộc sống người dân nơi đây quanh năm luôn được an bình và sung túc. Nhưng cứ đến ngày cuối năm, hai vị thần này phải về chầu trời nên ma quỷ lại đến quấy phá cư dân trong vùng.
Sau khi quay về, nghe người dân báo lại sự việc, hai vị thần căn dặn người dân: Từ nay về sau, khi đến dịp cuối năm chúng ta về chầu trời, các người hãy bẻ nhánh cây đào có hoa mang về cắm trong nhà, ma quỷ thấy cây hoa đào, tưởng có chúng ta ở đấy nên sẽ không đến quấy phá nữa. Thế là người dân nghe lời hai vị thần, cứ đến ngày cuối năm lại bẻ nhánh đào mang về nhà cắm trong lọ để trừ tà đuồi ma. Có người thì nhổ cả cây mang về trồng trong nhà để mong là quanh năm sẽ không bị tà ma quấy phá.

Sự tích cây mai miền Nam:
Ngày xưa có một cô gái tên Mai con một người thợ săn vốn rất gan dạ và can đảm. Năm lên mười bốn, cô gái đã được cha đào luyện trở thành một nữ hiệp sĩ vô cùng tài giỏi và tinh thông võ thuật. Lúc ấy có một con yêu tinh đến quấy phá một làng nọ, dân làng treo giải ai giết được yêu tinh sẽ được thưởng trọng hậu. Thế là hai cha con lên đường giết yêu tinh. Sau khi giết được yêu tinh trở về, danh tiếng của hai cha con vang dội và truyền rao khắp nơi. Vài năm sau người cha lâm bệnh nặng và sức khỏe ngày một yếu đi. Còn cô con gái thì đã bước qua tuổi mười tám, sức khỏe càng tăng lên gấp bội, võ thuật càng ngày càng tinh thông. Năm ấy yêu tinh rắn lại xuất hiện ở một vùng nọ và dân làng đến khẩn khoàn hai cha con đi giết yêu tinh. Trước khi con gái lên đường, người mẹ may cho cô một bộ đồ gấm màu vàng rất đẹp và cô gái hứa ngày trở về sẽ mặc bộ đồ vàng ấy cho mẹ nhìn thấy cô từ xa. Sau đó hai cha con trèo non lội suối tìm cho ra yêu tinh để tiêu diệt nó. Người cha vì sức yếu nên không phụ giúp được gì để cô con gái một mình chống chọi với yêu tinh. Nhưng cuối cùng cô gái cũng giết được nó. Nhưng rủi thay, trước khi chết, con yêu rắn đã vùng dậy dùng đuôi quấn và xiết chết cô gái.
Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của cô gái cũng như sự khóc lóc van nài của người mẹ tội nghiệp nên ông Táo trong nhà đã khẩn khoản xin Ngọc Hoàng cho cô gái được sống lại và trở về với gia đình trong chín ngày. Thế là từ đó, cô gái được trở về nhà trong hình hài nguyên vẹn với gia đình trong chín ngày (từ 28 tháng Chạp cho đến mồng 6 Tết thì biến mất). Về sau khi cha mẹ và người thân của cô gái mất hết, cô gái không trở về nhà nữa mà hóa thành một cây hoa mọc bên ngôi miếu mà người dân đã lập nên để cúng bái cô. Thấy cây hoa lạ mọc lên bên miếu và cứ trổ hoa vàng suốt chín ngày Tết nên dân làng lấy tên cô gái đặt cho cây hoa ấy là cây hoa mai và chiết nhánh mang về trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại may mắn cho gia đình mỗi độ xuân về, năm hết tết đến.
Mặc dù chỉ là hai câu chuyện cổ tích dân gian, nhưng một phần nào đó đã nói lên ước mơ và hoài bão thiết tha của người Việt xưa về một cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Đó là những mơ ước, những hoài bão mà con người trong bất cứ thời đại nào cũng mong mỏi như vậy. Tuy bản thân cây đào hay cây mai chỉ là thực vật và trổ hoa theo mùa chứ không có gì linh thiêng cả, nhưng nếu đã là một di sản tinh thần của người Việt thì cũng nên được bảo tồn và giữ gìn cho các thế hệ sau vì đó là những nét văn hóa truyền thống đẹp và quý báu. Nó làm nên giá trị văn hóa Tết cổ truyền của người Việt từ xa xưa cho đến tận hôm nay và mãi mãi về sau.