‘Ròm’: Bộ phim thảm họa: không nên đi xem!

Ròm quả thực có hình ảnh và kỹ thuật quay ấn tượng nhưng chừng đó là chưa đủ để cứu một bộ phim có nhiều lỗi kịch bản, xây dựng bối cảnh không bằng ‘Hương ga’ của 6 năm về trước.

‘Ròm’: Câu chuyện còn quá nhiều thứ lửng lơ, không rõ ràng và thiếu hướng giải quyết

Tôi đã xem bộ phim này ngay sau khi xem, nghe, đọc “một núi” những lời có cánh dành cho bộ phim này, và tôi cảm thấy ‘rất rất thất vọng’ về mọi thứ của bộ phim này cả về hình ảnh lẫn nội dung, nó gần như không có giá trị gì đối với tôi, xem xong phim tôi còn không hiểu tôi đang xem bộ phim gì nữa, không có bất kỳ một cảm xúc nào ngoài sự bực tức vì lãng phí gần 2 tiếng đồng hồ trong rạp. Trong bài viết này tôi sẽ so sánh với một vài bộ phim trong đó có cả những phim của Việt Nam của 6 năm về trước để các bạn có thể thấy sự tệ hại của bộ phim này!

Bộ phim được PR một cách vô cùng rầm rộ, với những con số về doanh thu hay giải thưởng quốc tế mà khán giả Việt nghe xong chỉ muốn phi ngay đến rạp: 9 năm quay, 27 bản dựng, 89 ngày quay thực tế, đạt giải cao nhất trong LHP Busan tại Hàn Quốc 2019, đạt doanh thu 42 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần công chiếu,… Tôi tin chắc đa phần các bạn nếu đi xem vì những con số hoành tráng của bộ phim này thì bạn sẽ vô cùng thất vọng, thậm chí mất niềm tin vào các bộ phim Việt trong tương lai.

Hình ảnh, kỹ thuật quay phim là cứu cánh của cả bộ phim

Đầu tiên, tôi sẽ chia sẻ với các bạn về Hình Ảnh của bộ phim. Có thể nói đây là yếu tố cứu cánh của bộ phim này. Hầu hết những người bình thường sau khi xem phim xong sẽ đều đều có chung một cảm nhận là chất lượng hình ảnh khá tốt, chuyển động trong bộ phim rất đẹp, đặc biệt là với các chuyển động cá nhân.

Những cuộc rượt đuổi bất tận của ‘Ròm’ và đối thủ của cậu là Phúc, máy quay khá sáng tạo khi sử dụng nhiều góc quay nghiêng, bám sát từng diễn biến tâm lý của hai nhân vật, giúp khán giả nắm bắt được cảm xúc của từng nhân vật. Nhiều phân đoạn phim gây hiệu ứng thị giác mạnh mẽ khi hai nhân vật len lỏi chạy giữa những con hẻm chật chội, rượt đuổi nhau trên mái nhà, trên đường phố đông đúc hỗn tạp hay đánh nhau giữa đường ray xe lửa khi đoàn tàu đang từ từ tiến đến…

Chuyển động của máy quay đầy uyển chuyển, tạo được nhịp điệu cho từng khuôn hình và nhịp điệu tổng thể. Trong khi đó chuyển động trong cắt dựng, đặc biệt là những cú dựng tiếp nối từ cảnh chuyển động này sang cảnh chuyển động sang khiến bộ phim tạo được một nhịp điệu cuồng loạn và khó rời mắt vì khán giả không biết cảnh gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Nhưng rõ ràng đây là tất cả những gì mà đa phần người xem phim có thể khen về bộ phim này.

Xây dựng bối cảnh không bằng một bộ phim Việt ra mắt 6 năm về trước

Rõ ràng, đây không phải là 1 bộ phim hành động và nếu có so sánh với bất kì một bộ phim hành động nào thì cũng rất “KHẬP KHIỄNG”. Nhưng nếu chỉ so sánh cách xây dựng “bối cảnh” của bộ phim này với những bộ phim khác thì lại khá công bằng!

Cảnh người nghèo vui chơi ở khu chung cư cũ gợi lại nét khá xưa của Sài Gòn

Bối cảnh của bộ phim là một Sài gòn Xưa cũ của 20 – 30 năm về trước, thời điểm mà chưa có smartphone, tivi vẫn là một món đồ xa xỉ với người nghèo, những người dân ở khu chung cư cũ phải nghe kết quả xổ số qua một cái radio cũ mèm hoặc phải đợi các tờ kết quả được photo và giao đến tận tay bởi các chú bé “cò đề”. Nhưng trong bộ phim chúng ta có thể nhận ra cảnh quay một Sài gòn quá hiện đại, sự hiện đại của năm 2020 chứ không phải sự hiện đại của 30 năm về trước, với những ô tô đời mới, tòa nhà hiện đại, cả những đường phố tấp nập theo kiểu của 2020 chứ không phải là Sài Gòn xưa cũ trong ký ức của chúng ta, đặc biệt là những người Sài Gòn.

Cảnh Ròm và Phúc đánh nhau ở trên một con đường không phải của Sài Gòn 20 – 30 năm về trước mà là một Sài Gòn quá hiện đại với ô tô đời mới, xe ga

Có thể nhận thấy một số chi tiết đã chữa cháy cho bộ phim này bằng những cảnh hành động ở những khu chợ cũ hay những ngóc ngách chật hẹp của Sài Gòn hay là cách “blend màu” khá xưa, phim đã tạo cho người xem cảm giác Sài Gòn xưa cũ, nhưng đây là một cảm giác chưa tới, chắp vá và có phần gượng gạo, thua xa cái cách mà đoàn làm phim của bộ phim Hương Ga đã xây dựng bối cảnh của thành phố cảng Hải Phòng vô cùng chân thật. Nếu nói là ‘Ròm’ hợp với người Miền Nam xem hơn người Miền Bắc thì hoàn toàn không phải vậy, vì Sài Gòn xưa cũ không giống như những gì mà ‘Ròm’ đã khắc họa.

Hương Ga – 2014 đã khắc họa thành công thành phố cảng Hải Phòng xưa cũ

Dành cho bạn nào chưa biết thì Hương Ga là một bộ phim Việt Nam rất thành công và đã được ra rạp từ 31/10/2014. Như vậy, chúng ta đang được xem một bộ phim có chất lượng xây dựng bối cảnh tệ hơn so với bộ phim khác của chính Việt Nam đã ra rạp 6 năm về trước!

‘Ròm’ 2020 hãy nhìn cách ‘Hương ga’ của 2014 xây dựng bối cảnh

Kịch bản, nội dung tệ đừng đổ lỗi cho việc bị kiểm duyệt, cắt xén

Nội dung, kịch bản của ‘Ròm’ là một sự tranh cãi lớn, đã “chia rẽ” cộng đồng người xem phim thành 2 phe rõ ràng: Hay và Không hay! Tạm chưa bàn đến việc Hay hay Không hay, nhưng tôi thấy cách mà một số người ra về sau khi xem bộ phim này xong thì có chia sẻ “Không hay là bởi bị cắt quá nhiều thôi”. Rõ ràng đây là một nhận định rất “5 ăn 5 thua” bởi chúng ta cũng đâu có được xem những phân cảnh bị cắt của bộ phim này để đưa ra nhận định đó đúng không nào!

Có nhiều thông tin cho rằng, để có được giấy phép phát hành, nhà sản xuất đã buộc phải chỉnh sửa đến 50% nội dung và hình thức so với bản chiếu ở LHP Quốc tế Busan. Còn theo câu trả lời chính thức từ đạo diễn của phim – đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết: “Thực tế, “Ròm” được duyệt đã thay đổi sau vài lần chỉnh sửa. Trong phim có một số cảnh được đánh giá là chưa phù hợp nên chúng tôi đã tìm cách thay thế, hoặc gia giảm thời lượng của một số phân đoạn. Và may mắn là Hội đồng duyệt phim vẫn thông qua phần câu chuyện chính của phim. Cuộc hành trình của hai nhân vật chính vẫn còn nguyên vẹn, những cảnh hành động rượt đuổi khắp Sài Gòn vẫn được giữ lại. Hai bản phim chiếu ở Việt Nam và Busan có thời lượng không chênh lệch nhau.”

Như vậy có thể nói, về nội dung và kịch bản của ‘Ròm’ không phải là sự chênh lệch gấp đôi của bản chiếu ở Việt Nam so với bản mang đi thi ở Hàn Quốc, nếu đúng như những gì mà đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ… Vậy tại sao nhiều người sau khi xem xong vẫn lắc đầu ngao ngán? Vì đây là một bộ phim có kịch bản, nội dung “DỞ TỆ”.

Hãy nhìn sang bộ phim Parasite – Ký sinh trùng để thấy “Ròm” tệ đến mức nào

‘Ròm’ khai thác chủ đề người lao động nghèo, đặc biệt là các thiếu niên đường phố với cái nhìn chân thực và sâu sắc nhất. Phim lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn với câu chuyện cuộc đời của những người dân sinh sống ở nơi đây. Bộ phim tập trung khai thác tệ nạn lô đề cờ bạc xuất phát từ khát vọng đổi đời của người dân nghèo khi dành tiền sinh hoạt hàng ngày cho những con số mà họ coi là sẽ đem lại vận may trong cuộc đời họ.

Nhân vật chính của phim là cậu bé tên ‘Ròm’ – một cậu bé bụi đời từng ghi đề giúp một người trúng 70 triệu đồng và được cả khu phố tin tưởng. Tuy nhiên, ‘Ròm’ phải cạnh tranh sống còn với Phúc – một tay cò đề giang hồ cùng khu để giành giật từng “khách hàng”. Dù có một cuộc sống vất vả nhưng ‘Ròm’ vẫn rất lạc quan. Cậu luôn say mê tính toán các con số với mong ước kiếm được nhiều tiền để đi tìm cha mẹ đã thất lạc của mình.

Một trong nhiều cảnh Ròm và Phúc đánh nhau trong phim

Nội dung phim chỉ có thế. Một mạch kể chuyện đều đều, không có nút thắt, không có gỡ nút, đến khi hết phim tôi vẫn đang không hiểu rằng bộ phim muốn nói lên thông điệp gì ngoài việc khắc họa một cuộc sống khổ cực của những người dân nghèo ở Sài Gòn thích chơi lô đề hy vọng một vận may. Hãy nhìn sang bộ phim khác cũng với chủ đề khai thác đối tượng người nghèo khá tương đồng với ‘Ròm’, đó chính là Parasite – Ký sinh trùng, bộ phim đạt giải Oscar quá nổi tiếng thời gian gần đây.

Xin nhắc lại, mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng cứ có điểm chung là chúng ta đều có thể so sánh, đặc biệt sự so sánh là để chúng ta thấy cái hay, cái dở của từng bộ phim. Ký sinh trùng cũng khắc họa về những con người ở đáy xã hội nhưng cách mà đạo diễn xây dựng tình huống, cách tạo nút thắt và gỡ nút thắt thì phải nói nó ở cái tầm… quá khác biệt.

Các chủ đề chính của Ký sinh trùng là xung đột giai cấp và bất bình đẳng xã hội. Các nhà phê bình phim coi bộ phim là sự phản ánh của chủ nghĩa tư bản hiện đại trần trụi.

Với ‘Ròm’, bộ phim không hề tái hiện được một điều gì đó có tính thông điệp hoặc biểu tượng về hiện thực của người nghèo ở đô thị Việt Nam hay một kịch bản giàu kịch tính với những nhân vật có số phận. Các nhân vật trong phim mới chỉ dừng lại ở mức ký họa, phác thảo qua con mắt chủ quan của đạo diễn hơn là xây dựng họ như những nhân vật có số phận rõ ràng, hay có đầu có cuối. Nhiều nhân vật phụ xuất hiện khá khiên cưỡng hoặc không có động cơ hoặc mục đích rõ ràng. Kiểu có cũng được không có cũng chẳng sao, nhiều chi tiết rời rạc, chả liên quan gì đến mạch nội dung chính như: “Khi Ròm đang tưới xăng khu chung cư, một người lén quay lại hành vi của cậu bằng điện thoại. Cảnh này sau đó không được lý giải, đến cuối phim vẫn không hiểu vì sao khu chung cư lại bị đốt cháy, người quay lại cảnh tưới xăng của ròm làm gì?”. Đây cũng là một lỗ hổng của phim vì Sài Gòn trong phim là thời chưa có smartphone, vậy ai đó sao lại có smartphone ở trong khu chung cư nghèo mạt hạng này?

Lại là một cảnh đánh nhau đến phát chán của Ròm và Phúc trong phim

Với Ký sinh trùng, người xem không muốn rời ghế vì sự cuốn hút, các chi tiết liên hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau, còn với ‘Ròm’, tôi muốn ngồi đến cuối phim để xem “Phim đang nói về cái gì”, “Phim đã hết chưa?”.

Một cảnh quay trong ký sinh trùng tạo nhiều cảm xúc cho người xem

Kết

Với những điều tôi chia sẻ ở trên, tôi không quan tâm tới việc phim được giải gì hay là bán được bao nhiêu vé, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn chưa xem phim và đang chuẩn bị xem bộ phim này “hãy cân nhắc thật kỹ”. Nếu như bạn muốn có một buổi xem phim thật ý nghĩa, thoải mái tinh thần sau khi xem xong, tốt nhất đừng đi xem ‘Ròm’. Còn nếu như bạn muốn kiểm chứng xem những gì tôi nói có đúng không hay bạn là người đơn giản “Thích thì xem” thì bạn có thể cứ ra rạp và chớ hối tiếc về điều đó.

Thanh Tùng