Rap Việt truyền cảm hứng sống đẹp

Hướng giới trẻ đến sự chân thành và lương thiện

Sau 6 tiếng ra mắt (tối 29.12.2021), MVMang tiền về cho mẹ của rapper Đen Vâu kết hợp cùng giọng ca Nguyên Thảo nhanh chóng vào Top 1 Trending Music của YouTube VN. Bản rap như 1 mũi tên trúng 2 đích: vừa nói hộ được tâm tư, tiếng lòng của người con dành cho mẹ và cũng dễ dàng khiến bậc sinh thành mát dạ khi nghe, cảm nhận được những tình cảm, nghĩ suy ấy…

Mỗi rapper có một quan điểm riêng và đi theo những con đường khác nhau. Nhưng trường hợp của Đen Vâu hay một số rapper khác rất đáng chú ý khi họ tạo được thành công đến từ nội dung đề tài với chất liệu gia đình

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long

Giới thiệu bản rap này, trên trang Facebook, Đen viết: “Điều mong mỏi lớn nhất của đa số những người mẹ không phải con mình làm trời làm bể, mà là muốn “chúng nó” bước ra đời tự nuôi sống được bản thân mình. Mang tiền về cho mẹ như một lời nhắn nhủ tới gia đình hãy yên tâm về “những đứa trẻ đi xa nhà”, có việc làm, có đóng góp”. Cùng với đó, Đen cũng hy vọng tác phẩm này sẽ là nguồn cảm hứng nho nhỏ cho những bè bạn âm nhạc ở muôn nơi, tiếp nhiên liệu cho những ngày mải học, mải làm.

NSCC

Bộc bạch điều này cùng sáng tác ấy, Đen cho rằng: “Không chỉ riêng mẹ mình vất vả, có rất nhiều bà mẹ khác đã và đang nhọc nhằn nuôi con lớn khôn. Đừng làm mẹ buồn. Hãy làm mẹ yên lòng… Nhớ nhé bạn ơi: mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ!”. Và chỉ bằng gợi ý “chia sẻ xem mẹ của anh, chị, em từng làm những công việc gì nhỉ?”, người nghe nhạc Đen, theo dõi Facebook anh hẳn đã có khoảnh khắc nhìn lại, để thương mẹ hơn, và để sống xứng đáng hơn…

V.C

Nghe đi nghe lại, mới thấy có mấy ai dám sử dụng và đưa được những câu chữ rất đời và thấm thế này vào tác phẩm âm nhạc, mà lại hát lên hay như thế (bởi Nguyên Thảo): Mấy đứa chúng mày liệu mà ăn cho nhiều/ Đừng ham chơi và chọn bạn mà chơi cho đúng/ Nếu có gì gọi điện ngay cho mẹ/ Chạy xe ra đường đừng rồ ga bốc đầu/ Ra bên ngoài học điều hay mang về/ Đừng mang mất dạy, mày về đây tao đánh/ Tiền đã khó kiếm rồi, tập xài cho tiết kiệm/ Đừng hút thuốc nhiều, mày lại như ba mày… Đến khi những câu hát ru của yên ả cất lên, làm nền cho lời rap chân thực qua lối chơi chữ vần điệu quyện vào: Đưa tiền cho mẹ, mẹ là “tiền vệ”/ Đừng làm điều xấu, sẽ thành “tiền lệ”/ Lao động hăng say, hơn cả “tiền đề”/ Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về “tiền tệ”…, bản rap kết thúc thật cuốn hút.

NSCC

Theo Lê Minh (nhóm MTV): “Trong MV này, Đen đã lồng ghép được rất nhiều hình ảnh đẹp về con người, về ý chí vươn lên, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân và gia đình, hướng giới trẻ đến sự chân thành và lương thiện, một cách khéo léo nhưng cũng rất thẳng thắn. Con người Đen thế nào, lời lẽ sẽ tuôn ra như thế, không quá cầu kỳ hoa mỹ, từ cách chơi chữ, gieo vần, đến câu hook, thật sự hoàn hảo”.

Nhưng rap Việt đâu chỉ có Đen, cũng không chỉ có rap về gia đình. Đã có không ít bản hit từ rap dành cho cuộc sống, tình yêu hay về nữ quyền, chân lý từ các FA (thường được hiểu là độc thân) của Wowy, Suboi, Da LAB, Binz (cũng như các thành viên trong SpaceSpeakers), Tlinh… Tuy nhiên, dễ xúc cảm và dễ chạm nhất, cũng như truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất, khơi gợi lòng trắc ẩn và hướng đến giá trị nhân văn nhất, có lẽ vẫn là câu chuyện về gia đình. Điều này còn có thể thấy qua các tác phẩm dự thi của Rap Việt. Đó là TDO Kwan kể Ước mơ của mẹ, 6a6y 9ang gây sốt khi rap về Tía má em (Rap Việt mùa 2). Là Nul (Rap Việt mùa 1) với bản rap Chỉ còn là hồi ức đã khiến nhiều người khó kiềm nước mắt (Suboi khi đó đã phải chạy lên sân khấu để ôm lấy Nul), khi ca khúc này được cô viết cho mẹ mình đã mất vì bệnh ung thư. Là Hydra với Người cha câm (anh viết sau khi xem bộ phim cùng tên) đã để lại nhiều cảm xúc cho người nghe (nhất là khi bản rap này được phát trên YouTube). Còn nhớ lúc đó, huấn luyện viên Suboi đã chia sẻ: “Trong cuộc sống này, cần rất nhiều người kể giùm những chuyện người ta không thể nói”. Và chính các rapper đã “thay lời muốn nói”.

Lan tỏa giá trị gia đình

Trước MV Mang tiền về cho mẹ, MV Đi về nhà của Đen Vâu và JustaTee ra mắt vào cuối năm 2020 được đông đảo khán giả ở nhiều lứa tuổi đón nhận. Có thể cảm nhận giá trị gia đình trong những lời rap của 2 ca khúc trên do Đen Vâu viết: Về ăn cơm mẹ nấu, về mặc áo mẹ may/ Về đưa ba ra chợ, mua cây đào cây mai về bày/ Cả năm trời làm việc nhiều khi rã rời như cái máy/ Về nhà thấy áp lực nhẹ như bấc thổi cái là bay… (Đường về nhà), hay: Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè/ Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về/ Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang… (Mang tiền về cho mẹ). Ngay khi những ca khúc này được phát hành, có thể thấy lời rap lập tức trở thành xu hướng trên mạng xã hội cho đến đời sống, khiến nhiều người con xa quê, xa xứ mong muốn được trở về nhà sum họp với gia đình, hay nhiều người cảm thấy như được nhắc nhớ cần quan tâm, yêu thương bố mẹ nhiều hơn.

Không thể phủ nhận rap Việt, trong đó có nhiều bản rap của Đen Vâu, không chỉ hướng giới trẻ sống tích cực mà còn trở thành sợi dây gắn kết giữa những người con với bố mẹ trong gia đình, giữa thệ hệ trẻ và thế hệ đi trước trong xã hội. “Mỗi rapper có một quan điểm riêng và đi theo những con đường khác nhau. Nhưng trường hợp của Đen Vâu hay một số rapper khác rất đáng chú ý khi họ tạo được thành công đến từ nội dung đề tài với chất liệu gia đình”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói và cho rằng: “Những chủ đề về gia đình của họ khiến người nghe yêu gia đình hơn, thấy trách nhiệm của người con trong gia đình cao hơn, và xa hơn nữa là con người có trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Cái hay nữa là họ không chỉ đánh trúng gu hay nhu cầu thưởng thức của giới trẻ mà cả mong muốn của những tầng lớp, thế hệ trên như các bậc cha chú”.

“Nhạc rap là thể loại âm nhạc được du nhập vào VN. Nhưng nếu nhìn vào các bản nhạc rap của Đen Vâu và một số rapper sáng tác có những điểm tương đối khác và cũng là điểm độc đáo so với rap ở đất nước mà nó có xuất phát điểm là Mỹ”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Ông Long lý giải điểm độc đáo ở nhiều bản rap Việt, thứ nhất ở nội dung “hướng nội”, tức là xoay quanh những thứ nằm trong tâm thức người Việt, đặc trưng của người Việt như gia đình, làng xã, quê hương, dân tộc… mà chính tinh thần của người Việt là sợi dây vô hình kết nối người Việt ở khắp nơi trên thế giới đến tận bây giờ. Ngoài ra, điểm độc đáo thứ hai, theo ông, chính là cách gieo vần, gieo chữ trong nhạc rap cũng gần với cách gieo vần của thể thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ ngũ ngôn của người Việt.

“Vì rap không phải là văn hóa VN nên việc đưa rap vào với nhạc trẻ không bao giờ là đơn giản. Nhưng qua nhiều thời kỳ, nhiều thể loại và nghệ sĩ rap Việt tiên phong đã hình thành một nền tảng, đến hôm nay rap Việt đã có vị trí nhất định trong lòng khán giả trẻ, bởi đó là hơi thở của hiện đại, sự kết nối của nhạc Việt với thế giới”, Lê Minh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, theo ông Long, không ít rapper đã thể hiện được chất riêng, chẳng hạn như Đen Vâu, làm rap có chất rất riêng từ lời đến giai điệu. “Có thể thấy tính giai điệu trong nhạc rap của Đen Vâu tương đối cao, giai điệu này gần gũi với nhạc pop của người Việt, tính chất trữ tình trong âm nhạc của người Việt”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ và cho rằng với những chất riêng đó còn “có thể nghĩ đến dòng rap của người Việt trong tương lai”.