Review – Phim ‘Chị chị em em 2’ yếu kịch bản
“Chị chị em em 2” – Minh Hằng, Ngọc Trinh đóng chính – mắc nhiều lỗi kịch bản, lạm dụng yếu tố 18+ với cảnh “nóng”.
* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Phim là một trong hai dự án Việt gây chú ý trên phòng vé – bên cạnh Nhà bà Nữ (Trấn Thành đạo diễn). Dù mang tên Chị chị em em 2, phim có nội dung độc lập với Chị chị em em 1 (Kathy Uyên đạo diễn, năm 2019).
Trailer ‘Chị chị em em 2’
Trailer phim “Chị chị em em 2”. Phim dán nhãn 18+ (cấm khán giả dưới 18 tuổi). Video: CGV
Lấy bối cảnh Sài Gòn đầu thế kỷ 20, phim mượn cảm hứng giai thoại của hai mỹ nhân xưa – Ba Trà (Trần Ngọc Trà) và Tư Nhị (Marianne Nhị). Trong cuốn Sài Gòn tả pí lù (học giả Vương Hổng Sển), Ba Trà được miêu tả là đệ nhất hoa khôi ở Nam kỳ, có nhiều công tử vây quanh cung phụng. Về sau, Tư Nhị – một mỹ nhân gốc Khmer – được Ba Trà dìu dắt, trở thành bạn thân. Mối quan hệ dần rạn nứt khi nhiều người chuyển sang si mê, đeo đuổi Tư Nhị.
Minh Hằng (phải) và Ngọc Trinh trong “Chị chị em em 2”. Ảnh: Huy Trần
Không khác biệt nhiều so với giai thoại, kịch bản Chị chị em em 2 xoáy sâu vào câu chuyện tranh quyền đoạt vị. Xem trailer, khán giả có thể hình dung khoảng 80% câu chuyện, phim chỉ làm rõ hơn quá trình trở thành đệ nhất mỹ nhân của Tư Nhị (Ngọc Trinh đóng). Cô vốn là thiếu nữ xuất thân nghèo khổ. Để kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh, cô bán thân vào nhà thổ, nung nấu mong muốn thoát cảnh cơ hàn. Tình cờ chạm mặt Ba Trà (Minh Hằng đóng), cô ngưỡng mộ và quyết tâm bước vào giới thượng lưu. Tư Nhị lên kế hoạch lừa gạt để được đàn chị dạy cách “trở thành mỹ nhân hạng nhất”.
Tác phẩm mắc nhiều lỗi logic về tình tiết, tâm lý nhân vật. Ba Trà được miêu tả là nhân vật mưu trí hơn người, biết cách thao túng giới ký giả để vượt mặt nhiều mỹ nhân trẻ, từ đó giữ vững ngôi đầu. Dù vậy, cô liên tiếp bị Tư Nhị dàn cảnh, đẩy vào các tình huống ngặt nghèo rồi cứu giúp để lấy lòng tin. Cách Tư Nhị kiểm soát cuộc chơi được thể hiện có phần đơn giản, chẳng hạn vung tiền mua chuộc người quen, dễ dàng “tẩy trắng” thân thế.
Nhân vật Tư Nhị được xây dựng như mẫu phụ nữ nhiều tham vọng. Ảnh: Huy Trần
Tình bạn của Ba Trà, Tư Nhị chưa được đạo diễn khai thác kỹ lưỡng. Trong phim, Ba Trà sống trong nhung lụa nhưng không có bạn bè để sẻ chia, bị người thân lợi dụng. Khi gặp Tư Nhị, ngoài việc biết ơn vì được cứu giúp, cô muốn nâng đỡ đàn em bởi thấy cả hai đồng điệu về tính cách. Quá trình này diễn ra qua loa, khán giả chưa thấy sự gắn bó mật thiết giữa đôi nhân vật, từ đó không đồng cảm với nỗi đau của Ba Trà khi cô biết bị lừa gạt, phản bội.
Tập trung vào yếu tố giải trí, thông điệp phim mờ nhạt, không nhất quán. Tác phẩm cổ vũ nữ quyền bằng cách xây dựng nhân vật Tư Nhị như một cô gái có chí hướng, muốn thoát nghèo. Dù vậy, tâm lý nhân vật này có nhiều điểm mâu thuẫn. Cô muốn thoát khỏi thân phận gái làng chơi, nhưng để bước vào giới thượng lưu, cô sẵn sàng sử dụng cơ thể làm công cụ tiến thân.
Có đoạn, nhân vật nữ chính nói “Hãy cho đàn ông biết đã đến lúc phụ nữ lên tiếng”, liền sau đó phim lại có cảnh các cô gái cấu xé nhau để khẳng định vị thế trước mặt nam giới. Luân Nguyễn – một blogger về điện ảnh ở TP HCM – nhận xét: “Cách làm phim không có sự trân trọng, cảm thông với nhân vật, mà biến họ thành chủ thể trong những trò đùa, câu thoại có phần xúc phạm”.
Chị chị em em 2 cũng bị nhận xét lạm dụng yếu tố 18+. Đầu phim, Ngọc Trinh có cảnh tự dội nước lên cơ thể, quần áo dính chặt làm lộ vòng một. Nhiều khán giả đánh giá cảnh “nóng” này thừa thãi. Các đoạn hội thoại của nhóm gái làng chơi gây cười bằng yếu tố giới tính. Trần Xuân Phúc – một chuyên viên truyền thông mảng phim – nói: “Xem lần một, lần hai thì có thể bật cười, nhưng càng về sau, các câu trêu đùa 18+ càng trở nên quá lố, khiến nội dung bị lấn át”.
Tác phẩm hiện thu về 75 tỷ đồng, theo Box Office Việt Nam – đơn vị quan sát phòng vé độc lập.
Mai Nhật