SF Express – Lazada: Điểm hẹn Việt Nam

SF Express vừa công bố việc mở rộng sang thị trường Đông Nam Á trong đó có Thái Lan và Việt Nam. Trước đó không lâu, Lazada Việt Nam cũng công bố đẩy mạnh dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.

SF Express là công ty trực thuộc Tập đoàn SF Holdings của Trung Quốc, chuyên kinh doanh mảng giao hàng xuất nhập khẩu cấp tốc cho các cá nhân và doanh nghiệp địa phương. Đơn vị này hiện đã có dịch vụ xuất hàng từ Việt Nam đi Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Canada và Úc. Hiện tại, doanh nghiệp này có 36 máy bay vận tải, khoảng 15.000 xe các loại và gần 80.000 nhân viên giao hàng. Tính đến năm 2016, lãi ròng của SF Express đã hơn 600 triệu USD và được mệnh danh là “FedEX Trung Quốc”.

Không bất ngờ

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cách đó 2 tháng, ông Alexandre Dardy, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, đã nhắc đến dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới vào lần sinh nhật thứ 5 của Công ty. Theo ông Dardy, Việt Nam đang chậm chân hơn so với các thị trường khác về mảng này vì hành lang pháp lý về xuất nhập khẩu hàng hóa còn có các quy định khác biệt. Lấy ví dụ, trước khi được bán cho Central Group, Zalora Việt Nam đã từng thử nghiệm dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới trong lĩnh vực thời trang từ năm 2015 với các nước thành viên nhưng không thành vì vướng thủ tục hải quan trong nước.

Mặc dù vậy, trong tương lai, khi các thị trường áp dụng thuế suất bằng 0, chắc chắn thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam sẽ tăng trưởng rất mạnh. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, thương mại điện tử xuyên biên giới đang chiếm tỉ lệ 21% trong tổng doanh thu thương mại điện tử toàn cầu. “Năm nay, chúng tôi cố gắng chuẩn bị để các nhà bán hàng có thể sử dụng nền tảng của Lazada, tiếp thị sản phẩm đến 5 thị trường còn lại mà Lazada đang phát triển”, ông Dardy nói.

Chính vì thế, sự xuất hiện của SF Express, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa hàng đầu Trung Quốc, là điều không quá bất ngờ. Đây là dịch vụ được Alibaba  Group khởi xướng từ năm 2013 với cái tên Cainiao Network. SF Express cũng là một thành viên của đơn vị này. Cainiao là một nền tảng kết nối các đối tác cung cấp dịch vụ từ phân phối, kho bãi, hậu cần… Việc dữ liệu trao đổi giữa các bên khác nhau sẽ giúp tất cả hiểu hơn về thị trường và nhu cầu của người sử dụng. Quan trọng hơn là cắt giảm nhân sự trước nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

“Năm 2015, mỗi ngày Trung Quốc có 57 triệu kiện hàng cần được giao, SF Express lúc đó xử lý 4 triệu kiện hàng và cần tới 400.000 nhân viên hậu cần. Vậy đến năm 2020, khi có hơn 140 triệu kiện hàng được giao, SF cần bao nhiêu con người? Trong cấu trúc quản lý kim tự tháp, mỗi lớp thêm vào sẽ tốn mất thêm 30% chi phí quản lý”, ông Li Wei, Giám đốc Hợp tác chiến lược của Cainiao Network, nói với ecommerceiq.asia.

Mục tiêu của nhóm này là tăng chất lượng hậu cần ở Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh hàng đi toàn cầu, trước mắt là các nước Đông Nam Á. Mặc dù vậy, bản thân SF Express đã có dấu hiệu “cơm không lành, canh không ngọt” với Cainiao ngay từ khi thành lập. Do đó, việc xuất hiện của SF Express chưa chắc đại diện cho Cainiao, nhưng có một điều chắc chắn là hàng đặt từ AliExpress về Việt Nam được kỳ vọng giảm từ 7-14 ngày, so với con số một tháng khi chưa có SF Express. Không chỉ Lazada Việt Nam, theo nguồn tin của NCĐT, Shopee (Singapore) cũng quan tâm thương mại điện tử xuyên biên giới vì đa dạng nguồn hàng là cuộc chiến bất tận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ai sẽ bị ảnh hưởng?

Một câu hỏi được đặt ra là doanh nghiệp nào của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trước sự có mặt của SF Express? Đầu tiên, hãy xét đến nhóm gần nhất với SF Express là hậu cần trong lĩnh vực thương mại điện tử. Hiện nay, nhóm này đang được chia làm hai mô hình riêng biệt. Nhóm thứ nhất là nhóm giao hàng có độ trễ, với thời gian từ 3-7 ngày, doanh nghiệp bán hàng sẽ gửi hàng tại kho hoặc các điểm ký gửi, hàng sẽ được tập trung về kho của doanh nghiệp giao nhận rồi phân phối đến khách hàng. Đại diện các nhóm này gồm Viettel Post, VNPost, Giaohangnhanh.vn, LEX, Giaonhangtietkiem, Ninja Van, giaohangso1…

Thứ hai là nhóm giao hàng tức thời, với thời gian giao trong ngày, nhân viên giao hàng sẽ đến cửa hàng doanh nghiệp lấy hàng và giao thẳng cho khách. Đại diện các nhóm này gồm Ahamove, DeliveryNow, GrabExpress. “Trong ngắn hạn, chúng tôi chưa thấy những rào cản từ SF Express mang lại mà còn là cơ hội hợp tác để mở rộng dịch vụ và các tiện ích cho khách hàng”, ông Nguyễn Trần Thi, đồng sáng lập Giaohangnhanh.vn, nhận định.

SF Express - Lazada: Diem hen Viet Nam

 

Theo đó, SF Express sẽ vận chuyển hàng hóa đến đầu Việt Nam và vẫn cần các doanh nghiệp địa phương có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử phân phối đến người dùng cuối. Nhưng xa hơn, không có gì đảm bảo SF Express sẽ không tham gia vào thị trường giao nhận thương mại điện tử ở Việt Nam khi họ đã là một trong các doanh nghiệp dẫn đầu Trung Quốc về giá cả và chất lượng dịch vụ ở lĩnh vực này. Vì vậy, Giaohanhnhanh.vn cũng đang tìm hướng phát triển riêng. Không chia sẻ cụ thể, ông Thi cho biết, Công ty cũng đang mở rộng mảng chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận các nguồn hàng hóa chất lượng với chi phí tốt hơn. “Trong năm nay, chúng tôi sẽ thử nghiệm ở một số thị trường có nguồn hàng lớn về Việt Nam như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc”, ông Thi nói.

Một liên minh khác là Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận chuyển InDo Trần (ITL Corp) cũng vừa ký kết hợp tác chiến lược cùng VNPost trong việc phát triển dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Liên doanh này sẽ triển khai dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới bằng xe tải giữa Việt Nam và Trung Quốc do ITL Corp khai thác cho hàng thương mại điện tử nhằm cung cấp một giải pháp cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.

Nhóm bị cạnh tranh trực tiếp được cho sẽ là các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam. Bản chất của thương mại điện tử xuyên biên giới là tiếp cận khách hàng ở thị trường mới với chi phí thấp hơn rất nhiều so với truyền thống. Trước đây, khi một doanh nghiệp muốn kinh doanh ở nước khác, phải nghiên cứu thị trường, mở cửa hàng thử nghiệm trong 6 tháng đến 1 năm để biết hiệu quả. Với thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp rút ngắn xuống còn vài tháng. Dĩ nhiên, hướng đi này sẽ hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất, như các doanh nghiệp Trung Quốc chẳng hạn.

Theo thống kê của Alibaba, Việt Nam nằm trong tốp 7 thị trường lớn với khoảng 28 triệu người mua hàng trên Alibaba. Theo thống kê trên Fado.vn, trong 3 năm (2014-2016), Fado hỗ trợ khách hàng Việt Nam mua trực tuyến hơn 80 triệu sản phẩm trên Amazon… Ở chiều ngược lại, xu hướng gần đây cũng cho thấy các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã chuyển dịch mạnh và coi kênh thương mại trực tuyến là công cụ quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường toàn cầu. Mất cân đối giữa chiều mua và bán vừa cho thấy sự yếu thế của các sản phẩm “made in Vietnam”, vừa cho thấy công cụ thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được các doanh nghiệp nội chú trọng.

Huy Vũ