Ra mắt Trung tâm Tế bào gốc và công nghệ gen

Đây cũng là một bước tiến vượt bậc trong việc nhanh chóng đưa các tiến bộ về di truyền và tế bào gốc ứng dụng vào thực tế lâm sàng tại Việt Nam.

Với tổng đầu tư ban đầu dự kiến 55 tỷ đồng, Trung tâm Tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec hoạt động theo định hướng nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu của sinh học phân tử, di truyền tế bào để chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả các bệnh liên quan đến đột biến gen và ung thư.

Trong đó, có các ứng dụng gen phục vụ chẩn đoán lâm sàng như: phát hiện sớm dị tật thai nhi và đột biến gen, giảm tỉ lệ tử vong và dị tật bẩm sinh; chẩn đoán các bệnh lý di truyền; chẩn đoán ung thư hỗ trợ điều trị; lựa chọn người cho – nhận trong ghép tạng, ghép tủy…

Nhận ra tầm quan trọng, tính đột phá trong phương pháp điều trị và ứng dụng đa dạng của tế bào gốc từ máu cuống rốn, Vinmec cũng đã thành lập Ngân hàng Máu cuống rốn.

Ngân hàng Máu cuống rốn Vinmec là Ngân hàng Máu cuống rốn đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo một quy trình khép kín, chuyên nghiệp và hiện đại, chăm sóc toàn diện từ thời kỳ thai sản, thu thập, lữu trữ, nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc.

Máu cuống rốn là một trong những nguồn chứa tế bào gốc phong phú và có nhiều ưu việt so với tế bào gốc từ các cơ quan khác. Tế bào gốc từ máu cuống rốn có thể được sử dụng để chữa nhiều bệnh hiểm nghèo cho chính bản thân em bé, cho người thân trong gia đình và thậm chí cho những người trong cộng đồng không may mắc bệnh.

Việc lưu giữ tế bào gốc từ máu cuống rốn được coi là bảo hiểm sinh học cho tương lai của con trẻ và cả gia đình.