Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích

Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích? Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích?

Dịch vụ công ích là những hoặc động phục vụ nhu cầu thiết yếu và cơ bản nhất cho người dân và vì lợi ích của xã hội được đặt lên hàng đầu. Hoạt đọng này có thể do nhà nước thực hiện hoặc nhà nước ủy quyền cho các chủ thể khác thực hiện để đảm bảo ổn định và cân bằng xã hội. Hiện nay các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích này cũng rất nhiều. Vậy khi cung ứng loại dịch vụ này thì quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích được pháp luật quy định như thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.

Cơ sở pháp lý:

Luật Doanh Nghiệp 2020

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

1. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích

Sản phẩm, dịch vụ công ích được định nghĩa tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 32/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Sản phẩm, dịch vụ công ích là sản phẩm, dịch vụ mà việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí hoặc sản phẩm, dịch vụ có tính chất đặc thù; được Nhà nước trợ giá phần chênh lệch giữa giá tiêu thụ, giá sản phẩm dịch vụ theo quy định của Nhà nước hoặc phần chênh lệch giữa số tiền do người được hưởng sản phẩm, dịch vụ công ích thanh toán theo quy định của Nhà nước, với chi phí hợp lý của nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích để sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành nếu có).

Theo khái niệm được đưa ra chúng ta có thể hiểu dịch vụ công ích đó là những hoạt động phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của mọi người dân, vì lợi ích chung của toàn xã hội, do nhà nước trực tiếp cung ứng hoặc ủy quyền cho các chủ thể khác đáp ứng điều kiện cung ứng nhằm bảo đảm ổn định và công bằng xã hội. Dịch vụ này thì sẽ chủ yếu liên quan đến các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản như cấp điện, cấp nước, cấp khí đốt, giao thông đô thị, môi trường đô thị… Người dân sử dụng dịch vụ này không miễn phí mà có thu phí nhưng chịu sự quản lý chặt chẽ của một chủ thể đặc biệt trong xã hội đó là nhà nước. Chi phí và sản lượng dịch vụ công ích bao nhiêu và như thế nào do nhà nước quyết định. Nhà nước có thể tự mình cung cấp dịch vụ công ích hoặc ủy quyền cho các chủ thê đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ công ích.

Như vậy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công ích khi thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ này luôn cần có lợi nhuận để đảm bảo sự tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, lợi nhuận của họ phải luôn đảm bảo cân bằng với yếu tố an sinh xã hội và đảm bảo cho mọi người dân trong xã hội đều có khả năng tiếp cận.

2. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích

Sản phẩm, dịch vụ công ích được xác định là sản phẩm, dịch vụ khi đồng thời đáp ứng các tiêu chí đó là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh, việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí, thứ ba được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch, tổ chức đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định.

Doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích là loại hình doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp này được quy định cụ thể trong  Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể tại Điều 7,8.Theo đó, doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích có các quyền chung được quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định . Ngoài ra doanh nghiệp này còn có các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với đặc trưng của ngành nghề cụ thể: 

Tại Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích luật doanh nghiệp 2020 quy định”

” 1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Điều 7, Điều 8 và quy định khác có liên quan của Luật này.

2. Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.

4. Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

5. Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách hàng.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.”

Như vậy chúng ta có thể thấy pháp luật đãcó quy định về quyền lợi của doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích song song với đó là nghĩa vụ phải thực hiện, cụ thể: 

Thứ nhất, về quyền của doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích

– Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

– Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

– Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.

– Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

– Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

– Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh.

– Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

– Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

– Từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật

– Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

– Tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

– Quyền khác theo quy định của luật có liên quan.

– Các quyền đặc trưng sau:

+) Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 +) Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.

Thứ hai, về nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích

– Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

– Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

– Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.

– Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.

– Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.

– Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh.

– Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.

– Các nghĩa vụ đặc trưng sau:

–  Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

– Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi như nhau cho các khách hàng.

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.

Kết luận: Từ những nội dung chúng tôi đưa ra như trên chúng ta có thể thấy loại dịch vụ công ích có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đô thi hóa như hiện nay. Dịch vụ công ích cũng góp phần cung cấp các tiện ích công cộng cho toàn thể thành viên trong xã hội, duy trì trật tự công cộng và an toàn xã hội. Chất lượng dịch vụ công ích phản ánh tính chất ưu việt của cuộc sống đô thị. Pháp luật quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp này được hưởng và phải thực hiện, theo đó doanh nghiệp kinh doanh loại dịch vụ này phải đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Trên dây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích” và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.