Quảng Ninh có lễ hội gì?
Quảng Ninh không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc với khách du lịch bởi các địa điểm tham quan đẹp, những địa danh nổi tiếng. mà còn rất nhiều nét văn hóa đặc sắc được quảng bá. Hiện nay, Quảng Ninh có rất nhiều lễ hội, không chỉ lễ hội cổ truyền mà còn nhiều lễ hội mới nhằm quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Ninh. Quảng Ninh có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Quảng Ninh mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
2
Lễ hội Tiên Công – Quảng Ninh
Đây là lễ hội Quảng Ninh lớn được công nhận là lễ hội văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội Tiên Công được diễn ra từ mùng 7 tháng giêng âm lịch tại vùng đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên. Hàng năm, đây là dịp mà người dân đất mỏ rất mong chờ và thu hút nhiều khách du lịch bốn phương.
Lễ hội đặc sắc được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của 17 vị Tiên Công đã tạo dựng nên vùng đảo này. Người dân địa phương quen gọi là lễ mừng thọ, là dịp để tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên, cội nguồn. Rất nhiều phong tục tập quán đặc trưng được diễn ra nhằm thể hiện truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Những gia đình có cụ ông, cụ bà từ 80 tuổi trở lên đến ngày lễ đều được cung kính phong là “Cụ Thượng”. Ngày chính hội, lễ rước cụ Thượng đi vòng quanh làng đến miếu Tiên Công rộn ràng theo nhịp trống và tiếng đàn nhạc. Người dân chuẩn bị chu đáo rất nhiều lễ vật quý để dâng hương. Ngoài ra, lễ hội Quảng Ninh độc đáo này còn là cơ hội để mọi người được tham gia rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.
3
Lễ hội đền Cửa Ông – Quảng Ninh
Lễ hội đền Cửa Ông – một trong những lễ hội nổi tiếng nhất Quảng Ninh. Lễ hội được diễn ra tại đền Cửa Ông thuộc phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả từ mùng hai tháng giêng đến hết tháng 3, chính hội được diễn ra vào ngày 2 tháng 3 âm lịch. Mục đích chính của lễ hội đó là tưởng niệm cũng như tỏ lòng biết ơn đối với tướng Trần Quốc Tảng và các tướng lĩnh có công dẹp giặc, mang lại bình yên cho dân.
Lễ hội đền Cửa Ông được tổ chức linh đình gồm 2 phần nghi lễ truyền thống gồm tế lễ và rước kiệu bài vị tướng Trần Quốc Tảng. Để tưởng nhớ tới hành trình tuần du của Đức Ông, kiệu được rước từ đền ra miếu và quay trở lại đền. Sau phần lễ, mọi người sẽ được tham gia các hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian lôi cuốn như múa rồng, bịt mắt đập niêu, đánh trống, đẩy gậy, kéo co,…
Hơn nữa, Đền Cửa Ông nổi tiếng linh thiêng từ thuở sơ khai. Du khách từ khắp mọi miền đất nước đến đây vào mùa lễ hội để hòa mình trong không khí trang nghiêm và cầu sức khỏe, may mắn. Ngoài ra, đây cũng là dịp để chiêm ngưỡng cảnh sắc hoang sơ, mộc mạc của vịnh đảo Bái Tử Long.
4
Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh
Ca dao, tục ngữ có câu:
“Trăm năm tích đức, tu hành
Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”
Yên Tử là một trong những địa danh nổi tiếng linh thiêng, nơi xuất hiện thiền phái Trúc Lâm, là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất cả nước thuở trước.
Lễ hội Yên Tử được xem là lễ hội lớn trong năm ở Quảng Ninh. Lễ hội được tổ chức hàng năm trong khoảng thời gian mùng 10 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch diễn ra ở vùng núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí. Lễ hội thu hút rất nhiều du khách thập phương tới tham gia, chiêm bái. Đây không chỉ là cơ hội để Phật tử thập phương đến trẩy hội mà còn cơ hội để du khách khắp nơi đến tham quan, khám phá.
Đến với lễ hội Yên Tử người ta như được tĩnh tâm, tách mình khỏi trốn hồng trần xô bồ để thực hiện chuyến hành hương thành kính, linh thiêng giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Du khách hướng về Yên Tử với một cõi lòng nghiêm trang, tôn kính, thường hay đi bộ lên đỉnh núi để tỏ tấm lòng thành vì thế mà dòng người lên đỉnh Yên Tử luôn kéo dài và tấp nập đến thế.
Đến được chân chùa Yên Tử, người ta cúi đầu bái lậy, tĩnh tọa tâm an, cầu được ban phước nhân sinh cho tâm hồn thanh tịnh, bình an. Ngoài ra, cảnh quan chùa Yên Tử cũng là một vẻ đẹp hấp dẫn du khách dừng chân chụp ảnh kỷ niệm hay, thăm thú ngắm cảnh mỗi khi đến tham quan vùng đất này.
5
Lễ hội Trà Cổ – Quảng Ninh
Được đánh giá là lễ hội lớn và có giá trị bậc nhất, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian tại Móng Cái, Quảng Ninh, lễ hội Trà Cổ là lễ hội hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách đến tham gia. Lễ hội được diễn ra hàng năm từ ngày 30 tháng 5 đến mùng 6 tháng 6 âm lịch tại đình Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái. Lễ hội Trà Cổ vừa để thể hiện lòng biết ơn cùng sự tưởng nhớ đối với các vị thành hoàng làng trong vùng vừa thể hiện ý thức trách nhiệm, tham gia bảo vệ và xây dựng biên giới càng giàu mạnh của người dân ở đây.
Ngay từ ngày 25 tháng 5 âm lịch, đã có đoàn thuyền rước từ Trà Cổ về quê tổ Ðồ Sơn. Đến ngày 30 tháng 5 âm bắt đầu diễn ra hội cũng là lúc thuyền từ Ðồ Sơn quay về đến Trà Cổ. Ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch, khởi đầu với lễ rước Vua ra bể (còn gọi là rước vua ra miếu), với nghi thức một đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bửu, sau đó là có người cầm cờ đặc biệt phải là người cường tráng trẻ đẹp và có đạo đức được làng bầu chọn từ cuối hội năm trước cùng những người khiêng kiệu. Ở lễ hội còn có hội thi “Ông Voi” rất đặc sắc, là cuộc thi giữa 12 chú lợn tạ được 12 ông đám nuôi và chăm sóc – đại diện cho 12 vị tiên công đã có công tìm ra Trà Cổ xưa.
Không những thế, những hội thi làm cỗ, thi nấu ăn cũng rất được đông đảo người dân hưởng ứng, nếu có ai trong làng nấu ăn ngon thì cả làng đều biết. Vào những ngày từ mùng 4 trở đi, có rất nhiều các hoạt động, trò chơi dân gian thú vị khác như: kéo co, cờ tướng, nhảy bao bố, đi cà kheo, đẩy gậy, đặc biệt còn có môn đan lưới của những người ngư dân là một hoạt động hết sức thú vị, đem lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho khách đến tham gia. Cổ Cuối hội vào ngày mùng 6 có tổ chức múa bông là một hình thức cầu mong thần linh phù hộ ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, chăn nuôi trồng trọt cỏ cây tươi tốt, buôn bán làm ăn may mắn, phát đạt, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no.
6
Lễ hội đền An Sinh – Quảng Ninh
An Sinh là khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ 8 đời vua nhà Trần, và đền cũng chính là nơi xưa kia các vua Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiển Tông, Trần Anh Tông đã tu hành. Đền đã được tỉnh Quảng Ninh đầu tư gần 4 tỉ đồng để khôi phục lại, được hoàn thành năm 2000.
Lễ hội đền An Sinh được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 9 dương lịch. Mở đầu là nghi thức múa Tứ Quý của đội múa xã An Sinh (Đông Triều). Tiếp sau bài diễn văn và tiếng trống khai mạc là nghi lễ dâng hương, các màn biểu diễn võ thuật của thiếu nhi, thể dục dưỡng sinh của các cụ cao tuổi, nghi thức rước, tế của các đội tế xã Tân Việt, Bình Dương, An Sinh, Thủy An (huyện Đông Triều) và Lê Chân (Hải Phòng).
Ngoài phần lễ, BTC cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, các trò chơi dân gian như liên hoan văn nghệ tiếng hát khu dân cư; thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc, đập niêu …
7
Lễ hội chùa Long Tiên – Quảng Ninh
Tọa lạc ngay chân núi Bài Thơ của thành phố Hạ Long, Chùa Long Tiên luôn có sức thu hút đặc biệt đến du khách và lễ hội Chùa Long Tiên cũng vậy. Dẫu cho không phải đến để cầu an khấn Phật hay chủ ý thăm chùa, du khách vẫn bị lôi cuốn vào dòng người hồ hởi, trẩy hội trong niềm hân hoan lộ rõ trên từng khuôn mặt.
Lễ hội Chùa Long Tiên có ngày hội chính diễn ra vào ngày 24 tháng 3 âm lịch tại Chùa Long Tiên, một ngôi chùa rất nổi tiếng của thành phố Hạ Long. Khách đi du lịch đến Hạ Long vào đúng dịp lễ hội này, dường như chưa có ai bỏ lỡ dịp tham dự.
Lễ hội Chùa Long Tiên cũng như lễ hội ở nhiều địa phương khác, cũng có phần lễ và phần hội. Người ta sẽ tổ chức rước kiệu theo một hành trình đầy trang nghiêm với điểm xuất phát từ Chùa Long Tiên, sau đó qua đền Đức Ông, rồi Đền thờ An Dương Vương, qua Loong Toòng, lại trở về chùa. Theo kiệu, bao giờ cũng là những dòng người nối nhau đến đông nghẹt, trong đó người theo để mong cầu may mắn, người theo vì lòng tưởng nhớ đến tổ tiên, người theo để cầu an kính Phật, song cũng có rất nhiều người đi theo kiệu bởi thực sự muốn trải nghiệm một lễ hội đông đúc của đất Hạ Long nổi tiếng này.
Kết thúc hành trình rước kiệu, mọi người có thể dâng hương, cầu khấn, vãn chùa. Phần hội sau đó được tổ chức nhẹ nhàng, đủ để làm cho người tham dự cảm nhận niềm vui trẩy hội truyền thống thật ý nghĩa, vẫn còn nguyên đó giữa cuộc sống hiện đại xô bồ.
8
Lễ hội đền Quan Lạn – Quảng Ninh
Lễ hội Quan Lạn vừa kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 và chiến công của Trần Khánh Dư, vừa là ngày hội cầu được mùa của cư dân vùng biển. Lễ hội Quan Lạn (còn gọi là hội đua bơi Quan Lạn), là hội làng của người dân xã đảo Quan Lạn, một hòn đảo nằm ở khu trung tâm thương cảng cổ Vân Đồn. Lễ hội được tổ chức trên bến Đình, nơi có đình Quan Lạn là một lễ hội lớn ở Quảng Ninh.
Lễ hội Quan Lạn được tổ chức từ ngày 10 tới 20 tháng 6 âm lịch hàng năm. Lễ hội mang sắc thái địa phương độc đáo, đã in đậm vào đời sống của một vùng thương cảng cổ Vân Đồn.
Ngày 10 tháng 6: khoá làng (một tục làm trong lễ hội của người Việt), dân trong làng không được đi bất cứ đâu nhưng những người làm ăn ở xa và khách thập phương lại có thể về làng dự hội. Ngày 16 làm lễ nghinh thần. Dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè (cách đình 1,5 km) về đình. Dưới bến, đôi thuyền đua tập luyện tạo một không khí tưng bừng náo nhiệt.
Ngày 18 tháng 6 vào 3 giờ chiều (năm nào cũng vậy thường lúc này nước triều lên tới sát bến của đình) hai bên bắt đầu xuất phát. Lính bên văn áo trắng quần xanh, chân quấn xà cạp xanh, lính bên võ quần áo xám hoặc đen. Tiếng chiêng trống, tiếng hô vang, cờ bay phần phật đầy khí thế. Mỗi khi hai đàn giáp nhau ở sân đình, quân lính cùng dân chúng hét lớn vang dậy cả một vùng. Hai tướng múa những đường đao đẹp mắt, hai đoàn quân gặp nhau ba lần, tượng trưng cho ba lần đánh thắng quân Nguyên thời Trần. Tới lần thứ ba hai đoàn quân tập hợp trước miếu, hai vị tướng vào tế, khi quay trở ra thì cuộc đua thuyền mới chính thức bắt đầu.
9
Lễ hội chùa Ba Vàng – Quảng Ninh
Lễ hội du xuân chùa Ba Vàng diễn ra trong tháng 1 âm lịch tại ngôi chùa linh thiêng nằm ở lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc thành phố Uông Bí. Đây là dịp các tăng ni, Phật tử và du khách phương xa tấp nập trẩy hội trong tiết trời ấm áp để cầu bình an trong năm mới. Hơn nữa, điểm du lịch tâm linh hấp dẫn này còn giúp lan tỏa những giá trị tinh thần tốt đẹp đến người dân.
Lễ hội Chùa Ba Vàng chính thức khai hội sau nghi lễ thỉnh chuông và gióng trống. Lúc này, mọi người cùng tiến hành các nghi thức nghiêm trang như dâng hương, thả bóng bay để cầu sức khỏe, bình an và mong cho quốc thái dân an. Đồng thời trụ trì của chùa cũng kêu gọi những hành động thiết thực thể hiện tinh thần đoàn kết, xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, hưng thịnh.
10
Lễ hội chùa Ngọa Vân – Quảng Ninh
Hàng năm vào ngày mùng 9 tháng giêng, lễ khai hội xuân chùa Ngọa Vân năm chính thức được khai mạc. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, tri ân công đức của Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Chùa Ngọa Vân tọa lạc trên núi Bảo Đài thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều là di tích quan trọng bậc nhất trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Chùa được xây dựng vào thời Trần là một trong những công trình nằm trong hệ thống di tích Yên Tử. Tương truyền, đây là nơi Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và hóa phật, được coi là “thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Ngay trong ngày khai hội, hàng nghìn người dân và du khách đã về tham dự, tạo nên một không khí náo nức, nhộn nhịp nhưng vẫn rất trang trọng. Bên cạnh phần lễ, Hội chùa Ngọa Vân còn có nhiều hoạt động phong phú như giao lưu văn nghệ của các câu lạc bộ chèo trên địa bàn; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt, bắt chạch trong chum, ném còn…
11
Lễ hội đình Lục Nà Bình Liêu – Quảng Ninh
Theo thường lệ cứ đến ngày 16 tháng giêng âm lịch, tại thôn Bản Cáu xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu tổ chức Khai hội Đình Lục Nà.
Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ công ơn của Hoàng Cần, người con anh hùng của đất Bình Liêu, đã có công đánh đuổi giặc khăn vàng giải phóng quê hương. Đồng thời là điểm hẹn văn hóa đầu xuân, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng nhân dân các dân tộc tày, dao, sắn chỉ, kinh trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Cũng như mọi năm, Lễ hội Đình Lục Nà được tổ chức làm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm rước sắc phong bài vị thần thành hoàng làng Hoàng Cần đi 1 vòng quanh thôn Bản Cáu nơi có Đình Lục Nà. Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian: bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, cờ tướng, đánh quay, chọi chim, nhảy bao bố, thi đi guốc mộc, bóng đá, trình diễn trang phục dân tộc. Trong đó nét mới của lễ hội năm nay là ở môn đánh quay, lần đầu tiên có phần thi dành cho các cô gái dân tộc, đã tạo được tạo không khí vui xuân, sôi nổi, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc Bình Liêu.
Lễ hội Nghè La được tổ chức tại Miếu Nghè La, xã Cẩm La (TX Quảng Yên) thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia.
Đây là lễ hội truyền thống của nhân dân trong xã để ghi nhớ công lao khai thiên lập địa của tổ tiên, răn dạy con cháu về truyền thống của làng cũng như mở hội đầu xuân cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội Nghè La có hai phần Lễ và Hội, trong đó phần Lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống dân làng rước tượng Thành hoàng từ Miếu Nghè La về Đình tế lễ… Phần Hội gồm nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như: kéo co, chọi gà, cờ tướng….
Di tích Nghè La hiện còn lưu giữ tượng Thành hoàng, hai đạo sắc phong của vua Thành Thái và vua Duy Tân cùng nhiều đồ thợ tự có giá trị. Năm 2006 di tích Nghè La được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Tỉnh.
12
Lễ Thượng nguyên Đền thờ Vua Lý Anh Tông – Quảng Ninh
Theo thường lệ cứ vào ngày 16 tháng giêng hàng năm. Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn đã tổ chức Lễ Thượng Nguyên đền thờ Vua Lý Anh Tông.
Đền thờ Vua Lý Anh Tông nằm tại khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn có tên Vân Hải linh từ, được xây dựng từ năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (1172). Đền được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là di tích văn hoá lịch sử cấp tỉnh ngày 28-11-2007. Bị xuống cấp do thăng trầm thời gian, Đền đã được khởi công xây dựng lại ngày 9-10-2011, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Nằm ở vị trí đắc địa giữa vùng non nước sơn thuỷ hữu tình, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, với công trình kiến trúc cổ truyền thống, đền thờ vua Lý Anh Tông đáp ứng nguyện vọng và phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của nhân dân trong và ngoài huyện. Đền không chỉ là công trình văn hoá lịch sử mang tính tâm linh mà còn là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách thập phương.
13
Lễ hội đình làng My Sơn, xã Phú Hải
Cứ vào ngày 16 tháng giêng hàng năm, bà con nhân dân xã Phú Hải huyện Hải Hà lại nô nức về dự lễ hội Đình làng My Sơn. Đây là nét văn hoá truyền thống được bà con nhân dân xã Phú Hải gìn giữ, bảo tồn và phát huy từ nhiều năm nay.
Đình làng My Sơn là nơi thờ cúng các vị Đức vua, các vị quan lớn, thờ Thành Hoàng vạn cảnh canh giữ các cửa sông, cửa biển. Lễ hội Đình làng My Sơn được diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như: lễ rước từ đình ra cửa sông để đón các vị thành hoàng làng về vui hội, tổ chức các đội tế nam, tế nữ, hát nhà tơ múa hoa đăng và nhiều nghi lễ tâm linh cầu cho một năm gặp nhiều may mắn, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Ngoài các nghi lễ mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh, các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, đan lưới và bắt vịt … đã thu hút được đông đảo nhân dân trong xã và du khách thập phương về tham dự.
Có thể nói lễ hội Đình làng My Sơn là một trong những lễ hội đình làng mang đậm nét văn hoá tâm linh của ngư dân vùng biển, lễ hội đã thu hút được đông đảo du khách thập phương xa gần về dự lễ hội và tạo được không khí vui tươi phấn khởi, đoàn kết trong nhân dân. Lễ hội đình làng My Sơn cũng đã góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc.
14
Lễ hội Carnaval Hạ Long – Quảng Ninh
Khác với hầu hết các lễ hội ở trên đều được tổ chức từ khá lâu đời, Carnaval Hạ Long là một lễ hội theo phong cách hiện đại, được tổ chức để đánh dấu điểm khởi đầu cho mùa du lịch hè sôi động của thành phố Hạ Long. Tại lễ hội này, du khách sẽ được hòa mình vào không gian của lễ hội, biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu và dưới đường phố.
Lễ hội Carnaval mỗi năm được tổ chức với một chủ đề khác nhau nhằm chuyển tải những thông điệp riêng, giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về con người, cùng đất Quảng Ninh, về Vịnh Hạ Long, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Carnaval Hạ Long thường sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch, thường sẽ trùng với kỳ nghỉ lễ lớn đầu tiên trong năm 30/04 – 01/05.
15
Lễ hội hoa anh đào Hạ Long – Quảng Ninh
Tổ chức lần đầu tiên năm 2013, Lễ hội hoa anh đào Hạ Long đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, được nhiều người dân địa phương cũng như khách du lịch mong chờ và yêu thích sau 4 năm tổ chức.
Lễ hội hoa anh đào được tổ chức vào khoảng tháng 3,4 hàng năm tại thành phố Hạ Long xinh đẹp. Với mong muốn đem đến cho mọi người những trải nghiệm sinh động như đang sống trong lễ hội Hanami của xứ sở phù tang, lễ hội là nơi tái hiện không gian văn hóa truyền thống và phong cảnh đẹp của Nhật Bản bằng việc trưng bày những cây hoa anh đào nở rộ hoa khoe sắc hồng tinh khôi. Cùng với loài hoa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc, lễ hội cũng giới thiệu vẻ đẹp của loài hoa chỉ có ở miền đất Phật Quảng Ninh đó là mai vàng Yên Tử đến các du khách thập phương trong lần thứ 4 tổ chức. Đây là một lễ hội ở Quảng Ninh đặc sắc nhất.
Tham gia lễ hội, du khách không chỉ mãn nhãn ngắm sắc hoa anh đào thắm hồng, ngọt ngào, hay mai vàng rực rỡ, mà còn được hoà mình vào không khí lễ hội mùa xuân rạo rực, tưng bừng với các hoạt động đặc sắc, phong phú: Chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật Việt – Nhật; trò chơi dân gian 2 nước; các gian hàng trưng bày, giới thiệu về du lịch, ẩm thực, hàng lưu niệm, sinh vật cảnh và một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh cũng như Nhật Bản…
Đến với Hạ Long (Quảng Ninh) vào đúng dịp Lễ hội Hoa anh đào, chắn chắn các du khách sẽ có một trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến hành trình khám phá vẻ đẹp thành phố xinh đẹp nằm bên bờ di sản.
Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Quảng Ninh mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Quảng Ninh có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Quảng Ninh vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.