Quy định của pháp luật về Thuế thu nhập Doanh nghiệp – Luật Hồng Bàng
Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung qua các năm 2003, 2008, 2013 và có nhiều các văn bản hướng dẫn thi hành qua từng năm. Bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật hiện hành và những vấn đề liên quan đến Thuế thu nhập doanh nghiệp để không vi phạm pháp luật.
Nội Dung Chính
Căn cứ pháp lý:
-
Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp 2008
-
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19/6/2013;
-
Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
-
Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh vào các tổ chức kinh doanh có thu nhập nhằm đảm bảo sự đóng góp công bằng, hợp lý giữa các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?
Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế TNDN, “người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp) bao gồm:
-
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam
-
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
-
Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;
-
Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
-
Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.”
Như vậy, đối tượng phải nộp thuế TNDN là những tổ chức có hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh tạo ra thu nhập chịu thuế, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài cũng như một số tổ chức khác. Doanh nghiệp Việt Nam phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam và tại nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam
Phương pháp tính Thuế TNDN?
a. Cách tính thuế TNDN
Theo quy định tại Điều 1, Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ tài chính, công thức tính thuế TNDN tạm tính theo quý và thực nộp cuối năm được xác định như sau:
- Đối với doanh nghiệp trích lập quỹ Khoa học và Công nghệ:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN) x Thuế suất thuế TNDN
- Đối với doanh nghiệp không trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì công thức tính thuế như sau:
Thuế TNDN phải nộp (A) = Thu nhập tính thuế (B) x Thuế suất thuế TNDN (C)
b. Thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế (B) = Thu nhập chịu thuế (a) – Thu nhập được miễn thuế (b) + Các khoản lỗ được kết chuyển (c)
Trong đó:
- Thu nhập chịu thuế (a) = Doanh thu (a1) – Chi phí được trừ (a2) + Các khoản thu nhập khác (a3)
+ Doanh thu (a1): là toàn bộ số tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ, bao gồm cả các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.
Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế là doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT.
Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT là doanh thu bao gồm thuế GTGT.
+ Chi phí được trừ (a2): Ngoại trừ các khoản chi không được trừ tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC, doanh nghiệp sẽ được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
-
Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
-
Khoản chi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp
-
Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng từng lần có giá trị từ 20 triệu trở lên (đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
+ Các khoản thu nhập khác (a3): Các khoản thu khác bao gồm: thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay, tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng, hàng cho biếu tặng…
-
Thu nhập miễn thuế (b): Các khoản này thường rất ít gặp và chỉ dành cho một số doanh nghiệp đặc thù.
-
Các khoản lỗ được kết chuyển (c): Là số tiền chênh lệch âm của thu nhập tính thuế, chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước đó. Sau khi doanh nghiệp quyết toán thuế năm mà bị lỗ thì phải chuyển toàn bộ số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo. Lưu ý: Thời gian chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo sau năm phát sinh lỗ.
c. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 11, Thông tư 78/2014/TT-BTC, mức thuế suất TNDN được xác định như sau:
-
Áp dụng thuế suất 20% cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt doanh thu
-
Những doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, các tài nguyên quý hiếm sẽ áp dụng mức thuế suất 32-50% tùy thuộc vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ.
-
Các doanh nghiệp có hoạt động thăm dò, tìm kiếm, khai thác các tài nguyên quý hiếm như bạch kim, vàng, bạc, thiếc, đá quý… sẽ áp dụng mức thuế suất 50%
-
Các doanh nghiệp thăm dò khai thác mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích trở lên ở địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn được ưu đãi thuế TNDN ban hành kèm quyết định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ áp dụng mức thuế suất 40%
Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật Hồng Bàng liên quan đến Quy định pháp luật về Thuế thu nhập doanh nghiệp. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của Luật Hồng Bàng, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6575 hoặc gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected]
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!