Rất Hay: Từ gà rừng đến gà rừng lai
Tựa gà nhà, thịt gà rừng có thể chế được nhiều món ngon “số dzách”. Cái ngon của thịt gà rừng là tổng hòa từ gà ta và gà nòi, nên khách ăn hoài không ngán. Cách đơn giản mà hấp dẫn, lạ là nướng bọc đất sét hoặc nướng mọi.
Là món ngon chân phương nên thức chấm dùng chung với thịt gà rừng cũng mộc mạc: muối ớt chim trồng. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng món này ăn bốc mới thật ngon. Cứ tay cầm đùi gà nóng hổi, tay bốc vài hạt muối hột, cắn trái ớt xanh cái rột, thiệt đã!
Cần bát canh húp cho mát dạ, bà nội trợ khéo tay Tây Nguyên lấy ít thịt nạc gà mái rừng tơ bằm nhuyễn, gia vị vừa ăn. Xáo qua ít dầu ăn trên chảo nóng và không quên thêm ít rượu mạnh. Rồi hầm, nêm lại. Cho lá ớt non vào là bắc xuống. Theo Đông y, canh gà nấu lá ớt hiểm giúp giải cảm, tẩm bổ rất hiệu quả. Phần xương xẩu còn lại, họ thể đem hầm măng cho bữa khác, món này hầm từ 2 – 3 lửa mới tuyệt. Cánh thợ làm mồi nhậu còn chế gà rừng thành nhiều món lạ: giả cầy (cầy bay), hầm sả cùng đu đủ giả lẩu ăn kèm mồng tơi, rau đắng, khổ qua bào. Món nào cũng hao rượu, tốn bia. Đến khi gần “quắc cần câu”, món cháo gà rừng có thể “cứu bồ” chiến hữu dã rượu.
Khan hiếm
Anh Phạm Văn Mừng, ở Đắk Nông, “sát thủ” gà rừng có hạng, cho biết lượng gà rừng Tây Nguyên đang giảm gần phân nửa. Tại chợ Kà Tum (Tây Ninh), hai, ba năm trước còn bán nhiều gà rừng, nhưng nay giống gà bay này cũng vắng bóng. Chủ một số quán ăn chuyên bán thịt gà rừng ở đây nói rằng, hàng này đang hiếm dần do vậy khách phải đặt trước. Song đám gà rừng hướng Bình Dương, Bình Phước… còn khá hơn, nhờ tán rừng cao su che chở. Anh Trần Văn Công, giám đốc trang trại Mạnh Son, huyện Bến Cát, Bình Dương, nói: “Tôi ước tính còn khoảng 500 con trong vòng bán kính 30km. Chúng rất nhát người vì bị săn, bẫy ráo riết.”
Dày công lai tạo
Dân sành ăn thịt gà rừng cho rằng chất lượng thịt gà rừng lai cũng “xem xem” gà rặt. Mặt khác, độ dai của thịt gà rừng lai ít hơn gà rừng nên càng hấp dẫn.
Do vậy, gần hai năm nay trang trại của anh Công dày công lai và gầy những giống gà quý hiếm này. Tuy nhiên, đến nay anh Công chỉ tuyển được hơn mười con gà mái giống và gầy được bảy vệ tinh. Quy trình gầy và lai cũng khá công phu. Anh Trần Văn Tâm, chuyên phụ trách việc này ở trang trại trên, cho biết: “Cái khó của nghề này là không kiểm soát được tỷ lệ hao hụt của gà con do bị chồn ăn, cáo bắt hay chết cóng vì mắc mưa đêm. Từ một tuần đến bốn năm tuần tuổi, gà con chưa mọc đủ lông nên không đủ sức bay theo gà mẹ lên ngọn cây”. Do vậy cứ gầy được một bầy 4 – 6 con, anh Tâm thường “cúng” phân nửa cho… rừng.
Để có những con gà mái tre ưng ý (đẻ sai, giữ con khôn ngoan) anh Tâm phải ngược về Bến Tre lùng mua. Kế đó anh thả chúng vào những vạt rừng cao su có gà rừng ở. Gặp “của lạ”, trống rừng liền phối giống cho ra đàn con lai (đời F1). Khoảng 80% thời gian ban ngày, số gà này tha thẩn trong rừng, chúng bới móc săn lùng sâu bọ, hạt mè… Đến tối, chúng thường “đi bụi”: ngủ trên cành cây ngoài rừng. Gà mái rừng đời lai F1 tiếp tục “giao lưu” với trống rừng rặt cho ra đàn con F2. Hình dáng gà rừng lai đời F2 giống “tám mười” với bố chúng, sống hoang dã. Chân chúng xanh như chân gà nước, tích bạc, lông dễ rụng khi bị bắt. Đặc biệt con trống trưởng thành dài đòn, cao khoảng 12-15cm, nặng từ 0,9 – 1,2 kg/con. Gần 20 tháng tuổi, mồng lá, lông đuôi tím xanh, cong và phùng lên rồi rũ xuống rất đẹp. Lúc này, người nuôi muốn bắt cũng phải bẫy bằng gà mồi hoặc bẫy chụp.
Anh Công còn cho rằng lai đến đời F2 là lý tưởng rồi, vì quá hút hàng. Và có khi đến đời F3 thì nó quá giống gà rừng, nên “càng khó kiểm soát và chứng minh nguồn gốc”.
Tạ Tri
Nguồn: https://nhaxinhplaza.vn
Danh mục: Tư vấn