[Review] Cuộc sống mới của Đường Uyển – Du Đăng

[Review] Cuộc sống mới của Đường Uyển – Du Đăng

Tên gốc: Trọng sinh Đường Uyển

By: Quỳnh Văn

Capture

Truyện ra đã lâu, tớ đọc đi đọc lại cũng phải 4,5 lần gì rồi, nhưng mỗi lần đọc tớ lại có thêm những suy nghĩ mới, nhân đây liền viết để chia sẻ với cả nhà.

Truyện dựa trên câu chuyện có thật của thi sĩ thời Nam Tống Lục Du. Không nói về tài năng của ông, ở đây mình xin kể một đoạn ngắn về thiên tình sử của Lục Du và cô vợ đầu Đường Uyển.

Năm 20 tuổi, Lục Du lấy em họ con cậu, cũng là tài nữ Sơn Âm lúc bấy giờ là Đường Uyển, hai người yêu thương nhau, xem là tri kỉ. Thế nhưng mẹ chồng của Đường Uyển không thích nàng, buộc con bỏ vợ. 

Sau khi bỏ vợ, Lục Du lấy vợ khác là Vương thị, Đường Uyển tái giá với Triệu Sĩ Trình. Khoảng mười năm sau Lục Du và Đường Uyển gặp lại ở vườn Thẩm, Đường Uyển kể hết sự tình cho chồng nghe, Triệu Sĩ Trình cao thượng cho phép hai người gặp mặt, Đường Uyển lại lấy nghĩa em họ kính Lục Du, rượu ngà ngà say, Lục Du làm một bài thơ “Cây trâm phượng” giãi bày, Đường Uyển xúc động, về sau cũng họa lại một bài thơ “Cây trâm phượng” khác, nàng đau khổ, bệnh rồi mất.  (Xem bản dịch thơ tại đây)

Lục Du mấy phen khóc thương người tri kỉ ban đầu, sau này Đường Uyển xuất hiện rất nhiều trong thơ văn của ông, mãi đến 84 tuổi, ông cũng chưa từng quên người vợ này.

Âm dương cách biệt chính là kết quả của mối tình thiên cổ hận này, nhưng với “Đường Uyển trọng sinh), tác giả Du Đăng lại cho người đọc nhìn thấy một khía cạnh khác của câu chuyện bằng cách kể về Triệu Sĩ Trình, người chồng sau của Đường Uyển, và đưa anh lên làm nam chính.

o0o

Trong “Cuộc sống mới của Đường Uyển”, Du Đăng xây dựng nên những bức tranh đối lập rất khéo, đầu tiên phải kể đến Lục Du và Triệu Sĩ Trình.

Kiếp trước của Đường Uyển, Lục Du bỏ nàng, nhưng lại đưa nàng đến một biệt viện, biến nàng thành kẻ gian díu. Triệu Sĩ Trình là người thích nàng, nhưng chấp nhận cho Lục Du mượn biệt viện, chỉ vì chàng muốn Đường Uyển được hạnh phúc.

Kiếp trước của Đường Uyển, Lục Du luôn luôn thể hiện tình cảm tha thiết với nàng, nhưng quay đầu liền cưới vợ khác, sinh liền 5 trai 1 gái, sống với nhau đến già. Triệu Sĩ Trình sau khi nàng chết luôn thương tiếc, không đi bước nữa.

Kiếp trước của Đường Uyển, Lục Du viết bài thơ “Cây trâm phượng”, nàng chưa thấy được bộ mặt thật của hắn nên càng nhớ càng thương, lại hại Triệu Sĩ Trình bị người đời chê cười vì một người vợ như nàng, sau cùng nàng vì đau buồn mà chết, ở dưới âm tào địa phủ mới thấy được bộ mặt thật của hắn. Triệu Sĩ Trình thì luôn thật tâm đối đãi, nhưng đến lúc nàng hiểu được thì đã quá muộn.

Lục Du là điển hình cho kẻ không biết xấu hổ của mọi thời đại, chỉ biết nói mà không biết làm, ở cả hai kiếp đều không bao giờ nhận lỗi mà luôn đổ cho cả thế giới, cả thế giới đều sai, chỉ mình hắn đúng. Chỉ có hắn đáng thương tội nghiệp, một lòng vẫn yêu vợ, lại bị người đời chỉ trích. Còn Triệu Sĩ Trình cả hai đời vẫn là người trước sau như một, yêu vợ bằng một tình yêu bao dung cao thượng, sẵn sàng bảo vệ bạn đời bằng tất cả những gì mình có.

Bức tranh đối lập thứ hai đó chính là Lý phu nhân – mẹ của Triệu Sĩ Trình, bà hoàn toàn khác với Đường phu nhân nhà họ Lục – bà mẹ yêu con đến ích kỉ, chỉ biết giữ cho riêng mình. Đường phu nhân cho rằng Đường Uyển chỉ biết thơ văn ca phú, suốt ngày quấn lấy con trai, làm ảnh hưởng đến công danh của con trai. Thật ra nói trắng ra là bà thấy con thương vợ hơn mẹ, ghen tị vậy thôi. (Cứ như “Sống chung với mẹ chồng” version nhà Lục Du -_-!)

Còn về Lý phu nhân, bà là một phu nhân tôn quý, cả đời đắm mình trong tình yêu của chồng nên không hề nhỏ nhen ích kỉ. Dù bà cũng như Đường phu nhân, chỉ có Triệu Sĩ Trình là con trai duy nhất, bà cũng yêu con trai theo cách riêng của bà: bao dung tất cả những gì con thích. Kiếp trước của Đường Uyển, vì nàng không yêu con trai bà, hại Triệu Sĩ Trình chịu khổ nên Lý phu nhân không hề ưa cô con dâu này, nhưng bà không gây khó dễ gì cho cô cả, bà thể hiện sự chán ghét bằng cách không quan tâm gì đến cô (cảnh giới cao nhất của sự chán ghét đây rồi). Nhưng ở kiếp này, Đường Uyển thay đổi, Triệu Sĩ Trình cũng hạnh phúc, Lý phu nhân cũng thật tâm đối đãi với con dâu. Cái mình thích ở đây chính là việc tác giả rất khéo léo xây dựng một bà mẹ chồng rất tâm lý, bà không phải thích con dâu từ đầu, mà dùng cách bao dung để hai mẹ con sống hòa thuận với nhau, để con trai không khó xử giữa mẹ và vợ.

Một trong những bức tranh đối lập khác có thể kể tới như hai ông cha chồng – Lục lão gia và Triệu lão gia, Lục Tể bệnh tật quanh năm, nhu nhược yếu đuối không thể dạy con bảo vợ, dù có muốn cũng không thể bảo vệ con dâu; Triệu lão gia lại khác, ông là con cháu hoàng tộc, là người phóng khoáng lại yêu vợ, cùng vợ dạy bảo bao dung cho con, nên thành ra Lý phu nhân cùng Triệu Sĩ Trình lại khác biệt hoàn toàn với mẹ con nhà Lục Du.

Tiếp theo phải kể đến hai cô con dâu nhà mẹ của Đường Uyển, hai người tính cách đối lập nhau, không ưa nhau nhưng luôn được mẹ chồng là Hồ phu nhân kìm hãm, thành ra cả nhà sống hòa thuận yên bình. Hồ phu nhân cũng là nhân vật đáng để học hỏi, là cao thủ trong cao thủ, Đường Uyển nữ chính nhà ta mà học được 2 phần của bà thì cũng chẳng đến nỗi bị mẹ chồng cũ chèn ép như thế. Hồ phu nhân làm mẹ chồng rất cao tay, chẳng cần chèn ép hai cô con dâu luôn đối nghịch nhau mà cả nhà vẫn hòa hòa thuận thuận, chỉ đáng tiếc là cả nhà bà thương con gái quá, không dạy bảo cho con kĩ càng để khi đi lấy chồng phải chịu khổ.

Cuối cùng phải nói đến Đường Uyển, có thể nói trong kiếp trước, nàng có phúc mà không biết hưởng. Đường Uyển có cả nhà thương yêu, lại vừa có tài vừa có sắc, nàng muốn gì được nấy, chỉ thích thi từ ca phú, không thích những chuyện gạo muối trong nhà. Nàng không chịu theo mẹ học quản gia, lại không hiểu sự đời, cuối cùng bị mẹ chồng chèn ép. Khi một lần nữa được sống lại, Đường Uyển cũng trưởng thành, nhưng không phải là trưởng thành với tốc độ ánh sáng, đột nhiên thông minh hẳn lên, nhìn thấu hết cả sự đời, mà nàng trưởng thành từ từ, giữa sự đau khổ kiếp trước và sự dạy bảo của mẹ ruột. Điều này làm mình rất thích cách xây dựng hình tượng nhân vật của tác giả, không có nữ chính bàn tay vàng, chỉ có nữ chính từ từ học hỏi mà nên.

o0o

 

Kết truyện, Nhà Lục Du cuối cùng bị nhà Phùng Uyển Nhược (vợ kế của Lục Du sau khi bỏ vợ) trả thù thảm hại. Lý phu nhân bao dung con dâu, Triệu Sĩ Trình với tình yêu trước sau như một, Đường Uyển không lấy trả thù làm niềm vui, cả nhà họ sống hạnh phúc, thuận hòa, lại có 2 bé con đáng yêu!

“Cuộc sống mới của Đường Uyển” còn cho người đọc thấy đạo lý ở đời:

Ác giả ác báo, gieo nhân nào gặt quả nấy.

Người đời sống với nhau bằng chân tình, cuối cùng sẽ nhận lại được chân tình!

EBOOK 

Nhân đây xin cảm ơn bạn Q editor, bạn làm truyện rất hay, thích nhất cách xưng hô của các nhân vật trong truyện, như một làn gió mới thổi vào cơ số truyện ngôn tình cổ đại mình đã từng đọc vậy 🙂

 

Advertisement

Chia sẻ:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…