Review phim Song Song: Remake chưa tốt và quảng cáo quá lố
Thời lượng: 105 phút
Đạo diễn: Nguyễn Hữu Hoàng
Diễn viên: Nhã Phương, Trương Thế Vinh, Tiến Luật, Thuận Phát
Quốc gia: Việt Nam
Thể loại: Giả tưởng, Siêu nhiên, Hình sự
Khởi chiếu: 02/04/2021
Song Song không phải tên cặp đôi diễn viễn đình đám Hàn Quốc khiến nhiều fan vỡ mộng mà là bộ phim Việt tiếp theo được ra mắt khán giả sau những kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà Bố Già gặt hái được trong những tuần qua. Bộ phim này được các đơn vị truyền thông quảng bá là phim Việt đầu tiên nói về đề tài hiệu ứng cánh bướm với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Nhã Phương, Khương Ngọc, Tiến Luật,… Liệu rằng Song Song có nối tiếp được sự thành công của Trấn Thành và chất lượng của phim có tốt như bản gốc hay không? Hãy cùng Ghiền review phim này để có câu trả lời các bạn nhé.
Cốt truyện: Trang là một nữ y tá của bệnh viện ở Lâm Đồng, đang có cuộc sống hạnh phúc cùng người chồng thành công và cô con gái dễ thương tại ngôi nhà họ mới chuyển đến. Tình cờ trong một đêm bão đổ bộ, Trang vô tình trò chuyện được với cậu bé Phong – người đã ở căn nhà mà Trang đang ở cách đó 20 năm – thông qua một chiếc TV cũ. Vốn được biết rằng cậu chủ cũ của ngôi nhà sẽ chết vào ngày hôm đó nên Trang đã tìm cách để cứu Phong. Tuy nhiên việc tác động thay đổi quá khứ này sẽ dẫn đến nhiều điều mà Trang không ngờ tới.
Song Song được remake lại từ phim Mirage – Ảo Ảnh (trong phim có một tình tiết để tri ân phiên bản gốc này) được Tây Ban Nha sản xuất năm 2018. Ghiền review từng xem bản gốc rồi và thực sự cảm thấy không ấn tượng nhiều lắm với phim bởi lẽ xét về độ plot twist thì Mirage khó sánh bằng The Invisible Guest (2016) còn nếu tính về độ hay khi làm về thể loại thay đổi quá khứ thì phim còn chưa dậy thì so với gã khổng lồ The Call (2020). Do đó, khi dự án Song Song được công bố, dù rất quan tâm đến bộ phim này nhưng trong thâm tâm mình vẫn lo sợ phim sẽ không để lại nhiều ấn tượng, tương tự như bản gốc của nó.
Quả thật lo sợ ấy đã trở thành hiện thực. Nghịch lý ông nội hay hiệu ứng cánh bướm vốn được đưa lên phim rất khoa học như ở Song Song, mọi thứ trở nên vô lý, xa rời hiên thực và giả tưởng quá mức. Cách lật mở vấn đề, cảm xúc của nhân vật và phương hướng giải quyết nút thắt trong phim vẫn thiếu đi sự trơn tru, hấp dẫn cần thiết để khán giả phải gật gù với những bí mật mà phim lé hộ.
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng cách kể chuyện của phim Song Song khá tốt, đủ sức làm khán giả bị cuốn theo vòng xoay của câu chuyện, quên đi thời gian và đắm chìm vào từng phút từng giây của phim. Song Song cũng rất đầu tư vào việc xây dựng tính tương hợp giữa các thực tại với nhau và đặc biệt giúp khơi gợi những ký ức tuổi thơ cho những khán giả đã từng sống qua thời kỳ đó.
Với những ai chưa xem Mirage hay The Call (2020), có lẽ trải nghiệm với Song Song sẽ tốt hơn rất nhiều bởi sự mới lạ trong cốt truyện, kết hợp một chút kinh dị, trinh thám, siêu nhiên và tình cảm lãng mạn. Phim cũng có nhiều tình tiết hài hước khá duyên dáng và truyền tải một số thông điệp ý nghĩa, trong đó dễ thấy và nổi bật nhất có lẽ là tình mẫu tử và tình yêu chân thành.
Những điểm cộng ấy dù rất đáng trân trọng nhưng vẫn không thể phủ nhận được những điểm yếu to bự mà phim gặp phải. Đơn cử như việc một gia đình thành công như nhà Trang mà lại đến ở một căn nhà cũ và nhỏ như vậy để chờ quy hoạch thì rất bất hợp lý trong thời đại hiện nay. Bên cạnh đó, Song Song được xây dựng bởi một đội ngũ toàn người Hàn nên phim có mấy cảnh cực kỳ sến súa, bê ngang mô tip thường thấy của xứ sở Kim Chi và bị lạc tông hoàn toàn so với hiện thực ở Việt Nam.
Lời thoại của các nhân vật còn thiếu chất tự nhiên, mang nặng tính văn vẻ và khó tạo được sự đồng cảm nơi người xem. Phim còn có hàng loạt tình tiết phi lí, khiên cưỡng và cách diễn xuất hơi bị kịch hóa. Nếu bạn để ý kỹ thì sẽ nhận ra phim quảng cáo hơi bị quá đáng, lặp đi lặp lại một cách lộ liễu, khiến cho những ai hay soi sẽ cảm thấy hơi khó chịu luôn í. Ngoài ra, Song Song còn có nhiều phân cảnh gượng gạo khiến bạn phải bật cười và cảm giác như phim cố gắng lồng ghép những tình tiết bí ẩn để tạo ra sự nguy hiểm nhưng vô hình chung lại trở nên thừa và không có ý nghĩa.
Xét cho cùng thì cốt truyện tương tác giữa hiện tại và quá khứ của phim Song Song không làm rối não hay gây khó hiểu người xem nhưng đồng thời cũng không khiến khán giả hài lòng. Cách giải thích vấn đề và cái kết của mọi chuyện trong phim vẫn có chút gì đó lấn cấn, thiếu hợp lý, đặc biệt sau khi ra khỏi rạp, người xem sẽ quên hết mọi thứ về phim vì ấn tượng phim để lại thực sự rất nhanh phai. Chính vì vậy, Ghiền review chấm phần này 6/10 các bạn nhé.
Hình ảnh – Âm thanh: Nhạc phim của Song Song thực sự rất hay, đặc biệt là ca khúc chủ đề Vẫn như lúc đầu của Cá hồi hoang. Đôi lúc khi xem phim, Ghiền review nghĩ rằng ekip làm phim chắc là chuyên làm MV ca nhạc nên có một, hai phân cảnh gì đó trong phim khiến mình liên tưởng như đang xem MV chứ không phải phim điện ảnh ấy. Kỹ xảo tua ngược thời gian của Song Song khá ổn, màu phim ổn nhưng khâu lựa chọn góc quay, kỹ xảo cơn bão hay khâu dàn dựng bối cảnh lại khá tệ. Đơn cử như việc nhà của Trang ở năm 2019 mà nhìn cũ kỹ, xài lại mọi đồ đạc, cánh cửa, ổ điện của 20 năm về trước khiến cho mọi thứ lạc quẻ so với thực tại, đồng thời làm khán giả khó phân biệt được 2 thời điểm trong phim. Do đó, Ghiền review chấm phần này 6.5/10 thôi nha.
Diễn xuất: Như đã nói ở trên, mặc dù quy tụ dàn sao khá nổi tiếng nhưng thực sự phần diễn xuất của phim không thuyết phục được Ghiền review. Nhã Phương đài từ vẫn khá nhanh, chưa có cảm xúc, động cơ, hành động và những biểu cảm của cô khó tạo được sự đồng cảm, yêu mến nơi khán giả. Các nhân vật khác trong phim cũng ở mức bình bình, thiếu ấn tượng, không phù hợp lắm với con người Việt Nam và luôn miệng nói những lời văn vẽ, hoa mỹ. Chỉ duy nhất diễn viên đóng vai mẹ của Lê Phong mới thực sự là người diễn chân thực nhất, mang đến được cái tinh thần và sự tự nhiên mà phim còn thiếu. Vì thế, Ghiền review chấm phần diễn xuất của phim Song Song 6/10 luôn các bạn ạ.
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: Chưa đánh giá
- Google: Chưa đánh giá
- Galaxy cinema: 6,7/10
Tóm lại, Song Song là một bản remake không thực sự thành công với nhiều tình tiết khiên cưỡng và không phù hợp với Việt Nam. Dù là phim Việt đầu tiên đưa đề tài hiệu ứng cánh bướm lên màn ảnh rộng nhưng phim diễn giải lý thuyết vật lý này chưa tốt, chưa đủ sức thỏa mãn người xem mà thay vào đó họ chỉ cảm thấy phim quảng cáo quá lộ liễu mà thôi. So với các phim ra rạp tuần này, có lẽ Song Song và Cô gái trẻ hứa hẹn là những phim yếu và bị overrate nhất rồi í.
-Batman HCM-
Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?
4/5 – (2 bình chọn)