Ra mắt sách thực dưỡng của tác giả nổi tiếng người Nhật

Trong suốt cuộc đời mình, George Ohsawa đã viết trên 300 cuốn sách bằng tiếng Nhật, Anh, Pháp cũng như viết và dịch hàng trăm bài báo trên các tạp chí do ông chủ biên, diễn thuyết tại rất nhiều nước trên thế giới. Ông là một nhà nho, thầy thuốc, thương nhân, nhà giáo dục và nhà thơ, nhưng trên tất cả là một nhà triết học phương Đông, người đã giảng triết học cổ Trung Quốc về âm và dương trong thời gian ở Pháp, và lần đầu tiên áp dụng triết học của mình đối với nhiều phạm vi như dinh dưỡng, chế độ ăn uống, thuốc men, hoá chất, đạo đức, tu hành, giáo dục, cũng như phong cách sống.

Bìa cuốn sách Những chàng trai huyền thoại

Bìa cuốn sách “Những chàng trai huyền thoại”

Nhà văn – dịch giả Di Li chia sẻ, “Những chàng trai huyền thoại” là một seri sách dành cho giới trẻ và trong mọi thời đại vẫn còn giữ nguyên giá trị khi đề cao con đường dẫn tới sức khỏe, tự do và hạnh phúc. Mở đầu seri bằng hai tập sách lấy nhân vật Benjamin Franklin và Mahatma Gandhi làm trung tâm, tác giả đã đặt vấn đề hoàn toàn khác với những người viết sách cùng thể loại khi nhấn mạnh sức khỏe quyết định tư chất và hạnh phúc của con người. Ông cũng đề ra 7 tiêu chuẩn sức khỏe có phần khác biệt với ngành y tế đương thời khi lấy yếu tố “Phán đoán và thực hành nhanh chóng” và “Công bằng – Không bao giờ nói dối” làm tiêu chí cao nhất.

Sinh thời George Ohsawa đã mở một ngôi trường có lẽ là kỳ lạ nhất thế giới khi chỉ đào tạo sức khỏe và hạnh phúc. Trong suốt 40 năm đã có hơn 100.000 người theo học nhưng chỉ 500 người có thể tốt nghiệp. George Ohsawa là một số phận kỳ lạ nhưng ông đã vượt qua tất cả bằng tư duy triết học của mình mà nền tảng là ngành Thực dưỡng học.

Tuy nhiên trong cuốn “Những chàng trai huyền thoại – Tập 1”, George Ohsawa đã viết: “Trong suốt 50 năm qua, tôi đã sống một cuộc sống thực sự vui vẻ, thú vị và tuyệt vời. Và trong tương lai nó sẽ càng thú vị hơn nữa. Và nếu bây giờ có ai đó hỏi liệu tôi có dám làm lại 60 năm cuộc sống đó một lần nữa từ đầu thì tôi sẽ vui vẻ hét lên rằng Có. Cuộc đời của tôi vui tới mức như thế đấy”. George Ohsawa đã truyền bá văn hóa và phong cách sống Thực dưỡng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nơi được ông tiên đoán sẽ là cái nôi của phong trào Thực dưỡng toàn cầu khi ông đến thăm nhóm Gạo lứt ở Huế năm 1965 và nhận thấy Việt Nam là đất nước của lúa gạo.

Buổi ra mắt sách đông đảo người tham dự đến mức quá tải

Buổi ra mắt sách đông đảo người tham dự đến mức quá tải

Đơn vị tổ chức ra mắt cuốn sách Những chàng trai huyền thoại là “Hội Những người bạn Thực dưỡng” tại Hà Nội. Hình thành năm 1982, cho đến nay, Hội này đã khuyến khích được phong trào sống vui, sống khỏe ở khắp nơi trong cả nước bằng những thực phẩm truyền thống. Chị Phạm Thị Ngọc Trâm, đại diện Hội Những người bạn Thực dưỡng cho biết Những chàng trai huyền thoại sẽ là sách gối đầu giường của thanh niên thời nay ở Việt Nam cũng như nó đã từng được bán hàng triệu bản ở Nhật. Thực dưỡng không có gì cao siêu và kỳ bí như nhiều người vẫn tưởng mà chỉ tiếp thu triết học Âm-Dương đã tồn tại từ nhiều thiên niên kỷ ở phương Đông cũng như bảo tồn di sản văn hóa ẩm thực mà ở bất cứ quốc gia nào cũng có. Cụ thể ở Việt Nam là gạo lứt và muối mè. Thực dưỡng đề cao cái bếp và vai trò nữ tính của người phụ nữ khi chính những người phụ nữ nắm trong tay bí quyết để gìn giữ và kiến tạo sức khỏe cho cả gia đình. Người phụ nữ thiếu hiểu biết cũng đồng nghĩa với việc sức khỏe của các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng giảm sút, nhiều bệnh tật, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Thực dưỡng đồng thời là tư duy triết học, là lối sống văn minh, nâng cao hiểu biết và trí tuệ chứ không đơn thuần là dinh dưỡng và y học.

Ông Ando Yosuhiro, học trò của George Ohsawa (sau này cũng nghiên cứu chuyên sâu về Thực dưỡng), tại buổi lễ ra mắt sách vừa qua nói rằng “Tôi rất kỳ vọng vào cảm tính thơ mộng của các bạn. Các bạn chắc chắn sẽ hiểu và lĩnh hội sâu sắc những tư tưởng của George Ohsawa.”

Cũng trong buổi ra mắt sách, BTC đã mở các cuộc giao lưu với sự tham gia của các diễn giả, như ông Ando Yosuhiro đến từ Nhật Bản, ông Lương Trùng Hưng – chuyên gia Thực dưỡng đến từ Australia, ông Nguyễn Dũng Tuấn – giảng viên bộ môn y vật lý Đại học Y Hà Nội, tiến sĩ hóa học Nguyễn Thị Thu Vinh, chị Phạm Thị Ngọc Trâm… cùng với một số bệnh nhân từ cõi chết trở về nhờ phương pháp Thực dưỡng.

Phạm Quỳnh