SỐNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI
Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá:“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, đó là chúng ta đã thể hiện niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa và muốn nhân danh cả Ba Ngôi Thiên Chúa thánh hóa, chúc lành và ban phát ơn sủng cho chúng ta. Nếu mỗi việc chúng ta làm nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi thì sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều ơn ích thiêng liêng.
Do vậy, mỗi Kitô hữu cần phải sống mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi cách thiết thực hơn.
* Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của Đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là cội nguồn của Đức tin và là Giáo lý căn bản của Kitô Giáo. Chính Giáo Lý Hội Thánh đã dạy cách rõ ràng như thế: “Mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống kitô hữu. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (GLCG, số 261).
Ngay trong những ngày đầu của đời sống Kitô hữu, Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi đã hiện diện một cách rõ nét, tức là được rửa tội và kêu cầu nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa: “T…rửa con (ông bà, anh chị em…) Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (x. GLCG 232; 1278).
Và trong đời sống hằng ngày chúng ta thường làm dấu Thánh Giá Nhân Danh Ba Ngôi: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Như thế rõ ràng, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là Mầu nhiệm cao cả và chính yếu trong đạo chúng ta.
Tuy nhiên, Ba Ngôi thực sự khác nhau, nhưng duy nhất trong cùng một Thần Tính. Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc vì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thực sự phân biệt nhưng không tách biệt nhau mà Một Thiên Chúa duy nhất mà thôi (x. GLCG, số 254).
* Nền tảng
– Kinh Thánh Tân Ước
Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, trước khi về trời, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi làm phép rửa cho muôn dân, nhân danh cả Ba ngôi Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần (x. Mt 28,19).
Chúa Giêsu đã mạc khải cho ta biết về Chúa Cha. Ngài không phải chỉ là Cha theo nghĩa là Đấng Tạo Hoá, nhưng Ngài là Cha trong tương quan với Ngôi Con duy nhất: “Không ai biết Con trừ ra Cha, cũng như không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho” ( Mt 11,27).
Chúa Giêsu còn hứa ban Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần cho các Môn Đệ (x. Ga 14,26).
Và thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô, ngài đã cầu chúc, xin ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa xuống trên các tín hữu thành này: “Cầu chúc toàn thể anh em, được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa Cha, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13,13).
– Huấn quyền của Giáo hội
Trong kinh Tin Kính, các thánh Tông đồ và toàn thể Hội thánh đã tuyên xưng rằng: “Chúng tôi tin kính đức Chúa Trời là Cha Phép tắc vô cùng dựng nên trời đất…Tôi tin Kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha và là Chúa chúng tôi….Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống…”. Và Giáo Lý Hội Thánh cũng dạy chúng ta tuyên xưng vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: “Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng tuyên xưng một Thiên Chúa có Ba Ngôi, “Ba Ngôi đồng bản thể”. Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn: “Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính. Ba Ngôi Vị đều là thực thể đó, nghĩa là bản thể, yếu tính hoặc bản tính thần linh” (GLCG, số 253).
Như thế, dựa trên nền tảng Kinh Thánh và Giáo huấn của Giáo hội, chúng ta có thể khẳng định được rằng, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của đức tin, mầu nhiệm chính yếu trong Kitô giáo. Chúng ta tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là tin vào một chân lý đúng đắn, không thể sai lầm. Nhưng, điều cốt yếu nhất vẫn là chúng ta sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào cho có giá trị?
* Sống Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi
Trong ngày mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần là chúng ta đến với hành trình thiêng liêng trong cuộc đời làm Kitô hữu.
Chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong Tình Yêu của Người, vì theo thánh Gioan thì: “Ai ở trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
Bài Tin Mừng của thánh sử Matthêu cũng cho chúng ta thấy rõ hơn chỉ thị của Chúa Giêsu, sau khi Phục sinh, đã hiện ra với các môn đệ và sai họ đi loan truyền cho muôn dân biết về ơn cứu độ của Thiên Chúa, làm phép rửa cho họ, nhưng phải nhân danh cả Ba Ngôi Thiên Chúa, chứ không phải nhân danh một ai khác: “Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” ( Mt 28,19).
Khi nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa với tất cả ý thức để dâng công việc và cả con người của chúng ta, là chúng ta đã xin ơn thánh hoá những gì chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm được thành toàn và tốt đẹp theo thánh ý của Thiên Chúa.
Ba Ngôi yêu thương kết hợp thành một, chúng ta xin Ba Ngôi Thiên Chúa ban cho Hội Thánh luôn có sự hiệp nhất trong cùng một đức tin, cùng một chủ chăn, và ơn cứu độ của Thiên Chúa được đến với mọi người; và xin cho mỗi người chúng ta, có con tim biết yêu thương, để trở nên một trong Chúa Ba Ngôi và trong mọi người. Đó là cách chúng ta đã thể hiện tinh thần sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong lòng mình cách thiết thực nhất.
Ước gì, mỗi ngày chúng ta làm dấu “Nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần” thì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời ta và trên thế giới chúng ta đang sống, để ơn sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa luôn đổ tràn đầy trên nhân loại.
“Lạy Thiên Chúa của con, Lạy Ba Ngôi con tôn thờ… xin ban bình an cho linh hồn con, xin biến linh hồn con thành thiên đàng của Chúa, nơi trú ngụ dễ mến và nơi yên nghỉ của Chúa. Không bao giờ con muốn bỏ mặc Chúa một mình, nhưng con sẽ trọn vẹn ở đó, tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn thờ lạy, và hoàn toàn phó thác vào hoạt động sáng tạo của Chúa. Amen” (Chân phước Elisabert Chúa Ba Ngôi).
Minh An