Rừng nhiệt đới Amazon thải ra nhiều khí nhà kính hơn lượng hấp thụ
(Ảnh minh họa: AP)
Đây là kết quả một nghiên cứu được công bố vào ngày 14/7 trên tạp chí Nature.
Thông thường, rừng hấp thụ một lượng lớn khí carbon dioxide (CO2) từ bầu khí quyển của Trái đất. Qua đó, rừng trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, con người có thể đã khiến Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, trở nên vô dụng và thậm chí có thể gây bất lợi cho cuộc chiến chống lại khí nhà kính.
Sự cân bằng giữa phát thải và hấp thụ khí carbon của rừng Amazon đã bị suy giảm do “quá trình gây xáo trộn quy mô lớn từ con người” trong hệ sinh thái Amazon, với các vụ cháy rừng do con người cố tình gây ra để lấy đất phục vụ nông nghiệp và công nghiệp. Những hành động kiểu này đã gây ra phần lớn lượng khí thải CO2 từ khu rừng. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, những đám cháy cũng góp phần vào vòng luẩn quẩn Trái đất ấm lên, khí nhà kính thải ra nhiều hơn khiến mùa khô ở Amazon kéo dài hơn và nóng hơn, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng xảy ra hơn và ô nhiễm khí CO2 nhiều hơn.
Sự cân bằng giữa phát thải và hấp thụ khí carbon của rừng Amazon đã bị suy giảm. (Ảnh: AP)
Đặc biệt, phía Đông rừng Amazon, nơi số vụ phá rừng tăng cao trong 40 năm qua, trở nên nóng hơn, khô hơn và dễ xảy ra cháy rừng hơn so với phần còn lại của rừng nhiệt đới này. Kết quả là khu vực phía Đông thải ra lượng khí nhà kính nhiều hơn, trong khi có ít cây cối hơn để hút carbon thông qua quá trình quang hợp.
Luciana Gatti thuộc Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil cho biết: “Tin xấu đầu tiên là việc đốt rừng tạo ra lượng CO2 cao gấp 3 lần lượng CO2 mà rừng hấp thụ. Tin xấu thứ hai là ở những khu vực rừng bị phá từ 30% trở lên, lượng khí carbon rừng thải ra cao hơn 10 lần so với những nơi phá rừng thấp hơn 20%“.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phân tích gần 600 phép đo phát thải CO2 từ 4 địa điểm ở rừng Amazon của Brazil được thu thập từ năm 2010 đến năm 2018. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, trung bình các đám cháy thải ra khoảng 1,6 tỷ tấn CO2 vào khí quyển mỗi năm, trong khi những cây khỏe mạnh chỉ hấp thụ khoảng 0,5 tỷ tấn.
Miền Đông rừng Amazon đã trở thành nguồn phát thải carbon ròng. Trong khi đó, ở khu vực phía Tây Amazon, nơi rừng bị phá ít hơn, sự hấp thụ khí CO2 của các khu rừng khỏe mạnh sẽ cân bằng lượng khí thải từ các đám cháy.
Hạn chế nạn phá rừng, đặc biệt là tình trạng cháy rừng là chìa khóa để đảo ngược xu hướng nguy hiểm này ở Amazon.
Kỷ lục 1.180 km² rừng Amazon tại Brazil bị phá hủy trong tháng 5
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!