Review phim Ròm: Chân thật đến bế tắc — Khen Phim

Review phim Ròm: Chân thật đến bế tắc

Ròm sau bao nhiêu ngày lận đận, từ việc phải hủy ổ cứng chứa phim đi dự thi cho đến ngày được cấp phép ra rạp quả là một chặng đường dài đầy gian khổ, y như nhân vật Ròm trong phim vậy.

Video review phim Ròm

Không khó để khán giả nhận ra được rằng Ròm là tựa phim lấy đề tài số đề và cho vay nặng lãi làm nội dung chính. Tên phim cũng là tên nhân vật chính luôn, Ròm (Trần Anh Khoa vào vai) bị ba mẹ bỏ rơi từ nhỏ và đã phải vật lộn mưu sinh ở Sài Gòn tráng lệ. “Đồng hành” với Ròm còn có Phúc (Anh Tú Wilson) – đối thủ chính của cậu trong nghề “cò đề”.

Đối với người Việt Nam, ngày ngày đọc báo, xem tin tức hay nghe radio trong lúc kẹt xe cả km thì chúng ta đều quá quen với những vụ án công an triệt phá các đường dây số đề phức tạp, cũng như gần đây nhất là đưa ra ánh sáng những công ty cho vay nặng lãi núp bóng “app tài chính”. Dù phim đã quay được 8 năm và trải qua tới 27 bản dựng nhưng những vấn đề nhức nhối của xã hội vẫn được tái hiện một cách chân thật đến ghê rợn.

Những hình ảnh trong phim rất gần gũi với người Việt nên cá nhân mình thấy dù có chân thực đấy nhưng Ròm vẫn chưa tạo được nét đột phá hay điểm nhấn của riêng mình. Hình ảnh chung cư cũ nát đối lập hoàn toàn với tâm trạng vui tươi của một cậu bé là điều mà ai cũng thấy, nó làm bật lên nét trong trẻo, vô tư trong tính cách của Ròm. Dường như đây cũng là tâm lý chung của người lao động nghèo, khi hạnh phúc của họ chỉ gói gọn trong một bữa no bụng cuối ngày. Những chung cư cũ nát, những tờ giấy dò được in sao nhanh chóng và cả những màn cúng bái để “xin số” đã khắc họa thành công một phần nhỏ đời sống của những người lao động nghèo. Họ ước mong được đổi đời, nhưng cách họ hiện thực hóa chuyện đó có vẻ không được đúng đắn lắm về mặt luật pháp.

Mạch phim đi từ nhẹ nhàng cho đến mạnh bạo dần rồi kết thúc trong bế tắc như một cách mà đạo diễn Trần Thanh Huy nói lên thực tại đầy khắc nghiệt của cuộc sống. Do đã quá quen với những chuyện được mô tả trong phim nên đối với mình nó khá bình thường, không phải là dở, chỉ là chưa đủ ấn tượng thôi. Nhưng đối với người nước ngoài thì đây là câu chuyện mới lạ và có thể chưa từng thấy ở nước họ. Đấy là cảnh rượt đuổi muốn hụt hơi giữa Ròm và Phúc, hay cảnh giang hồ đòi nợ cầm búa đến đe dọa con nợ, và đỉnh điểm là cả chung cư náo loạn trong đêm vì biệt đội đòi nợ thuê.

Ngoài khả năng diễn xuất cực tốt của Trần Anh Khoa thì Wowy cũng là người được giới trẻ nhắc đến nhiều bởi anh đang rất nổi trong các gameshow gần đây. Khả năng diễn xuất của Wowy chỉ dừng lại ở mức xem được, không nổi trội. Người diễn tốt thứ hai (sau Trần Anh Khoa) chính là Anh Tú Wilson, mình khá có cảm tình với bạn này vì lối diễn tự nhiên, thoại biểu cảm tốt và vận dụng nhịp nhàng được cả tay chân để diễn tả cảm xúc nhân vật.

Điểm ấn tượng tiếp theo ở Ròm là phần thoại chân thật với nhiều câu chửi thề nghe đậm chất chợ búa, không bị “giả trân” như các phim khác, nghe là thấy đã liền hà, nó ra được cái chất riêng của phim về đề tài lô đề.

Và cuối cùng, Khen Phim dành lời khen cuối cùng cho khâu âm thanh. Từng tiếng động, hay âm thanh hỗn loạn trong một cuộc cãi vã ở chung cư đông đúc đều được tái hiện rất thật, thật từ mức âm lượng cho đến tính định hướng của âm thanh. Nhưng cũng vì vậy mà nhiều khi ồn ào quá chẳng nghe được nhân vật nói gì cả, mấy lúc này đành đọc phụ đề tiếng Anh vậy.

Ròm như một kẻ tiên phong khai phá thị trường điện ảnh Việt sau khi tình hình dịch bệnh đã ổn định. Bù lại cho phần nội dung chân thực nhưng chưa đặc sắc, cái kết đầy lơ lửng sẽ làm khán giả phải suy nghĩ nhiều hơn về tương lai của những mảnh đời như Ròm.

Tỉ lệ phim 2.39 : 1, khớp với phòng mình xem (phòng 4, CGV Landmark 81).

Ròm

Ròm

7

Nội dung

6.5/10

Diễn viên và diễn xuất

7.5/10

Âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo

7.0/10

Ưu

  • Góc quay nghiêng nhìn lạ
  • Lột tả chân thực vấn đề lô đề và cho vay nặng lãi
  • Âm thanh tốt, chân thực

Nhược

  • Câu chuyện chưa hấp dẫn
  • Còn vài chi tiết thừa: như cảnh ai đó cầm điện thoại quay Ròm

MUA VÉ