Quy định về kế toán trưởng trong doanh nghiệp

Quy định về kế toán trưởng trong doanh nghiệp

Kế toán trưởng là vị trí sẽ chịu trách nhiệm cao nhất trong việc kê khai, quyết toán thuế của doanh nghiệp. Do tính chất quan trọng này nên pháp luật có những quy định về việc bổ nhiệm kế toán trưởng. Cụ thể tại Nghị định 174/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Luật kế toán số 88/2015/QH13.

Trong bài viết này, công ty dịch vụ kế toán TinLaw xin tổng hợp quy định của pháp luật về công việc, trách nhiệm và quyền của kế toán trưởng cũng như tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm kế toán trưởng để doanh nghiệp cũng như các bạn kế toán có thể nắm rõ.

MỤC LỤC

Kế toán trưởng là gì? Kế toán trưởng tiếng Anh là gì?

Kế toán trưởng tiếng Anh là Chief Accountant. Trong đó “chief” có nghĩa là trưởng và “accountant” là kế toán. Vị trí chief accountant luôn được xem là một mốc son trên con đường sự nghiệp ngành kế toán vì vai trò quan trọng trong tổ chức. 

Kế toán trưởng là người được Bộ Tài chính cấp phép trở thành kế toán trưởng. Kế toán trưởng phụ trách, chỉ đạo chung các hoạt động của bộ phận kế toán. Kế toán trưởng có thể là trưởng bộ phận hoặc trưởng nhóm, tùy theo quy mô của doanh nghiệp. Trong các công ty lớn, kế toán trưởng giám sát một nhóm các chuyên gia tài chính và làm việc dưới quyền giám đốc tài chính (CFO).

Các công ty ở Việt Nam thường yêu cầu bổ nhiệm vị trí kế toán trưởng để đảm nhiệm chức năng kế toán và thuế.

Kế toán trưởng làm những công việc gì?

Đây là một vị trí mà nhiều bạn làm nghề kế toán muốn hướng tới. Bên cạnh những quyền hạn thì đây cũng là vị trí chịu nhiều áp lực, trách nhiệm cao nhất trong bộ phận kế toán của các công ty, doanh nghiệp. Thông thường, công việc của kế toán trưởng trong doanh nghiệp bao gồm:

Có trách nhiệm quản lý hoạt động của bộ phận kế toán

Kế toán trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các kế toán viên trong bộ phận kế toán. Đây cũng là người hướng dẫn cho nhân viên mới các quy trình làm việc và các quy định công thức kế toán của công ty. Họ cần đảm bảo rằng mọi cá nhân trực thuộc sẽ thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường và tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo. Trong quản lý hoạt động kế toán, kế toán trưởng sẽ áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới giúp gia tăng hiệu quả, giảm thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, kế toán trưởng còn là một trong những quản lý cao cấp của doanh nghiệp, đưa ra các khuyến nghị cho các nhà quản lý trong việc tăng lợi nhuận và cắt giảm chi phí. Khi nền kinh tế đi xuống, vai trò của họ sẽ gia tăng do các phương pháp tài chính sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Vị trí này cũng có nhiệm vụ đảm bảo tiến độ và hiệu suất công việc trong doanh nghiệp và các chi nhánh, cung cấp báo cáo kịp thời cho lãnh đạo và đưa ra ý kiến đóng góp giúp lãnh đạo xử lý các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả và kịp thời.

Ngoài ra, kế toán trưởng cũng là người thực hiện các giao dịch với ngân hàng.

Đảm bảo tính hợp pháp trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp

Kế toán trưởng là người chịu trách nhiệm với kiểm toán viên về các sổ sách tài liệu của doanh nghiệp. Vì thế, kế toán trưởng cần đảm bảo được tính chính xác, kịp thời, hợp pháp trong các tài liệu, sổ sách kế toán, các giấy thanh toán, báo cáo tài chính, bảng kê, bảng cân đối kế toán, bảo hiểm, công nợ với ngân hàng, khách hàng cũng như chủ đầu tư.

Có trách nhiệm giám sát việc quyết toán

Vào cuối năm tài chính, kế toán trưởng cần giám sát việc quyết toán các khoản thu chi, tổ chức kiểm kê tài sản, dòng tiền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quản lý cấp cao có thể yêu cầu quyết toán bất cứ thời điểm nào, do vậy kế toán trưởng cần luôn chuẩn bị sẵn sàng.

Kế toán trưởng cũng là người thực hiện trình bày kết quả với ban điều hành và đôi khi là với các bên liên quan nếu có.

Lập báo cáo tài chính năm

Kế toán trưởng tham gia vào việc lập các báo cáo tài chính vào thời gian quy định và trình bày báo cáo với những lãnh đạo cấp cao.

Tham gia phân tích và dự báo về nguồn tài chính

Kế toán trưởng hiểu rõ về các hoạt động kế toán tài chính của doanh nghiệp. Do đó, người kế toán trưởng có trách nhiệm phân tích tình hình và đưa ra các dự báo về nguồn tài chính, đưa ra các kiến nghị trong việc thu hút nguồn tài chính cho doanh nghiệp nhằm duy trì ngân sách; hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc xử lý các rủi ro, sai phạm và vi phạm tài chính hoặc pháp luật.

Nhiệm vụ khác

Ngoài các công việc chính liên quan đến kế toán và thuế, kế toán trưởng còn có thể thực hiện một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cấp trên. Cụ thể là những công việc gì còn tùy thuộc nào doanh nghiệp nơi họ đang làm việc.

Ngoài ra, nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm kế toán trưởng làm những công việc gì ở các tổ chức nước ngoài hoặc có yếu tố quốc tế, bạn có thể tìm kiếm cụm từ chief accountant job description (tạm dịch: bản mô tả công việc vị trí kế toán trưởng).

Quy định về kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong doanh nghiệp

Theo điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Luật kế toán số 88/2015/QH13 quy định về kế toán trưởng như sau:

Đơn vị kế toán PHẢI bố trí kế toán trưởng. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.

Phụ trách kế toán:

a) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.

b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.

Thời hạn bổ nhiệm kế toán trưởng của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước, thời hạn bổ nhiệm phụ trách kế toán của các đơn vị quy định tại điểm a khoản 2 Điều này là 5 năm sau đó phải thực hiện các quy trình về bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán.

Khi thay đổi kế toán trưởng, phụ trách kế toán, người đại diện theo pháp Luật của đơn vị kế toán hoặc người quản lý, Điều hành đơn vị kế toán phải tổ chức bàn giao công việc và tài liệu kế toán giữa kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ và kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới, đồng thời thông báo cho các bộ phận có liên quan trong đơn vị và cho các cơ quan nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch biết họ tên và mẫu chữ ký của kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới chịu trách nhiệm về công việc kế toán của mình kể từ ngày nhận bàn giao công việc. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình phụ trách.

Kế toán trưởng là vị trí quan trọng trong mỗi doanh nghiệp
Kế toán trưởng là vị trí quan trọng trong mỗi doanh nghiệp

Doanh nghiệp có bắt buộc phải có kế toán trưởng không?

Để trả lời câu hỏi “Doanh nghiệp có bắt buộc phải có kế toán trưởng không?”, các bạn tham khảo tại Điều 20 của Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết điều 53 của Luật kế toán về kế toán trưởng như đã đề cập ở phần trên.

Như vậy:

  • Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng.
  • Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước (nêu trên) không bắt buộc phải có kế toán trưởng.

Nếu doanh nghiệp của bạn không thuộc trong lĩnh vực nhà nước nêu trên, hoặc không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ thì bắt buộc phải có kế toán trưởng. Trường hợp chưa bổ nhiệm được kế toán trưởng ngay thì phải bố trí người phụ trách kế toán (Nhưng cũng chỉ được tối đa là 12 tháng, sau đó phải bố trí người làm kế toán trưởng)

>> Xem thêm: Các trường hợp doanh nghiệp phải bổ nhiệm kế toán trưởng theo quy định

Tiêu chuẩn và Điều kiện bổ nhiệm kế toán trưởng, phụ trách kế toán

Kế toán trưởng có cần chứng chỉ không? Câu trả lời là CÓ! Muốn làn kế toán trưởng bạn bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng và một số bằng cấp, kinh nghiệm làm việc.

Kế toán trưởng cần bằng cấp gì? Để làm kế toán trưởng các bạn cần có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm kế toán trưởng, phụ trách kế toán được quy định tại điều 21 Nghị định 174/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Luật kế toán số 88/2015/QH13:

Kế toán trưởng, phụ trách kế toán phải có các tiêu chuẩn quy định tại điểm a, c, d khoản 1 Điều 54 Luật kế toán và không thuộc các trường hợp không được làm kế toán theo quy định tại Điều 19 Nghị định 174. Bộ Tài chính quy định về việc tổ chức, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kế toán trưởng, cụ thể như sau:

Theo điểm a, c, d khoản 1 Điều 54 Luật kế toán, cụ thể như sau:

“ Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.

c) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên.

c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;

d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên

– Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.”

Điều kiện “Không thuộc các trường hợp không được làm kế toán theo quy định tại Điều 19 Nghị định 174” Các bạn xem tại phần Những trường hợp không được làm kế toán trưởng? bên dưới

Kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên, bao gồm:

a) Cơ quan có nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước các cấp;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, cơ quan khác của nhà nước ở trung ương và các đơn vị kế toán trực thuộc các cơ quan này;

c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc các cơ quan này;

đ) Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh;

e) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp trung ương, cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước;

g) Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia;

h) Đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện;

i) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp Luật Việt Nam trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều này;

k) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn Điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;

l) Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, bao gồm:

a) Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức bộ máy kế toán (trừ các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện);

b) Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp huyện, cơ quan của tỉnh đặt tại cấp huyện;

c) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp huyện có sử dụng ngân sách nhà nước;

d) Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước trừ các trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;

đ) Đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn;

e) Đơn vị sự nghiệp công lập ngoài các đơn vị quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

g) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp Luật Việt Nam không có vốn nhà nước, có vốn Điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng;

h) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn Điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng.

Đối với các tổ chức, đơn vị khác ngoài các đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của kế toán trưởng, phụ trách kế toán do người đại diện theo pháp Luật của đơn vị quyết định phù hợp với quy định của Luật kế toán và các quy định khác của pháp Luật liên quan.

Đối với kế toán trưởng, phụ trách kế toán của công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn Điều lệ phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 05 năm.

Một số trường hợp không được làm kế toán trưởng

Một số trường hợp không được làm kế toán trưởng

Những trường hợp không được làm kế toán trưởng?

Tại Điều 52 của Luật Kế toán 2015 và Điều 19 của Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định về những trường hợp không được làm kế toán, điều này đồng nghĩa những trường hợp này cũng không được làm kế toán trưởng, cụ thể như sau:

Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp Luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Người đang làm quản lý, Điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mức xử phạt vi phạm liên quan đến việc bố trí người làm kế toán trưởng

Theo điều 17 của Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán thì:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thuê tổ chức, cá nhân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề kế toán để làm dịch vụ kế toán cho đơn vị mình;

b) Không thực hiện bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán theo thời hạn quy định;

c) Không tổ chức bàn giao công tác kế toán khi có thay đổi về người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán;

d) Không thông báo theo quy định khi thay đổi kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không tổ chức bộ máy kế toán của đơn vị kế toán; không bố trí người làm kế toán, làm kế toán trưởng hoặc không thuê tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán làm kế toán, làm kế toán trưởng theo quy định;

b) Bố trí người làm kế toán mà pháp luật quy định không được làm kế toán;

c) Bố trí người làm kế toán, người làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;

d) Bổ nhiệm kế toán trưởng, phụ trách kế toán không đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Bố trí người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ hoặc mua, bán tài sản trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Bố trí người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định;

c) Thuê người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Bổ nhiệm hoặc thuê người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1; điểm b, c khoản 2; điểm b, c khoản 3 Điều này.

Kế toán trưởng và trưởng phòng kế toán có khác nhau không?

Trưởng phòng kế toán và Kế toán trưởng thực chất là 2 vị trí hoàn toàn khác nhau, cả về chức năng, nhiệm vụ hay yêu cầu công việc: 

  • Kế toán trưởng (Chief Accoutant) là người

    chịu trách nhiệm pháp lý

    về công việc hạch toán, kế toán của đơn vị.

  • Trưởng phòng kế toán (Accounting Manager) là

    người điều hành công việc chung

    của cả phòng kế toán. 

Có được làm kế toán trưởng 2 công ty?

Luật kế toán 2015 chỉ cấm người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu không có quy định nào cấm việc một kế toán hay kế toán trưởng không được phép làm kế toán/kế toán trưởng tại 2 công ty khác nhau. Do đó, trừ trường hợp nội quy công ty quy định khác, nếu bạn đáp ứng được yêu cầu công việc thì bạn vẫn có thể làm kế toán trưởng 2 hay nhiều công ty khác nhau cùng lúc.

>> Xem chi tiết tại đây: Mẫu Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng

Trên đây là những quy định về kế toán trưởng. Nếu vẫn còn những thắc mắc liên quan đến kế toán trưởng hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ cho thuê kế toán trưởng vui lòng liên hệ TinLaw để được hướng dẫn, tư vấn.

Gọi ngay: 1900 633 306

Tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí, gửi ngay hồ sơ đến hộp thư:  [email protected]

Hoặc nhấc máy lên, Gọi ngay cho Chuyên gia của chúng tôi 24/07:  1900 633 306

Làm nhanh, lấy gấp đáp ứng nhu cầu công việc, lên ngay Văn phòng TinLaw