[Review Sách] “Ngành Công Nghiệp Thời Trang”: Hàng Ghế Áp Chót
Giống như hầu hết các ngành công nghiệp
“không khói” khác, thời trang là một sự phân cấp, và sự phân cấp đó được bộc lộ
vô cùng rõ nét trong các Tuần lễ thời trang, khi các nhà sản xuất chương trình
sắp xếp chỗ ngồi cho những khách mời của họ. Người ngồi hàng ghế đầu
(front-row) có, người ngồi hàng giữa (middle-row) có, và dĩ nhiên, là có cả những
vị khách ngồi ở những hàng ghế áp chót (back-row). Thường thì, tâm điểm chú ý của
không chỉ riêng cá nhân chúng ta mà còn của cả giới truyền thông nữa, sẽ hướng
tới những con người quyền lực ở front-row. Nhưng, nếu là một vị khách ở hàng áp
chót, bạn sẽ thấy gì? Có gì thú vị khi quan sát từ cái góc nhìn ấy? Đó chính là
sự mới lạ và “độc nhất vô nhị” mà Amy Odell mang tới cho chúng ta thông qua cuốn
sách Ngành công nghiệp thời trang
(Tales from the back row).
Thế giới
thời trang thực sự vô cùng phức tạp, đôi khi pha chút sắc màu của sự lập dị. Nếu
để ý một chút trong các show diễn thời trang, chúng ta sẽ thấy rằng, những con
người tham dự những buổi lễ biểu diễn này chỉ thích mặc toàn đồ màu đen. Một
“cây” đen từ đầu tới chân, từ mũ, quần áo, giầy dép cho tới các phụ kiện đi
kèm. Đơn giản là vì, họ cho rằng thời trang đi với màu đen là thứ trang phục
“thời trang nhất”, bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu. Không chỉ vậy, những “con
người” này cũng không hề thích phải chờ đợi. Amy Odell tiết lộ rằng, với những
“con người” ấy, xếp hàng để chờ đến lượt mình là một “thứ hoạt động” chỉ dành
cho giới bình dân hà tiện, còn họ không cần phải chịu đựng những “thứ kiểu như
thế”, vì họ là người có đặc quyền đặc cách. Nhưng có lẽ, đỉnh cao của sự kỳ dị
và lập dị trong giới thời trang chính là, những “con người” này thường có xu hướng
cô đọng tình cảm lại thành một từ duy nhất, ví dụ “Obsessed” (Ám ảnh), “Dead”
(Cái chết) hoặc “Love” (Tình yêu).
Những con người định hình nên thế giới thời trang
Những con người trong giới thời trang nhìn vào các show trình diễn thời
trang theo kiểu họ đang cung kính, tôn sùng một “nghi lễ tôn giáo” vô cùng
thiêng liêng. Dưới góc nhìn của họ, chỉ có họ mới có đủ khả năng cảm nhận được
những vẻ đẹp cao quý đang được phô bày trên sàn catwalk ấy. Không có gì là khó
hiểu. Chúng ta có thể xem một show thời trang bất kỳ nào đó và đưa ra những
bình luận theo kiểu: “Cái quần rách rưới ấy mà cũng là thời trang ư?”, và có lẽ
cả đời chúng ta sẽ chẳng bao giờ có ý định mặc cái quần đó dù cho nó có sale-off
70% đi chăng nữa, nhưng với những con người “bận đồ đen” kia thì hoàn toàn khác.
Đó có thể là một “thứ gì đó” cao quý hơn là cái vẻ ngoài là “một chiếc quần
jean”.
Khi bạn nhìn thấy một người mặc một chiếc váy thiết kế lên trang bìa một
tạp chí thời trang, bạn không chỉ đang nhìn thấy một tạo vật xinh đẹp được gói
trong lớp satin quý giá. Bạn đang chiêm ngưỡng công sức của nhà thiết kế của
chiếc váy ấy, của stylist đi tìm chiếc váy ấy, của đội ngũ trang điểm và làm
tóc để khiến người nổi tiếng ấy trông như cô ta sinh ra trong chiếc váy ấy, của
các vị biên tập viên đã chọn nhân vật bìa cùng chiếc váy thiết kế ấy như một biểu
tượng của gu thẩm mỹ đương đại.
Dưới một góc nhìn khác, “cô gái trong bìa tạp chí” ấy chính là một tuyệt
tác của các publicist. Hiểu đơn giản, publicist là những con người rất chuyên
nghiệp trong hoạt động quan hệ công chúng dưới tư cách là người đại diện cho một
cá nhân nào đó. Các publicist ấy đã làm mọi cách, đủ mọi nỗ lực để đưa cô gái ấy
lên tầm “một ngôi sao”, và họ nhìn nhận những tờ tạp chí thời trang không khác
gì những mảnh bất động sản triệu đô.
Có một quan niệm cho rằng: “Một bức ảnh đáng giá ngàn lời”, nhưng trong
giới thời trang, hãy gạch bỏ quan niệm đó đi. Bởi vì, trong giới thời trang, “Một
bức ảnh đáng giá ngàn người”. Những yếu tố gắn kết mạng lưới con người trong
“giới kỳ dị” này không chỉ dừng lại ở gu thẩm mỹ. Nó còn bao gồm sự lập dị, và
dĩ nhiên là không thể thiếu một “nếp sống ảo”.
Những nhân vật này, có người xuất thân chỉ là những “con vịt xấu xí”
nhưng lại biết chớp cơ hội và biến chuyển thành những “nàng thiên nga xinh đẹp
và lập dị”, và cũng có người vừa lọt lòng đã ở vạch đích rồi.
Nhưng cho dù họ có là ai đi chăng nữa, mặc cho xuất phát điểm của họ có
là “một ánh hào quang” hay là một “tuổi thơ đen tối”, thì….
Họ chính là những con người đã định hình nên ngành công nghiệp thời
trang. Và để có thể tận hưởng được những vẻ đẹp tinh túy ẩn sau những “mảnh vải”
mà các người mẫu đang khoác trên mình và trình diễn trên sàn catwalk, thì không
phải ai cũng có thể làm được.
Những người kiến tạo xu hướng và những nhà thiết kế
Xu hướng
là một thứ luôn đi theo môi trường xung quanh nó. Những người làm trong ngành
thời trang không ngần ngại phải khoác lên mình những “kiểu thời trang” đầy tính
kỳ quặc, lập dị, thậm chí quái đản, bởi môi trường xung quanh họ là một “chiếc
lồng quái dị”. Họ sống trong “chiếc lồng” ấy, và dĩ nhiên là xu hướng ăn mặc của
họ sẽ chịu ảnh hưởng bởi môi trường do “chiếc lồng” ấy kiến tạo nên. Nhưng điều
đó tạo nên sự khác biệt giữa họ và những con người “ngoại giới”. Khoác lên mình
một cái khăn quái đản tạo nên dấu ấn cá nhân của anh chàng này. Đội một chiếc
mũ kỳ quặc và rảo bước trên đường phố Paris khiến một cô gái trở nên đặc biệt
và thu hút mọi góc nhìn. Dấu ấn cá nhân đã phân định họ ra khỏi những người
không quái dị còn lại của thế giới.
Là người
“ngoại giới”, phần lớn chúng ta đều suy nghĩ rằng, trong giới thời trang, quyền
lực tối cao nằm trong tay các nhà thiết kế. Nhưng sự thật thì không phải như vậy.
Vậy nó nằm ở đâu? Câu trả lời chính là: Những người dự đoán xu hướng. Họ không
khác gì một cái ra – đa trong giới thời trang, đóng vai trò quan trọng hệt như
một người “dự báo thời tiết” trong nền kinh tế vậy. Tuy nhiên, trong khi những người
làm công tác dự báo thời tiết nghiên cứu và tìm hiểu về những biểu đồ nắng mưa,
những dòng áp thấp nhiệt đới hay những hiện tượng cực đoan khác của thiên nhiên,
thì những người dự đoán xu hướng trong giới thời trang lại quyết định đi tìm
câu trả lời cho câu hỏi: “Gót giầy này nên cao bao nhiêu centimet thì hợp lý?”.
Họ
đoán biết xu hướng quần áo của tất cả mọi người ở khắp mọi nơi và luôn thầm lặng
chẳng ai nhận ra được.
Nếu bạn
đi ngang qua cửa sổ trưng bày của các cửa hàng thời trang lớn và không thể ngừng
dán mắt vào chúng, hoặc bạn phải xếp một hàng dài chỉ để được mua một cái váy mới
ra, thì bạn đang chính là “kết quả” của những quyết định mà giới dự đoán xu hướng
đưa ra. Chính thành quả đó đã tạo nên quyền lực tối thượng của họ trong giới.
Những
nhà thiết kế cũng là những con người rất quyền lực, và họ đặc biệt đáng gờm
trong việc quảng cáo và truyền thông trên các mặt báo. Nếu một biên tập viên
nào đó lỡ trót làm cho nhà thiết kế phật ý, nhà thiết kế ấy sẽ sẵn sàng hăm dọa
cấm cửa các tạp chí đến show diễn của ông/bà ta và rút quảng cáo ra khỏi tạp
chí ấy. Chuyện cấm cửa này diễn ra thường xuyên như cơm bữa trong giới thời
trang vốn đầy rẫy phức tạp này. Chỉ cần một vài nhận xét vô thưởng vô phạt tại
một show diễn là đủ để đài truyền hình ấy nhận “trát cấm” của nhà thiết kế. Các
nhà thiết kế cho rằng, “cấm cửa” giống như một phản xạ để bảo vệ quyền lực của
họ trước những lời nhận xét nhẹ nhàng mà họ luôn nghĩ là sự công kích.
Bữa tiệc – Cuộc trà trộn của các nhà báo vào “thế giới hoang
dã” của những người nổi tiếng
Bất cứ
đêm nào ở New York – Hoa Kỳ cũng có ít nhất từ sáu đến bảy sự kiện thảm đỏ diễn
ra. Phần nhiều trong số đó là các sự kiện thời trang, bởi người trong ngành
thích tổ chức tiệc cho bất cứ thứ gì, mà phổ biến trong số đó là các buổi ra mắt
nước hoa và khai trương cửa hàng thời trang. Show thời trang nào mà có người nổi
tiếng tham gia thì sẽ luôn có những bữa tiệc, và dĩ nhiên là luôn cần có người
viết bài về nó.
Có một
thực tế là, chẳng ai đi dự tiệc mà thích bị hỏi hay phải trả lời phỏng vấn hết,
nhưng ai cũng thích đọc về những thứ này trên các mặt báo, nên chuyện phỏng vấn
càng trở nên cần thiết. Nhìn chung, các buổi tiệc không phải là chỗ để người ta
nói chuyện đại sự, vì thế, những nhà báo như Odell chỉ có khoảng 3 phút để bắt
chuyện và gài cho người nổi tiếng nói một câu gì đó được in lên mặt báo trước
khi bị publicist của họ “đuổi khéo”.
Một
nhà báo muốn thành công trong “thế giới kỳ dị” này cần phải có một lớp da thật
dày, đủ dày để có thể đối phó với những người nổi tiếng nhưng không mấy thiện
chí. Trong giới thời trang có không ít những người nổi tiếng thường khá bất lịch
sự với các phóng viên tại sự kiện, không chỉ một lần mà là nhiều lần, nhiều đến
nỗi họ đã trở nên khét tiếng, ví dụ: Kirsten Dunst, Claire Dane, Jullianne
Moore,…. Nhưng thực tế là hầu hết mọi người đều rất “dễ thương” nếu như cánh
nhà báo và phóng viên biết cách tiếp cận họ đàng hoàng.
Không
có gì so sánh được với những cuộc trò chuyện cùng người nổi tiếng. Ngay cả với
bạn bè, những giây phút trớ trêu nhất cũng chẳng thể nào bằng. Điểm bất lợi là,
nhiều phóng viên hay nhà báo lại tự động bị rơi vào chế độ phỏng vấn mỗi khi gặp
những người bạn của họ và sau đó sẽ bắt đầu nói chuyện với tất cả mọi người, cứ
như thể mọi điều về họ đều có thể viết được thành một câu chuyện vài ngàn từ.
Đây là “bệnh nghề nghiệp” của rất nhiều nhà báo, nhưng dù sao thì nó cũng có những
điểm thú vị. Nhờ vào “bệnh nghề nghiệp” nên ai cũng cho rằng người phóng viên ấy
nghĩ người đối diện của anh/cô ấy rất xinh đẹp, hào nhoáng và thực sự quan tâm
đến chuyện họ mua sắm quần áo ở đâu.
Những người mẫu và câu chuyện về Victoria’s Secret
Show Victoria’s
Secret không thật sự là một show thời trang, nó giống như một màn quảng cáo
hoa lệ dài hơn một tiếng đồng hồ trá hình dưới dạng showgirl của Las Vegas. Có
sự khác nhau ở chỗ, thay vì nhìn các cô vũ nữ nhảy múa theo điệu nhịp nhàng
cùng nhau, thì các cô người mẫu của Victoria’s
Secret lại đi trên sàn diễn, cười đùa, nháy mắt, hôn gió và đánh mông với
ca sĩ đang hát trên sàn diễn. Trước khi quay và truyền hình, Victoria’s Secret luôn làm cho cánh báo
chí phải bận rộn trong nhiều tháng bằng cách gửi rỉ rả thông tin về đội ngũ sản
xuất, trang phục, quá trình ăn kiêng và tập tành của các nàng người mẫu trước
khi chuẩn bị diễn.
Victoria’s Secret là một phiên bản
thương mại hóa của những show thời trang cao cấp, nhưng có một vấn đề, show thường
sử dụng những người mẫu gầy guộc, dẫn đến chuyện mọi người nhìn vào nền công
nghiệp thời trang như những “kẻ reo rắc hình ảnh kém khỏe mạnh” vào quần chúng.
Thay vì những bộ quần áo đen bất đối xứng kỳ quặc trên sàn diễn thời trang cao
cấp thì ở Victoria’s Secret, các người
mẫu diện áo ngực nâng với quần lọt khe chỉ to bằng cọng tóc. Mặt trái của kiểu
thời trang này là, vẻ đẹp ấy khiến bao cô gái trên thế giới ngưỡng mộ và lấy
làm tiêu chuẩn mà quên đi rằng, show Victoria’s
Secret cũng chỉ dùng người mẫu không hề đầy đặn gì so với các show thời
trang khác. Nó được chấp nhận đơn giản cũng chỉ do sự xinh đẹp của người mẫu và
quần áo họ mặc là những thứ mà người ta dễ hiểu hơn.
Sự kiện này khiến người ta mê mệt, bởi ai cũng muốn biết
người mẫu trong show ăn gì và tập gì để họ cũng có thể bắt chước theo và trông
giống như người mẫu.
Victoria’s Secret được xem là show
diễn đại trà nhất trên thế giới, là cái “ruộng cỏ khô” vô tận của giới truyền
thông. Một khi đã vào đây, không ai muốn đặt câu hỏi về sự mộng tưởng mà các
nhà marketing, những bộ đồ trang hoàng lộng lẫy cùng những người mẫu được trả
lương cao ngất ngưởng vẽ nên. Không ai dám nói điều mà mình muốn nói nếu như
còn muốn quay lại đây vào lần sau.
Chuyện được mời đến dự show Victoria’s Secret đã làm mờ
đi mắt nhiều người trước một sự thật mà ai cũng chứng kiến: Sự tâng tụng và sự
khách quan hóa những hình thể mà khó ai có thể đạt được.
Người mẫu của Victoria’s
Secret được miêu tả là những người “sinh ra đã hoàn hảo”, ngay cả khi đẻ
con xong thì họ vẫn hoàn hảo. Nhưng đó là những dòng miêu tả trên báo, vậy còn ngoài
đời thì sao? Odell miêu tả họ bằng cụm từ “quái vật của tự nhiên”.
Họ là quái vậy của tự nhiên đấy các bạn ạ: họ siêu cao
và thon thả kinh hoàng nhưng vẫn có mông và ngực đầy đủ cứ như có ai nắn riêng
chúng ra và đính vào cơ thể họ vậy.
Show diễn Victoria’s
Secret đã có khả năng thuyết phục và cấy vào đầu hàng triệu phụ nữ trên thế
giới về hình ảnh của một người phụ nữ hoàn hảo trông như thế nào. Đó là một cô
gái có làn da rám nắng nhưng không phải vàng khè, gọn gàng cơ bắp nhưng vẫn mảnh
dẻ, tỏa sáng nhưng không phải bóng loáng, tóc dài xõa tự nhiên nhưng trang điểm
hoàn hảo. Nó lạ lùng giống hệt như những “con búp bê” trưởng thành vậy.
Và sau cuối, khi thế giới thời trang được hình thành
Khi các “mảnh ghép quyền lực” được ráp lại với nhau, thế giới
thời trang hình thành, và nó đã được hình thành từ rất lâu rồi. Chỉ khác rằng,
cùng với dòng chảy của thời gian, sự phức tạp trong cái “thế giới kỳ dị” đang
ngày càng một tăng lên. Sự phức tạp đến từ chính những tương tác và mâu thuẫn giữa
các “mảnh ghép” trong thế giới đó: blogger, người dẫn đầu xu hướng, nhà thiết kế,
người nổi tiếng, người mẫu.
Ngành công nghiệp thời trang được hình thành, và nó vận
hành theo cách khiến cho người tiêu dùng, nhất là những người phụ nữ, luôn cảm
thấy mình quá nghèo, quá xấu, quá mập, quá thiếu gợi cảm, quá thiếu gu thẩm mỹ
và quá tầm thường. Bằng cách này hoặc cách khác, ngành công nghiệp thời trang
là một cuộc khảo cứu dài hơi về việc con người có sẵn sàng làm những việc nổi
trội và khác biệt hơn người chỉ để cố chứng tỏ rằng mình thuộc về thế giới ấy.
Chính vì vậy, thế giới này đầy rẫy những người có sự đê mê đến điên dại trước
những chiếc quần tất đen rách ở show diễn của những nhà thiết kế nổi tiếng hay
những người sẵn sàng đội lên đầu những quả dứa lấp lánh. Về cơ bản, họ kỳ quặc
và rất khác thường!
Kết
Vậy sau
cùng, hàng ghế áp chót (back-row) mà Amy Odell muốn nói trong cuốn sách Ngành công nghiệp thời trang ở đây là
gì?
Có rất
nhiều cách để hiểu cụm từ này, bởi nó hàm chứa nhiều khía cạnh ẩn dụ. Nhưng có
một cách hiểu đơn giản trong trường hợp này. Nếu bạn là một khách mời tới một
show thời trang và có một vị trí ở front-row thì tức là, bạn là một người cực kỳ
quyền lực trong giới. Chỗ ngồi của bạn đem lại cho bạn góc nhìn tốt nhất để có
thể quan sát được tất cả góc cạnh của các bộ sưu tập (Amy Odell gọi đó là “Những
con chim quý hiếm”). Bạn sẽ không chớp mắt trước từng sự chuyển động của các bộ
sưu tập trên sàn catwalk. Bạn sẽ không hề có chút biểu cảm gì, hoặc ít nhất là
sẽ không thể hiện nó ra trên khuôn mặt. Chính vì vậy, front-row luôn tạo ra một
không khí vô cùng ngột ngạt, thận trọng và căng thẳng.
Nhưng
back-row thì khác. Là một phóng viên ở back-row, bạn còn thậm chí không thấy nổi
cả đôi giày cao gót của người mẫu, thậm chí đôi khi bạn còn không biết là họ
đeo “thứ trang sức” gì trên cổ nữa. Nhưng bạn sẽ quan sát được toàn bộ cả show,
từ những con người hồi hộp sau cánh gà cho tới những ánh mắt không hề chớp để
dõi theo bộ sưu tập. Như vậy, có thể hiểu, back-row của Amy Odell chính là một vị
trí trực diện mà khi ngồi ở vị trí đó, chúng ta thấy được toàn bộ thế giới khiến
những người theo dõi nó trở nên mụ mẫm, một thế giới độc chiếm, một thế giới của
sự sùng bái bản thân đến không biết ngượng, và một thế giới có hai thái cực: “Đẹp”
và “Không đẹp”. Nói cách khác, back-row chính là vị trí còn “đầy đủ tính khách
quan và sự tỉnh táo nhất” mà một người còn có thể duy trì cho bản thân khi đã dấn
chân vào ngành công nghiệp thời trang.
Và đó
chính là vị trí của Amy, Amy Odell và Ngành
công nghiệp thời trang.
Tác giả: DO
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để
cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Đăng
ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
—————————-
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí – Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,286 lượt xem