Rào cản nghiên cứu khoa học tại Việt Nam

Ngày 29/10/2021, Hội thảo Advancing Science in Southeast Asia được tổ chức trực tuyến trên nền tảng Zoom. Tại Việt Nam, sự kiện được chủ trì bởi Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, Trường Đại học Phenikaa.

Sự kiện đồng tổ chức bởi Mạng lưới Khoa học mở Đông Nam Á (Southeast Asian Network for Open Science) và Hội đồng Khoa học Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (International Science Council Asia Pacific) cùng các đối tác trong khu vực. Tại Việt Nam, sự kiện được chủ trì bởi Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, Trường Đại học Phenikaa.

Mối quan tâm chung của các nhà khoa học

Hội thảo tập trung vào các chủ đề: chất lượng và hiệu quả nghiên cứu, tình hình nguồn lực cho phát triển khoa học trong khu vực và hướng đi trong tương lai. Với các khách mời danh tiếng như Giáo sư Tâm lý học Brian Nosek (University of Virginia; Giám đốc Center for Open Science), Giáo sư Simine Vazire (University of Melbourne; Đồng sáng lập Society for the Improvement of Psychological Science); Tiến sĩ Nicholas Coles (Stanford University), phiên thảo luận buổi sáng cho thấy mối quan tâm chung của các nhà khoa học về việc hợp tác nâng cao chất lượng nghiên cứu, mở rộng mạng lưới hợp tác và phát triển khoa học mở. Phiên họp thu hút sự tham gia của 280 người trong và ngoài khu vực.

Hình ảnh phiên họp tại Việt Nam

Rào cản nghiên cứu khoa học tại Việt Nam

Phát triển khoa học mở tức là phát triển theo xu thế phá bỏ rào cản truy cập các công bố khoa học và minh bạch hoá thông tin liên quan đến công bố. Là khách mời của chương trình, ông Phạm Hùng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và thực hành giáo dục, Trường Đại học Phú Xuân; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nền tảng truyền thông khoa học, kết nối cộng đồng hàn lâm với công chúng. Bên cạnh đó, đại diện khác từ Việt Nam, ThS. Hồ Mạnh Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, Trường Đại học Phenikaa bày tỏ lo ngại về định kiến liên quan tới khoa học mở, mặc dù xu thế này cải tiến các quy trình xuất bản khoa học [1].

Ba rào cản lớn trong nghiên cứu khoa học

Tại phiên chiều, hội thảo được chia nhỏ thành các hội nghị bàn tròn để bàn luận sâu hơn về khó khăn của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, hội nghị được chủ trì bởi Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, Trường Đại học Phenikaa dưới sự điều phối của TS. Phạm Hùng Hiệp, ThS. Hồ Mạnh Toàn và đại diện iGroup Nguyễn Thùy Linh. Phiên họp chỉ ra những rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, tạo môi trường khoa học năng động và kết nối khoa học với công chúng.

Thiếu nguồn kinh phí là một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với nhà nghiên cứu. Trong hơn 10 năm gần đây, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể về đầu tư cho khoa học. Ở cấp Trung ương, nước ta có Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED, các Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Quốc gia, các quỹ đầu tư cho dự án khoa học cấp bộ. Các tỉnh cũng có riêng ngân sách dành cho khoa học công nghệ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn như VinGroup và Phenikaa lần lượt thành lập các quỹ đổi mới sáng tạo vào năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, theo GS. Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc, lượng ngân sách này vẫn tương đối ít ỏi để thực hiện các nghiên cứu chất lượng. Theo một số người tham gia, những nghiên cứu mang tính đặc thù hoặc thuộc các ngành không phổ biến rất khó xin nguồn kinh phí. Điều này cản trở các nhà nghiên cứu hiện thực hoá các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và nâng cao chất lượng dự án.

Bên cạnh khó khăn về kinh phí, người nghiên cứu tại Việt Nam còn thiếu thốn tài nguyên khác như dữ liệu và tài liệu tham khảo. Nhiều nhà nghiên cứu không thể thu thập được các dữ liệu của một số ngành nhạy cảm như chính trị. Ngoài ra, do khái niệm dữ liệu mở còn khá lạ lẫm tại Việt Nam nên nhiều nghiên cứu trong nước không công bố bộ dữ liệu được sử dụng. Sự thiếu hụt nguồn dữ liệu này làm chậm tốc độ phát triển khoa học, vì các nhà khoa học không thể thực hiện nghiên cứu, kiểm tra các kết quả nghiên cứu trước đó, hoặc mức độ tin cậy của nguồn dữ liệu [2]. Trong khi đó, dữ liệu mở lại mang tới nhiều lợi ích, ví dụ điển hình là ảnh hưởng của các dữ liệu mở về kết quả tiêm vaccine tới tốc độ phát triển nghiên cứu dịch bệnh COVID-19 [3]. Ngoài dữ liệu, việc truy cập tài liệu tham khảo cũng khá khó khăn tại Việt Nam. Nhiều trường đại học chưa có đủ điều kiện cung cấp các tài liệu sử dụng cho nghiên cứu hoặc các tài khoản cho thư viện của các nhà xuất bản lớn như Springer, Sage, và Taylor & Francis. Tuy hiện nay Bộ Khoa học Công nghệ có cung cấp tài khoản truy cập tài liệu với giá phải chăng, nhưng không nhiều người biết đến thông tin này.

Một số kinh nghiệm từ các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ cho thấy, thiếu phương pháp nghiên cứu, thiếu nguồn tài chính hỗ trợ và môi trường làm việc học tập là những cản trở lớn nhất khi bắt đầu nghiên cứu. Ngoài dữ liệu, phương pháp nghiên cứu là cột trụ quan trọng để phát triển một công trình khoa học, nên những người mới bắt đầu và thiếu kiến thức về phương pháp rất e ngại, thậm chí thiếu tự tin để bắt đầu thực hiện các dự án. Để giải quyết vấn đề này, đại diện iGroup Nguyễn Thùy Linh, đồng chủ trì hội thảo, đã giới thiệu một số trang hướng dẫn phương pháp nghiên cứu của các nhà xuất bản uy tín như Sage. Các khoá học về phương pháp nghiên cứu trên EdX, Coursera cũng là địa chỉ tốt cho các nhà nghiên cứu trẻ. Các trường đại học và cơ sở nghiên cứu cũng cần có chính sách riêng để nâng cao trình độ và kiến thức về phương pháp nghiên cứu cho cán bộ.

Nhiều người tham gia cho rằng, các trường đại học chưa tạo đúng điều kiện cho người nghiên cứu trẻ và giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Các giảng viên bị gánh nặng giờ dạy trên lớp lấy đi thời gian tìm hiểu và nghiên cứu khoa học. Một số người trẻ tham gia hội thảo và đang làm nghiên cứu thì lo lắng về vấn đề thu nhập, vì thu nhập của nhiều cán bộ mới tại các trường đại học chưa đủ để trang trải cuộc sống và chi trả cho các dự án nghiên cứu, đặc biệt là tại các khu vực đô thị. Thực tế, chính sách nhà nước là không đủ. Tinh thần chủ động đổi mới của các trường đại học và các nhà nghiên cứu tại Việt Nam là điều kiện cần thiết để thay đổi tình trạng này [4].

Các ý kiến tại Hội thảo cho thấy, con đường phát triển khoa học tại nhiều quốc gia trong khu vực không hề bằng phẳng [5]. Các quốc gia đều có nỗi lo chung về chất lượng nghiên cứu và coi khoa học mở và hợp tác phát triển là con đường khai phá các tiềm năng mới. Việt Nam là một quốc gia tương đối mới trên chặng đua tri thức trong khu vực và có nhiều yếu thế. Vì vậy, các cuộc hội thảo, trao đổi mở là rất cần thiết để những khó khăn được nhận diện, được công chúng và cộng đồng biết đến và chung tay giải quyết cho nền khoa học có lối đi sáng tỏ hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] Huyen NTT. (2021). Hội thảo Thúc đẩy khoa học mở tại Đông Nam Á. ISR. URL: https://isr.phenikaa-uni.edu.vn/vi/post/tin-tuc/tin-tuc/sub-tin-tuc/hoi-thao-thuc-day-khoa-hoc-mo-tai-dong-nam-a

[2] Vuong QH. (2017). Open data, open review and open dialogue in making social sciences plausible. Nature: Scientific Data Updates.

[3] Hoàng VQ, Phương LV, Trung T, Hoàng NM, Toàn HM. (2021). Bản hòa tấu dữ liệu xã hội. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. ISBN: 978-604-308-549-5. Available at: https://books.google.com/books/?id=eBU5EAAAQBAJ

[4] Vuong QH, Le TT, La VP, Huyen NTT, Ho MT, & Nguyen MH. (2021). Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. https://doi.org/10.31219/osf.io/g9hr4

[5] Vuong QH. (2019). Breaking barriers in publishing demands a proactive attitude. Nature Human Behaviour, 3(10), 1034.

[6] Vuong QH. (2018). The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies. Nature Human Behaviour, 2(1), 5.

Nguyễn Thanh Thanh Huyền,

Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành

Trường Đại học Phenikaa