Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia: Có ý tưởng, sẽ hỗ trợ

(HNM) – Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, nhưng việc vận hành các kênh tài chính có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho hoạt động này ở các doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được coi là một trong những giải pháp khai thông bất cập này.

Doanh nghiệp được hỗ trợ

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đặt ra mục tiêu số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm, trong đó có 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực doanh nghiệp và quảng cáo sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ. Nhằm tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện chương trình này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia để tập trung đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp tìm kiếm, hoàn thiện, đổi mới và chuyển giao công nghệ.
 

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nhằm giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh. Ảnh: Bảo Lâm

Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, quỹ có chức năng tổ chức xét chọn nhiệm vụ, dự án KH&CN để tài trợ, cho vay. Quỹ xây dựng quy định về hỗ trợ tài chính và quyết định mức hỗ trợ một cách minh bạch; kiểm tra, quản lý quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, quỹ có quyền đình chỉ việc tài trợ, cho vay hoặc thu hồi kinh phí đã tài trợ, cho vay khi phát hiện tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ, dự án vi phạm các quy định về sử dụng vốn của quỹ. Quỹ được sử dụng đến 50% vốn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các hình thức hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn. Quỹ tài trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí cho các nhiệm vụ, dự án, nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; chuyển giao, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ để phục vụ sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia…

Bên cạnh đó, quỹ cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ, dự án chuyển giao công nghệ được khuyến khích trong Luật Chuyển giao công nghệ.

Không dành riêng đối tượng nào

Các chuyên gia đánh giá cao cơ chế minh bạch, rõ ràng của quỹ trong việc xác định các điều kiện được hưởng hỗ trợ. Trong đó, đối tượng được hưởng hỗ trợ phải hội đủ các yêu cầu như có bao nhiêu bài báo, có bao nhiêu công trình nghiên cứu mới được giải ngân và giải ngân tới đâu. Với điều này, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, những nghiên cứu khoa học “xếp ngăn kéo” sẽ giảm đi nhiều.

Trước đây, tỷ lệ các đề tài không ứng dụng được sau khi nghiên cứu khá lớn vì thiếu cầu nối giữa nghiên cứu và sản xuất. Với sự ra đời của các quỹ, giới khoa học nghiên cứu được tạo cơ chế thuận lợi hơn rất nhiều. Khi ý tưởng được phê duyệt, họ có thể bắt tay vào nghiên cứu ngay và được tạo điều kiện tối đa với quá trình cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước, đơn giản hóa về thủ tục thanh quyết toán hóa đơn chứng từ. Bên cạnh đó, do nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng, những đề tài được quỹ tài
trợ chắc chắn sẽ có người tiếp nhận và đưa vào sản xuất.

Tuy nhiên, có ý kiến bày tỏ băn khoăn, những công trình khoa học, theo quy định phải được các tạp chí quốc tế đăng tải, như vậy việc áp dụng cơ chế của quỹ sẽ rất khó để đến với những đề án phục vụ dân sinh, thiết thực, nhưng chỉ của từng nhóm nghiên cứu chứ chưa phải là cụm công trình khoa học mang tính hệ thống quốc gia. Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Quỹ Đổi mới khoa học quốc gia chỉ là một trong hai quỹ lớn mà Chính phủ cho phép thành lập, nhằm hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, cách đây 10 năm, Nhà nước đã phát động Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia. Quỹ này mới là nơi đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, đòi hỏi kết quả đầu ra phải có công bố quốc tế, phải có kết quả cụ thể thì mới được giải ngân. Còn Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Do đó, những công trình lớn, liên quan đến quốc kế dân sinh, kể cả công trình không được công bố quốc tế, không được đăng báo, tạp chí quốc tế vẫn được Nhà nước hỗ trợ để tạo sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống.

Ngoài ra, trong nghiên cứu khoa học của Nhà nước, không có sự phân biệt tiền ngân sách cấp riêng cho đối tượng nào. Người nào có ý tưởng sáng tạo, có sản phẩm khoa học thì sẽ được hỗ trợ thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Cho nên những nhà khoa học nông dân có thể tìm đến các quỹ của ngành khoa học công nghệ, cơ quan quản lý khoa học để đóng góp trí tuệ của mình. Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng đề nghị các Sở KH&CN các tỉnh, thành phố quan tâm đến những người dân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng sản xuất, hỗ trợ kinh phí, giúp họ đăng ký tài sản trí tuệ, thương mại hóa sáng kiến vào sản xuất kinh doanh đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân và cho xã hội.