Quảng Ninh: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Một trong những đơn vị tiên phong thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Quảng Ninh là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188. Với diện tích trên 1,5ha, công ty đã đầu tư nhà màng trồng rau thủy canh và ứng dụng phương pháp trồng thủy canh lưu hồi bằng hệ thống máng thủy canh nhập từ Thái Lan, trong nhà màng khép kín.
Thực hiện mô hình này, cây trồng được cách ly mầm bệnh, tránh độc tố từ chất hóa học. Sản phẩm của công ty nhờ đó đảm bảo chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (ATTP), đến nay đã có mặt tại nhiều hội chợ, siêu thị Vinmart, Big C, các nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn…
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao giúp tối ưu hoá quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Tại TX.Quảng Yên, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương cũng triển khai ứng dụng KHCN phát triển sản xuất rau hữu cơ trong nhà lưới, mang lại hiệu quả cao.
Với hơn 500m2, mô hình rau hữu cơ của công ty được thực hiện theo nguyên tắc “6 không”: Không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản, không sử dụng giống biến đổi gen, không đất ô nhiễm.
Ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, sản phẩm của công ty luôn đảm bảo chất lượng, đạt năng suất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tại TX.Đông Triều, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho năng suất đạt từ 58-60 tạ/ha. Ngoài tăng hiệu quả kinh tế 20-30%, sản xuất lúa hữu cơ đã giúp cho môi trường đất, nước được cải thiện, các loài sinh vật như cá, tôm, cua, ốc trong các ruộng lúa hữu cơ tăng cả về số lượng và chất lượng.
Đối với cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ, một số vùng trồng cây quế ở huyện Đầm Hà, huyện Tiên Yên hiện đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu.
Theo đó, gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ đã được cấp visa xuất ngoại và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu, với giá bán dao động từ 23.000-25.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với quế thông thường).
Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được Quảng Ninh xác định là chiến lược quan trọng nhằm tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại
Với nguyên tắc “trồng cây khoẻ”, tạo ra năng suất cao cho quần thể cây trồng, hạn chế thấp nhất sự xâm nhiễm của dịch hại, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 800ha cấy lúa, trồng rau và cây ăn quả đã ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nhờ ứng dụng IPM, tình trạng sâu bệnh đã hạn chế đáng kể so với những diện tích trồng khác không ứng dụng, mang lại năng suất, sản lượng cây trồng cao, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước…
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 79 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP trồng trọt với diện tích 918,98ha.
Đặc biệt, thực hiện dự án sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo VSATTP vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 10ha na, 10ha vải thiều tại Đông Triều và 10ha vải chín sớm tại Uông Bí.
Diện tích trồng được chứng nhận VietGAP có giá trị sản phẩm cao hơn từ 10% trở lên so với các sản phẩm thông thường trên địa bàn, góp phần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng tại các vùng sản xuất trên 20%, riêng thuốc trừ cỏ giảm trên 50%.
Không chỉ có cây trồng, mà các địa phương cũng tập trung điều chỉnh phương thức sản xuất chăn nuôi, vùng chăn nuôi, tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng…
Chăn nuôi công nghệ, ứng dụng công nghệ cao theo đó phát triển mạnh mẽ. Đàn giống được cải thiện với nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến.
Mô hình gia trại chăn nuôi trên 200 con lợn thịt của gia đình anh Vũ Văn Diên (khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành, TX.Quảng Yên), để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ năm 2020, gia đình anh đã sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng trại.
Mô hình nuôi lợn áp dụng đệm lót sinh học bảo vệ môi trường của gia đình anh Vũ Văn Diên, khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành (TX Quảng Yên).
Đệm lót được làm bằng nguyên liệu hữu cơ đã được lên men bằng vi sinh vật, sử dụng làm nền chuồng giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm… Đến nay, đàn lợn của gia đình phát triển ổn định, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền (SN 1988, thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) là người có công phục tráng giống gà bản Đầm Hà.
Sau khi được chuyển giao và làm chủ công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất con giống, việc cung cấp gà giống ra thị trường ổn định. Anh cùng một số hộ dân thành lập HTX Tuyền Hiền chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà bản Đầm Hà thương phẩm.
Nhờ ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, giống gà bản Đầm Hà đã được phục tráng thành công.
Gia đình anh Tuyền đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 2 chuồng gà sinh sản hệ thống làm lạnh, 4 máy ấp, 2 nhà úm gà giống, 2 nhà gà hậu bị 300m2, 1 nhà bảo quản và ấp trứng, 2 chuồng nuôi gà thương phẩm 500m2…
Hằng năm, HTX Tuyền Hiền cung cấp khoảng 200.000 con gà giống ra thị trường, xuất bán khoảng 150-200 tấn gà thương phẩm, lợi nhuận thu nhập bình quân đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ bà con về thức ăn, bao tiêu đầu ra sản phẩm, trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân nuôi gà bản Đầm Hà.
Việc nuôi gà trong chuồng lạnh sẽ giúp điều tiết được nhiệt độ, ánh sáng và không khí trong chuồng, tạo môi trường tốt nhất cho gà sinh sản.
Hiện gà bản Đầm Hà là sản phẩm OCOP 3 sao, và được UBND tỉnh Quảng Ninh tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021.
Không riêng những mô hình kể trên, nhiều năm trở lại đây, việc nông dân chủ động ứng dụng KHCN vào sản xuất ngày càng phổ biến. Nhiều người mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng giống mới, công nghệ cao mang lại thu nhập tăng thêm trên cùng diện tích canh tác.
Có thể thấy, việc mạnh dạn đầu tư cho KHCN luôn được Quảng Ninh coi là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đồng thời, gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến và phát triển thị trường tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.