Quy định về thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh

Những lưu ý về luật của Việt Nam để xây dựng thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) và không cạnh tranh (NCA) giữa doanh nghiệp và người lao động

Hiện nay, thỏa thuận bảo mật thông tin và chống cạnh tranh đối với người lao động (“NLĐ”) được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vậy để xây dựng các thỏa thuận này, doanh nghiệp cần xem xét những quy định nào của Việt Nam? 

Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ trả lời câu hỏi trên.

bảo mật thông tin

1. Bộ luật lao động hiện hành và những văn bản hướng dẫn

Bộ luật này quy định về việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ như sau:

  1. Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) phải cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) gồm cả quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ;
  2. NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm;
  3. Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của NSDLĐ được quy định trong nội quy lao động và việc tiết lộ có thể sẽ bị xử lý kỷ luật;
  4. Thỏa thuận về bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ gồm những nội dung chủ yếu sau:
    1. Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
    2. Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
    3. Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
    4. Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
    5. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ, NSDLĐ trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
    6. Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.

v.    Khi phát hiện NLĐ vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì NSDLĐ có quyền yêu cầu NLĐ bồi thường theo đúng trình tự luật định.

2. Bộ luật dân sự hiện hành

Bộ luật này quy định về việc bảo mật thông tin như sau:

  1. Một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì phải bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Bên vi phạm gây thiệt hại thì phải bồi thường;
  2. Bên cung ứng dịch vụ phải giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc. Bên tiết lộ bí mật thông tin phải bồi thường;
  3. Thỏa thuận bảo mật thông tin có thể được xây dựng như một hợp đồng dân sự giữa các bên theo quy định pháp luật.

3. Luật sở hữu trị tuệ hiện hành

Luật này quy định về việc bảo hộ bí mật kinh doanh:

  1. Điều kiện để một thông tin được xem là bí mật kinh doanh được bảo hộ, thủ tục bảo hộ, hành vi xâm phạm và biện pháp xử lý vi phạm.
  2. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Luật cạnh tranh hiện hành

Luật quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, trong đó gồm :

  1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức luật định;
  2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

Trên đây là một số quy định của pháp luật Việt Nam mà doanh nghiệp/ NSDLĐ cần lưu ý khi xây dựng thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) và chống cạnh tranh (NCA) với NLĐ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ [email protected]. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Ngày: 26/06/2022

Người viết: Thư Trần

Maybe you want to read: