Rủi ro tỷ giá dưới góc nhìn của doanh nghiệp – Saigon Academy

Quyết định có nên phòng ngừa rủi ro tỷ giá hay không?

Tác động đến sự tự chủ tài chính của doanh nghiệp

Rủi ro tỷ giá là rủi ro phát sinh do sự biến động tỷ giá làm ảnh hưởng đến giá trị kỳ vọng trong tương lai. Rủi ro tỷ giá có thể phát sinh trong nhiều hoạt động khác nhau của doanh nghiệp. Bất cứ hoạt động nào mà ngân lưu vào phát sinh bằng một loại đồng tiền trong khi ngân lưu chi ra phát sinh một loại đồng tiền khác đều chứa đựng nguy cơ rủi ro tỷ giá.

 

Nhìn vào bảng báo cáo ngân lưu của doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy rằng ngân lưu của doanh nghiệp thường đến từ 3 nguồn:

  • Ngân lưu từ hoạt động kinh doanh;
  • Ngân lưu từ hoạt động đầu tư;
  • Ngân lưu từ hoạt động tài trợ.

Rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư

Rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư thường phát sinh đối với công ty đa quốc gia. Chẳng hạn Unilever hay P&G.

Khi đầu tư vào Việt Nam, Unilever phải bỏ vốn ra bằng ngoại tệ để thiết lập nhà máy, nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất.

Phần lớn sản phẩm sản xuất đều là sản phẩm tiêu dùng trên thị trường Việt Nam và đương nhiên doanh thu bằng VND. Do đó, Unilever phải đối mặt với rủi ro tỷ giá.

Nếu USD lên giá so với VND thì chi phí sản xuất gia tăng tương đối so với doanh thu.

Ví dụ:

Nếu trước đây tỷ giá USD/VND = 22.000, hàng năm chi phí nhập khẩu nguyên liệu của Unilever là 1 triệu USD, tương đương 22 tỷ VND.

Bây giờ tỷ giá USD/VND = 24.000 VND thì chi phí nhập khẩu nguyên liệu quy ra VND là 24 tỷ VND, tăng lên 2 tỷ VND so với trước.

Điều này khiến cho chi phí sản xuất tăng thêm. Sự gia tăng này làm cho lợi nhuận giảm đi.

Bên cạnh ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trực tiếp như vừa phân tích, rủi ro tỷ giá cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư gián tiếp.

Ví dụ:

Nhà đầu tư HongKong vừa rút vốn đầu tư 500.000 USD khỏi thị trường Mỹ do lãi suất USD giảm.

Giả sử bây giờ do hưởng ứng lời kêu gọi và khuyến khích đầu tư của Chính phủ Việt Nam, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu SAM.

Giá trị trường hiện tại của SAM là 30.000 VND/cổ phiếu và tỷ giá USD/VND = 24.000. Như vậy, với 500.000 USD nhà đầu tư có thể mua được (500.000 x 24.000)/30.000 = 400.000 cổ phiếu.

Giả sự một năm sau nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu SAM để rút vốn về đầu tư nơi khác. Lúc này giá cổ phiếu SAM tăng lên 31.000 VND/cổ phiếu trong khi giá USD cũng tăng so với VND lên 25.000 VND/USD.

Số USD nhà đầu tư rút về bây giờ sẽ là (400.000 x 31.000)/25.000 = 496.000 USD, thấp hơn số vốn ban đầu 4.000 USD (giả sử bỏ qua cổ tức nhà đầu tư nhận được sau một năm).

Sự tổn thất này do biến động tỷ giá gây ra vì giá cổ phiếu SAM tăng 1.000 đồng không đủ bù đắp sự mất giá của VND. Liệu sự mất giá của VND có thu hút được vốn đầu tư nước ngoài và làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động hơn không?

Xem thêm: Khóa học XNK Saigon Academy

rủi ro tỷ giárủi ro tỷ giá

Rủi ro tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu

Rủi ro tỷ giá trong hoạt động XNK là loại rủi ro tỷ giá thường xuyên gặp phải.

Đây là rủi ro đáng lo ngại nhất đối với công ty có hoạt động XNK mạnh.

Sự thay đổi tỷ giá ngoại tệ so với nội tệ làm thay đổi giá trị kỳ vọng của các khoản thu hoặc chi ngoại tệ trong tương lai khiến cho hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng đáng kể và nghiêm trọng hơn có thể làm đảo lộn kết quả kinh doanh.

Ví dụ

Giả sử ngày 04/8 công ty Saigonimex đang thương lượng ký kết hợp đồng xuất khẩu trị giá 200.000 USD. Hợp đồng sẽ đến hạn thanh toán 6 tháng sau kể từ ngày ký hợp đồng. Ở thời điểm thương lượng hợp đồng, tỷ giá USD/VND = 23.000. Trong khi tỷ giá ở thời điểm thanh toán chưa biết vì chưa đến hạn.

Sự không chắc chắn của tỷ giá USD/VND vào thời điểm thanh toán khiến cho hợp đồng xuất khẩu của Saigonimex chứa đựng rủi ro tỷ giá.

Nếu đến hạn thanh toán, USD tiếp tục lên giá so với VND thì bên cạnh lợi nhuận do hoạt động xuất khẩu đem lại, công ty còn kiếm thêm được khoản lợi nhuận tăng thêm do USD lên giá so với VND.

Ngược lại, nếu đến hạn thanh toán USD xuống giá so với VND thì doanh thu kỳ vọng bằng VND của hợp đồng xuất khẩu trên giảm đi.

Sự sụt giảm này làm cho lợi nhuận kỳ vọng từ hợp đồng xuất khẩu giảm đi, nghiêm trọng hơn có thể khiến cho hợp đồng trở nên lỗ nếu như sụt giá USD quá mạnh.

Ví dụ:

Vào ngày thanh toán nếu USD/VND = 22.500 thì cứ mỗi USD xuất khẩu công ty tổn thất 500 VND do USD xuống giá.

Toàn bộ hợp đồng 200.000 USD, công ty bị thiệt hại 200.000 x 500 = 10.000.000 VND.

Sự thiệt hại này không lớn lắm trong phạm vi một hợp đồng, nhưng nếu tính chung trong toàn bộ hoạt động xuất khẩu, công ty có đến hàng trăm hợp đồng. Như vậy, thiệt hại sẽ rất lớn.

Xem thêm: Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Tác động của rủi ro tỷ giá

Tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Sức cạnh tranh của DN tập trung ở khả năng quyết định giá cả của DN so với đối thủ.

Hoạt động trong điều kiện có rủi ro tỷ giá tác động khiến DN phải luôn đối phó với tổn thất ngoại hối, bằng cách nâng giá bán để trang trải tổn thất xảy ra.

Điều này làm cho giá cả của DN trở nên kém hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút.

Nhìn chung, rủi ro tỷ giá phát sinh trong hoạt động doanh nghiệp có thể gây ra 2 loại tổn thất, đó là tổn thất giao dịch và tổn thất kinh tế.

Tổn thất giao dịch

Tổn thất giao dịch phát sinh khi có các khoản phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ. Tổn thất giao dịch bao gồm: tổn thất các khoản phải thu ngoại tệ và tổn thất các khoản phải trả ngoại tệ.

Tổn thất các khoản phải thu ngoại tệ là tổn thất phát sinh khi giá trị quy ra nội tệ thu về sụt giảm do ngoại tệ xuống giá so với nội tệ. Tổn thất các khoản phải thu có thể phát sinh từ những hoạt động sau đây:

  • Hoạt động xuất khẩu thu ngoại tệ.
  • Cho vay ngoại tệ.
  • Thu đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ về từ nước ngoài.
  • Thu lãi vay bằng ngoại tệ.
  • Nhận cổ tức đầu tư bằng ngoại tệ.

Tổn thất các khoản phải trả ngoại tệ

là tổn thất phát sinh khi giá trị quy ra nội tệ chi ra tăng lên do ngoại tệ lên giá so với nội tệ. Tổn thất các khoản phải trả có thể phát sinh từ những hoạt động sau đây:

  • Hoạt động nhập khẩu phải chi trả bằng ngoại tệ.
  • Trả nợ vay ngoại tệ.
  • Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bằng ngoại tệ.
  • Trả lãi vay bằng ngoại tệ.
  • Trả cổ tức đầu tư bằng ngoại tệ.

Tổn thất giao dịch ngoại hối lớn hay nhỏ tùy thuộc vào hai biến: (1) Giá trị tài sản tính bằng ngoại tệ và (2) mức độ thay đổi tỷ giá. Do đó, nếu gọi:

∆V là tổn thất ngoại hối.

∆S là mức độ thay đổi tỷ giá, ∆S = St – S0, trong đó St, S0 lần lượt là tỷ giá ở thời điểm t và thời điểm gốc

V là giá trị tài sản tính bằng ngoại tệ.

Thì chúng ta có hàm tổn thất giao dịch ngoại hối như sau:

∆V = V. ∆S

Đây là một hàm bậc nhất có dạng y = ax trong đó V chính là hệ số góc dùng để đo lường mức độ tổn thất giao dịch ngoại hối.

Tổn thất kinh tế

Tổn thất kinh tế là tổn thất phát sinh do sự thay đổi của tỷ giá làm ảnh hưởng đến ngân lưu quy ra nội tệ hoặc ngoại tệ của DN.

Tổn thất kinh tế xảy ra tương tự như tổn thất giao dịch, chỉ khác biệt ở chỗ nó là những khoản tổn thất không xuất phát từ các khoản phải thu hoặc phải trả có hợp đồng rõ ràng mà từ ngân lưu hoạt động của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Sự lên giá của nội tệ làm sụt giảm doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp, do hàng xuất khẩu bây giờ trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài.

Hoặc giả, chi phí đầu vào của doanh nghiệp gia tăng do ngoại tệ lên giá so với nội tệ khi đại đa số nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ nguồn nhập khẩu.

Tổn thất kinh tế nói chung liên quan đến vị thế cạnh tranh của DN.

Theo đó, do ảnh hưởng của biến động tỷ giá khiến cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút và làm ảnh hưởng đến ngân lưu hoạt động nói chung của doanh nghiệp.

Không giống như tổn thất giao dịch, tổn thất kinh tế thường không thể kế hoạch hóa hay dự báo chính xác được.

rủi ro tỷ giá hối đoáirủi ro tỷ giá hối đoái

Tác động đến sự tự chủ tài chính của doanh nghiệp

Rủi ro tỷ giá mang đến sự tổn thất cho DN thông qua tác động đến dòng tiền từ hoạt động KD, đầu tư và tài trợ.

Sự tổn thất này cuối cùng tác động đến khả năng chịu đựng tài chính của doanh nghiệp.

Sự chịu đựng tài chính của doanh nghiệp ở đây được xác định và đo lường bởi sự tự chủ về tài chính.

Trong tài chính công ty, chúng ta đã biết sự tự chủ tài chính được xác định bởi tỷ số vốn chủ sở hữu trên nợ hoặc trên tổng tà sản.

Khi có rủi ro tỷ giá, DN đối mặt với tổn thất làm cho giá trị phần vốn chủ sở hữu trở nên bất ổn và có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tác động đến giá trị doanh nghiệp

Giá trị doanh nghiệp ở đây được đo lường bởi giá trị thị trường.

Đối với các công ty cổ phần niêm yết giá trị của doanh nghiệp phản ảnh bởi giá trị cổ phiếu trên thị trường.

Những DN nào hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên chịu tác động của rủi ro tỷ giá thì giá trị của DN cũng bị ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ giá. Điều này cũng dễ hiểu bởi sự biến động của tỷ giá có tác động làm thay đổi dòng tiền kỳ vọng của DN, qua đó, làm thay đổi giá trị DN.

Các quyết định liên quan đến quản lý rủi ro tỷ giá

Phòng ngừa rủi ro tỷ giá là một quá trình theo đó một doanh nghiệp áp dụng các giải pháp để bảo vệ mình khỏi sự tác động của sự biến động tỷ giá.

Quyết định có nên phòng ngừa rủi ro tỷ giá hay không thật ra là một quyết định đầu cơ. Nó phụ thuộc vào biến động của tỷ giá và thái độ của nhà quản lý đối với rủi ro tỷ giá.

Quyết định có nên phòng ngừa rủi ro tỷ giá hay không?

Đứng trước sự tác động của rủi ro tỷ giá, trước tiên nhà quản lý phải ra quyết định có nên áp dụng các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hay không. Kế đến mới quyết định nên phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng giải pháp nào.

Việc ra quyết định đầu tiên chủ yếu dựa vào sự kỳ vọng của nhà quản lý đối với tỷ giá trong tương lai và thái độ của nhà quản lý đối với rủi ro tỷ giá.

Tuy nhiên, bản thân kỳ vọng còn chứa đựng rủi ro nên suy cho cùng chính thái độ của nhà quản lý đối với tỷ giá mới là yếu tố chính tác động đến quyết định có nên áp dụng giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hay không.

Nếu nhà quản lý là người ngại rủi ro thì trong mọi tình huống tốt nhất là nên áp dụng giải pháp ngừa rủi ro để có một sự chắc chắn, đồng thời loại bỏ tác động của rủi ro tỷ giá.

Nếu nhà quản lý là người thích rủi ro hay sẵn sàng chấp nhận tỷ giá thì, trước tiên, nhà quản lý nên dựa vào dự báo để hình thành kỳ vọng của mình đối với sự biến động tỷ giá. Kế toán, dựa vào kỳ vọng của mình để quyết định có nên ngừa rủi ro tỷ giá hay không.

Quyết định giải pháp nào để phòng ngừa rủi ro tỷ giá?

Một khi đã quyết định nên ngừa rủi ro tỷ giá, tiếp theo nhà quản lý cần ra quyết định phòng ngừa rủi ro bằng giải pháp nào. Nhìn chung, quyết định giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá là quyết định lựa chọn sử dụng một trong những giải pháp sau đây:

  • Hợp đồng kỳ hạn
  • Hợp đồng hoán đổi
  • Hợp đồng tương lai
  • Hợp đồng quyền chọn
  • Sử dụng kết hợp các giao dịch trên thị trường tiền tệ

Trong các giải pháp trên, bốn giải pháp đầu tiên được xem như là sử dụng các công cụ tài chính phái sinh trên thị trường ngoại hối.

Việc quyết định lựa chọn giải pháp nào trong những giải pháp nêu trên nhiều khi không đơn giản. Nó không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào lợi ích và chi phí mà còn phụ thuộc vào khả năng thương lượng và khả năng cung cấp giải pháp đó trên thị trường.

Tác giả: Trần Quang Vũ
CEO Saigon Academy