Rau ‘dỏm’ vào siêu thị: người tiêu dùng dè chừng, doanh nghiệp cần lấy lại niềm tin

(SGTT) – Thời gian gần đây, người tiêu dùng tại TPHCM lo lắng bởi thông tin một số siêu thị nhập bán rau Trung Quốc “đột lốt” VietGAP. Về phía người tiêu dùng, họ chấp nhận mua rau giá cao nhưng đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất hay cung ứng phải minh bạch nguồn gốc.

“Chỉ cần rau an toàn”

Dạo quanh khu vực bán rau, củ, quả tại một siêu thị gần nhà, chị Hậu Trương, ngụ quận 10, TPHCM, đang lựa chọn từng món thực phẩm để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Ngoài đọc một số thông tin cơ bản trên bao bì, chị còn dùng điện thoại quét mã vạch để xen thông tin chi tiết hơn.

“Trước đây, tôi mua sắm tại siêu thị thường chỉ chọn sản phẩm ưng ý, cho vào giỏ hàng, tính tiền và về nhà chỉ việc chế biến. Nhưng sau thông tin báo đài mấy hôm nay về việc rau đội lốt VietGAP vào siêu thị thì tôi cứ kiểm tra thông tin, quét mã cho yên tâm”, chị Trương bộc bạch.

Chị chia sẻ thêm, trước đây, chị sẵn sàng mua bó rau thơm giá hơn 70.000 đồng ở siêu thị bởi niềm tin nguồn gốc minh bạch hơn ngoài chợ. Nhưng hiện nay, trước thông tin rau đội lốt thì chị chỉ biết tận dụng khoảng sân vườn để trồng một số loại rau cơ bản.

Đồng quan điểm, chị Ngọc Ánh, ngụ ở TP Thủ Đức, cho hay chị đi mua sắm tại siêu thị cũng rất ít khi xem thông tin hay kiểm tra nguồn gốc. “Sau khi báo đài đăng như vậy, tôi cũng hay quét mã vạch khi mua hàng ở siêu thị. Tôi nghĩ rằng cơ quan quản lý cần mạnh tay để xử lý những trường hợp rau không có nguồn gốc hoặc có dấu hiệu giả mạo chứng nhận có uy tín. Là một khách hàng, tôi không tiếc tiền mua rau sạch, nhưng nơi bán, nơi sản xuất phải công tâm với người tiêu dùng”, chị Ánh nhấn mạnh.

Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng bách hóa, mặt hàng rau, củ có nhiều nhà cung ứng khác nhau. Theo đó, giá bán cũng có sự chênh lệch, tùy thuộc vào nguồn gốc rau, có chứng nhận VietGAP hay không.

Hợp tác xã nói gì?

Từng là nhà cung ứng sản phẩm rau thủy canh cho hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn TPHCM, ông Lâm Tuấn Ngọc, đại diện hợp tác xã (HTX) Tuấn Ngọc, cho biết thực tế để các sản phẩm có mặt trong hệ thống siêu thị, yếu tố quan trọng nhất chính là chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, số lượng ổn định và cần phải quan tâm tới đầu tư thương hiệu, hình ảnh, mẫu mã. Khi thu hoạch xong, cần qua thêm quy trình đóng gói, dán tem, chia túi và làm sạch.

Như mô hình thủy canh bảo đảm rau an toàn mà hợp tác xã ông Ngọc đang thực hiện, các thành viên phải nỗ lực ở tất cả mọi khâu. Từ việc kiểm tra hạt giống, kiểm nghiệm nguồn nước phù hợp cho giai đoạn gieo trồng thủy canh đến kiểm soát vi sinh. “Hợp tác xã đưa ra yêu cầu người trồng trọt phải cam kết 100% không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, rau còn được cách ly 7-10 ngày không dùng thuốc trước khi thu hoạch rồi mới đưa vào siêu thị”, ông Ngọc cho hay.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải bảo đảm hoàn tất đủ hồ sơ, giấy phép đảm bảo an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận liên quan đến sản phẩm, kể cả bao bì hay nhãn mác. Các quy trình từ kiểm nghiệm đến lúc cấp giấy phép thường mất khoảng vài năm mới hoàn thành. Và cần mất thêm khoảng thời gian nữa để các siêu thị và cửa hàng nông sản sạch tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế sản xuất, ghi nhận qua nhật ký trồng trọt, phân phối sản phẩm qua đầu mối trung gian.

Cùng là hợp tác xã sản xuất rau sạch, ông Nguyễn Hữu Khoa, Giám đốc HTX – Sản xuất TMDV Rau Sạch Nên Ăn, huyện Hóc Môn, TPHCM, chia sẻ việc nhận biết rau sạch hay an toàn khó có thể nhìn ở bên ngoài rau. Vì vậy, niềm tin của người tiêu dùng đặt hoàn toàn vào nhà sản xuất và đơn vị phân phối, cụ thể ở đây là siêu thị. “Người tiêu dùng cứ quét mã mạch của sản phẩm để truy xuất thông tin. Nếu có sự gian dối thì chính đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối phải chịu trách nhiệm. Hệ lụy không chỉ là mất niềm tin từ người tiêu dùng mà còn là pháp lý”, ông khẳng định.

VietGAP là tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Để đạt chuẩn này, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ bốn tiêu chí gồm kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm (không hóa chất nhiễm khuẩn, ô nhiễm khi thu hoạch), môi trường làm việc và truy tìm nguồn gốc sản phẩm.

Trần Đào