Rộn rã đón chào xuân mới!

Rộn rã đón chào xuân mới!

Không khí xuân đã ngập tràn từ làng quê đến phố thị, đem theo sự hân hoan, háo hức và kỳ vọng một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc. Nhiều hoạt động mừng xuân mới diễn ra ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, với những sắc màu riêng, đón chào năm Quý Mão 2023.

• TP Quy Nhơn

Gần đến thời khắc giao thừa tiễn năm cũ Nhâm Dần 2022 và đón chào năm mới Quý Mão 2023, TP Quy Nhơn đang trở nên rộn ràng hơn trong không khí chuẩn bị đón tết. Khắp các trục đường ở phố biển náo nhiệt, nhất là tại khu vực chợ hoa xuân Quy Nhơn, các cửa hàng bán vật phẩm trang trí…

Chị Văn Thị Diễm Kiều, ở phường Thị Nại mua vật phẩm trang trí chậu cúc, cành đào nhà mình để đón Tết. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Tranh thủ chút thời gian rỗi chiều 30 Tết, chị Văn Thị Diễm Kiều, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn đến cửa hàng bán vật phẩm trang trí trên đường Lý Thường Kiệt để mua vài món đồ về trang trí chậu cúc, cành đào nhà mình. Chị Kiều vui vẻ chia sẻ: “Tết là dịp gia đình sum họp, quây quần đoàn tụ cùng đón giao thừa chờ thời khắc chuyển giao năm mới. Tết cũng phải rực rỡ hơn ngày thường, nên tôi mua hoa cúc, hoa đào về trang trí, rồi đến đây chọn mua thêm mấy món đồ về trang trí trên chậu cúc, cành đào cho thêm phần sinh động, rực rỡ đón Tết”.

Chiều 30 tháng Chạp, nhiều chủ hàng tại chợ hoa xuân Quy Nhơn giảm giá để nhanh bán hết hàng về nhà đón Tết. Ảnh: LÊ CƯỜNG

Chợ hoa xuân Quy Nhơn thu hút khá đông người dân đến mua. Anh Nguyễn Mạnh Quân, ở phường Trần Hưng Đạo, tỏ ra khá ưng ý khi chọn mua được cây mai với giá khuyến mãi. “Tôi tranh thủ dạo quanh chợ hoa xuân để chọn mua thêm vài cây hoa cảnh loại nhỏ về chưng tết, thấy chỗ hàng mai đang bán khuyến mãi nên ghé vào mua được cây mai dáng thế cũng bắt mắt với giá chỉ 400 nghìn đồng để về chơi Tết”, anh Quân cho hay.

Khu vực trưng bày linh vật năm Quý Mão 2023 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành và Tượng đài Nguyễn  Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành thu hút khá đông người dân, du khách đến chụp ảnh. Cùng gia đình du xuân, tham quan khu trưng bày linh vật, anh Trần Thế Khải, ở phường Nhơn Phú, chia sẻ: “Mặc dù Tết năm nay thời tiết không đẹp lắm, trời lạnh nhưng thấy người đi du xuân cũng đông vui. Tối 30 Tết tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành diễn ra chương trình nghệ thuật đón giao thừa tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cả nhà tôi cũng háo hức chờ đón xem”.

Hòa trong dòng người dân địa phương, một số du khách nước ngoài cũng tranh thủ khám phá nét văn hóa Việt Nam trong những ngày Tết. Chị Anna (24 tuổi, đến từ Cộng hòa Liên bang Nga) cho biết: “Tôi hiện đang dạy ngoại ngữ tại Quy Nhơn, đây mới là lần đầu tiên được đón tết Nguyên đán tại Việt Nam nên tôi rất háo hức tìm hiểu thêm về các nghi thức, tập tục tại đây. Một vài người bạn đã rủ tôi chụp ảnh áo dài tại chùa, tôi cũng đã được nếm thử bánh chưng, dưa kiệu. Đường phố được trang hoàng đẹp đẽ, không khí nhộn nhịp rất vui”.

Phóng viên Báo Bình Định ghi nhận một số hình ảnh trước giờ giao thừa tại TP Quy Nhơn.

Khu trưng bày linh vật năm Quý Mão 2023 thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: LÊ CƯỜNG

Nhiều người đến khu vực Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành chụp ảnh ngay trước thềm giao thừa. Ảnh: LÊ CƯỜNG

Khu vực chợ Sân Bay (phường Lý Thường Kiệt) vẫn còn nhiều hàng quán mở cửa phục vụ khách mua sắm đồ trưng bày và cúng tổ tiên ngày giao thừa. Ảnh: LÊ CƯỜNG

Từ 17 giờ chiều, một số chủ hàng bán mai cảnh đã đưa hàng lên xe chở về. Theo một chủ hàng, do ảnh hưởng thời tiết, mai năm nay ít bung nở nên không hút khách, cửa hàng chỉ bán được 50% số mai đưa ra. Ảnh: LÊ CƯỜNG

Trong cả ngày 21.1 (30 tháng Chạp năm Nhâm Dần), công nhân Công ty CP Môi trường Bình Định hoạt động liên tục để thu gom rác, làm sạch thành phố để đón xuân mới. Trong ảnh: Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác tại đường Nguyễn Thị Định. Ảnh: LÊ CƯỜNG

Trận địa pháo hoa ở TP Quy Nhơn năm nay được tập kết ở bờ biển Quy Nhơn (đường Xuân Diệu), nằm phía sau sân khấu tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2023) và đón xuân Quý Mão 2023. Đây là một trong 3 điểm bắn pháo hoa tầm thấp được tổ chức trên địa bàn tỉnh (cùng với huyện Tây Sơn và TX Hoài Nhơn). Đến 18 giờ 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần, công tác chuẩn bị cho buổi trình diễn pháo hoa đêm giao thừa tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại TP Quy Nhơn cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh chào đón năm mới. Ảnh: TRỌNG LỢI

Chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, 49 tuổi, ở phường Bình Định (TX An Nhơn) bán bong bóng bên vỉa hè Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), cho biết: Công việc chính của tôi là làm bánh tráng. Tuy nhiên, 2 tháng nay, trời cứ mưa và lạnh kéo dài nên công việc bị đình trệ. Để có thêm chi phí trang trải mấy ngày tết, tôi chuyển sang bán bong bóng. Dù thu nhập không bằng nghề chính, nhưng có đồng ra đồng vào để lo cho gia đình đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tươm tất”. Ảnh: TRỌNG LỢI

Du khách nước ngoài hòa cùng dòng người du xuân trên các đường phố chính của TP Quy Nhơn. Ảnh: TRỌNG LỢI

Chị Anna tạo dáng cùng áo dài tại chùa Minh Tịnh. Ảnh: LÊ CƯỜNG

LÊ CƯỜNG – NGỌC NHUẬN – TRỌNG LỢI

• Tuy Phước

30 tháng Chạp, mùa xuân đang về trên từng chồi non lộc biếc, như hữu hình trong từng giọt sương, từng gương mặt hân hoan. Hầu hết các gia đình sinh sống trên địa bàn huyện Tuy Phước đã lo chu tất công việc đồng áng, quét dọn, vệ sinh và trang hoàng nhà cửa đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Người dân chở “lộc” về nhà. Ảnh: TRỌNG LỢI

Để chuẩn bị đón giao thừa, nhiều tuyến đường liên thôn xóm, xã và huyện đã được người dân, công nhân vệ sinh môi trường quét dọn, thu gom rác và phát quang bụi rậm sạch sẽ, thông thoáng. Giờ đây, hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng được bà con sinh sống ở nhiều xã, thị trấn của huyện Tuy Phước treo trang trọng trước ngõ, men dọc theo từng tuyến đường tung bay phấp phới như muốn vui cùng người khấp khởi mừng đón tết an lành, hạnh phúc.

Sau khi hoàn thành việc cúng gia tiên vào trưa 30 tháng Chạp, ông Nguyễn Trọng Dũng, ở xã Phước Lộc, chia sẻ: “Tôi hy vọng năm 2023, nền kinh tế đất nước sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ, các DN, công ty trong, ngoài tỉnh có nhiều đơn hàng, công trình,… để giúp bản thân và mọi người có công việc ổn định hơn”.

Các tuyến đường trung tâm về thị trấn Tuy Phước khoác lên mình “chiếc áo mới” bởi cờ, hoa. Ảnh: TRỌNG LỢI

Càng về tối, trước đêm giao thừa trời trở lạnh hơn, nhưng không vì thế mà người dân không ùa ra đường để tập trung về trung tâm huyện lỵ, thưởng lãm các hoạt cảnh, tiểu cảnh chào đón năm mới; thong thả tản bộ trên vỉa hè, quảng trường để hòa mình tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt diệu khi con người – trời và đất hòa trong một niềm giao cảm thiêng liêng

Anh Nguyễn Văn Thành, ở thị trấn Diêu Trì, cho biết: “Tuy Phước thường tổ chức giao thừa khá đơn giản vì sáng mùng một tết huyện sẽ mở hội chợ Gò. Sau đó là cuộc đua thuyền trên sông Gò Bồi, thi đấu thể thao… Ở đây bà con dần chuyển sang thói quen sống với nhịp sinh hoạt của TP Quy Nhơn. Đêm giao thừa bà con thường xuất hành về thành phố, năm nay có lẽ sẽ tập trung hết dưới đó để xem pháo hoa”.

Nhiều gia đình tranh thủ chở con đi chơi, mua bong bóng vào chiều 30 tháng Chạp. Ảnh: TRỌNG LỢI

Hào hứng nhất trong đêm giao thừa có lẽ là những em thiếu nhi vì ngay tại Nhà văn hóa Xuân Diệu có bố trí khu vực chụp ảnh với những tiểu cảnh vui nhộn. Năm nay, công tác chăm lo đời sống cho nhóm đối tượng yếu thế, người có công với cách mạng, người nghèo… cũng được huyện Tuy Phước chuẩn bị, triển khai chu đáo. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn của huyện cũng tổ chức triển khai phong trào “Tết Nhân ái” – Xuân Quý Mão năm 2023”, qua đó đã vận động thăm, tặng 2.158 suất quà cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

“Công tác tuyên truyền trực quan cũng được huyện chú trọng. Trong đó, đã triển khai treo pa nô, băng rôn, cờ, phướn, cờ nheo tại các trục đường chính, dọc quốc lộ, khu trung tâm xã; xây dựng hệ thống đèn hoa trang trí các khu vực trung tâm; khu vực quảng trường và các công viên, vườn hoa… Ngoài ra, huyện còn xây dựng hệ thống chiếu sáng trang trí theo chủ đề các khu vực trung tâm, khu vực quảng trường và các công viên, vườn hoa… Hệ thống chiếu sáng công cộng được đảm bảo thường xuyên duy trì”, ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết thêm.

TRỌNG LỢI

• Phù Mỹ

Những ngày giáp tết cổ truyền Quý Mão, thời tiết trên địa bàn huyện Phù Mỹ khá đẹp. Trời se lạnh, không mưa, thích hợp để nhân dân du xuân và mua sắm chuẩn bị cho những ngày Tết nguyên đán Quý Mão.

Khắp các đường làng, ngõ phố được người dân trang hoàng bằng hoa và cờ Tổ quốc rạng rỡ chào đón xuân mới. Như mọi năm, những tuyến đường hoa, cờ được kéo dài thêm ra. Không khí tết như rộn ràng, phấn khởi hơn chào đón năm mới.

Gian hàng khắc chữ và viết thư pháp trên quả của anh Ba thu hút nhiều du khách

Tại thị trấn Phù Mỹ, chợ hoa Xuân Phù Mỹ vẫn là điểm thu hút được nhiều người nhất. Mọi người đến tham quan, dạo chơi, mua sắm và chụp ảnh kỷ niệm. Năm nay, bên cạnh các quầy hàng hoa truyền thống với đủ các loại hoa như hoa Xuân như: Mai, cúc, vạn thọ, hoa giấy, ngũ sắc, ly, thược dược,… thì quầy củ quả được khắc tạo hình và viết thư pháp của họa sỹ Hồng Ba thu hút nhiều người đến xem, mua. Dù mới xuất hiện, nhưng với ý nghĩa là mang đến tài lộc, may mắn, các loại quả dưa hấu, dừa, bưởi… được khắc và viết chữ được nhiều gia đình chọn mua về chưng trên bàn thờ tổ tiên.

Một góc chợ Phù Mỹ

Đặc biệt, lần đầu tiên, Hội đánh bài chòi cổ được Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ tổ chức ngay tại khuôn viên Hội chợ hoa xuân, cũng là điểm đến thu hút nhiều người dân, du khách đến thưởng thức và ngắm hoa.

Hội bài chòi Xuân của huyện Phù Mỹ

Ngoài chợ hoa xuân Phù Mỹ, tại các địa phương thị trấn Bình Dương, xã Mỹ Chánh cũng tổ chức các Hội chợ hoa Xuân – là điểm đến của nhiều người trong dịp xuân Quý Mão này.

Tết này, cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ do huyện tổ chức, các địa phương trong huyện Phù Mỹ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như giải bóng chuyền, bóng đá, đua thuyền… để phục vụ cán bộ và nhân dân vui chơi trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Đặc biệt, huyện Phù Mỹ cùng các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp bằng nhiều cách, như: trao quà, hỗ trợ tiền, tặng bánh tét, vật phẩm,… cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi đã góp phần giúp cho mọi nhà, mọi người đều được đủ đầy trong Tết cổ truyền của dân tộc. Và, nhiều người cũng đã sắp xếp được thời gian công việc trở về quê đoàn tụ gia đình sau 2 năm bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tết này, thật sự là tết đoàn viên của nhiều người trên địa bàn huyện Phù Mỹ. 

THANH TRỌN

Ÿ Vĩnh Thạnh

Xuân về cũng là lúc khung cảnh núi rừng Vĩnh Thạnh trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết.

Mùa xuân vùng cao luôn mang lại dư vị đặc trưng không dễ hòa lẫn với bất kỳ đâu bởi sự ấm áp, tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trong tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết cũng như sự ấm no, đủ đầy trong đời sống của bà con địa phương.

Sáng 30 tết, nhiều nông dân ở làng Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp vẫn ra đồng chăm sóc lúa Đông Xuân để dành thời gian vui Tết.

Những ngôi nhà được xây dựng khang trang; trường học, trạm xá được đầu tư kiên cố; hạ tầng giao thông được mở rộng. Sự thay đổi lớn hôm nay không chỉ những người phương xa mới nhận thấy mà chính người dân ở đây thấu hiểu hơn ai hết. Chính vì vậy nhân dân địa phương càng trân quý hơn những thành tích đã đạt được và lấy đó làm động lực tiếp tục phát huy trong tương lai.

Khu sinh Thái Bàu Dum tại Trung tâm huyện được trang hoàng chuẩn bị đón Tết.

Trong nắng vàng của sắc xuân, đi từ thị trấn Vĩnh Thạnh (trung tâm huyện) tới các làng của đồng bào dân tộc, dọc hai bên đường, đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang xen lẫn màu xanh của những vạt rừng, màu đỏ của hoa đào cùng vẽ nên bức tranh xuân nhiều màu sắc. Nhờ triển khai hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, 100% số xã trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm xã.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tết đến Xuân về cũng chỉ quây quần trong nhà, không được tập trung đông người, không được gặp nhau chuyện trò chúc năm mới, năm nay bà con các dân tộc huyện Vĩnh Thạnh đón Tết vui bội phần.

Các già làng xuống nhà rông cúng tiễn năm cũ và đón năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng bình yên, sung túc (Bok Ka – Già làng Làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo cúng phép tại nhà rông).

Các nhà rông, nhà văn hóa làng được mở cửa từ sớm để trang trí đón Xuân mới. Sáng ngày 30 Tết, một số làng đã lên nhà rông để tiễn năm cũ và đón chào năm mới. Không khí Tết rộn ràng theo tiếng chiêng ngân. Những điệu múa xoang nhịp nhàng uyển chuyển đón mùa Xuân Quý Mão, râm ran những câu chuyện vui bên tiếng cười giòn giã.

Người dân mua hoa chưng Tết.

Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với mỗi người dân ở các xã vùng cao huyện Vĩnh Thạnh đều cảm thấy vui mừng, phấn khởi bởi những gì mà họ đã đạt được. Sự vui mừng được thể hiện trên từng khuôn mặt, nụ cười, niềm tin bởi nơi đây mùa Xuân đang đến, đó là sự sống ấm no, hạnh phúc đang lan tỏa, một mùa xuân ấm áp đang tràn ngập khắp bản làng như tín hiệu cho sự đổi thay từng ngày của người dân trên mảnh đất vùng cao này.

XUÂN DŨNG

Ÿ Phù Cát

Chào đón năm mới, chính quyền và nhân dân các địa phương huyện Phù Cát cũng đầu tư kinh phí chỉnh trang hạ tầng giao thông và các công trình xã hội, chuẩn bị đón tết.

Một gia đình ở xã Cát Hiệp đi chọn mua hoa lan.

Những ngày cuối năm, dạo một vòng quanh các xã, thị trấn trong huyện, sắc xuân đã về. Trên các trục đường chính từ huyện đến xã, thôn đều được trang trí cờ, hoa rực rỡ; mọi người đều tất bật dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa để đón chào năm mới.

Khách chọn mua hoa vạn thọ về chưng tết.

Triển lãm mai vàng thu hút nhiều người đến xem.

Bên cạnh đó, nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần cho nhân dân sau thời gian tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Phù Cát cũng tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: Triển lãm mai vàng và hội thi bonsai nghệ thuật; tổ chức các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện; trưng bày biểu tượng linh vật năm Quý Mão tại khu sinh hoạt văn hóa huyện… và một số hoạt động văn hóa, văn nghệ trong dịp tết tại khu sinh hoạt văn hóa huyện như: Chương trình ca nhạc “Mừng xuân, ơn Đảng, Tết sum vầy” vào tối ngày 22.1 (mùng 1 tết); hội chơi bài chòi cổ dân gian vào tối 23 và 24.1 (mùng 2, mùng 3 tết); giao lưu võ thuật vào tối ngày 26 và 27.1 (mùng 5 và mùng 6 Tết)… Bên cạnh đó, các xã , thị trấn trong huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trong dịp tết để phục vụ nhu cầu nhân dân như: Bóng chuyền, bóng đá mini, văn nghệ, trò chơi dân gian…

TRƯỜNG GIANG

• Vân Canh

Chiều cuối năm, vòng quay thời gian chuẩn bị khép lại một chu kỳ; ở huyện miền núi Vân Canh nhịp sống dường như tất bật hơn, người ta tranh thủ mua tất cả những gì có thể, từ hoa quả để trưng bàn thờ, quần áo, giầy dép mũ… Dường như ai cũng vội vàng sắm sửa những gì mà họ cảm thấy còn thiếu cho một cái tết đoàn viên.

Các ngả đường đã được trang trí cờ hoa rực rỡ.

Trên các ngả đường ở huyện miền núi Vân Canh cờ hoa đã được trang trí rực rỡ, mọi người hối hả trở về nhà đón tết; những chậu hoa cuối cùng đang được vận chuyển về nhà cùng vui tết, đón xuân cùng gia chủ.

Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao huyện đã có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhân dân, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong dịp tết đến xuân về.

Anh Nguyễn Thanh Bình, viên chức Trung tâm văn hóa thông tin thể thao huyện thanh thủ những giờ cuối cùng của năm cũ đi kiểm tra và chỉnh trang lại Pa nô, áp phích, khẩu hiệu, cờ hoa để công tác tuyên truyền cổ động mừng Đảng, mừng Xuân được chỉn chu hơn.

Góc bán hoa chiều 30 tết.

Không khí xuân ở Vân Canh càng thêm phần tươi tắn, khi công viên 3.2 và nhiều nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng được trang trí bắt mắt bởi nhiều loại hoa, cây cảnh; đặc biệt, Cụm linh vật năm Quý mão, với hình ảnh gia đình Mèo quây quần bên nhau là điểm đến thu hút người dân đến du xuân chụp ảnh nhân dịp năm mới.

Những chậu hoa cuối cùng đang được vận chuyển về nhà vui tết, đón xuân cùng gia chủ.

Một năm trôi qua, ở huyện niềm núi Vân Canh, mặc dù cũng còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Vân Canh cũng đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực; đời sống nhân dân được cải thiện nhiều. Anh Sô Y Tằm, Trưởng khu phố Canh Tân, thị trấn Vân Canh, cho biết: Năm nay, bà con khu phố Canh Tân có đời sống khá hơn nhờ đi làm công nhân cho các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Năm 2022 giá gỗ keo tăng cao, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân và người dân cũng sắm tết đầy đủ hơn các năm trước; ngoài cái ăn, cái mặc bà con còn mua bông, hoa trang trí cho ngôi nhà của mình thêm sắc xuân.

Hương sắc mùa xuân đã lan tỏa khắp nơi ở huyện Vân Canh, hiện hữu bên những ngôi trường, nhà văn hóa, nhà dân được xây kiên cố, khang trang; đường giao thông rộng rãi, thoáng đãng, thông suốt đến tận các làng xa, tạo điều kiện cho người dân giao lưu kinh tế, văn hóa. Mùa xuân thực sự đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Vân Canh.

HẠNH PHÚC

• An Lão

An Lão là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, hiện có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Người Kinh, Bana và Hre; Tết Nguyên đán năm nay, người dân Huyện An Lão đón tết trong không khí nhộn nhịp, phấn khởi và vui tươi.

Du khách gần xa check-in tại cụm linh vật ở khuôn viên Tượng đài chiến thắng An Lão.

Năm nay, khác hơn với mọi năm, tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng An Lão, UBND huyện An Lão đã xây dựng Cụm biểu tượng linh vật năm Quý Mão 2023 với mặt chính diện của cụm chính là gia đình mèo sum vầy đón xuân gồm: Mèo bố, mèo mẹ và 3 mèo con được tạo hình sinh động, vui đùa hạnh phúc bên nhau. Các cụm biểu tượng phụ thể hiện nét văn hóa của quê hương An lão như: Bình rượu cần, trống đồng cách điệu; cụm biểu tượng tài lộc đón xuân, cụm mô hình mèo cách điệu… Đây là lần đầu tiên huyện miền núi An Lão thực hiện biểu tượng linh vật của năm. Qua đó đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi phục vụ Nhân dân vui xuân đón Tết cổ truyền dân tộc; vì vậy ai ai dù đang ở An Lão hay đi xa về quê đón tết đều ghé địa điểm này để check-in; đã tạo điểm nhấn ấn tượng tại huyện An Lão, thu hút du khách gần xa trong dịp Xuân quý Mão 2023.

 

Người dân đi chợ Tết sáng 30 tại chợ Đồng Bàu, xã An Hòa

Vào những ngày cuối năm, không khí chuẩn bị Tết Nguyên đáng Quý Mão 2023 của người dân ở huyện miền núi luôn luôn khẩn trương và hối hả. Bởi vì dù bận bịu đến đâu, trước thời khắc giao thừa năm cũ chuyển sang năm mới, người dân nô nức mua sắm các vật dụng cần thiết và hoa, cây cảnh để trang trí nhà cửa, chưng Tết trong những ngày Tết thêm lộng lẫy.

 

Em Đinh Thị Thủy, ở thôn 4 xã An Dũng hướng dẫn em gái gói bánh ngày Tết.

Trong khi đó, đối với người đồng bào dân tộc Hre trên địa bàn huyện miền núi An Lão, ngày cuối năm chuẩn bị bước sang năm mới là ngày vô cùng nhộn nhịp. Bởi vì theo phong tục, trước đêm G thừa mọi nhà người Hre ở An Lão ai ai cũng phải thực hiện phong tục cúng vô lá, sau đó nhà nhà rộn ràng chuẩn bị gạo nếp và các vật liệu cần thiết để gói bánh. Bánh gói xong người ta nấu qua đêm cho đến sáng ngày mồng Một. Và dù cuộc sống có đổi thay như thế nào, thì Tết vẫn luôn là dịp để mọi người thể hiện lòng thành kính, tri ân và nhớ về tổ tiên, ông bà. Vì thế, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi gia đình ở huyện miền núi An Lão cũng đều cố gắng sắm sửa mâm cỗ, dâng lên tổ tiên, ông bà, mong phù hộ cho một năm mới tốt lành, bình an và thành đạt.

HỮU BÁ

Ÿ Tây Sơn

Mùa Xuân đến, Tết lại về! Trên mảnh “đất vua”, giữa không khí mát mẻ, sắc xuân chan hòa, nhà nhà, người người cùng hân hoan đón chào năm mới.

Nhằm tạo diện mạo khang trang để đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023, UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung công tác chỉnh trang đô thị, làm đẹp làng quê. Chiều 30 Tết, các con đường từ trung tâm huyện lỵ (thị trấn Phù Phong) đến các địa phương khác như khoác trên mình chiếc áo mới với đủ màu sắc rực rỡ của cờ hoa, băng rôn, cổng chào. Các tuyến đường chính ở thị trấn Phú Phong sau khi được lát đá granite vỉa hè, nâng cấp đường nội thị, sửa chữa, lắp mới đèn đường… trước Tết cộng với việc người dân đặt thêm những chậu cúc vàng, trang trí cờ hoa nên nhìn rất khang trang, rực rỡ. Ông Nguyễn Hữu Thức (người dân thị trấn Phú Phong), tấm tắc khen: “Chưa năm nào chúng tôi thấy quê hương đẹp như năm nay. Đi đến đâu cũng thấy các tuyến đường khang trang, sạch đẹp, rực rỡ cờ hoa. Chúng tôi vô cùng phấn khởi trước diện mạo mới của quê hương mình”.

Các tuyến đường chính ở thị trấn Phú Phong được trang trí cờ hoa lộng lẫy. Ảnh: HỒNG PHÚC

Người dân tất bật mua hoa về chơi Tết. Ảnh: HỒNG PHÚC

Đêm giao thừa tại Tây Sơn trời bỗng trở lạnh, nhưng không vì thế mà ngăn được người dân ra khỏi nhà. Mọi ngả đường đều hướng về trung tâm huyện lỵ, chợ hoa và sân khấu biểu diễn các chương trình văn hóa văn nghệ do Trung tâm VH-TT&TT huyện tổ chức, sau đó cùng đón giao thừa.Ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT Tây Sơn, cho biết: Chương trình nghệ thuật có thời lượng 90 phút với nội dung cốt lõi là ca ngợi Đảng, quê hương đất nước, con người Tây Sơn. Tất cả được thực hiện qua tổ hợp trống trận Tây Sơn, các tiết mục biểu diễn võ thuật kết hợp biểu diễn khí công, hát múa…

 

Tiết mục trống trận Tây Sơn kết hợp biểu diễn võ thuật cổ truyền, biểu diễn khí công. Ảnh: HỒNG PHÚC

Đặc biệt, sau rất nhiều năm, năm nay huyện Tây Sơn đã thực hiện biểu tượng linh vật gia đình nhà mèo và trong đêm Giao thừa được UBND tỉnh cho phép tổ chức bắn pháo hoa (công viên trước Bảo tàng Quang Trung) nên người dân đi đón giao thừa rất đông. Dù vậy, công tác ANTT vẫn được đảm bảo để nhân dân vui vẻ đón Tết. Trong dòng người đông đúc đang chờ xem bắn pháo hoa, chúng tôi gặp chị Trần Đông Nghi (20 tuổi, xã Tây Giang). Chị hồ hởi: “Từ nhỏ đến giờ tôi chưa được xem bắn pháo hoa trên quê hương, nên dù nhà xa 15km cũng cố đi xem”.

Trong không khí tràn ngập âm thanh, sắc màu rộn rã, ông Nguyễn Quốc Đoàn (35 tuổi, xã Tây Phú) bày tỏ niềm vui khi năm mới đến: “Mong rằng năm mới đến, không chỉ mọi người được an bình, mà cả công việc ổn định, kinh tế được vững vàng hơn để cuộc sống được đủ đầy”.

Lực lượng CSTT túc trực để đảm bảo trật tự ATGT trong đêm giao thừa. Ảnh: HỒNG PHÚC

Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng chia sẻ: Năm 2022 là năm mà các chỉ tiêu phát triển KT-XH của huyện đều đạt và vượt. Trong đó, nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá; nhiều dự án đầu tư bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực, kết cấu hạ tầng được tăng cường. Hoạt động văn hoá – xã hội có tiến bộ, đời sống của nhân dân được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững; hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền có nhiều chuyển biến. Bước sang năm mới 2023, huyện đặt ra nhiều kỳ vọng và quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, phấn đấu đạt huyện nông thôn mới vào năm 2023.

HỒNG PHÚC

• TX An Nhơn

Không khí rộn ràng chào đón năm mới 2023 khá sôi nổi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức tại trung tâm các xã, phường. Riêng tại quảng trường trung tâm TX thuộc phường Bình Định, tối 30 tháng chạp đã diễn ra Chương trình văn nghệ với chủ đề “Hoa Xuân dâng Đảng” Xuân Quý Mão 2023, với nhiều tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi quê hương đất nước được đông đảo khán giả đón nhận nhiệt tình.

Đông đảo khách đến mua hoa

Ông Từ Văn Minh, Giám đốc trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn, cho biết: Ngoài hoạt động văn nghệ đón giao thừa, thì từ mùng 1 – 2 tết tổ chức hát tuồng; hô bài chòi, mùng 3 – 4 tết; đánh cờ người mùng 4 – 5 Tết. Trên các tuyến đường Ngô Gia Tự, Trần Phú, Lê Hồng Phong… được trang hoàng với nhiều cờ, hoa, biểu ngữ, đèn led chúc mừng năm mới, tạo nên không khí đón xuân, vui tết trang trọng.

 

Một đường phố TX An Nhơn trang hoàng cờ hoa

Nét nổi bật trước thềm giao thừa là du khách đổ về rất đông tại chợ hoa dọc hai bên đường Hồ Sĩ Tạo và đường Đào Tấn, thuộc khu vực bắc Ngô Gia Tự, phường Bình Định, 20 giờ tối, lượng hoa ở đây được đông đào người dân đến xem và chọn mang về chưng tết. Những chậu cho cúc đại đóa đẹp đã được bán hết trong ngày 25 đến 28 tết, còn từ 29 tết đến 30 tết các loại hoa cúc mâm xôi, cúc pha lê, hoa đào, hoa li… được bày bán khá nhiều và giá mềm Chậu hoa cúc pha lê đường kính 50 cm được bán 150 nghìn đồng, chậu quất có giá 200 – 300 nghìn đồng, 1 cây đào bán với giá 900 nghìn đến 1,2 triệu đồng; 1 chậu hoa ly 5 cây bán gá 250 nghìn đồng, các loại hoa chậu mi ni được bán từ 50 – 80.000 đồng.

Chợ hoa trên đường Hồ Sĩ Tạo và Đào Tấn rất đông người đến xem và mua hoa

Không chờ đến giờ giao thừa, anh Nguyễn Văn Sĩ, một chủ bán hoa, cho biết: Giờ bán xả hàng để kịp về đón giao thừa cùng gia đình, tôi nhập về 30 cây đào và 70 chậu hoa cúc có đường kính 80 cm; đã bán hết 26 cây, giá 1,2 triệu/ cây hoa đào, còn 4 cây hoa đào tôi xả giá 900 nghìn đồng/cây; cúc thì bán hết 69 chậu giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/chậu, còn 1 chậu bán xả 1 triệu đồng, nói chung hoa năm nay bán hết, không có tồn đọng phải đập bỏ.

Tết này người trồng hoa TX An Nhơn rất vui, vì hoa được giá và doanh thu tăng so vụ hoa tết năm ngoái.

XUÂN THỨC

Ÿ TX Hoài Nhơn

Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, TX Hoài Nhơn tổ chức chương trình nghệ thuật mừng Đảng quang vinh mừng xuân Quý Mão 2023 cùng chương trình bắn pháo hoa chào đón năm mới trong niềm phấn khởi, háo hức của đông đảo người dân địa phương.

Đông đảo cán bộ và nhân dân TX Hoài Nhơn xem chương trình nghệ thuật mừng Đảng quang vinh mừng xuân Quý Mão 2023.

Chương trình nghệ thuật được tổ chức tại Quảng trường TX Hoài Nhơn với nhiều tiết mục văn nghệ, hát bài chòi ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, sự đổi thay của quê hương. Bên cạnh đó, còn có các màn biểu diễn võ thuật, múa lân, múa rồng thu hút đông đảo người dân đến xem.

Người dân tập trung vui chơi tại Quảng trường TX Hoài Nhơn.

Tại cụm biểu tượng linh vật, rất nhiều người dân đến xem, chụp ảnh, nhiều người bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi quê hương có nhiều đổi thay. Ông Nguyễn Xuân Diễn, người dân Quy Nhơn về quê vợ ở Hoài Nhơn đón tết, vui mừng cho biết: “Năm nay hai vợ chồng tui về quê ăn tết, tôi cảm thấy quê hương Hoài Nhơn trong tết này rất rực rỡ, đường sá rộng rãi, trang trí rất đẹp. Đặc biệt tại quảng trường nơi đặt linh vật rất thoáng đãng và có nhiều tiểu cảnh để người dân du xuân. Trong thềm năm mới, tôi chúc mọi người dân một năm mới sức khỏe, hạnh phúc, no ấm, chúc cho địa phương ngày càng phát triển hơn”.

Người dân chờ xem chương trình bắn pháo hoa chào đón năm mới.

Đối với chương trình bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa, để giúp người dân thuận lợi về nhà đón Tết, vào 22 giờ 10 phút, tại thị xã tổ chức bắn pháo hoa.

Em Huỳnh Đức Thịnh, người dân phường Hoài Hương, phấn khởi cho biết: “Nhìn pháo hoa được bắn rực rỡ trên bầu trời, em cảm tưởng Tết này thật trọn vẹn. Em mong muốn thị xã càng phát triển giàu mạnh để năm nào sẽ cũng tổ chức bắn pháo hoa”.

Đồng chí Phạm Trương, Bí thư thị ủy Hoài Nhơn, cho hay: “Sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, có thể nói chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào xuân Quý Mão 2023 được TX Hoài Nhơn tổ chức nhằm đem lại niềm hạnh phúc cho người dân địa phương, qua đó tạo động lực cho người dân nỗ lực hơn trong năm mới. Cũng trong năm 2023, thị xã sẽ ưu tiên tập trung phát triển kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp và sẽ tập trung tuyên truyền vận động nhân dân để có thể triển khai Dự án cảng Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ cùng với các chương trình phát triển kinh tế khác để tạo động lực cho Hoài Nhơn trở thành thành phố vào năm 2035”.

Trước thềm xuân mới 2023, khoảnh khắc giao hòa giữa đất trời và lòng người, trên những cung đường được trang hoàng lộng lẫy, cùng với người dân cả nước, người dân Hoài Nhơn cũng hòa vào dòng người tấp nập chào đón mùa Xuân, ước mong một năm mới sung túc, đủ đầy, sức khỏe và thành công.

ÁNH NGUYỆT – QUANG HẢI

Ÿ Hoài Ân

Chiều 30 Tết, tại Hội hoa Xuân tại Quảng trường 19/4 và Hồ sinh thái thị trấn Tăng Bạt Hổ, những dòng người vẫn tấp nập vừa để du Xuân vừa đến những gian hàng hoa kiểng lựa chọn những chậu hoa ưng ý nhất mua đem về chưng ngày Tết.

Người dân mua hoa về chưng Tết

Một điều đặc biệt đối với Tết năm nay là tại khu vực Quảng trường 19/4 và khu vực hồ sinh thái, thị trấn Tăng Bạt Hổ thu hút đông đảo người dân đến du xuân và chụp hình lưu niệm với linh vật mèo và cảnh quang khu vực hồ sinh thái. Đây là điểm nhấn trong công tác chỉnh trang đô thị phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Gia đình anh Ngô  Anh Trưởng chụp hình lưu niệm tại Hồ sinh thái và biểu tượng linh vật

Để phục vụ người dân vui Xuân, đón Tết, Trung Tâm VH-TT&TT huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức điểm vui xuân. Tại điểm vui xuân ngay trước sân Trung tâm bố trí 22 gian hàng với các trò chơi dân gian. Tại đây đã thu hút nhiều người dân tham gia, ở mọi lứa tuổi. Ông Ngô Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Điểm vui Xuân được tổ chức từ đêm giao thừa đến hết mùng 6 tháng giêng. Các tổ chức, cá nhân tham gia đều có cam kết tổ chức các trò chơi dân gian, đảm bảo lành mạnh và an ninh, trật tự; nhất là các trò chơi dân gian vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ vừa tạo được sân chơi lành mạnh cho người dân”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thơm thăm, tặng quà bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện

Đêm giao thừa, tại Trung tâm Y tế huyện, mặc dù những bệnh nhân không thể về nhà cùng gia đình đón năm mới nhưng luôn được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của y bác sỹ trực tại Trung tâm. Tại đây, Lãnh đạo UBND huyện đã đến thăm hỏi và động viên các bệnh nhân; mong các bệnh nhân mau khỏi bệnh để về vui Xuân cùng gia đình; đồng thời tặng 48 suất quà cho 48 bệnh nhân, mỗi suất quà 300 nghìn đồng.

TỐNG BÌNH